Nông dân Pháp lại phẫn nộ biểu tình vì thỏa thuận cạnh tranh không công bằng với Nam Mỹ
Trong vòng chưa đầy một năm, nước Pháp phải chứng kiến hai cuộc phản kháng lớn, thể hiện sự phẫn nộ của giới nông dân, trước những thỏa thuận thương mại của Châu Âu thúc đẩy các cuộc cạnh tranh không công bằng. Đây là chủ đề được nhiều báo Pháp số ra hôm nay, 18/11/2024 quan tâm.
Nông dân chặn đường cao tốc để phản đối thỏa thuận thương mại EU-Mercosur, ngày 18/11/2024 ở Velizy-Villacoublay, ngoại ô Paris, Pháp. AP - Christophe Ena
Một tuần mới bắt đầu với lời kêu gọi biểu tình của nhiều hiệp hội công đoàn nghề nông, đến trước các sở cảnh sát, hoặc các vòng xuyến, đại lộ được đặt tên liên quan Châu Âu. Theo Libération, ở ngoại ô Paris, khu vực Yvelines, một đoàn khoảng 50 đã xe kéo đã chặn đường N118, dựng lều qua đêm hôm Chủ nhật.
Thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và 5 nước Nam Mỹ - Thị trường chung phía nam, (hay còn gọi là Mercosur) là điểm mấu chốt dẫn đến sự bất bình của nông dân Pháp, được coi là nỗi ám ảnh của các nhà chăn nuôi. Theo thỏa thuận, với các điều khoản về thuế quan đối với nhiều nông sản từ Brazil và Argentina, các nông dân lên án cuộc cạnh tranh không công bằng vì cho rằng các nước Nam Mỹ không tuân thủ cùng tiêu chuẩn về môi trường như ở Châu Âu.
Theo Libération, chiến lược huy động của nghiệp đoàn nông dân được chia làm 3 giai đoạn. Đầu tiên là chiến dịch phản đối các thỏa thuận thương mại tự do và các chính sách lỏng lẻo của Liên Hiệp Châu Âu không phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng. Giai đoạn hai và ba liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và thu nhập của nông dân.
Hồ sơ về chủ đề này của nhật báo cánh tả phác họa lại chân dung của những nông dân trong những ngành nghề khác nhau, khi vừa trải qua một năm 2023 được đánh dấu bởi tình trạng khô hạn và ngay sau đó là một năm 2024 "ngập nước" mưa, bên cạnh nhiều dịch bệnh gia súc hay gia cầm, ảnh hưởng đến sản xuất, hay lệnh cấm sử dụng thuốc trừ sâu khiến họ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Trước viễn cảnh cuộc huy động của nông dân trở lên lớn mạnh, chính phủ Pháp cố dắng xoa dịu bằng các khoản hỗ trợ như 75 triệu euro để bồi thường cho các nhà chăn nuôi bị dịch bệnh tấn công và hỗ trợ vac-xin cho gia súc, hay việc bãi bỏ việc tăng thuế đối với xe dùng động cơ diesel trong nông nghiệp.
Về phần mình, để giải quyết khủng hoảng hiện nay, La Croix đặt câu hỏi, liệu có đàm phán lại thỏa thuận này được hay không ? Các cuộc đàm phán đã kết thúc vào năm 2019, và được mở lại vào năm 2023, dưới áp lực từ một số thành viên Liên Âu, trong đó có Pháp, đòi bổ sung các cam kết về môi trường. Paris muốn tiến xa hơn nữa bằng cách bổ sung thêm những cơ chế ngăn cản các nước xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu những thực phẩm không được sản xuất trong cùng điều kiện vệ sinh và môi trường như ở Châu Âu, ví dụ như ngô trồng wor Brazil, sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm ở Pháp.
Tuy nhiên, theo nhật báo công giáo, khả năng đàm phán lại khá mong manh, vì đã quá muộn, theo Ủy Ban Châu Âu. Việc thêm các điều khoản mới có thể thay đổi toàn bộ thỏa thuận và khiến tiến trình đàm phán kéo dài vô thời hạn. Nếu Liên Hiệp Châu Âu đưa các điều kiện mới, thì Mercosur có thể yêu cầu tăng hạn ngạch xuất khẩu không chịu thuế, và như vậy sẽ gây bất lợi cho nông dân Pháp.
Năm nước thuộc Mercosur cũng không thể chấp nhận các yêu cầu mới một cách dễ dàng. Elvire Fabry, nhà nghiên cứu tại Viện Jacques-Delors, cảnh báo về việc không nên đánh giá quá cao khả năng đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt là khi Brazil có truyền thống bảo hộ và chỉ đưa ra nhượng bộ sau nhiều năm. Nếu Liên Âu đưa ra các điều kiện mới, Mercosur có thể yêu cầu tăng hạn ngạch xuất khẩu không chịu thuế, điều này sẽ bất lợi cho nông dân Pháp.
Nhiệm vụ bất khả thi của chính phủ Pháp
Không chỉ giới nông dân, hiện nước Pháp đang phải đối mặt với các cuộc đình công của công chức, lao động trong lĩnh vực tư nhân, của các phi công hay trong ngành đường sắt, hay tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trở lại. Xã luận Le Figaro đề cập đến nỗi lo sợ của tân thủ tướng Michel Barnier, về khả năng sự phẫn nộ trong xã hội Pháp hiện nay có thể lan rộng trở thành phong trào "áo vàng" như cách nay 6 năm.
Tân thủ tướng được thừa hưởng một đất nước với quá nhiều bất ổn, nhưng lại không có phương tiện để làm nên kỳ tích. Nợ công chồng chất, thiếu nguồn lực, không có đa số ủng hộ và thiếu ngân sách, Michel Barnier buộc phải tìm cách tiết kiệm và có thể yêu cầu các địa phương, người dân đóng góp thêm, bằng các chính sách như tái áp dụng thuế địa phương, hay thuế nhà ở. Ông kêu gọi chính quyền địa phương tìm ra số tiền tiết kiệm 5 tỷ euro, trong khi các thị trưởng đang phản đối việc "bị sử dụng làm vật tế thần cho một Nhà nước" không thể quản lý chi tiêu của mình.
Nhật báo cánh hữu nhận xét rằng để xoa dịu tình hình hiện nay là một nhiệm vụ bất khả thi của thủ tướng Pháp.
1000 ngày chiến tranh Ukraine
Về cuộc chiến tại Ukraine, Libération chạy tựa "tại Kiev, thuyết định mệnh vào ngày thứ 1000 của cuộc chiến". Thông tín viên của nhật báo cánh tả ở Kiev mô tả các cuộc tấn công hàng loạt của Nga trong đêm vào Ukraine từ nhiều ngày qua, khiến tinh thần và sức lực của người dân ngày càng kiệt quệ.
Nếu có những người ẩn náu hàng giờ dưới hầm tàu điện ngầm, trải tạm chiếc thảm nằm trên đất hay ngồi trên những bậc cầu thang, mắt không rời điện thoại để theo dõi tin tức chiến sự mới nhất, thì đến ngày thứ 1000 của cuộc chiến, nhiều người Ukraine đã quen với tiếng bom đạn : thay vì tìm nơi ẩn náu khi đêm xuống, họ bất chấp nằm trên chiếc giường quen thuộc, nghe tiếng còi báo động vang dội bên tai.
Trang nhất báo La Croix đăng hình ảnh một người mặc quân phục, ngồi trên xe lăn, tay vác nạng, được một phụ nữ đẩy qua tấm áp phích các vị thánh trong Công giáo, ẩn sau dòng tựa lớn "1000 ngày chiến tranh, sau đó thì sao ?". Xã luận La Croix khẳng định rằng "không ai quên cái đêm tháng Hai năm 2022, khi Vladimir Putin ra lệnh tấn công nước láng giềng phía tây và chiến tranh đã quay trở lại Châu Âu. Gần ba năm sau, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều mặt trận, hậu phương Ukraine kiệt quệ vì một cuộc chiến mà không ai nhìn thấy kết quả.
Cả La Croix và Libération đều nêu ra mặt trận "năng lượng" tại Ukraine, thay vì chiếm làng mạc, thành phố, Nga tấn công vào các hạ tầng năng lượng, đặc biệt là khi mùa đông cận kề, nhiệt độ rơi vào khoảng 1 đến 6 độ C. Cuộc oanh kích bằng drone và tên lửa hôm Chủ nhật đã khiến nhiều nơi tại Ukraine mất điện hôm nay.
Hiện khả năng sản xuất cung cấp điện của Ukraine đã giảm đi một nửa so với trước chiến tranh. Nhà máy điện hạt nhân Zaporijia, nơi cung cấp 40% điện của Ukraine đã bị Nga chiếm đóng từ năm 2022. Các cơ sở nhiệt điện thì liên tục bị tấn công, thủy điện cũng giảm đi hơn một nửa. Ukraine phải cố gắng tự xoay sở, sửa chữa khẩn cấp những chỗ bị hư hại, thường là những thiết bị cũ từ thời Liên Xô, hoặc sử dụng máy phát điện. Gần đây, Liên Hiệp Châu Âu đã thông báo hỗ trợ 160 triệu euro để Ukraine có thể trải qua một mùa đông có điện.
Con đường ngoại giao ngặt nghèo
Sau gần 3 năm chiến tranh, Kiev trong cảnh thiếu vũ khí, thiếu nhân lực, bị quân Nga đẩy lui tại nhiều khu vực, ở trong thế yếu trong cuộc đàm phán. Những điều kiện đàm phán mà Ukraine đặt ra đó là bảo đảm an ninh, không phải chịu cảnh tấn công của bom đạn từ Nga trong nhiều năm tới. Để làm được điều này thì cần phải được tiếp cận với các vũ khí hiện đại từ phương Tây, hay sự hiện diện thường trực của các căn cứ quân sự phương Tây, thậm chí là gia nhập NATO. Dĩ nhiên, Nga không muốn nghe tất cả các điều kiện này.
Vẫn trong hồ sơ này, Le Monde đi sâu vào cuộc điện đàm giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước. Đây là cuộc trao đổi chính thức đầu tiên giữa hai lãnh đạo từ hơn hai năm qua, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Đức, khiến liên minh cầm quyền của thủ tướng Scholz tan rã, dẫn đến việc tổ chức bầu cử sớm.
Trong cuộc trao đổi này, ông Olaf Scholz đã đề cập đến việc lính Bắc Triều Tiên được Nga huy động, đồng thời thúc đẩy đàm phán hòa bình với Ukraine. Phía điện Kremlin khẳng định rằng cánh cửa đàm phàn vẫn luôn rộng mở, nhưng phải chấp thuận các thực tế mới liên quan đến lãnh thổ hai bên. Cuộc điện đàm giữa Nga và Đức đã khiến tổng thống Ukraine phẫn nộ, cho rằng sự can thiệp của Đức trên thực tế đã phá đi thế cô lập của Nga và mở ra các cuộc đàm phán chính thức nhưng sẽ chẳng thu được kết quả nào.
Mong muốn chấm dứt chiến tranh bằng con đường ngoại giao gặp quá nhiều trở ngại, mà theo xã luận La Croix, hòa bình cho Ukraine không thể bị đánh đổi bằng việc mất đất. Điều kiện đàm phán hòa bình phải thuộc về người dân Ukraine, trong cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh ủng hộ của phương Tây suy yếu trước sự trở lại của Donald Trump tại Nhà Trắng Hoa Kỳ. Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ muốn chấm dứt chiến tranh, và ngụ ý khả năng Kiev từ bỏ những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, để đạt được hòa bình. Vị tân phó tổng thống của Hoa Kỳ J.D Vance thì nhiều lần phản đối viện trợ cho Ukraine để buộc Kiev đàm phán.
Về thượng đỉnh G20, được tổ chức ở Brazil, nếu như Libération nói đến cái bóng Trump bao phủ hội nghị, thì Le Monde đưa ra bài phân tích về lập trường của nước chủ nhà dưới sự lãnh đạo của tống thống cánh tả Lula. Với chiến lược thỏa hiệp và không liên minh, tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva tìm cách thúc đẩy Brazil thành một cường quốc, làm đại diện cho tiếng nói của các nước thuộc Nam bán cầu trên trường quốc tế. Ông cam kết xây dựng liên minh các quốc gia đang phát triển, ủng hộ các hợp tác trong khu vực. Tuy nhiên, theo Le Monde, tổng thống Brazil cũng là một kẻ cơ hội, giả tạo, gió chiều nào xoay chiều đó. Mặc dù không ưa gì Putin nhưng vẫn "thân" với Nga và xích lại gần Bắc Kinh vì mục đích kinh tế.
Le Monde cũng cho rằng Brazil khó có thể là một nhà lãnh đạo trong khu vực mà phe cực hữu giành được chỗ đứng, với chiến thắng của tổng thống Javier Milei ở Argentina hay Nayib Bukele ở El Salvador. Lula cũng có mối quan hệ mờ ám với những người đồng cấp cánh tả của mình trên lục địa, ví dụ như tổng thống Colombia, Gustavo Petro, có lập trường trái ngược, kiên quyết phản đối việc khai thác dầu ở Amazon, hay tổng thống Chile Gabriel Boric, người chỉ trích Lula vì thái độ quá khoan dung với chế độ Maduro tại Venezuela.
Những người lính Israel lên án chiến tranh
Về cuộc chiến tại Trung Đông, mục quốc tế của La Croix có bài "Những người lính Israel từ chối phục vụ quân đội". Được huy động từ ngày 07/10 năm ngoái, sau một năm, khoảng 140 lính dự bị đã ký vào bức thư từ chối chiến đấu, cho đến khi nào các bên đạt được thỏa thuận trao trả con tin. Đây là một trong những lập trường hiếm hoi, giữ khoảng cách với cuộc chiến bị coi là cuộc "trả đũa".
Trong bức thư, nhiều quân nhân lên án các hành động lạm dụng bạo lực một cách có hệ thống của các quân nhân đối với các tù nhân từ Gaza, lên án tội ác chiến tranh. Ví dụ, có những tù nhân bị cụt tay chỉ vì còng tay quá chặt. Các vụ oanh tạc phá hủy của quân đội quá tàn bạo, khiến một số người lính tưởng là "cảnh siêu thực", nhưng lại thực tế ngay trước mắt. Có những người tay cầm cờ trắng, nhưng vẫn bị xạ thủ triệt hạ. Lập trường chung của Israel là "ở Gaza không có ai là vô tội", cho rằng bất cứ người dân nào cũng có súng. Một số quân nhân lên án một lệnh được truyền đi là "triệt hạ tất cả mọi người ở Gaza, cả trẻ em cũng không tha vì chúng có thể trở thành khủng bố".
Quân đội của Nhà nước Do Thái ngay lập tức đã kêu gọi những người ký bức thư, thu hồi lại những bình luận nói trên, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Chi Phương