Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/11/2024

Điểm báo Pháp - Dùng drone biển đuổi Hạm đội Hắc Hải

RFI tiếng Việt

Dùng drone biển đuổi Hạm đội Hắc Hải, Ukraine khiến thế giới thay đổi quan điểm về hải chiến

Trong bối cảnh triển lãm Euronaval khai mạc tại Paris hôm nay 04/11/2024, Le Monde nói về "Drone biển, vũ khí giờ đây mang tính quyết định trong hải chiến". Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã chứng tỏ sự quan trọng của loại drone này, nhưng Châu Âu lại chậm chạp so với Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

drone1

Kho dầu Nga ở Sevastopol (Crimea) bốc cháy vì bị drone Ukraine tấn công ngày 29/04/2023. AP

Drone biển đẩy lùi hạm đội Nga : Bất ngờ lớn của chiến tranh Ukraine

Một quân đội không có hải quân đã đuổi được hạm đội Nga, một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới trên Hắc Hải. Đó là một trong những bất ngờ lớn nhất của cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nhờ những chiếc xuồng nhỏ có kích thước như Jet-Ski hay hors-bord, Ukraine đã đánh chìm khá nhiều chiến hạm Nga khiến Moskva phải dời hạm đội sang cảng Sevastopol. Nay hải quân các nước đều quan tâm đến vai trò của các tàu không thủy thủ, được gọi là "USV" (unmanned surface vehicle theo tiếng Anh).

Le Monde cho biết công nghệ hiện nay cho phép các drone biển nhỏ hơn, vững chắc hơn, hiệu quả hơn, mà cuộc chiến Ukraine đã giúp tăng tốc. Từ 2023, phe Houthi đã bắt chước trên Hồng Hải. Mỹ bắt đầu dùng những chiếc Sea-Hunter không người lái để tuần tra từ 2016, chi phí chỉ 20.000 đô la so với khu trục hạm đến 700.000 đô la, và vào tháng Giêng đã hạ thủy "ghost fleet" (đoàn tàu ma) gồm bốn chiếc có kích thước như một con tàu nho nhỏ (60 đến 90 mét), được đặt tên là Vanguard.

Washington muốn về lâu về dài dùng để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các xưởng đóng tàu Mỹ không thể theo nổi nhịp độ chóng mặt của Trung Quốc, nên drone hải chiến là một giải pháp. Theo đô đốc Samuel Paparo, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Mỹ sẽ biến eo biển này thành một hỏa ngục vũ khí tự hành để gây khó khăn trong suốt một tháng – thời gian để chuẩn bị hoạt động tiếp theo. Từ nay đến 2045, mục tiêu của Lầu Năm Góc là một đội lưỡng dụng trên 370 tàu và 150 USV. Riêng năm 2024 và 2025 Hải quân Mỹ có 1 tỉ đô la cho nhiều dự án drone, và 32 tỉ đô la trong năm tới để đóng các chiến hạm truyền thống.

Đài Loan theo gương Kiev để đối phó với Trung Quốc

Đang ở tuyến đầu trước Bắc Kinh, Đài Loan hiểu rõ lợi ích của drone biển để bảo vệ vùng duyên hải trước nguy cơ quân Trung Quốc đổ bộ hay phong tỏa. Công ty CITIC Shipbuilding đã trình làng mẫu drone hải chiến đầu tiên, gợi hứng từ mô hình Ukraine. Tại Hàn Quốc, Hải quân đã tổ chức lại, biến một trong ba hạm đội thành lực lượng tàu không người lái trên mặt nước, dưới biển và không chiến. Đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều chương trình drone đa dụng hướng đến xuất khẩu. Ngược lại Châu Âu những năm gần đây chỉ đầu tư vào drone hoạt động dưới biển, trong khi việc bảo vệ các cảng, cơ sở hạ tầng trên biển là cấp bách. Mỗi nước có chương trình drone riêng. Tây Ban Nha, Ý, Anh đưa ra vài mẫu mới ; nhưng chỉ Đức nuôi tham vọng từ nay đến 2035 trong đội hình có được 1/3 drone hải chiến thế hệ mới.

Pháp nhìn nhận những thay đổi từ cuộc chiến ở Ukraine, cuối 2023 đã đề ra lộ trình để Hải quân Pháp không bị những người cạnh tranh qua mặt. Nhưng đến nay chỉ có những dự án phát triển drone biển chuyên biệt chống mìn, và drone hoạt động dưới đáy biển ở độ sâu đến 6.000 mét cho việc nghiên cứu. Những tháng gần đây Paris mới lo bổ sung thiết bị bảo vệ chiến hạm trước nguy cơ bị drone tự hủy của phe Houthi tấn công ở Hồng Hải. Naval Group giới thiệu loạt drone "Seaquest" nhằm bảo vệ duyên hải và hàng không mẫu hạm, nhưng Le Monde cho biết Nhà nước vẫn chưa đặt hàng.

Chiến dịch Kursk ngoạn mục nhưng không thay đổi được chiến trường

Về chiến tranh Ukraine, Le Monde điểm lại "Cuộc tấn công lẽ ra đã thay đổi được chiều hướng cuộc chiến". Ba tháng sau khi tung ra cuộc tiến công gây bất ngờ cho tất cả mọi người tại tỉnh Kursk của Nga, tương quan lực lượng trên chiến trường vẫn không thay đổi. Kiev vốn hy vọng có được ưu thế trên bàn đàm phán, thiếu trầm trọng phương tiện. Nga dấn lên từ từ, tuy chỉ chiếm được những làng nho nhỏ với thiệt hại nhân mạng vô cùng lớn, nhưng cũng đè nặng lên tâm lý người Ukraine.

Tại Kursk, những quân nhân Ukraine tham gia chiến dịch vô cùng phấn khởi khi được tiến công sang phần đất của kẻ xâm lăng nước mình. "Zherar" thuộc tiểu đoàn tác chiến 225 tỏ ra ngạc nhiên trước con số 600 tù binh mà tổng thống Volodymyr Zelensky công bố vì chỉ riêng đơn vị anh đã bắt sống được 400 lính Nga trong đợt đầu. "Saigon" thuộc đơn vị nhảy dù cho biết quân Nga hoàn toàn rối loạn, và anh "ngưng đếm kể từ tù binh thứ 100". Tuy nhiên hiện nay Ukraine quá thiếu đạn pháo và không được phép sử dụng hỏa tiễn tầm xa của phương Tây nên quân Nga đã chiếm lại được một số vùng đất ở Kursk.

Không nên coi thường đặc nhiệm Bắc Triều Tiên

Trong khi trên 10.000 lính Bắc Triều Tiên đã có mặt tại Nga từ nhiều tuần qua, người ta đã biết được những gì về đội quân này, về vũ khí và năng lực chiến đấu ? La Croix giải thích : Quân đội Bắc Triều Tiên vô cùng đông đảo, ít nhất là trên giấy tờ. Với 1,5 triệu quân nhân và trên 7 triệu quân dự bị, dân quân, đây là đội quân đứng thứ năm thế giới về quân số. Các trang thiết bị quy ước của Bình Nhưỡng lâu nay được các quan sát viên quân sự ngoại quốc coi là cổ lỗ sĩ. Tuy nhiên từ khi lên ngôi năm 2012, Kim Jong-un đã tăng 30% ngân sách quân sự. Tướng về hưu Chun In-bum của lực lượng đặc biệt Hàn Quốc cho biết không nên đánh giá thấp đội quân này.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, Bắc Triều Tiên có 550 chiến đấu cơ MiG-29 và Sukhoi, trên 300 trực thăng tấn công, 400 chiến hạm, 280 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm (trong đó một số có thể mang hỏa tiễn nguyên tử), trên 5.000 xe tăng và 3.000 xe thiết giáp. Số vũ khí này tuy cũ nhưng được bảo dưỡng tốt, có thể hữu dụng trong một cuộc chiến quy ước hay trên mặt trận Ukraine. Hiện có gần 10.000 hệ thống pháo bố trí dọc theo biên giới Hàn Quốc, với "hàng triệu quả pháo sản xuất và tồn trữ từ nhiều năm qua trong các nhà máy vũ khí được hiện đại hóa".

Bắc Triều Tiên là một hố đen đối với tình báo các nước, đa số thiết bị được chôn giấu trong những hang động hoặc các hòn núi ở khắp nước để tránh sự giám sát của vệ tinh Mỹ. Nhưng tình báo Hàn Quốc cũng đếm được trên 14.000 container đạn dược gởi sang Nga những tuần gần đây, và 3.000 lính lực lượng đặc biệt. Bắc Triều Tiên có các đơn vị tinh nhuệ, bắn tỉa và đặc nhiệm chuyên thi hành những nhiệm vụ đặc biệt (tấn công tập trung, ám sát, tình báo). Năm 2017, bốn đặc vụ đã ám sát Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un tại Malaysia bằng chất cực độc VX và tẩu thoát êm thắm. Đơn vị này được trang bị phương tiện liên lạc hiện đại.

Hai chuyên gia Hà Lan Stijn Mitzer và Joost Oliemans ước tính trong số 200.000 biệt kích Bắc Triều Tiên, có 150.000 thuộc các đơn vị bộ binh gọn nhẹ có thể xâm nhập và phòng tuyến địch, phá hủy các cảng và đường tiếp tế. Tất nhiên những người lính bình thường kém lợi hại hơn và không được ăn uống đầy đủ. Một lính Bắc Triều Tiên bị thương khi đào thoát sang Hàn Quốc năm 2017 trong bụng đầy giun sán. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc là 10 năm với nam, 6 năm với nữ, nhưng ngoài quân đội, toàn dân đều bị huy động. Bị tẩy não từ khi còn nhỏ là phải chống Mỹ, tất cả đều có thể trở thành chiến binh, chống lại Hàn Quốc hay Ukraine tùy theo lệnh của Kim Jong-un.

Bình Nhưỡng xích gần lại Moskva, Trung Quốc lo lắng

Trên Le Monde, nhà nghiên cứu Triệu Thông (Zhao Tong) của Fondation Carnegie tại Washington cho biết "Trung Quốc lo ngại về hậu quả sự tham gia của Bắc Triều Tiên bên cạnh Nga". Ông cho rằng Bắc Kinh không được thông báo sớm việc Bình Nhưỡng gởi quân sang Nga, vì có những nhà ngoại giao Trung Quốc phải hỏi han thông tin từ các đồng nghiệp nước ngoài. Số lượng lính Bắc Triều Tiên cũng gây ngạc nhiên cho Trung Quốc. Lâu nay Moskva ít quan tâm đến Bình Nhưỡng, nhưng cuộc xâm lăng Ukraine đã thay đổi tất cả. Nga viện trợ thực phẩm và xăng dầu mà Bắc Triều Tiên rất cần, làm loãng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bắc Kinh không thích Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình nguyên tử, nhưng nay đã có Moskva giúp. Dưới cái nhìn của Trung Quốc, sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên sẽ là cái cớ để Mỹ tăng cường sự hiện diện chiến lược trong khu vực, tam giác Mỹ-Hàn-Nhật được củng cố. Các đồng minh khác của Hoa Kỳ cũng có thể tham gia, gây lo sợ về một "NATO Châu Á".

Trump 3.0 lợi hại hơn hẳn

Bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ thu hút sự chú ý của tất cả các báo. La Croix so sánh "Donald Trump, ứng cử viên đã chuẩn bị cực kỳ chu đáo cho chức tổng thống" với "Kamala Harris, trước bậc thang cuối cùng của sự thăng tiến". Đặc phái viên của tờ báo tại Arizona ghi nhận trong cuộc mít-tinh cuối cùng của cuộc vận động, Donald Trump tập trung cho nhập cư, chủ đề đã tạo cho ông vị thế chính trị năm 2016.

Nhưng 8 năm đã trôi qua và nhà tỉ phú nay mạnh bạo hơn, dùng những từ ngữ quân sự. Nước Mỹ, theo ông, đã bị "chiếm cứ" và phải được "giải phóng". Trump không còn đề nghị một "bức tường lớn và đẹp" ở biên giới Mexico, nhưng "những vụ trục xuất quy mô chưa từng thấy trong lịch sử" ngay từ ngày đầu nhậm chức, với sự trợ giúp của quân đội, liên quan đến hàng triệu người không giấy tờ.

Năm 2024, là một phiên bản Donald Trump thứ ba. Không còn là một "outsider" chập chững bước vào chính trường năm 2016, không còn là tổng thống thời kỳ Covid 2020, mà là một "MAGA" ("Make America great again" - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) kiên quyết phục hận đối với "những kẻ thù từ bên trong". Đó là lời đe dọa thực sự hay chỉ là nhằm tranh cử ? Có một điều chắc chắn : Donald Trump 3.0 chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Hồi trước, nhà tỉ phú "amateur" được các nhân vật cộng hòa truyền thống hỗ trợ, còn nay bộ sâu của Trump là 100% Maga.

Có hai nhóm đã vạch ra kế hoạch hành động. Một mặt là "Projet 2025" dày 900 trang của Heritage Foundation, chủ trương tập trung quyền lực vào tay tổng thống, sa thải 50.000 công chức liên bang để thay thế bằng các chiến binh Maga, trung thành không phải với Hiến pháp mà với một con người là Donald Trump. Sáng kiến cực đoan này khiến ông Trump phải cố tránh sang một bên trong chiến dịch tranh cử. Nhưng bên cạnh đó còn có America First Policy Institute (AFPI), chuẩn bị đến 300 sắc lệnh để ký ngay ngày đầu tiên.

Về phía Kamala Harris, phó tổng thống 60 tuổi, là phụ nữ và người da màu đầu tiên giữ chức vụ này, một chiến thắng ngày 05/11 sẽ là mức đến của một quá trình thăng tiến kiên nhẫn đầy tính toán. Trong sự nghiệp, bà chao đảo giữa cấp tiến và bảo thủ về nhiều chủ đề. Các đối thủ nói về "chiếc vỏ rỗng", còn những người ủng hộ coi là sự thực dụng. Harris gặp nhiều may mắn và biết chụp lấy cơ hội. Năm 2020, thất bại trong bầu cử sơ bộ nhưng thượng nghị sĩ California được ứng cử viên Joe Biden chọn làm người đứng chung liên danh và trở thành phó tổng thống. Bước nhảy vọt diễn ra vào tháng 7, tạo ra một làn sóng nhiệt tình ủng hộ, liệu có đủ để Harris bước lên bậc thang cuối cùng ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 66 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)