Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/11/2024

Điểm tuần báo Pháp - Donald Trump, người kiến tạo hòa bình ?

RFI tiếng Việt

Donald Trump, người kiến tạo hòa bình ?

Chiến thắng đưa ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump quay lại với Nhà Trắng là mối quan tâm chính của các tuần báo.

hoabinh1

Ông Donald Trump tại Palm Beach Convention Center, trụ sở vận động của đảng Cộng Hòa ở Florida trong buổi tối chờ đợi kết quả bầu cử 06/11/2024. Nay tổng thống thứ 45 đã trở thành tổng thống Mỹ thứ 47. AP - Julia Demaree Nikhinson

Le Point ra số đặc biệt với ảnh Donald Trump và xa hơn phía sau là Elon Musk trên trang bìa, chạy tít "Cách mạng", cùng tựa nhỏ "Trump, Musk và trật tự thế giới mới". The Economist đưa chân dung tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ với câu "Chào mừng đến với thế giới của Trump". Courrier International nhấn mạnh đến "Quyền lực Trump" : báo chí Anh Mỹ chờ đợi một nhiệm kỳ hai sôi sục trong một nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. L’Express lo lắng cho nạn nhân cuộc xâm lược của Vladimir Putin với dòng tựa "Bầu cử Mỹ : Giờ của sự thật cho Ukraine". Chỉ riêng Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho "Sức khỏe tinh thần".

Quyền lực chi phối thế giới nay thuộc về Donald Trump

The Economist nhận định, chiến thắng vang dội của Donald Trump sẽ làm rung chuyển mọi thứ. Sau khi đánh bại bà Kamala Harris, tổng thống thứ 45 trở thành tổng thống thứ 47. Sự kiện ông Trump là người đầu tiên làm được điều này, kể từ khi tổng thống Grover Cleveland đã rời khỏi quyền lực rồi trở lại Phòng Bầu dục năm 1892, chưa đủ để nói lên kỳ tích của ông. Donald Trump đã xác định một kỷ nguyên chính trị mới cho nước Mỹ và cho thế giới.

Lần đầu tiên kể từ ba cuộc bầu cử tổng thống trước, Trump giành được phiếu phổ thông, chiếm được số đại cử tri đông đảo tại các bang chiến địa. Cả 50 bang nước Mỹ đều ngả sang hữu. Cho dù Trump hai lần ra tòa, thất bại năm 2020, bị khởi tố bốn vụ, bị kết án hình sự, chưa kể một viên đạn phớt qua tai khi tranh cử… Đây là sự quay lại chính trường ấn tượng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một lần nữa mọi thăm dò đều bị sai, đã đánh giá thấp Donald Trump như kỳ trước.

Bà Harris kém xa thành tích của ông Biden lần trước trên mọi phương diện. Thay vì lật đổ ở Texas - giấc mơ viển vông lâu đời của đảng Dân Chủ, bà Harris đã thua 14 điểm. Ở một số tiểu bang mà bà được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng vang dội, Harris chỉ hơn được chưa đến mười điểm, bao gồm Illinois, New Jersey và Virginia. Tuy thắng tại New York, vượt 11 điểm, nhưng đây lại là thành tích tệ nhất của Dân Chủ tại tiểu bang này kể từ năm 1988. Nếu nghĩ rằng Donald Trump quá thô lỗ hoặc bất tài để trở thành tổng thống, thì nên tự hỏi tại sao đối với rất nhiều người Mỹ, đảng Dân Chủ lại có vẻ tệ hơn ?

Những sai lầm của Đảng Dân Chủ

Le Monde cuối tuần nói thêm về sự quá lố của văn hóa "woke" tại các trường đại học hay trong nghệ thuật, và vừa phải lãnh một cái tát khi tách rời khỏi một nước Mỹ đang hữu khuynh. "Chúng tôi đã đi quá xa" - nhiều nghệ sĩ Mỹ tại triển lãm Paris Photo nhìn nhận. Tuy họ vẫn chống kỳ thị, nhưng chủng tộc và phái tính đã bao trùm lên sáng tạo và nghiên cứu khoa học xã hội.

"Woke" thống trị đến nỗi Evergreen State College ở bang Washington lập ra "Ngày không người da trắng", hôm đó cả giảng viên lẫn học sinh da trắng bị đuổi khỏi trường "để cảm nhận tình cảnh của người thiểu số". Các phim của Studios Disney phải thêm vào những nhân vật da đen, Mỹ la-tinh, đồng tính nam và nữ.

The Economist cho rằng Đảng Dân Chủ sẽ phải rút kinh nghiệm về rất nhiều sai lầm. Cử tri không tha thứ cho việc lạm phát tăng cao từ mùa hè 2021. Chính quyền Biden đã cổ vũ cho một quan điểm văn hóa khác biệt với đa số người Mỹ, đặc biệt về vấn đề giới tính. Và nhất là mọi người đều tức giận trước sự bất lực trong việc ngăn cản di dân bất hợp pháp vượt qua biên giới phía nam. Biden đã xóa bỏ những rào cản của Trump đối với tình trạng nhập cư bất hợp pháp, mà không đưa ra giải pháp thay thế nào, nên 4 triệu di dân đã vượt qua biên giới, so với chưa đến 1 triệu người dưới thời ông Trump.

Bên cạnh đó, phe Dân Chủ còn cố gắng khỏa lấp tình trạng sức khỏe sa sút của ông Biden, cho đến khi không còn giấu được nữa, và đến lúc đó họ không còn thời gian tìm được một nhân tài có thể đánh bại Trump. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Hồi 2016, nhiều người tự an ủi rằng Trump chỉ là một sự cố trong lịch sử, nhưng họ đã lầm. MAGA là một phong trào đã phá vỡ chủ nghĩa quốc tế thân thiện ngự trị Nhà Trắng trong 70 năm qua.

"Cuộc cách mạng" Trump

Le Point cũng nhận định đây là cú sốc toàn cầu. Trump không phải là một sự bất thường của lịch sử, mà là một tổng thống của thời đại hiện nay. Cùng với đồng minh Elon Musk, ông có thể vẽ lại trật tự thế giới mới. Trong chiến dịch tranh cử, ông không màu mè, không đóng vai "nhân dân" mà vẫn giữ nguyên phong cách thường lệ. Trump dùng những từ ngữ đơn giản. Hình ảnh một ứng cử viên mặt đầy máu nhưng đứng dậy giơ cao nắm đấm "Fight, fight, fight" ngay hôm sau đã xuất hiện trên áo thun của những người ủng hộ.

Sự thoát nạn kỳ diệu đã đưa Trump bước vào huyền thoại của các tổng thống Mỹ đã sống sót sau một vụ ám sát, mà gần đây nhất là Ronald Reagan năm 1981, hình mẫu mà Trump muốn noi theo. Trong bài phát biểu hôm chiến thắng, Donald Trump nói lời cảm ơn Thượng Đế đã che chở ông để "cứu vãn đất nước và tái lập tầm vóc vĩ đại của nước Mỹ". Trump quay lại Nhà Trắng một cách vẻ vang với Quốc hội trong tay, và ở Tối cao Pháp viện thì các thẩm phán do ông bổ nhiệm chiếm đa số.

Nhà chính trị học Francis Fukuyama lo lắng : "Các định chế Mỹ vững chắc, nhưng lần này Trump muốn thay đổi", và điều này là nguy hiểm. Chuyên gia Yascha Mounk cho rằng nhiệm kỳ thứ nhất chỉ là "lời nói đầu" của một cuốn sách, kỷ nguyên Trump thực sự chỉ mới bắt đầu. Cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud ghi nhận những fan của Trump sẵn sàng theo ông "đến tận địa ngục". Còn bà Kamala Harris không thành công trong việc làm quên đi hình ảnh một ứng cử viên thay thế.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của cặp Obama đến rất trễ tràng. Joe Biden sau khi giao cho phó tổng thống những nhiệm vụ khó khăn, đến phút chót mới chịu giao lại vị trí ứng cử viên Dân Chủ. Và sau đó lại còn vụng về nói muốn "đá vào mông" các cử tri của Trump, khiến Harris vất vả chữa cháy. Từ lâu Donald Trump vẫn ám ảnh phe Dân Chủ, họ muốn coi nhiệm kỳ đầu của Trump chỉ là một cơn ác mộng như sự kiện ngày 11 tháng 9. Trong diễn văn nhậm chức năm 2021, Joe Biden không dẫn tên người tiền nhiệm. Một số kênh truyền hình cắt đi cảnh Trump xuất hiện trong bộ phim nổi tiếng "Home alone" (Ở nhà một mình). Nhưng theo Le Point, tập 2 chỉ mới bắt đầu.

Donald Trump nhiệm kỳ 2 sẽ thay đổi những gì ?

Trump phá hủy trật tự cũ, thì những gì sẽ thay thế ? Theo The Economist, thay vì tự do mậu dịch, ông sẽ quay lại với chính sách con buôn, với thuế quan, và có thể dành những ưu ái đặc biệt cho phe mình như Elon Musk, người giàu nhất thế giới. Rút kinh nghiệm về nhiệm kỳ đầu, ê-kíp của ông đã cố gắng để những nhân vật có thể can ngăn Trump không được bổ nhiệm. Trump sẽ trục xuất hàng loạt di dân, tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc, cắt giảm ngân sách về môi trường, ân xá cho chính mình và những người bị kết án về vụ bạo động ở đồi Capitol. Nhiều vấn đề còn tùy thuộc vào đội ngũ cố vấn xung quanh ông.

The Economist cho rằng Trump có thể đạt được thỏa thuận với Vladimir Putin về Ukraine mà không phải kết thúc chiến tranh bằng việc xe tăng Nga tiến vào Kiev. Trump cũng có thể gây áp lực lên Iran và răn đe Trung Quốc không dùng vũ lực thống trị Châu Á. Nhưng nếu chỉ là lời đe dọa, tính cách bất định của ông có thể thúc đẩy sự hiếu chiến của Trung Quốc và Nga. Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Châu Âu, do không an tâm, phải lo tự vệ. Nếu không đủ vũ khí quy ước, họ có thể bắt chước Anh và Pháp, tìm cách sở hữu vũ khí nguyên tử.

Các nhà độc tài được cổ vũ : tại Brazil, Jair Bolsonaro được bầu lên hai năm sau chiến thắng của Trump năm 2016. Tại Pháp, Marine Le Pen có nhiều khả năng trở thành tổng thống năm 2027. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy đã mất sức sau 2020 nay hồi phục. Cuộc cách mạng "Trumpist" khiến chủ nghĩa dân túy đang trên đà phát triển, mà đảng Dân Chủ vẫn chưa đưa ra được công thức nào để ngăn chặn.

Hoa Kỳ không thể theo chủ nghĩa biệt lập lâu dài

Ông Trump rõ ràng là một nhân vật có thể làm biến đổi nền chính trị nước Mỹ. Ông đã định hình lại hoàn toàn phe bảo thủ của Hoa Kỳ, biến thành dân tộc chủ nghĩa, trọng thương, phúc lợi và chủ nghĩa biệt lập. Hiến pháp Hoa Kỳ có thể giới hạn ông Trump chỉ được tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng không hạn chế được việc truyền bá chủ trương của ông.

 cho rằng cần phải có thời gian để hiểu hết ý nghĩa sự chiến thắng của ông Trump.

Hoa Kỳ vẫn là cường quốc vượt trội. Tuy dân chủ sa sút, nền kinh tế Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, ít nhất là cho đến hiện tại. Hoa Kỳ thống trị về trí thông minh nhân tạo, giàu có và sức mạnh của quân đội là vô song, tuy Giải phóng quân Trung Quốc đang cố đuổi theo. Tuy nhiên nếu không có cách lãnh đạo sáng suốt, thế giới sẽ thuộc về những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, đe dọa các nước láng giềng nhỏ bé mà không sợ hậu quả. Các nạn nhân của họ, không thể quay sang Hoa Kỳ để được trợ giúp, sẽ phải thỏa hiệp hoặc đầu hàng. Các sáng kiến toàn cầu, từ giải quyết biến đổi khí hậu đến kiểm soát vũ khí trở nên khó khăn hơn.

Ông Trump chắc chắn sẽ đáp trả rằng đây là vấn đề của thế giới, không phải của nước Mỹ. Dưới thời ông, người Mỹ có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không phải gánh nặng trách nhiệm can thiệp ở nước ngoài. Tuy nhiên, hai trận đại chiến thế giới và sự sụp đổ thảm khốc của kinh tế trong thập niên 30 cho thấy nước Mỹ không thể tự cho phép điều này. Trong một thời gian, có thể là nhiều năm, nước Mỹ có thể vẫn yên ổn nhưng cuối cùng không thể an nhiên tự tại với một thế giới hỗn loạn.

Zelensky trước thực tế màu xám

L’Express quan tâm đến "Volodymyr Zelensky, giờ của sự thật". Kiệt lực sau một ngàn ngày chiến tranh khốc liệt, tổng thống Ukraine còn phải chịu đựng áp lực của các đồng minh để ngồi vào bàn đàm phán. Những đặc sứ đã có mặt, trong vòng bí mật hoàn toàn.

Thomas Greminger, cựu tổng thư ký Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE), nay phụ trách Geneva Centre for Security Policy, cho biết có những cuộc gặp không chính thức với các chuyên gia và đôi khi với quan chức, khi cảm thấy đã chín muồi để đối thoại. Số khác ở Genève, Istanbul, Doha cũng nỗ lực tương tự.

Trong hậu trường, đó là vấn đề lằn ranh đỏ của đôi bên, thủ tục cho một cuộc ngưng bắn trong tương lai, bảo đảm an ninh cho Ukraine và quan hệ sau này với Moskva. Washington cho rằng trước sau gì cũng phải kết thúc cuộc chiến này, phía Kiev cũng mệt mỏi, còn ở Châu Âu một số tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Phải chăng 2025 là năm dành cho ngoại giao ? Tuy nhiên những tác nhân chính sẽ phải đi đến quyết định.

Những tuần lễ gần đây Volodymyr Zelensky đã đi một vòng các thủ đô phương Tây để trình bày "kế hoạch chiến thắng". Putin thì vẫn giữ các mục tiêu tối đa : phi quân sự hóa Ukraine ; "phi quốc xã hóa", và chiếm một phần lãnh thổ nước này, tóm lại là buộc Kiev đầu hàng. Trên chiến trường, quân Nga tuy thiệt hại nặng nề nhưng vẫn tiến được.

Khó có khả năng Trump bán đứng Ukraine

L’Express nhận thấy tại Ukraine, một số điều cấm kỵ bắt đầu được bỏ qua. Theo thăm dò hồi tháng 5, 45% người Ukraine muốn rằng thà mất một ít đất mà vẫn giữ được chủ quyền, và tự do chọn lựa đồng minh. Dân biểu Yehor Chernev cay đắng nói : "Chúng tôi phải chọn giữa khả năng tệ hại với phương án xấu nhất". Phía Putin cũng có dấu hiệu lung lay, việc phải đưa ba sư đoàn từ Kherson sang giữ Kursk, chưa kể hàng ngàn lính Bắc Triều Tiên cho thấy điều này.

Về kinh tế, thời gian cũng không đứng về phía tổng thống Nga. Kremlin đã phải bán bớt vàng, tăng thuế… và thu nhập từ dầu khí ngày càng giảm. Chính quyền đã phải tận dụng quỹ dự phòng quốc gia và sẽ còn phải dùng nhiều hơn vì Nga không còn đi vay được trên thị trường tài chánh quốc tế. Và cuối cùng, Putin hiểu rằng không thể đạt được tất cả chỉ bằng sức mạnh của hỏa tiễn. Cuộc xâm lăng của Nha khiến khiến Mỹ phải đưa hỏa tiễn tầm xa đến Đức vào năm 2026 ; dù có chiếm được Ukraine Nga cũng không thoát được sự đe dọa của NATO.

The Economist cho rằng khó có khả năng ông Trump bán đứng Ukraine, nhất là vì ý kiến trong chính đảng Cộng Hòa. Ông chắc chắn không muốn trở thành nguyên nhân thất bại của Ukraine, tuy nhiên Trump có thể đòi hỏi một sự có đi có lại, chẳng hạn được khai thác tài nguyên.

Hòa bình nào cho Trung Đông ?

Le Point đặt câu hỏi "Donald Trump, người kiến tạo hòa bình ?". Nếu Ukraine có thể coi là quốc gia chịu thiệt thòi qua việc ông Donald Trump đắc cử, Israel là nước được lợi. Sự quay lại của ông Trump chắp cánh cho Benyamin Netanyahou. Vẫn luôn theo đuổi cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố đã gây ra vụ thảm sát ngày 07/10/2023, thủ tướng Israel có thể trông cậy vào tổng thống Mỹ thứ 47 để được hỗ trợ về chính trị và quân sự mạnh mẽ hơn cả Biden.

Người Israel không quên rằng chính phủ Trump (2017-2021) đã có một loạt quyết định ưu ái cho Nhà nước Do Thái : nhìn nhận việc Israel sáp nhập cao nguyên Golan, di chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel-Aviv sang Jerusalem, từ chối coi việc người Do Thái định cư tại West Bank (Cisjordanie) là bất hợp pháp. Thỏa thuận Abraham do Donald Trump bảo trợ là hiệp ước đầu tiên giữa Israel và các quốc gia Ả rập từ một phần tư thế kỷ.

Ngược với Barack Obama và Joe Biden, Donald Trump không ngần ngại dùng vũ lực tấn công Iran và các đồng minh. Ông ra lệnh bắn một loạt hỏa tiễn vào Syria năm 2017, sau khi nhà độc tài Bachar Al-Assad một lần nữa dùng vũ khí hóa học đánh vào phe nổi dậy. Và năm 2020, Trump tiêu diệt luôn tướng Iran Qassem Soleimani, kiến trúc sư mạng lưới khủng bố của các giáo chủ. Khi quay lại Phòng Bầu dục, Trump có thể tiếp tục gây áp lực tối đa lên Tehran ; nhất là theo tình báo Mỹ, Iran đã tìm cách ám sát ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Liệu Netanyahou được thể sẽ mạnh tay hơn với nước Cộng hòa Hồi giáo ? Tài năng của Donald Trump để đạt được những "deal" cho hòa bình sẽ nhanh chóng bị thử thách.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 39 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)