Nga : Người dân "tỉnh" về thực trạng kinh tế ẩn sau số liệu được Nhà nước "đánh bóng"
Chết chóc và hoang tàn sau cơn bão Chido tàn phá đảo Mayotte của Pháp ở Ấn Độ Dương, những thách thức cho tân thủ tướng Pháp từ ngân sách đến thành viên nội các, thời sự Syria và tình hình kinh tế Nga bị cuốn theo cuộc chiến Ukraine là những chủ đề thời sự chính trên một số tờ báo lớn của Pháp ngày 17/12/2024.
Bảng tỉ giá hối đoái tại Moskva, Nga, ngày 20/11/2024. AP - Alexander Zemlianichenko
Liệu sắp qua rồi thời kỳ điện Kremlin cười vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây ? Sau gần 3 năm thể hiện dẻo dai, chống chọi thách thức, "bóng ma trì trệ" lộ dần tại Nga, theo nhận định của bài xã luận trên báo Le Monde. Còn Les Echos giải đáp câu hỏi : "Tại sao, bất chấp vẻ ngoài, những biện pháp (trừng phạt) này đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga".
Theo một số chuyên gia, được nhật báo kinh tế Pháp trích dẫn, các biện pháp trừng phạt rõ ràng không đạt hiệu quả như Mỹ và Châu Âu dự đoán nhưng không phải là không có tác dụng. Các lệnh trừng phạt đã gây tổn hại cho Nga, như đã làm với Iran, Cuba và Bắc Triều Tiên. Bởi vì, theo kinh tế gia Sergei Guriev, giám đốc Trường Kinh tế Luân Đôn, trong bài phát biểu tại một hội nghị chuyên đề do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR) tổ chức ở Paris vào tuần trước, "cần phải xem Ukraine sẽ như thế nào nếu không có các lệnh trừng phạt đối với Nga. Những biện pháp này đã làm suy yếu khả năng của Putin trong việc gửi thêm quân ra trận, đầu tư cho các loại vũ khí thiện chiến hơn".
Cả Le Monde và Le Figaro đều nhận định là nếu quân đội Nga tiến mạnh trên chiến trường trong những tuần gần đây, thì trên mặt trận kinh tế, tin tức lại không được thuận lợi cho Moskva. Đúng là "nền kinh tế Nga dường như kháng cự được cho đến nay", theo nhận định của báo Les Echos hoặc theo Le Monde, "Nga từng thành công trong việc duy trì ảo tưởng về khả năng phục hồi bất ngờ" nhờ "trông cậy vào sự giúp đỡ của Trung Quốc để cung cấp các sản phẩm công nghiệp, Ấn Độ để mua dầu lửa Nga và Bắc Triều Tiên và Iran để cung cấp vũ khí cho Nga". Nhìn toàn cảnh, "như thể các nước phương Nam quyết định cho phương Tây thấy rằng họ không còn là chủ nhân của thế giới".
Tạo số liệu để giảm mức nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế
Tuy nhiên, có thể thấy thực tế hiện nay tại Nga qua lãi suất cho vay lên đến 21% vào cuối tháng 10. Theo Le Monde, đây là mức cao chưa từng có ở Nga từ hơn 20 năm nay và khiến đầu tư trở nên phức tạp, bởi vì tìm được những dự án có lợi nhuận cao hơn lãi suất chỉ đạo hiện giờ trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Tại sao tăng lãi suất lên thành 21%, gấp gần ba lần tỉ lệ lạm phát là 8,5%, theo số liệu của Nhà nước ? Một nghiên cứu của Viện Kinh tế chuyển tiếp ở Stockholm (Thụy Điển) thiên về khả năng số liệu thống kê về giá cả ở Nga là sai thực thế. Lạm phát đã bị hạ thấp, còn tăng trưởng GDP đã được thổi phồng.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng lưu ý "nền kinh tế Nga trong trình trạng không tốt. Chỉ riêng trong tháng 11, đồng rúp đã mất 8% so với đô la, mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Và để kềm chế lạm phát sắp thành hai con số và bị thúc đẩy bởi tình trạng thiếu lao động, Ngân hàng Trung ương Nga có lẽ sẽ tăng thêm lãi suất cơ bản lên thành 23% vào thứ Năm (19/12)".
Các kinh tế gia của văn phòng Capital-Economics cho rằng "Nga đang có nguy cơ cao gặp khủng hoảng ngân hàng [...] với việc tăng lãi suất và dịch vụ nợ" và hoàn toàn có thể tính đến kịch bản "mất khả năng thanh khoản gia tăng và thắt chặt điều kiện tín dụng". Giá thuê nhà đã tăng vọt ở Moskva, cũng như giá một số thực phẩm cơ bản đã tăng 40% kể từ đầu năm. Theo Les Echos, có nhiều khả năng Nga sẽ phải tăng lãi suất lên thành 25% vào tháng tới và như vậy sẽ kéo theo việc tăng dần thuế thu nhập cá nhân sau 20 năm áp dụng "mức thuế khoán" (flat tax).
Ngành công nghiệp Nga cũng sẽ bị cản đà phát triển. Một số nhà phân tích cho rằng điện Kremlin sẽ không thể tài trợ cho nỗ lực chiến tranh trong chưa đầy một năm nữa. Dù vậy, theo Le Monde, tổng thống Nga vẫn quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 30% cho giai đoạn 2025-2027 và như vậy ngân sách này sẽ chiếm đến 40% chi tiêu của Nhà nước.
Phương Tây tiếp tục chặn nguồn thu nhập của Nga
Mỹ chuẩn bị ban hành thêm những biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu dầu lửa Nga, nhắm vào hoạt động mua bán lậu dầu lửa và các đội tàu dầu "ma" để lách trừng phạt. Theo trang Bloomberg, được Le Monde trích dẫn, thu nhập từ thuế dầu lửa Nga đã giảm 21% trong vòng một năm và sẽ còn giảm thêm trong năm 2025.
Liên Hiệp Châu Âu cũng có biện pháp tương tự trong loạt trừng phạt thứ 15 được thông qua ngày 16/12. Báo Le Figaro lưu ý các tàu chở trang thiết bị quân sự cho Nga, hoặc chở ngũ cốc đánh cắp của Ukraine cũng bị nhắm tới trong loạt trừng phạt này.
Israel lợi dụng hỗn loạn để triệt quân đội Syria, phá bàn đệm của Iran
Syria, một mặt trận khác, cũng là điểm nóng thời sự được các nhật báo Pháp chú ý. "Kho vũ khí Syria bị phá hủy vì chiến dịch oanh kích của Israel", theo bài viết trên báo Le Monde. "Đục nước béo cò", Israel đã không bỏ lỡ cơ hội lợ dụng tình hình hỗn loạn sau khi tổng thống Bachar al-Assad bị lật đổ.
Thực ra, Israel đã chuẩn bị cho kế hoạch này từ năm 2011 sau cuộc cách mạng mùa xuân. Ngay ngày 07/12/2024, khi quân nổi dậy tiến vào Damascus và sự sụp đổ của chế độ al-Assad chỉ còn tính theo giờ, Israel không tuyên chiến nhưng đã mở chiến dịch "Bashan Arrow" nhắm vào Syria. Khoảng 350 drone (tương đương với toàn đội drone của Không quân Pháp) đã tấn công hai sân bay T4 và Ble, các hệ thống phòng không, khu vực sản xuất vũ khí ở Damascus, Homs, Tartus, Lattaquia, Palmyra trên lãnh thổ Syria. Đây là một trong những loạt oanh kích có quy mô lớn nhất trong lịch sử Israel và triệt hạ 80% năng lực của quân đội Syria. Từng nằm trong số mạnh nhất Trung Đông, hệ thống phòng không Syria đã bị loại bỏ.
Nhà phân tích Michael Horowitz, trung tâm Le Beck, chuyên về Trung Đông, giải thích : "Israel muốn chuyển từ ưu thế trên không sang thế thượng phong hoàn toàn. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tấn công vào Iran. Trước năm 2011, quân đội Syria từng bị Israel coi là một trong những mối đe dọa chính. Kể cả sau nội chiến, số vũ khí hạng nặng của Syria vẫn còn đáng kể. Israel sợ kịch bản Libya lặp lại và những kho vũ khí này bị mất kiểm soát vì các nhóm vũ trang đánh cắp".
Nhưng Israel không dừng ở đó mà chiếm vùng phi quân sự do Liên Hiệp Quốc kiểm soát từ năm 1974. Đây là khu vực phân chia giữa phần cao nguyên Golan bị Nhà nước Do Thái chiếm đóng từ năm 1967 với phần còn lại do Syria kiểm soát. Các vụ tấn công tiếp diễn trong suốt tuần sau khi chế độ Bachar al-Assad lật đổ đã khiến gây bất ổn cho chính quyền vừa hình thành ở Syria và khiến người dân lại phải di tản trong khi lẽ ra phải ồ ạt trở về, theo nhận định trên trang blog của nhà phân tích quân sự, cựu sĩ quan Pháp Guillaume Ancel.
Thế lưỡng nan của tân chính quyền ở Damascus
Trong khi đó, lực lượng thánh chiến HTS tìm cách lập chính quyền ở Damascus nhưng không liên kết với các nhóm tôn giáo thiểu số hoặc với các nước phương Tây. Trong bài "Những thế lưỡng nan của tân chính quyền ở Damascus", báo Le Monde phân tích một số điểm, trong đó có nhân sự cấp cao trong tân chính quyền sẽ chỉ là đàn ông, thuộc hệ phái Suni và thường được điều động từ chính quyền vùng Idlib, bị hạn chế về kinh nghiệm. Chính quyền mới phải kêu gọi toàn bộ đội ngũ nhân viên của chế độ cũ với lời hứa tăng lương 300%.
Chính phủ chuyển tiếp có 11 bộ trưởng do thủ tướng là nhà kỹ trị Mohamed al-Bashir điều hành nhưng "không có bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ hay Quốc phòng, điều này có nghĩa là những chức vụ này sẽ do chính Jolani đảm nhiệm", trong khi theo nhận định của Jihad Yazigi, tổng biên tập trang Syria Report, "Golani nên trao bớt một phần trách nhiệm vì quản lý Syria phức tạp hơn là vùng Idlib".
Tiếp theo là khó khăn về ý thức hệ, vì "HTS phải đối mặt với một xã hội đa dạng hơn so với Idlib" trong bối cảnh quan ngại về việc áp đặt luật Hồi giáo sharia. Một khó khăn khác là "bảo đảm sự tiếp nối trong tất cả cơ quan hành chính địa phương, ổn định xã hội và cung cấp dịch vụ cũng như thu thập mọi thông tin về Damascus và Syria để lập kế hoạch phát triển từ 2 đến 5 năm". Cuối cùng là nguồn tài chính để tái thiết Nhà nước, trong khi chính quyền mới dự định giảm rất nhiều loại thuế mà chế độ cũ "hút" từ người dân và tiểu thương.
Chế độ Bachar al-Assad sụp đổ cũng làm lộ rõ địa ngục trần gian trong các nhà tù. "Syria : Triều đại khát máu của Bachar al-Assad qua lời kể của các nạn nhân" được nhật báo Le Figaro thuật lại : Bắt giữ tùy tiện, tra tấn, sát hại… không có tội ác nào là không có dưới chế độ trấn áp của nhà độc tài kể từ cuộc nội chiến mùa Xuân 2011.
Pháp : Mayotte tan hoang vì bão Chido
Trang nhất của tất cả các nhật báo Pháp đều nói về cơn bão Chido càn quét đảo Mayotte của Pháp ngày 14/12 với sức gió lên đến 200 km/giờ.
"Mayotte tan nát" là ghi nhận trong phóng sự của báo Libération. Bệnh viện trên đảo lo điều tồi tệ nhất. Hệ quả "sau bão mới là điều khó khăn nhất phải trải qua". Tổ chức Solidarités International-cảnh báo "phải sớm bảo đảm an toàn cho nguồn nước để tránh đại dịch". Kèm với hình ảnh đống đổ nát, Le Monde đưa tin "ở Mayotte, chết chóc và hoang toàn sau khi bão Chido đi qua". Khi bão ập vào, người dân trên đảo như phải đối mặt với "ngày tận thế".
Để giải đáp cho câu hỏi : "Tại sao Mayotte lại nằm giữa đường đi của bão Chido", Le Figaro cho biết mắt bão đã tránh đảo Madagascar và tiến vào Mayotte và quét từng khu vực trên quần đảo chỉ trong 30 phút. Còn hiện tại, "Nhà nước đối mặt với hỗn loạn ở Mayotte". Nhật báo công giáo La Croix đánh động : "Khẩn cấp ở Mayotte". Chính quyền tỉnh cho rằng "có đến vài trăm", thậm chí là "vài nghìn" người chết do các khu ổ chuột ở tỉnh nghèo nhất nước Pháp bị bão quét sạch. Công tác cứu trợ khẩn cấp đang được tổ chức, thiệt hại vật chất được thẩm định lên đến vài trăm triệu euro.
Châu Âu thua Mỹ và Trung Quốc về công nghệ cao
Châu Âu đang bị thụt lùi về công nghiệp so với Mỹ và Trung Quốc. Đây là ghi nhận trong bài phân tích về "Châu Âu bị kẹt trong ngưỡng công nghệ tầm trung" của Le Monde.
Trí tuệ nhân tạo, pin mặt trời, pin, công nghệ sinh học : Từ nhiều thập niên qua, Châu Âu bị chậm trễ và đang gánh những hệ quả từ việc không dứt khoát tập trung đầu tư vào công nghệ của thế kỷ XX như công nghiệp ô tô, hóa học… hiện được coi là "công nghệ bậc trung". Lời cảnh báo đã được Mario Draghi, cựu thủ tướng Ý, đánh động trong bản báo gửi lên Ủy Ban Châu Âu vào tháng 09/2024 : thiếu cải cách sâu rộng, Châu Âu sẽ "từ từ suy tàn" với việc mất năng suất và sự đa dạng.
Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu, hiện chưa nằm trong danh sách những nước bị thiệt hại, nhưng mức thâm hụt ngân sách lớn, vẫn còn rất nhiều công việc ít cần tay nghề cao và thiếu hụt trong hệ thống giáo dục sẽ đè nặng thêm những mối đe dọa trong tương lai.
Sàng lọc sơ sinh : Vài trăm bệnh hiếm sắp được phát hiện
Một tin vui trong ngành y tế, được Le Figaro đề cập, là việc giải trình tự bộ gen sẽ giúp sàng lọc ở trẻ sơ sinh số lượng bệnh di truyền lớn hơn nhiều so với biện pháp đang được áp dụng hiện nay và như vậy sẽ giúp điều trị sớm hơn và sẽ hiệu quả hơn. Đây là kết quả của nghiên cứu đầu tiên được công bố cuối tháng 10 trong dự án GUARDIAN được tiến hành tại đại học Columbia, New York (Mỹ). Mục tiêu của dự án là cho thấy biện pháp sàng lọc này có thể đáng tin cậy, nhanh chóng và không tốn kém khi được áp dụng cho toàn dân, một điều không tưởng cách đây 10 năm.
Thu Hằng