Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/12/2024

Điểm báo Pháp - Số phận của di dân ở Mexico

RFI tiếng Việt

Số phận bấp bênh của di dân ở Mexico sau khi Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ

Số phận của di dân ở Mexico sau khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, chiến tranh Ukraine, tỉnh Mayotte của Pháp bị bão Chido tàn phá là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay, 16/12/2024.

sophan

Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump  và tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum. © Rodrigo Oropeza & Jeff Kowalsky / AFP

Trang nhất của nhật báo công giáo La Croix chú ý đến việc kể từ khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ hôm 06/11, số phận của những di dân ở Mexico trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng đã cam kết sẽ trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp ngay khi nhậm chức vào ngày 20/01/2025.

Vidal Berroteran, một thanh niên 21 tuổi người Venezuela, không quan tâm đến những lời đe dọa này. Đang có mặt ở một khu vực hoang vắng, cách thủ đô Mexico City 60 km về phía bắc, chàng trai này đang chờ một chuyến tàu hàng sẽ đi qua trong vài giờ nữa để đu lên tàu và di chuyển đến miền bắc Mexico, rồi từ đó sẽ tìm cách vượt biên trái phép sang Hoa Kỳ. Donald Trump đã tuyên bố sẽ trục xuất gần 11 triệu di dân bất hợp pháp, nhưng Vidal nghĩ điều này là không thể, vì những người này đang làm những công việc mà người Mỹ không muốn làm. Nhiều chuyên gia cho rằng chiến dịch trục xuất hàng loạt của Trump sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Giờ đây, việc cấp bách đối với di dân là đến được Mỹ trước tháng 01/2025. Nhiều cơ sở trú ẩn dành cho di dân ở Mexico City đang ngày một vắng dần. Nhiều người quyết định rời khỏi thành phố và vượt biên trái phép. Họ lo sợ những ứng dụng như CPB One, cho phép họ nộp đơn xin tị nạn tại Hoa Kỳ, sẽ biến mất, và những tin đồn về việc bị bắt giữ ở biên giới cũng khiến họ ngày càng lo lắng.

Còn ở miền nam Mexico, ít nhất năm đoàn người di cư đã được hình thành kể từ khi họ hay tin Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Mặc dù các cơ quan di trú Mexico thường xuyên giải tán những đoàn người này, di dân vẫn quyết tâm đến được Hoa Kỳ. Tổng thống Claudia Sheinbaum đã hứa sẽ tiếp nhận lại những công dân Mexico bị Washington trục xuất, nhưng không nói rõ sẽ làm gì với di dân từ các quốc gia khác. Trong khi đó, Vidal vẫn tiếp tục mơ về một cuộc sống ở Mỹ.

Pháp : Thủ tướng Bayrou sẽ tại vị lâu hơn những người tiền nhiệm ?

Về thời sự Pháp, trang nhất và bài xã luận của nhật báo Le Monde quan tâm đến việc đất nước có thủ tướng mới. Một cái tên cuối cùng đã xuất hiện hôm 13/12 vừa qua. Đó là François Bayrou, chủ tịch đảng cánh trung MoDem.

Ông Bayrou trở thành thủ tướng ở tuổi 73, kế nhiệm Michel Barnier, cùng tuổi, bị Quốc hội bất tín nhiệm trước đó gần chục ngày. Đối với tân thủ tướng Pháp, việc được bổ nhiệm là một sự thăng tiến cá nhân, bởi ông Bayrou đã phải đấu tranh để thuyết phục một tổng thống Macron do dự, lo sợ quyền lực bị đe dọa bởi những "âm mưu" của các chính đảng đối lập. Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, niềm tin vào giới chính trị đang lung lay, và đã đến lúc "vở kịch" này phải chấm dứt.

Pháp có một thủ tướng mới, người thứ tư trong vòng chưa đầy một năm. Tuy nhiên, không có gì khẳng định tân chủ nhân điện Matignon sẽ tại vị lâu hơn hay thành công hơn những người tiền nhiệm. François Bayrou, "người hòa giải", từ năm 2007, đã mơ về việc tập hợp cánh tả, cánh trung và cánh hữu để cùng nhau "tìm ra giải pháp". Ông sẽ phải hành động nhanh chóng nếu không muốn tiếng nói của bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) ngày càng có trọng lượng.

Một phần của cánh tả dường như đã thay đổi lập trường sau khi chính phủ của thủ tướng Barnier bị lật đổ. Cuối tuần qua, đảng Xã Hội (PS), cùng với đảng Xanh và đảng Cộng Sản (PC), đã quyết định nhượng bộ đôi phần, khiến Jean-Luc Mélenchon của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) bị cô lập, vì ông là người duy nhất yêu cầu phế truất Macron và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Đảng PS đã tìm cách gây áp lực với tổng thống Macron để buộc ông bổ nhiệm một thủ tướng cánh tả, nhưng không thành công. Đảng này tuy vẫn ở phe đối lập, nhưng dường như sẽ không bỏ phiếu bất tín nhiệm tân chính phủ nếu họ không sử dụng điều 49.3. Điều này sẽ buộc François Bayrou phải nhượng bộ về chính sách thuế quan và cải cách hưu trí, hai hồ sơ quan trọng đối với phe Macron.

Cánh hữu thì vẫn tỏ ra thận trọng và miễn cưỡng. Việc họ có tham gia chính phủ hay không còn phụ thuộc vào chính sách mà tân thủ tướng sẽ áp dụng. Ông Bayrou ngay lập tức phải chịu áp lực giống như người tiền nhiệm, nhưng với nguy cơ phải nhượng bộ nhiều hơn.

Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông François Bayrou đã đề cập đến tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách, một cách để nhấn mạnh đến sự hỗn loạn của tình hình chính trị đất nước. Chính trường Pháp đã rơi vào bế tắc trong nhiều tháng qua, với một tổng thống mà uy tín giảm sút trầm trọng, đi kèm với các dân biểu làm hình ảnh của

Quốc hội bị hoen ố, bởi những chính khách này không hiểu rằng nếu không có đa số thì nên thỏa hiệp.

Tình trạng này dẫn đến sự suy yếu cả về mặt dân chủ lẫn kinh tế. Người dân Pháp cảm thấy lo lắng, thậm chí "ngao ngán". Le Monde kết luận rằng tổng thống Macron, các dân biểu và các chính đảng cần nhìn xa hơn lợi ích cá nhân, nếu muốn đạt được tiến bộ trong những tháng tới. Nếu không, hố sâu ngăn cách người dân với giới chính trị sẽ ngày càng lớn.

Pháp : Bão Chido tàn phá tỉnh Mayotte

Vẫn tại Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Libération chú ý đến cơn bão Chido khốc liệt vừa càn quét Mayotte. Đây là tỉnh nghèo và thiếu thốn nhất Pháp, và từ 14/12, cũng là tỉnh bị tàn phá nhiều nhất. Cơn bão đổ bộ vào Mayotte đã biến quần đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương này thành một "cảnh tượng tận thế", theo lời thuật của một cư dân bàng hoàng.

Có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đã bỏ mạng. Hơn 100.000 người sống trong các khu ổ chuột, và những nơi này đã bị xóa sổ hoàn toàn. Các bệnh viện và sân bay bị thiệt hại nặng nề, các cột điện gãy đổ, và mạng lưới điện không hoạt động... Mayotte bị cắt đứt khỏi thế giới và những nạn nhân còn sống đang thiếu thốn mọi thứ.

Sự kiện "ngoại lệ" này, theo Cục Khí tượng Pháp Météo France, là một hiện tượng tự nhiên, nhưng trong trường hợp này, con người phải chịu trách nhiệm rất lớn. Đầu tiên là con người đã thúc đẩy hiện tượng hâm nóng toàn cầu, khiến nhiệt độ nước biển tăng lên gần 30°C và tạo ra "một kho năng lượng lớn cho các cơn bão". Sau đó là chính quyền đã để cho tỉnh này rơi vào cảnh nghèo khổ, mặc dù nhiều cảnh báo đã được đưa ra từ nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua.

Mặc dù tỉnh Mayotte thuộc Pháp, nền kinh tế thứ 7 thế giới, nhưng người dân không tiếp cận được nguồn nước ngọt một cách dễ dàng. Sáu trên mười ngôi nhà không có nhà vệ sinh hoặc phòng tắm. Hiện tượng này khiến cho dịch tả lan rộng, điều mà không ai nghĩ sẽ xảy ra vào năm 2024.

Trước khi cơn bão ập đến, giới y tế ở thủ phủ Mamoudzou đã cảnh báo là khoa cấp cứu ở các bệnh viện "không được bảo đảm" do thiếu nhân lực. Giờ đây, khi bệnh nhân bị trọng thương đang đổ về, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Các nhà tù cũng là vấn đề đáng quan tâm ở Mayotte, với tình trạng quá tải "đáng báo động" được ghi nhận. Chính vì vậy, bộ trưởng Nội Vụ từ nhiệm Bruno Retailleau đã gấp rút có mặt ở Mayotte để thị sát tình hình.

Nhật báo thiên tả kết luận Nhà nước đã thất bại trong việc quản lý tỉnh này và người dân đang phải trả giá. Điều quan trọng nhất bây giờ là nhanh chóng tìm mọi cách giúp đỡ người dân thoát khỏi tình trạng này.

Tương lai bất định của Syria sau khi đế chế Bachar al-Assad sụp đổ

Nhìn sang Trung Đông, nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nói về việc chỉ vài ngày sau khi Bachar al-Assad bị lật đổ, rất nhiều sáng kiến ngoại giao đã được tiến hành để hiểu rõ hơn về tình hình đầy biến động ở Syria và quá trình chuyển tiếp đang được tổ chức. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo đã thiết lập được kênh liên lạc với tổ chức Hayʼat Tahrir al-Sham (HTS) do Abu Mohammad al-Jolani lãnh đạo.

Tại Jordan, các quan chức của Mỹ và những quốc gia Ả rập, cùng với ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, đã tham gia hội nghị Aqaba để thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria. Các bên đề cập đến việc phải bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số và duy trì các "dịch vụ thiết yếu" của Nhà nước. Các nước cũng muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố và kiểm soát vũ khí để tạo điều kiện thuận lợi cho di dân Syria trở về nước.

Moskva "Nga hóa" trẻ em Ukraine

Về chiến tranh Ukraine, tờ Le Monde dành trang nhất báo động về việc bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, dường như không gì có thể ngăn cản Moskva "Nga hóa" trẻ em Ukraine, trong bối cảnh điện Kremlin tìm mọi cách không cho các em trở về nước. Dù những trẻ em này sống ở các khu vực Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng hay đã bị đưa đến Nga, chúng bị ép phải theo học chương trình "nhồi sọ" của Moskva. Những trẻ em mồ côi hay nhũng người bị tách rời khỏi cha mẹ dần biến mất khỏi các cơ sở tiếp nhận trẻ em, hoặc được các gia đình Nga nhận làm con nuôi.

Mykola Kuleba, giám đốc tổ chức Save Ukraine, tố cáo "Nga không tôn trọng bất kỳ quy tắc quốc tế nào và không muốn hoàn trả những đứa trẻ này. Việc đưa chúng về nước trở nên ngày càng khó khăn. Các cơ quan an ninh Nga làm mọi cách để ngăn chặn". Theo ông Kuleba, đứa trẻ nào bày tỏ mong muốn trở về Ukraine thì sẽ ngay lập tức bị bắt giữ và thẩm vấn, còn tại những khu vực Ukraine bị Nga chiếm đóng, các bậc phụ huynh bày tỏ nguyện vọng đưa con trở về nhà cũng bị bắt và bỏ tù.

Kiev đã xác định khoảng 20.000 trẻ em liên quan đến chiến dịch "di tản", vi phạm các công ước quốc tế. Còn Moskva khẳng định đã tiếp nhận 744.000 trẻ em Ukraine vì lý do "nhân đạo".

Vụ việc đã trở thành vấn đề quốc tế sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cáo buộc Vladimir Putin và Maria Lvova-Belova, Ủy viên Nhân quyền Nga, phạm tội ác chiến tranh vì vai trò của họ trong việc di tản và "Nga hóa" trẻ em Ukraine.

Sau khi các tổ chức phi chính phủ chỉ trích sự thụ động của chính quyền Ukraine trong vấn đề nêu trên, đích thân tổng thống Volodymyr Zelensky đã bắt tay vào hồ sơ này từ mùa thu năm 2023. Chính phủ Ukraine đã triển khai hai sáng kiến ngoại giao. Sáng kiến đầu tiên được triển khai sau khi Qatar đứng ra làm trung gian hòa giải vào tháng 10/2023. Sáng kiến thứ hai có tên "Bring Kids Back", được triển khai vào tháng 02/2024, với sự tham gia của 41 quốc gia và Hội Đồng Châu Âu. Mặc dù vậy, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Gruzia : Cầu thủ bóng đá trở thành tổng thống

Còn tại Gruzia, trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro quan tâm đến tân tổng thống Mikhaïl Kavelachvili, bị những người biểu tình ủng hộ tiến trình gia nhập Liên Âu không tiếc lời đả kịch.

Kavelachvili bị chỉ trích vì không có tính chính đáng để làm tổng thống. Người dân tố cáo việc ông Kavelachvili được bầu bởi một hội đồng các đại cử tri, phần lớn thuộc đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia thân Nga, trong khi phần lớn người dân Gruzia muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Kavelachvili, 53 tuổi, cựu cầu thủ bóng đá, đã từng chơi cho các câu lạc bộ như Manchester City và Grasshopper Zürich. Vào năm 2016, ông trở thành dân biểu đảng Giấc mơ Gruzia. Mặc dù chưa bao giờ vượt trội trong các cuộc thăm dò, Kavelachvili đã trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống sau khi chỉ trích phương Tây và kêu gọi đưa Gruzia trở lại vòng ảnh hưởng của Nga.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 13 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)