Nội các Trump II : Israel vui mừng, Ukraine âu lo
Những cái tên trong nội các của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump dần được tiết lộ, có vẻ như thuận lợi cho Israel và khó khăn cho Ukraine. Nhà thờ Đức Bà Paris chuẩn bị mở cửa trở lại, Hiệp định Mercosur gây phản ứng nơi nông dân Pháp, là một số vấn đề thời sự đáng chú ý hôm nay 14/11/2024.
Một thành viên lực lượng cảnh sát đặc biệt Hyzhak của Ukraine khai hỏa một Howitzer D30 về phía quân Nga gần tiền tuyến Toretsk, ngày 25/10/2024. Reuters - Stringer
Tiêu chí chọn người "hồng hơn là chuyên"
Liên quan đến việc ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Libération cho rằng cần phải ghi nhận nơi ông Trump một điều, là khả năng làm bão hòa không gian truyền thông với rất ít chi phí. Cách đây 8 năm, sau chiến thắng bất ngờ, thành phần nội các của ông được báo chí soi rất kỹ, và lần này những cái tên liên tục được công bố chưa đầy một tuần sau khi đắc cử. Donald Trump chỉ định từ tỉ phú, diều hâu các loại cho đến người dẫn chương trình truyền hình. Đại gia địa ốc Steven Witkoff trở thành đặc phái viên về Trung Đông, cựu thống đốc Arkansas, Mike Huckabee, làm đại sứ Mỹ ở Israël… Hai con "diều hâu" Mike Waltz và Marco Rubio trở thành cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng.
Thống đốc Nam Dakota, Kristi Noem, có thời gian được cho rằng sẽ là người đứng chung liên danh nhưng gây tranh cãi dữ dội sau vụ cô ta bắn chết con chó của mình, sẽ là bộ trưởng nội vụ. Tên tuổi một số nhân vật khác được cho là thành viên nội các mới của Donald Trump cũng được các báo tập trung mổ xẻ. Le Figaro lưu ý, những nhân vật ủng hộ Donald Trump được chọn lựa nhờ lòng trung thành là chính. Chẳng hạn trong số những ngạc nhiên là Witkoff, bạn đánh gôn của ông Trump, người được chọn làm đặc phái viên Trung Đông, trong lý lịch không có gì cho thấy doanh nhân này hiểu biết về khu vực cả.
Elon Musk trong chính quyền Trump : Xung đột lợi ích ?
Được chú ý nhiều nhất là tỉ phú Elon Musk, được Donald Trump giao phụ trách cắt giảm ngân sách liên bang hiện lên đến 6.500 tỉ đô la, theo tổng thống tân cử. Musk chia sẻ nhiệm vụ này với Vivek Ramaswamy, một doanh nhân, ứng cử viên trong bầu cử sơ bộ sau khi thua cuộc đã đứng về phe ông Trump. Bộ Hiệu quả Chính phủ, viết tắt là DOGE, giống như tên loại tiền kỹ thuật số của Elon Musk, khiến giá trị vốn hóa của đồng tiền mang hình giống chó Shiba Inu vượt quá 34 tỉ đô la cuối tuần qua.
Theo Les Echos việc bổ nhiệm Elon Musk rõ ràng là xung đột lợi ích. Người giàu nhất thế giới điều hành một loạt công ty trong đó có Tesla và SpaceX, mạng xã hội X, The Boring Company (sản xuất máy khoan đường hầm), xAI, Neuralink ; đa số đang bị điều tra. Chẳng hạn Tesla là trung tâm cuộc điều tra của cơ quan an toàn giao thông (NHTSA) vì bán phần mềm tự hành "Full Self Driving" điều khiển xe ; SpaceX được cho là kỳ thị hoặc không tôn trọng quy định môi trường. Ngoài ra với mục đích đưa người lên Hỏa tinh, SpaceX lệ thuộc vào các hợp đồng công chủ yếu với NASA. Trong vai trò mới, Elon Musk có thể dẹp hẳn các cơ quan hành chánh gây phương hại cho các công ty của mình. Bên cạnh đó còn có khả năng gây ảnh hưởng lên các bộ có quyền giao hợp đồng nhiều tỉ đô la.
Ê-kíp trong mơ đối với Israel
Les Echos nhận thấy các nhân vật được Donald Trump bổ nhiệm là một "ê-kíp trong mơ" đối với Nhà nước Do Thái. Đội ngũ mới không chỉ ủng hộ Israel, mà còn thân với cánh hữu nước này. Đó là lời bình luận của một nhà báo đài phát thanh quân đội Nhà nước Do Thái. Hiện thời tất cả các thành viên được chỉ định cho tân nội các, trong quá khứ đều có những tuyên bố thuận lợi cho Israel, một số còn cổ vũ cho việc Nhà nước Do Thái sáp nhập West Bank (Cisjordanie), đồng thời cứng rắn trước Iran. Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, thành phần ê-kíp mới là thông điệp mạnh mẽ.
Libération coi đây là những bảo đảm đầu tiên cho Nhà nước Do Thái, nhưng lưu ý rằng cả Mike Huckabee và Steven Witkoff, ngoài tuổi tác tương đương và tình bạn với ông Donald Trump, hoàn toàn không có kinh nghiệm về chính trường quốc tế, chưa nói đến ngoại giao.
Liều thuốc mạnh của EU cho hồ sơ Ukraine ?
Ngược lại, Kiev tỏ ra lo âu. Cựu đại sứ Pháp Michel Duclos trên trang Ý kiến của Le Monde nhấn mạnh, Châu Âu cần đề ra một kế hoạch về Ukraine trong thời gian sớm nhất. Không nên để cho Hoa Kỳ và Nga bàn tính riêng với nhau, trong một hồ sơ tác động đến toàn bộ Châu Âu.
Điều gì khác biệt giữa việc thương lượng về hiệp định nguyên tử Iran hồi cuối năm 2013 và Ukraine năm 2024 ? Trước đây Liên Hiệp Châu Âu (EU) là một bên tham gia, còn nay nếu mở ra đàm phán về Ukraine - mà người ta biết rằng Donald Trump rất muốn giải quyết trước khi chính thức nhậm chức vào tháng Giêng 2025 - EU có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề. Tác giả tỏ ý tiếc rằng tình hình Ukraine lẽ ra đã khác đi, nếu từ tháng Giêng hoặc tháng Hai, các nước lớn Châu Âu dám quyết định mạnh mẽ về chuyển giao vũ khí. Chẳng hạn Pháp và Anh cùng đặt mua một lượng lớn hỏa tiễn của MBDA, Đức giao hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Ukraine. Nhưng điều này đã không diễn ra, rồi lịch sử sẽ phán xét.
Thách thức qua sự quay lại của ông Donald Trump, là làm thế nào tác động lên Washington để tránh một thỏa thuận Munich mới ? Đó là thỏa thuận năm 1938 giữa nước Đức quốc xã, nước Ý phát-xít với Anh và Pháp để tránh chiến tranh, nhưng rồi vài tháng sau cuộc chiến đã nổ ra. Châu Âu sẽ thiệt thòi với kịch bản này. Ông Michel Duclos cho rằng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan... nên nhanh chóng cùng đưa ra đề nghị với Hoa Kỳ, có thể gồm ba vế.
Thứ nhất, tăng cao viện trợ quân sự cho Ukraine. Vì ngân sách trống rỗng, nên dùng biện pháp mạnh là tịch thu tài sản Nga thay vì chỉ sử dụng tiền lời, để mua vũ khí. Thứ hai, bảo đảm vững chắc về an ninh cho Ukraine thời hậu chiến. Một số gợi ý là hội nhập Ukraine vào quốc phòng Châu Âu dù chưa vào được NATO, triển khai quân đội Châu Âu với sự hỗ trợ của Mỹ. Cuối cùng, cần thuyết phục Donald Trump nên tăng cường sức mạnh cho Ukraine trước khi thương lượng, và Châu Âu sẵn sàng đóng góp, để tránh một sự đầu hàng trước Moskva.
Một khi xác định xong kế hoạch, ai sẽ là đặc sứ hiệu quả của Châu Âu trước tổng thống tân cử Mỹ ? Bởi vì Donald Trump không nắm hồ sơ, quan hệ cá nhân mới là quan trọng. Đức sẽ còn tê liệt nhiều tháng cho đến khi lập được liên minh mới, Pháp và Anh chính trường cũng không yên ổn. Nhưng theo tác giả, đây là cơ hội cho Emmanuel Macron đóng vai nhà hòa giải trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai này.
Các đồng minh cần đi đến cùng với Kiev
Về phía nhà chính trị học người Ukraine, bà Anastasia Fomitchova, phân tích trên Le Monde : "Ukraine cần các đồng minh đi đến tận cùng cam kết". Từ đầu cuộc xâm lăng đại quy mô, chủ trương của phương Tây luôn là cung cấp phương tiện cho Ukraine để sống sót nhưng không giao cho những vũ khí cần thiết để chiến thắng. Vào lúc Nga tránh né được cấm vận kinh tế và siết chặt quan hệ với các đồng minh, phương Tây vẫn mang ảo tưởng một cuộc hòa đàm giữa kẻ xâm lăng và nạn nhân bị xâm lược. Hiệp ước Minsk trước đây chỉ giúp Moskva có thời gian củng cố lực lượng để tiến hành một cuộc tấn công mới mạnh hơn nhiều.
Ngược với Châu Âu, Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến để chiến đấu lâu dài, sản xuất thêm nhiều chiến đấu cơ, hỏa tiễn, đạn pháo và drone ; hợp tác thương mại với Iran, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay thông qua các nước không áp dụng cấm vận như Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Phương Tây chỉ viện trợ quân sự nhỏ giọt vì lời đe dọa dùng vũ khí nguyên tử của Putin, tuy nhiên săng-ta này không còn giá trị từ khi quân đội Ukraine tiến vào Kursk.
Trong khi Ukraine đã mất đi rất nhiều người ở tiền phương lẫn hậu phương, mỗi ngày đều có người thiệt mạng. Không được quân đội nước ngoài hỗ trợ, Kiev chỉ có thể trông cậy vào nguồn nhân lực ít ỏi hơn rất nhiều so với Nga. Sống ở Ukraine hiện nay là sống với nhịp độ các hồi còi báo động và những vụ oanh tạc, với sự tang thương. Lính Bắc Triều Tiên đã có mặt trên chiến trường, Nga đã đưa cuộc chiến lên tầm quốc tế, nhưng các đối tác vẫn từ chối cho Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công các phi trường quân sự nơi oanh tạc cơ Nga cất cánh. Điều mỉa mai là các căn cứ quân sự Nga được NATO bảo vệ tốt hơn là thường dân ở Ukraine.
Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa, 5 năm sau vụ hỏa hoạn
Hồi năm 2019 sau trận hỏa hoạn tàn phá di sản ngàn năm tuổi quý giá của nước Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã hứa sẽ xây dựng lại "trong vòng 5 năm". Một thách thức ngỡ rằng khó vượt qua, nhưng rốt cuộc đã thành công, và ông Macron sẽ có phát biểu ngắn trong lễ khai mạc dự kiến vào chiều 07/12/2024. Đây là niềm tự hào mới của Pháp, sau thành công rực rỡ của Thế vận hội Paris vừa qua. Tổng thống Pháp đích thân đôn đốc, hồ sơ được giao "đúng người đúng việc" : tướng Jean-Louis Georgelin, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội.
Vấn đề nhạy cảm cho Élysée hiện nay là khách mời dự lễ khai mạc. Cần có chỗ cho các nguyên thủ nước ngoài, đại diện chính quyền và tôn giáo, các nghệ nhân tham gia dựng lại tuyệt tác này, những người lính cứu hỏa đã cứu vãn được công trình lịch sử. Cũng không thể quên rất nhiều nhà hảo tâm, như các gia đình tỉ phú Arnault, Pinault, Bettencourt. Ước tính số khách mời được vào bên trong Nhà thờ Đức Bà khoảng 1.500 đến 2.000 người.
100 năm trường Mỹ thuật Đông Dương : Triển lãm về ba họa sĩ Việt tại Paris
Le Monde giới thiệu cuộc triển lãm tại bảo tàng Cernuschi về sự ra đời của nghệ thuật Đông Dương ở Hà Nội, với các tác phẩm của ba danh họa Lê Phổ, Mai Thứ (Mai Trung Thứ) và Vũ Cao Đàm. Ngày 27/10/1924, Nhà nước bảo hộ Pháp khánh thành trường Mỹ thuật Đông Dương ở Việt Nam. Người sáng lập, họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937) muốn đào tạo một thế hệ nghệ sĩ và là giảng viên tương lai tại một đất nước vẫn chưa có khái niệm về hội họa đương đại, sáng tạo được coi là thủ công.
Cuộc gặp gỡ với một thanh niên Việt là Nguyễn Vạn Thọ tức Nam Sơn (1890-1973), một nghệ sĩ tự học khao khát tìm hiểu nghệ thuật phương Tây, khiến Tardieu quyết định mở một trường dạy cả kỹ thuật và văn hóa, tương đương với trường Mỹ thuật Paris. Sinh viên được học bài bản về hội họa phương Tây, kết hợp với nghệ thuật truyền thống như sơn mài, tranh lụa... Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Charlotte Aguttes-Reynier, giám đốc nhà bán đấu giá Aguttes, xuất bản tập sách Nghệ thuật đương đại Đông Dương với các tác phẩm tiêu biểu.
Trong đó ba họa sĩ Lê Phổ (1907-2001), Mai Thứ (1906-1980) và Vũ Cao Đàm (1908-2000) xuất thân từ trường này và thành danh tại Pháp, được bảo tàng Cernuschi dành riêng một cuộc triển lãm. Từ mười mấy năm nay, tác phẩm của ba họa sĩ rất được ưa chuộng, nhiều nơi tổ chức những cuộc bán đấu giá riêng. Tác phẩm Le Balcon (1945) của Mai Thứ, Thiếu phụ (1940) của Lê Phổ được các nhà Artcurial và Millon gần đây bán ra với giá hàng trăm ngàn euro, bức tranh Mẹ và các con (1975) của Mai Thứ được nhà Ivoire-Nantes bán giá 1.091.200 euro, con số kỷ lục tại Pháp.
Trong suốt 30 năm, trường Mỹ thuật Đông Dương là nơi gặp gỡ và trao đổi giữa hai nền văn hóa phương Tây và Việt Nam. Sau khi ông Victor Tardieu năm 1937, nhà trường thay đổi hiệu trưởng và mất đi một số người ủng hộ. Đến năm 1954 với hiệp định Genève, Đông Dương không còn là thuộc địa Pháp. Trường Mỹ thuật vẫn tồn tại ở Hà Nội, nhưng xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa đã thay thế cho sự hòa hợp Đông-Tây mà Victor Tardieu mong muốn
Thụy My