Donald Trump toàn quyền với thiên hà MAGA sau chiến thắng
Theo La Croix ngày 13/11/2024, cả một "thiên hà" MAGA đã được tổ chức trong mấy năm qua, sẵn sàng phục vụ cho "America First". Nếu ê-kíp Trump I chuyên đạp thắng, thì Trump II năm 2025 sẽ nhấn ga.
Tổng thống tân cử Donald Trump đến phát biểu trong hội nghị của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ngày 13/11/2024. AP - Alex Brandon
Từ "bức tường tuyệt vời" đến "cuộc trục xuất vĩ đại"
Le Monde nhận xét, vừa đắc cử, ông Donald Trump đã nhanh chóng chỉ định các nhân vật trong nội các, liên lạc với lãnh đạo các nước… cứ như là ông Joe Biden không hiện diện. Trọng tâm là vấn đề di dân để thực hiện lời hứa "Cuộc trục xuất quy mô nhất lịch sử", qua việc bổ nhiệm ông Tom Homan phụ trách về biên giới - một chức vụ không cần Thượng Viện phê chuẩn.
Ước tính hiện có 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, đang đóng góp vào nền kinh tế. Ê-kíp của Trump muốn giải quyết theo nhiều cấp độ khác nhau, mục tiêu đầu tiên là những người từng bị kết án hình sự. Trong chiến dịch tranh cử, Trump nói rằng số người này vào đất Mỹ dưới thời Biden. Nhưng thật ra đây là con số cộng dồn từ nhiều thập niên, trong đó có nhiệm kỳ trước của ông Trump.
Le Figaro cũng thấy rằng "Cuộc trục xuất vĩ đại" chuẩn bị thay thế cho "Bức tường tuyệt vời", nhắc đến một nhân vật nữa là Stephen Miller, người chống đối nhập cư bất hợp pháp lẫn hợp pháp. Là tác giả những bài diễn văn nẩy lửa nhất của ông Trump, Miller còn ủng hộ những biện pháp như cấm nhập cảnh người từ các nước Hồi Giáo, tách rời trẻ em với cha mẹ để làm di dân thối chí. Miller là người tư duy, còn Sa hoàng biên giới Homan là người hành động - đã từng được chính quyền Obama khen thưởng vì trục xuất một lượng lớn di dân, cao hơn cả trong nhiệm kỳ Trump sau đó.
Đại thắng, Trump hầu như nắm trọn quyền hành
La Croix lưu ý, ông Donald Trump hầu như nắm trọn quyền lực trong tay. Một loạt ngôi sao may mắn đã chiếu mệnh cho ông : sau khi đắc cử ngày 05/11, cựu tổng thống chiếm được Thượng Viện và chuẩn bị kiểm soát cả Hạ Viện. Tại Hoa Kỳ, người ta gọi đó là "trifecta" - thắng cả ba. Ngoài ra, 6 trong số 9 thẩm phán Tối cao Pháp viện là do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, ít nhất đến 2026, khi bầu cử giữa kỳ.
Trump có thể thoải mái chỉ định nội các, bổ nhiệm những viên chức cao cấp, thẩm phán liên bang, người đứng đầu các cơ quan liên bang... vì Thượng Viện - cơ quan phê chuẩn - hầu hết thuộc Cộng Hòa. Nhà báo Sébastien Natroll chuyên về hệ thống tư pháp Mỹ giải thích : "Nhìn chung, đó là những người thần phục Donald Trump, ít độc lập hơn". Tiến sĩ Alexis Pichard, đại học Paris Nanterre nhắc nhở, hồi năm 2016 Donald Trump đã nắm được Hạ Viện nhưng không có đa số ở Tối cao Pháp viện. Nếu muốn thông qua một dự luật, lá chắn Hiến Pháp chính là định chế này.
Hiện Tối cao Pháp viện có 9 thẩm phán, chỉ có 3 người do phe Dân Chủ bổ nhiệm. Số 6 thẩm phán còn lại, có 4 người sẽ 70 tuổi hoặc hơn vào cuối tháng Giêng 2025, và dường như Clarence Thomas (76 tuổi) cùng với Samuel Alito (74 tuổi), hai thẩm phán "MAGA" nhất có ý định từ chức và Trump có thể chỉ định hai người mới. Phía Dân Chủ, một số kêu gọi nữ thẩm phán Sonia Sotomayor 70 tuổi nên từ nhiệm trước tháng Giêng 2025 để tổng thống Joe Biden tìm người thay thế. Trump có thể bổ nhiệm thêm hai thẩm phán, cộng với số trong nhiệm kỳ trước là năm. Đây là điều chưa từng thấy kể từ thời Eisenhower trong thập niên 50.
Tuy vậy, giữ chức vụ trọn đời ở Tối cao Pháp viện, các thẩm phán này hoàn toàn độc lập, không nhất thiết phải trung thành với ông chủ Nhà Trắng đã bổ nhiệm họ. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã có lần than phiền. Sébastien Natroll cho rằng các thẩm phán vốn tôn trọng sâu sắc Hiến Pháp nên không thể có việc để cho tổng thống tùy nghi làm luật. Bên cạnh đó, hệ thống song song giữa Nhà nước liên bang và 50 bang bảo đảm sự độc lập của các bang về những phương diện như y tế, cảnh sát. Trump tuy có quyền hành lớn, nhưng bị giới hạn ở các bang.
Thiên hà MAGA
Tên tuổi một số nhân vật khác được cho là thành viên nội các mới của Donald Trump cũng được các báo tập trung mổ xẻ. Được chú ý nhiều nhất là tỉ phú Elon Musk, được Donald Trump giao phụ trách cắt giảm ngân sách liên bang hiện lên đến 6.500 tỉ đô la, theo tổng thống tân cử.
Le Figaro cho biết Marco Rubio, thượng nghị sĩ bang Florida, được dự báo sẽ là ngoại trưởng, là người nắm rõ vấn đề đối ngoại. Từng là đối thủ của Donald Trump trong bầu cử sơ bộ năm 2016, ông Rubio, có cha là người Cuba nhập cư, đã xích lại gần với ông Trump và thậm chí nằm trong số ứng cử viên phó tổng thống tiềm năng. Rubio, thành viên ủy ban đối ngoại Thượng Viện, ủng hộ nhiệt thành Israel, cứng rắn với Trung Quốc, Iran, Venezuela và Cuba. Tuy không mấy thích Nga, ông không ủng hộ Ukraine, dù không chống đối.
Elise Stefanik, 40 tuổi, sẽ trở thành đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, vị trí thứ nhì trong ngành ngoại giao. Bà từng chống lại nạn bài Do Thái trong các trường đại học. Việc bổ nhiệm Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia là đặc biệt nhất. Cựu đại tá lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ, bốn lần được tặng thưởng huy chương Bronze Star, ông Waltz từng chỉ huy các đơn vị trong chiến dịch Iraq và Afghanistan, giữ vai trò ở Lầu Năm Góc thời ông Bush, cố vấn chống khủng bố cho phó tổng thống Dick Cheney. Và nay trở thành một trong những cố vấn thân cận của Donald Trump – một nhân vật hành động mà Trump đã hoài công tìm kiếm trong nhiệm kỳ trước.
La Croix nhận xét, năm 2017, những trợ tá của nhà tỉ phú vừa bước vào Nhà Trắng không phải là người của Donald Trump, nhưng nay khác hẳn. Cả một "thiên hà" MAGA đã được tổ chức trong mấy năm qua, sẵn sàng phục vụ cho "mặt trời" tóc vàng, gồm nhiều "hành tinh" có tính chất khác biệt nhưng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa, "America First". Nếu ê-kíp Trump I chuyên đạp thắng, thì Trump II năm 2025 sẽ nhấn ga.
Đức : Mô hình kinh tế thời Merkel hoàn toàn lung lay
Tại Châu Âu, Le Figaro cho biết "Mô hình kinh tế Đức có nguy cơ sụp đổ". Sau bốn năm thịnh vượng chưa từng thấy, Đức lại đang trở thành con bệnh của Châu Âu. Sau khi tăng trưởng âm 0,3% năm ngoái, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Đức lại giảm tiếp 0,2% năm 2024. Hai năm suy thoái này nhắc lại những kỷ niệm buồn của Berlin với những phí tổn sau khi nước Đức thống nhất, tính cạnh tranh giảm sút. Những liều thuốc đắng nhưng hiệu quả được đưa ra : tự do hóa thị trường lao động, xem xét lại hệ thống bảo hiểm xã hội... Cú sốc nước Đức hôm nay có thể so sánh với thách thức trong những năm 2000.
Tất cả những trụ cột của mô hình thời Merkel đều lung lay. Trước hết là thế ưu việt của kỹ nghệ xe hơi bị Trung Quốc cạnh tranh dữ dội nhờ đi bước trước về công nghệ xe điện. Hãng xe lớn nhất là Volkswagen đã phải đóng cửa nhiều nhà máy và sa thải mấy chục ngàn công nhân, lần đầu tiên kể từ nhiều thập niên qua. Tác giả Wolfgang Münchau viết : "Khi kỹ nghệ xe hơi bắt đầu sa sút, cả nước sẽ đi xuống theo". Quyết định được thông báo cách đây vài ngày của tập đoàn Mỹ Wolfspeed, ngưng dự án lập một nhà máy lớn về chất bán dẫn ở vùng Sarre, hợp tác với công ty Đức ZF, làm tình hình càng u ám, lại thêm Donald Trump dọa áp thuế 10% đến 20%.
Ngay sau chiến thắng của tổng thống Mỹ thứ 47, Moritz Schularick, viện trưởng Viện Kinh tế IfW, tuyên bố đó là "khởi đầu cho thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức", vì Berlin chưa chuẩn bị đối phó với khủng hoảng nội tình lẫn thách thức kinh tế, chính trị và an ninh từ bên ngoài. Từ hai chục năm qua vẫn lệ thuộc vào khí đốt Nga, Đức phải vội vã chỉnh đốn lại sau cuộc xâm lăng Ukraine, và nay nhập số lượng lớn khí hóa lỏng của Mỹ, hướng về năng lượng tái tạo. Nước Đức phải trả cái giá vô cùng đắt cho 16 năm không đầu tư dưới thời Angela Merkel.
Cơ sở hạ tầng xuống cấp, kỹ thuật số, trong đó có việc phủ sóng 5G, chậm trễ. Một số công ty dự định dịch chuyển sản xuất sang Hoa Kỳ. Dù nhiều doanh nghiệp đòi hỏi hỗ trợ tăng trưởng và đa số nhà kinh tế muốn giảm nhẹ các quy định, cánh hữu và phe chủ trương tự do vẫn khăng khăng giữ nguyên kỷ luật ngân sách, gây ra sự sụp đổ liên minh cầm quyền. Hồi tháng 2/2002, thủ tướng Olaf Scholz kêu gọi Zeitenwende, "thay đổi một kỷ nguyên". Gần 50 biện pháp hỗ trợ nền kinh tế (đơn giản hóa thủ tục, giảm thuế...) được loan báo, nhưng rất ít biện pháp biến thành luật.
COP29 : Nhà độc tài Azerbaijan đánh bóng hình ảnh
Trong hồ sơ khí hậu, Le Monde nhận định "Baku muốn đánh bóng hình ảnh với COP29". Thêm một lần nữa, một quốc gia dầu lửa là Azerbaijan trở thành nước chủ nhà của hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Nhà độc tài Ilham Aliev không tìm kiếm sự chuyển đổi xanh, mà là sự tôn trọng trên trường quốc tế. Bàn bạc về phương cách đấu tranh chống biến đổi khí hậu tại một đất nước mà tổng thống ca ngợi dầu lửa là "quà tặng của Thượng Đế", và 92% xuất khẩu dựa vào năng lượng hóa thạch có vẻ khá ngược ngạo, nhất là Azerbaijan không coi chuyển đổi xanh là ưu tiên.
Ông Aliev biện minh : "Không có năng lượng hóa thạch, thế giới không thể phát triển, ít nhất là trong tương lai gần". Tái đắc cử hồi tháng 2 đến lần thứ năm với 92% số phiếu trong một cuộc bầu cử đầy dấu hiệu gian lận, Ilham Aliev từ 2003 đã nối ngôi cha Gueidar Aliev, người lãnh đạo từ thời còn là nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Vợ ông, Mehriban Alieva, là phó tổng thống từ 2017.
Những nhà báo can đảm tố cáo tham nhũng đã bị tống vào tù. Azerbaijan đứng 164/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên Không biên giới. Tuy vậy tỉ lệ được lòng dân của Aliev tăng lên từ khi chiếm được Thượng Karabakh khiến 100.000 người Armenia phải di tản trong hoảng loạn. Song song với việc "xanh hóa" bất ngờ Baku, nơi những đường dành riêng cho xe đạp xuất hiện vào lúc gần đến hội nghị COP, đàn áp gia tăng những tháng gần đây với việc bắt giữ 30 nhà đối lập, nhà báo, nghiệp đoàn viên. Không còn một tổ chức bảo vệ môi trường độc lập nào tại Azerbaijan.
Tổng thống Emmanuel Macron không đến dự COP29, do quan hệ đôi bên đã xấu đi vì Pháp ủng hộ Armenia, và vụ ám sát một người tị nạn chính trị Azerbaijan mới đây trên đất Pháp. Liên Hiệp Châu Âu dù coi khí hậu là ưu tiên lại hiện diện một cách khiêm tốn : chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vắng mặt ; còn thủ tướng Olaf Scholz hủy chuyến đi vì bầu cử trước hạn ở Đức. Được biết Châu Âu vẫn lệ thuộc vào khí đốt của Azerbaijan và khí hóa lỏng của Nga. Hiện nay Azerbaijan không có cơ chế nào hiệu quả để cảnh báo về các vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm từ kỹ nghệ dầu khí. Đấu tranh chống biến đổi khí hậu không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của xã hội dân sự, đây phải là thông điệp mà các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao họp ở Baku trao cho ông Aliev.
Thụy My