Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/11/2024

Điểm báo Pháp - Donald Trump trở lại huy hoàng

RFI tiếng Việt

Sống sót sau nhiều sóng gió, Donald Trump quay lại huy hoàng

Les Echos ngày 06/11/2024 trên trang web gọi Donald Trump là "người sống sót". Vẫn trụ lại được sau "impeachment", các phiên tòa, sự chống đối ngay trong phe mình, sự xuất hiện bất ngờ của Kamala Harris và hai vụ mưu sát, Donald Trump - người không bao giờ nhìn nhận thất bại - đã tuyên bố chiến thắng và quay lại Nhà Trắng ở tuổi 78. Chuyện khó tin nhưng có thật.

trolai1

Tổng thống tân cử của đảng Cộng Hòa, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bên cạnh phu nhân Melania, con trai Barron, con dâu Lara trong cuộc mít-tinh ở Florida, Hoa Kỳ ngày 06/11/2024. Reuters - Brian Snyder

Các báo đều đã lên khuôn trước khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng trên trang web luôn tường thuật trực tiếp cho đến 9 giờ sáng Paris ngày 06/11/2024, khi ông Donald Trump tuyên bố thắng cử.

Libération cho biết ở tổng hành dinh chiến dịch của ứng cử viên Dân Chủ tại đại học Howard ở Washington, được mệnh danh là "Black Harvard", người tổ chức vào lúc 1 giờ sáng địa phương lên thông báo trước những người ủng hộ đã tản mác dần, rằng Kamala Harris không phát biểu đêm nay. Theo các nhà báo có mặt, âm thanh ti vi trong khuôn viên đã bị tắt, thay vào đó là tiếng nhạc. Hồi năm 2016, bà Hillary Clinton hôm sau mới lên tiếng để công nhận thất bại. Ngược lại bên phía Donald Trump là không khí tưng bừng, và Le Monde ghi nhận từ lúc các bang "chiến địa" bắt đầu chuyển sang màu đỏ của Cộng Hòa, không thấy phe Trump kêu rêu "bầu cử gian lận" nữa.

Tái chiếm Nhà Trắng ở tuổi 78, một kỳ tích

Trang web của Les Echos nhận định "Donald Trump, người sống sót". Vẫn trụ lại được sau "impeachment", các phiên tòa, sự chống đối ngay trong phe mình, sự xuất hiện bất ngờ của Kamala Harris và hai vụ mưu sát, Donald Trump - người không bao giờ nhìn nhận thất bại - đã tuyên bố chiến thắng và quay lại Nhà Trắng ở tuổi 78. Chuyện khó tin nhưng có thật.

Hôm 13/07/2024 tại Meridian (Pennsylvania), Thomas M. Crooks, 20 tuổi, đã bắn vào Donald Trump. Nhưng viên đạn chỉ sượt qua tai và Trump đứng dậy, giơ cao nắm đấm. Đó là hình ảnh của năm, của chiến dịch tranh cử và của cuộc đời ông. Trump đã sống sót. Tháng Giêng 2021 khi rời Nhà Trắng, nhiều người cho rằng cần chôn vùi thời kỳ Trump. Sau thủ tục truất phế, các phiên tòa đang chờ đợi, sự nghiệp coi như kết thúc. Nhưng Donald Trump thoát được "impeachment" nhờ vài lá phiếu, tránh khỏi tay các thẩm phán nhờ câu giờ, thắng được các nhân vật đầy tham vọng Ron DeSantis và Nikki Haley.

Bốn năm sau vụ tấn công, Trump sẽ quay lại đồi Capitol vào tháng Giêng, trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ sau khi đã là tổng thống thứ 45. Đây là người đầu tiên tái chiếm được Nhà Trắng kể từ một thế kỷ qua, vào lứa tuổi "U80", chỉ thua Joe Biden có vài tháng hồi năm 2021.

Thế giới sẽ ra sao thời Trump đệ nhị ?

Hôm 30/05, Trump là tổng thống đầu tiên bị kết án hình sự liên quan đến chiến dịch tranh cử 2016, nhưng nay mối đe dọa từ ba phiên tòa khác đã lùi xa. Các cáo buộc đáng ngại "âm mưu chống Nhà nước", "lưu giữ thông tin về an ninh quốc gia", "cản trở tư pháp", "trốn thuế"… không làm chùn tay cử tri. Tháng Giêng 2016 Trump từng nói nếu ông bắn vào ai ngay trên Đại lộ số 5 thì ông vẫn không mất một cử tri nào.

Kamala Harris từng cảnh báo : "Trump không phải là người nghiêm túc, chiến thắng của ông ta sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng". Lần này, Trump quay lại với bộ sậu riêng và các nhân vật đã được sắp sẵn vị trí. Không còn những "người lớn trong phòng", như ví von về các cố vấn Cộng Hòa đã can gián ông trong nhiệm kỳ trước. Thế nên lo ngại càng tăng thêm cho kinh tế thế giới, với các dự án bảo hộ nghiêm ngặt hơn, rào cản thương mại với Trung Quốc và ngăn chặn luồng nhập cư. Nền dân chủ dễ tổn thương hơn, xã hội càng chia rẽ, đối với phụ nữ việc cấm phá thai được trao lại cho từng bang quyết định.

Châu Âu càng cô đơn. Đối với hành tinh, Trump cổ vũ khoan dầu nhiều hơn và chữ "khí hậu" thậm chí còn không xuất hiện trong chương trình của ông. Với Ukraine, Trump không mấy ủng hộ. "Chúng ta đã làm nên lịch sử. Chẳng ai tin chúng ta làm được cả" - ông nói khi tuyên bố chiến thắng. Trump đã sống sót. Vấn đề là biết được những gì có thể sống sót trong nhiệm kỳ Trump.

America first

Trong bài xã luận "Nước Mỹ trước hết", Le Figaro cảm thán, cứ mỗi bốn năm, người Châu Âu lại trở thành khán giả bất lực đứng nhìn cuộc chiến tranh cử tuy ở rất xa, nhưng lại tác động đến tương lai mình. Tân tổng thống Hoa Kỳ nắm trong tay lá bài về an ninh và thịnh vượng của họ - tùy theo việc nhà lãnh đạo nước Mỹ có bảo đảm sự răn đe của NATO hay không, có phát triển quan hệ ưu tiên giữa các đồng minh hay khởi động cuộc chiến thương mại.

Cứ mỗi bốn năm, sự hồi hộp từ vài hạt của bang Pennsylvania lại đưa Châu Âu vào tình trạng lệ thuộc. Theo Le Figaro, với thời gian cần phải hiểu rằng người chủ thứ 47 của Phòng Bầu dục, cũng như tất cả những người tiền nhiệm, vẫn coi "Nước Mỹ trước hết". Thuế quan, rút khỏi các hiệp ước quốc tế, cạnh tranh thu hút các kỹ nghệ mang tính sáng tạo, bảo vệ đồng thời bán vũ khí... Hoặc thô bạo và đơn phương, hoặc lịch sự ngoại giao nhưng Hoa Kỳ đặt lợi ích của mình lên trên hết. Thực tế này buộc Châu Âu phải quan tâm đến tính cách và năng lực khác nhau của người đắc cử.

Rất cần phải đoàn kết trước sức mạnh Mỹ, nhưng tờ báo cá cược rằng trong những tuần lễ tới, sẽ diễn ra một cuộc trình diễn vội vã và lộn xộn của những nhà lãnh đạo cựu lục địa trước chủ nhân mới của thế giới, với hy vọng được một ít ưu ái. Điều này chỉ làm Châu Âu cùng yếu đi. Pháp khá cô đơn khi tỏ ra không khuất phục trong quan hệ song phương, nhưng Đức lo sợ cho xuất khẩu và cần chiếc dù nguyên tử của Mỹ. Nếu trong bốn năm tới vẫn không thay đổi, thì thực sự sẽ quá trễ.

Châu Á chờ đợi Washington xoay trục

Tại Châu Á, Quốc hội Trung Quốc đang họp đến ngày 08/11 để bàn về kế hoạch thúc đẩy kinh tế, chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ để quyết định. Và ngân hàng Nomura cho rằng kế hoạch này sẽ tăng thêm 10% đến 20% khi Trump đắc cử để đối phó với một cuộc chiến tranh thương mại mới, vì ông hứa sẽ đánh thuế 60% vào hàng Trung Quốc. Các "con rồng Châu Á" cũng lo ngại vì trông cậy vào đầu tư của Washington lẫn Bắc Kinh. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc lo rằng chi phí cho các căn cứ quân sự Mỹ sẽ tăng lên.

Le Figaro cho biết Hàn Quốc hôm thứ Hai đã thỏa thuận với Lầu Năm Góc duy trì sự hiện diện của các GI đến năm 2030, chấp nhận đóng góp thêm 8,3%. Trong nhiệm kỳ trước, Donald Trump đòi tăng chi phí gấp bốn ! Seoul lo nhất là giữa Trump và Kim Jong-un lại có tuần trăng mật mới, khi Bình Nhưỡng đã thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngay trước ngày bầu cử. Trong khi các thành viên NATO nghi ngờ Mỹ giảm cam kết trước Nga, Châu Á chờ đợi Washington đẩy nhanh "xoay trục" sang Ấn Độ-Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc.

Kremlin ủng hộ Trump nhưng dè chừng

Về phía Moskva, theo Les Echos, tuy Kremlin không ủng hộ Trump rõ nét như hồi 2016, nhưng thực sự phấn khởi trước kết quả thăm dò sát nút gần đây mà phần thắng được cho là nghiêng về Trump. Chỉ cần xem truyền hình Nga sẽ thấy : Lâu nay vẫn mô tả phó tổng thống Mỹ là bất tài, chỉ lắng đi một chút khi bà Harris thắng trong tranh luận. Tại hội nghị BRICS, Putin nói rằng Trump "chân thành" khi muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine. Kremlin thích thú mỗi lần Trump chỉ trích viện trợ Mỹ cho Kiev, và mối quan hệ cá nhân tệ hại với Zelensky, nhưng cũng không an tâm trước tính cách thất thường của Trump. Hồi năm 2016, nhiều người Nga đã mở sâm banh ăn mừng, tin rằng Trump sẽ bỏ cấm vận về vụ sáp nhập Crimea. Nhưng rốt cuộc ông đã không phủ quyết dự luật gia tăng trừng phạt.

Các nhà quan sát khác cho rằng Trump muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine không có nghĩa là ông chấp nhận mọi yêu sách của Nga. Điều này coi như bỏ rơi hẳn Ukraine, làm yếu đi khả năng răn đe của Hoa Kỳ. Trả lời Le Figaro, ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump, cho biết Ukraine đối với Trump chẳng mấy quan trọng, ông không ưa Zelensky từ năm 2018 về vụ truất phế, và vẫn tin rằng các máy chủ của Hillary Clinton được giấu tại Ukraine.

Ukraine, phương Tây và nguy cơ địa chính trị

John Bolton cũng lưu ý, Trump nghĩ là nếu quan hệ cá nhân với Putin là tốt đẹp thì giữa hai Nhà nước cũng vậy. Ông luôn muốn làm trái hẳn với Biden, nên điều để Kiev có thể hy vọng là Joe Biden tỏ ra kém hiệu quả với Ukraine, thì Donald Trump muốn chứng tỏ ngược lại. Tất cả còn tùy thuộc vào các cố vấn của Trump, và nếu cựu ngoại trưởng Mike Pompeo có mặt trong đội ngũ sẽ là tin tốt, đặc biệt nếu ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng.

Đối với Bắc Kinh, Donald Trump có ý nghĩ rất tiêu cực vì tin rằng con coronavirus xuất xứ từ Vũ Hán ở Trung Quốc, làm ông bị thất cử lần trước. Tuy nhiên theo Bolton, nếu Tập Cận Bình gọi điện xin gặp thì Trump sẽ chấp nhận, vì nghĩ là mình nói chuyện được với tất cả mọi người. Các đồng minh phải biết cách xử sự, thậm chí nịnh bợ Trump một chút để được việc.

Bolton nhắc lại, nguy cơ địa chính trị từ liên minh Trung Quốc-Nga-Iran-Bắc Triều Tiên là rất đáng lo, trong khi phương Tây chưa có phương cách đối phó. Thủ tướng Anh Keir Starmer sẵn sàng nhượng bộ ở Ấn Độ Dương, liên minh cầm quyền của thủ tướng Đức Olaf Scholz có cơ sụp đổ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang yếu thế. Rõ ràng Trung Quốc đã tính toán : Nếu Hoa Kỳ không thể chống lại sự xâm lăng của Nga ngay tại Châu Âu thì cũng sẽ không bảo vệ Đài Loan.

Ahoo Daryaei : Biểu tượng phản kháng mới ở Iran

Hình ảnh một cô gái chỉ mặc đồ lót đi trên đường đã trở thành biểu tượng mới của phong trào phản kháng ở Iran. Hôm thứ Bảy 02/11, Ahoo Daryaei, nữ sinh viên 30 tuổi khoa tiếng Pháp của trường đại học Azad ở Tehran, đã bị lực lượng an ninh của khoa chận lại vì không mang khăn quàng che phủ tóc và cổ. Những "bassidji" hung hãn này đã xé áo cô.

Để phản đối, cô sinh viên cởi bỏ luôn trang phục, chỉ mặc đồ lót rồi rời khỏi trường, đi trên đường phố. Một cảnh tượng vô cùng hiếm hoi, có thể nói là độc nhất, được một người ở tòa nhà bên cạnh quay lại, video này đăng trên nhiều trang web tiếng Ba Tư và các nhóm bảo vệ nhân quyền. Một video khác cho thấy cô gái Iran vô cùng can đảm đã bị những người đàn ông mặc thường phục quăng vào một chiếc xe, và theo trang Amir Kabir, đã bị đánh đập khi bắt giữ.

Câu chuyện xảy ra vào thời điểm cuối tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ và kỳ nghỉ lễ Các Thánh ở Châu Âu, cộng đồng người Iran ở hải ngoại trách cứ báo chí quốc tế đã không đưa tin đậm về sự kiện có một không hai này. Lần đầu tiên có việc một cô gái gần như khỏa thân đi trên đường phố Tehran, trong khi cô Mahsa Amini chỉ quàng khăn không đúng cách đã bị bắt và bị đánh chết trong tù cách đây hai năm, gây ra phong trào biểu tình dữ dội và bị đàn áp thẳng tay khiến ít nhất 550 người thiệt mạng.

Trên WhatsApp lan tràn video này, được ghép với các hành động táo bạo đã đi vào huyền thoại khác, như người sinh viên Trung Quốc đứng chặn đoàn xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Le Figaro La Croix đều lo cho số phận của nữ sinh viên này. Cô Daryaei có nguy cơ bị tống vào bệnh viện tâm thần, bị lãnh án tử hình, hay bị án tù lâu dài vì "đồi trụy", "mại dâm".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 41 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)