Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/11/2024

Điểm báo Pháp - Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống 2024 : Thử thách chưa từng thấy cho dân chủ Mỹ

Ngày quan trọng của cuộc bầu cử được theo dõi nhất hành tinh đã đến, chiếm trang đầu tất cả các báo Pháp hôm nay 05/11/2024. Le Figaro nói về "Trump-Harris, hai nước Mỹ quay lưng với nhau". Le Monde coi đây là "một thử thách chưa từng thấy cho nền dân chủ Mỹ".

thuthach1

Mèo "Skye" tại một phòng phiếu ở Pittsburgh, Pennsylvania trong ngày bầu cử tổng thống Mỹ 05/11/2024. Reuters - Quinn Glabicki

Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ trên trang nhất báo Pháp

La Croix nhận xét "Nước Mỹ nín thở chờ đợi" cuộc bầu cử mà kết quả được báo trước là rất khít khao. Les Echos nhấn mạnh "Hoa Kỳ, giờ phút chọn lựa". Cuộc bầu cử sát nút sẽ được quyết định tại bảy bang "nghiêng ngả", số người đi bầu có thể đạt kỷ lục. Các cơ quan thăm dò lo sợ trước ý tưởng đánh giá thấp Donald Trump. Le Monde nhận xét "Hoa Kỳ : Harry-Trump, nền dân chủ được đánh cược". Libération chạy tít trang nhất "Harris-Trump, nền dân chủ dậy sóng" và dành đến 11 trang trong để phân tích, cùng với những bài phóng sự tại các bang chiến địa.

Trump-Harris, hai nước Mỹ đối nghịch

Le Figaro nói về "Trump-Harris, hai nước Mỹ quay lưng với nhau". Trên 200 triệu người Mỹ trong đó 1/3 đã bỏ phiếu sớm, sẽ chọn giữa cựu tổng thống Cộng Hòa và phó tổng thống Dân Chủ, sau một chiến dịch gay gắt và bầu không khí căng thẳng, báo trước sẽ không êm ả. Le Monde coi đây là "một thử thách chưa từng thấy cho nền dân chủ Mỹ".

Những dấu hiệu đều cho thấy số người đi bầu một lần nữa sẽ rất cao. Hồi năm 2020, tỉ lệ này đã cao nhất kể từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên ý thức công dân vừa tìm lại không nên dẫn đến sai lầm, đây là mặt tích cực duy nhất của tình trạng phân cực trong xã hội Mỹ, mà người chịu trách nhiệm chính là Donald Trump. Đảng Cộng Hòa hiện nay và các thẩm phán bảo thủ ở Tối cao Pháp viện cũng về phe với ông. Trump được lợi khi cử tri đã quên nhiệm kỳ ồn ào của ông, những chỉ trích đối với chính quyền mãn nhiệm dồn vào bà Harris. Phó tổng thống đã vào cuộc trễ tràng sau khi Joe Biden rút lui cuối tháng 7, thời gian quá ngắn để có được một chương trình tách biệt với Biden.

Le Figaro cho rằng cách đây bốn năm, người Mỹ mệt mỏi với nhiệm kỳ Donald Trump qua vô số tweet, cả ngàn lời nói dối, đã đưa ông cụ Joe Biden vào Nhà Trắng với hy vọng tìm lại đôi chút thanh thản. Nay họ thất vọng, dường như đang chuẩn bị trao một cơ hội mới cho ứng cử viên Trump dù cựu tổng thống chẳng mấy thay đổi. Nước Mỹ chia làm hai phe đối địch, và như vậy cuộc bầu cử khó thể diễn ra êm thắm. Cần phải có một chiến thắng áp đảo, và chỉ có ứng cử viên Dân Chủ cho biết sẵn sàng công nhận kết quả dù bất lợi cho mình.

Trump đã ấn định luật chơi được ăn cả ngã về không, đội quân ủng hộ ông chờ đợi giờ ca khúc khải hoàn hay nổi dậy. Thế nên tại Hoa Kỳ các phòng phiếu và trung tâm kiểm phiếu được bảo vệ chặt chẽ, với các drone và tay súng tinh nhuệ. Bị mưu sát hai lần, cựu tổng thống đưa ra một danh sách dài những "kẻ nội thù" - chưởng lý, viên chức, nhà báo - mà ông hứa sẽ trả đũa. Phó tổng thống kêu gọi "tất cả, trừ Trump". Nhưng trong trò chơi "Game of Thrones" này, bà có đủ tầm vóc để hạ được con rồng ?

Chưa hẳn là hồi kết

Libération cảnh báo, đây chưa phải là hồi kết của bầu cử Mỹ, mà tình hình vẫn có thể lộn xộn cho đến ngày 20 tháng Giêng, khi người kế nhiệm ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng. Những ngày cuối cùng của chiến dịch cho thấy căng thẳng dâng cao. Donald Trump biết rằng đây là cơ hội cuối cùng để quay lại với quyền lực, và những rắc rối tư pháp đang chờ đợi nếu không được hưởng quyền đặc miễn của tổng thống. Ông không có gì để mất, trong một nước Mỹ bị cắt làm đôi, trong đó phân nửa quyết tâm chiến đấu với nửa kia nếu ứng cử viên của mình không được bầu.

Bi kịch này vượt lên trên số phận của hai nhân vật, hai ê-kíp hay hai đảng ; cho thấy nền dân chủ đang bị lung lay, và cao hơn nữa, là vận mệnh thế giới. Nếu Donald Trump đắc cử, đại cường hùng mạnh nhất rơi vào tay một người sẵn sàng cổ vũ nội chiến, chối bỏ tình trạng biến đổi khí hậu để làm vui lòng các tập đoàn dầu lửa, bắt tay với Vladimir Putin để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, không coi trọng quyền của phụ nữ. Cả hành tinh đều hồi hộp trước một cuộc bầu cử chưa bao giờ sát nút đến thế.

hông khí căng thẳng đầy ngờ vực trong kỳ bầu cử

Năm nay đã có trên 77 triệu cử tri bỏ phiếu sớm qua bưu điện hay tại các thùng phiếu công cộng, hoặc tại phòng phiếu. Tuy những kết quả đầu tiên có được tối nay tại một số bang, tên người chủ mới của Nhà Trắng khó thể biết được trong nhiều ngày tới. Le Figaro ghi nhận đã có khoảng 180 đơn kiện trong những tháng gần đây, chủ yếu từ phe Cộng Hòa, phản đối các điều kiện tổ chức.

Mấy trăm lá phiếu đã biến thành tro khi một hộp thư dùng để bỏ phiếu sớm bị bốc cháy ở Oregon, bang Washington và Nevada. Tình báo phát hiện có sự can thiệp của Nga, Iran và Trung Quốc. Đồng minh Elon Musk, vốn có 200 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X, cũng hòa giọng với ông Trump tố cáo những dấu hiệu gian lận, càng gieo rắc ngờ vực. Theo thăm dò của Viện Gallup được Le Figaro dẫn lại, chỉ có 28% cử tri Cộng Hòa tin tưởng vào thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu, so với phe Dân Chủ là 84%.

Trong bối cảnh đó, khó thể loại trừ việc Donald Trump tuyên bố chiến thắng mà không chờ đến kết quả chung cuộc, như ông đã làm trong đêm 3 rạng 4/11/2020. Vào thời kỳ đó, phải mất bốn ngày màn sương mù mới tan, và Joe Biden chiếm đa số đại cử tri. Trump và các luật sư bèn tung ra chiến dịch "Stop the Steal" (Chấm dứt đánh cắp), kiện tụng, vận động các đại biểu địa phương không xác nhận... và cuối cùng là vụ bạo động đồi Capitol ngày 06/01/2021.Bốn năm sau, Quốc hội đã thông qua một dự luật lưỡng đảng bổ túc cho luật 1887 về kiểm phiếu và chuyển giao quyền lực, buộc các bang phải xác nhận danh sách đại cử tri trễ nhất là ngày 11/12, siết chặt các điều kiện phản đối.

Nước Mỹ khó yên tĩnh sau ngày 05/11

Những người có trách nhiệm tổ chức bầu cử, tư pháp, truyền thông, cơ quan an ninh đều đã chuẩn bị đối phó với bạo động. Các điều kiện cũng không giống hồi tháng 11/2020, lúc nước Mỹ vừa ra khỏi đại dịch và phải đối phó với các vụ bạo loạn, nhưng căng thẳng vẫn rất cao, như hai vụ mưu sát Donald Trump bất thành.

Thông tín viên RFI tại Hoa Kỳ David Thompson cho biết, cách đây vài ngày, ông tháp tùng một tổ chức ủng hộ đảng Dân Chủ đi gõ cửa từng nhà ở ngoại ô Atlanta để huy động người da đen đi bỏ phiếu. Nhà báo bỗng nhận ra rằng người phụ trách mang theo đến ba khẩu súng : một trong túi xách, một trong xe và một giấu trong người ; và được giải thích là để phòng thân trong trường hợp người ủng hộ ông Trump tấn công. Thompson không tin rằng mọi chuyện sẽ ổn thỏa sau ngày 05/11.

Đảng Cộng Hòa hứa sẽ gởi mấy chục ngàn tình nguyện viên và luật sư giám sát cuộc bầu cử và việc kiểm phiếu ở các bang quan trọng. Mọi cái nhìn đều hướng về bang Pennsylvania với 19 đại cử tri, vốn là trung tâm phản kháng hồi năm 2020. Một lực lượng "đặc nhiệm bầu cử" được thành lập gồm các đại diện nội vụ, vệ binh quốc gia và nhân viên liên bang về tình hình khẩn cấp, cảnh sát được tăng cường ở các phòng phiếu và địa điểm kiểm phiếu được dời sang một nhà kho rất an ninh ở phía bắc Philadelphia.

Le Figaro lưu ý là cuộc chiến truyền thông cũng vô cùng gay gắt. Ở Georgia, chính quyền tố cáo việc phổ biến một video giả mạo trong đó một người Haiti nhập cư giơ cao nhiều thẻ căn cước, nói đã đi bầu nhiều lần. Một deepfake dàn dựng cảnh một học trò cũ cáo buộc Tim Walz quấy rối tình dục, tuy bản thân đương sự đã cải chính. Cuộc chiến tư pháp có thể được quyết định ở Tối cao Pháp viện, nơi 6/9 thẩm phán đựoc các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm.
Donald Trump và Kamala Harris, ai sẽ là tổng thống ?

Về hai ứng cử viên, Le Figaro nhận thấy sự quay lại của Donald Trump là ngoạn mục. Chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ ba của ông cũng độc đáo. Tám năm sau khi bất ngờ đắc cử, con đường trở lại Nhà Trắng của ông cũng giàu kịch tính. Đối mặt với Trump là bà Kamala Harris, ứng cử viên vào phút chót. Một lần nữa ngấp nghé cánh cửa quyền lực, Donald Trump đại diện cho mẫu người mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ vẫn lo ngại : một nhân vật cá tính mạnh mẽ được ủng hộ bởi một phong trào bình dân.

Về phía Kamala Harris, mới cách đây sáu tháng chỉ là nhân vật phụ trên chính trường nước Mỹ. Trước đây khi chọn người đứng chung liên danh, Joe Biden đã chọn một người mờ nhạt không thể vượt qua được ông. Sự kiện Joe Biden bất ngờ rút lui khỏi đường đua khiến Harris nhanh chóng nắm lấy cơ hội : chưa đầy 48 giờ với hàng trăm cuộc điện đàm, bà đã chốt được cuộc tranh cãi về người lên thay thế Biden.

Trên chính trường Mỹ trước thời Trump, một ứng cử viên là phụ nữ, da màu, xuất thân từ California và đảng Dân Chủ, được coi là tổng hợp những yếu tố đầy rủi ro. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng đã đưa Kamala Harris trở thành ứng cử viên của một đảng đã tập hợp được số lượng nhiều hơn số cử tri của Dân Chủ : đó là tất cả những người Mỹ từ chối trao nhiệm kỳ thứ hai cho Donald Trump. Chỉ trong bốn tháng bà đã đuổi kịp ứng cử viên của đảng Cộng Hòa. Không có nhiều kinh nghiệm chính trị như các ứng cử viên Dân Chủ từng đối đầu với Trump là Hillary Clinton và Joe Biden, Harris biết rằng số phận được quyết định bởi vài chục ngàn lá phiếu tại một ít bang chiến trường.

Elon Musk, từ Hỏa tinh đến Donald Trump

Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống Mỹ lần này, các báo đều chú ý đến vai trò của người giàu nhất thế giới. Chuyên gia kỹ thuật số Jen Schradie trên Le Monde nhấn mạnh : "Trong tay Elon Musk, X không chỉ là mạng xã hội mà còn là vũ khí". Trong bài "Elon Musk, từ Hỏa tinh đến Donald Trump", Les Echos nhận xét trong khi đa số báo chí nghĩ rằng sự quay lại của Trump là mối đe dọa, nhà tỉ phú cho rằng cựu tổng thống là người cứu vãn nước Mỹ.

Ông viết vô số bài ủng hộ trên mạng X, sử dụng thuật toán để đạt hiệu quả tối đa – Washington Post đã đếm được 300.000 chữ. Một số người coi đây thuộc về gu thích thử thách của Musk : Space X, Tesla, x-IA, Neuralink… Tất cả những đột phá nổi bật trong công nghệ lệ thuộc vào các hợp đồng công, hoặc như trong lãnh vực xe điện, vào các biện pháp bảo hộ mà ứng cử viên Cộng Hòa đã hứa.

Những người khác tự hỏi phải chăng vụ một trong số 12 người con của Musk chuyển giới từ nam sang nữ cách đây hai năm, đã khiến người cha tức giận muốn dùng mọi cách để hạ gục con quỷ "wokisme" mà theo ông phe Dân Chủ là đại diện. Musk không ngần ngại tổ chức xổ số để khuyến khích cử tri các bang "nghiêng ngả" đi bầu, mỗi ngày có một người may mắn trúng được 1 triệu đô la. Với tài sản của ông, đây chỉ đơn giản là hoạt động "những đồng xu màu vàng" tiền lẻ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 42 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)