Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/09/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Ukraine và di sản Liên Xô

RFI tiếng Việt

Ukraine tiếp tục thanh toán di sản Liên Xô

Với tựa đề : "Ukraine vĩnh biệt Lênin", nhật báo Công giáo La Croix ghi lại một thực tế đang diễn ra ở đất nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, đó là việc chính quyền ra đời từ sau cuộc cách mạng Maidan đang muốn xóa đi ký ức về Liên Xô, bắt đầu là từ hình ảnh của Lênin, cha đẻ ra cuộc cách mạng Nga tháng 10/1917 dẫn đến hình thành Liên Bang Xô Viết.

disan1

Tượng Vladimir Lenine bị những người biểu tình thân Ukraine lật đổ ở thành phố phía đông Kharkiv ngày 28/09/2014. Reuters/Stringer

Tác giả bài viết ghi nhận : "Ở Ukraine Lênin đã rơi khỏi bệ. Những bức tượng bán thân, đầu, thân bằng đồng, sắt, đá hay thạch cao của nhà cách mạng đã bị cơn gió của một cuộc cách mạng khác cuốn đi, đó là cuộc cách mạng Maidan (2013-2014)". Từ các thành phố đến vùng nông thôn, các cơ quan chính quyền mới thân Châu Âu đang xóa đi các biểu tượng của ký ức Liên Xô sau khi thông qua bộ luật về ký ức hồi tháng 4/2015. Chính sách phi cộng sản đã hạ 1.500 bức tượng Lênin và đặt tên lại 22.000 đường phố. Một chương trình được tiến hành rầm rộ, nhưng không diễn ra nhẹ nhàng.

Tác giả bài phóng sự của La Croix đưa độc giả đến Korji, một làng nhỏ cách thủ đô Kiev 80 km. Dân làng nơi đây cũng là những người ái quốc không kém những người Ukraine khác. Họ nói tiếng Ukraine thường ngày, quyên góp tiền ủng hộ các binh sĩ đang chiến đấu ở miền Đông chống lại phe ly khai thân Nga. Tuy nhiên khi luật phi cộng sản được thông qua, việc hạ tượng Lênin đã gây chia rẽ trong người dân. Dân làng đã quyết định cứu bức tượng Lênin bán thân bằng sắt duy nhất ở địa phương ra khỏi bãi rác bằng cách sơn lại bức tượng bằng màu vàng và xanh, màu cờ Ukraine. Họ muốn bán lại bức tượng Lênin để lấy tiền hoàn thiện ngôi nhà thờ của xã với cái giá 10 nghìn euro. Nhưng đến giờ vẫn chưa có ai hỏi mua.

Trở lại Kiev, tác giả bài viết gặp giám đốc viện Ký Ức Quốc Gia trong văn phòng làm việc từng là tổng hành dinh của Tcheka, cơ quan an ninh chính trị của cách mạng Bolsevik. Tại đó ông Volodymyr Viatrovitch chỉ đạo tiến trình phi công sản ở Ukraine. Ông nhận định : "Nhiều nước đã rũ bỏ hết, từ tội ác Lênin cho đến phá bỏ bức tường (Berlin), hãy xem chúng tôi giờ đang ở đâu. Ở miền Đông, những phần tử ly khai thân Nga đang bảo vệ bản sắc Xô Viết. Phi cộng sản là vấn đề an ninh đất nước".

Sau tượng Lênin, theo bài viết, mục tiêu sắp tới của tiến trình phi cộng sản đó là các biểu tượng búa liềm trên đại lộ Viktor ở Kiev. Đây cũng không phải là vấn đề được nhất trí hoàn toàn. Vẫn còn có người nhận thấy đó không phải là cách tốt nhất để hòa hợp dân tộc trong lúc người Ukraine đang chia rẽ.

"Lênin cũng hung bạo như Stalin ?"

Đó là tiêu đề bài viết ngắn cùng chủ đề của La Croix. Bài viết ngược dòng lịch sử với nhận định : "Cuộc cách mạng Bolsevik chiến thắng trong máu và trong một cuộc nội chiến kinh hoàng". Theo tác giả bài viết, dưới cái nhìn của Lênin, cần phải tước bỏ vũ khí của tất cả những bộ phận xã hội chống lại cải cách, đó là : Nhà thờ, giới quý tộc, những người nông dân ngang bướng, giới tư sản và những người Xã Hội-Dân Chủ…. Để làm được việc đó, Lênin sẵn sàng dùng các biện pháp như hành quyết hàng loạt, bắt đi đày vào các trại tập trung. Cuộc nội chiến tiếp theo sau khi những người Bolsevik lên nắm quyền tháng 11/1917 là một chiến trường đầy bạo lực kinh hoàng của tất cả các bên tham chiến.

Theo đánh giá của nhà sử học, François-Xavier Néard, được bài báo trích dẫn : "Bạo lực theo kiểu Lênin hướng ra vòng ngoài, những người chống chế độ Bolsevik. Bạo lực của Stalin lại là vô lối và nhằm vào tứ hướng để trở thành một hệ thống quản lý xã hội. Khi Stalin phát động cuộc đại thanh trừng (1936-1938) gây ra gần một triệu nạn nhân, ông ta không hề có kẻ thù thực sự hay cụ thể trước mặt".

Pháp : Luật lao động, cải cách gây nhiều chú ý

Ngày 31/08/2017, chính phủ Pháp công bố 5 nội dung cải cách luật lao động bằng sắc lệnh, một hồ sơ nóng liên quan trực tiếp đến nền kinh tế nói chung cũng như công ăn việc làm, đời sống người lao động Pháp. Sự kiện này đã được dư luận Pháp mong đợi từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron và đây cũng là một trong những lời hứa tranh cử quan trọng của ông. Bởi thế mà cải cách luật lao động là chủ đề phủ kín các trang báo Pháp hôm nay. Hầu hết các báo đều dành dung lượng lớn để khai thác mổ xẻ nội dung cải cách luật lao động với các ý kiến ủng hộ và chống, những cái được và mất của người lao động, của các doanh nghiệp.

Điểm qua những hàng tựa lớn trang nhất của một số tờ báo, ta thấy : "Việc làm : Cuộc cải cách làm thay đổi ván bài", tựa của Le Figaro. Trong khi đó Libération, một tờ báo có xu hướng thiên tả thì ghi nhận nội dung cải cách lần này mang lợi nhiều cho giới chủ. Trang nhất của tờ báo đăng hình lớn chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ bắt tay tổng thống Macron cùng hàng tựa : Luật lao động : "Cảm ơn Macron". Libération tập trung chủ yếu vào phản ứng của các công đoàn vẫn coi nội dung cải cách luật nhằm chiều lòng giới chủ.

Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : Luật lao động : "Chìa khóa của một cuộc cải cách lớn". Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận bằng hàng tựa trang nhất : "Lao động : những động lực của một cuộc cải cách". Tờ báo nhận định, các nội dung cải cách luật lao động bằng sắc lệnh vừa thông báo tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyền lợi của người lao động và công ăn việc làm sẽ đến theo sau những phát triển của các doanh nghiệp. Tờ báo nhận định, nhìn chung những nội dung cải cách là giúp luật lao động trở nên linh hoạt hơn.

Đàm phán Brexit vẫn trong ngõ cụt

Về thời sự nổi cộm của Châu Âu. Nhật báo Le Figaro chú ý đến tiến trình ly dị giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu với bài "Các cuộc đàm phán về Brexit sa lầy".

Tờ báo ghi nhận đảo quốc Anh và Liên Âu lục địa đã kết thúc vòng 3 của cuộc thảo luận để chia tay nhau, nhưng không đạt được một tiến bộ quyết định nào. Trong khi đó, thời điểm ấn định cho cuộc chia tay là ngày 29/03/2019. Đến giờ đã qua 3 vòng đàm phán, nhưng "mỗi bên vẫn cứ tố cáo nhau là phủ nhận thực tế và giữ cho mình các lá bài trước khi đến thời điểm sự thật dự kiến vào giữa tháng 10 tới (Thượng đỉnh thường niên Liên Hiệp Châu Âu)".

Trưởng đoàn đàm phán của Châu Âu, ông Michel Barnier khẳng định, vòng đàm phán kéo dài 4 ngày vừa qua, không thu được tiến bộ quyết định nào. Còn đại diện của nước Anh, ông David Davis thì cho biết, các cuộc trao đổi đã diễn ra "rất căng thẳng" và "khó khăn kinh khủng", nhất là trên các khoản nợ tồn đọng mà Liên Hiệp Châu Âu muốn Luân Đôn phải thanh toán, ước chừng từ 50 đến 100 tỷ euro. Thời điểm ấn định cho cuộc ra đi chính thức của nước Anh, ngày 29/03/2019 không phải là quá xa. Tại cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu thường kỳ vào ngày 19/10, hai bên hy vọng sẽ ấn định được các quy định để chuyển qua bước mới cho cuộc ly dị. Đó là mối quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh Quốc và Châu Âu.

Với tiến trình đàm phán như hiện nay, những người trong cuộc đều nhận thấy khó có thể lịch trình chia tay sẽ được bảo đảm. Tóm lại, theo Le Figaro, không một bên nào thấy được lối ra cho cuộc ly dị đầy toan tính vào lúc này.

Bảo hộ mậu dịch : Tổng thống Mỹ dọa dẫm và đàm phán

Chuyển qua bên kia bờ Đại Tây Dương, báo chí Pháp tiếp tục dành sự chú ý đến vụ thiên tai lớn ở bang Texas. Tuy nhiên chủ đề được nhật báo Le Monde quan tâm là các động thái của chính quyền Trump với hồ sơ kinh tế đối ngoại.

Theo Le Monde, "tiếp theo các hứa hẹn trong tranh cử của ông Donald Trump, giờ là lúc chuyển qua hành động. Tổng thống Mỹ, trong mùa hè này đã tấn công vào hai hồ sơ thương mại lớn : Đàm phán lại Thỏa thuận tự do trao đổi Bắc Mỹ (Alena) với Canada và Mexico mà vòng hai của cuộc đàm phán mở ra hôm nay (01/09). Bên cạnh đó, là mở điều tra về những nghi ngờ Trung Quốc cưỡng đoạt sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ qua đòi hỏi chuyển giao công nghệ để đổi lại việc được cắm chân vào thị trường Trung Quốc".

Le Monde nhận thấy trên hai hồ sơ Trung Quốc và Alena : "Trump đe dọa nhưng vẫn phải đàm phán". Đã không ít lần tổng thống Mỹ, dọa đơn phương dẹp bỏ Thỏa thuận Alena hay đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng cuối cùng Hoa Kỳ vẫn cứ phải ngồi vào đàm phán với các đối tác khó chịu của tổng thống Trump. Bởi trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, Hoa Kỳ dù có là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cũng không thể hành động đơn phương mà không có sự đáp trả lại tương tự.

Mỹ : Donald Trump vẫn còn rất đông fan

Le Figaro có bài viết với tựa đề đáng chú ý : "Các fan của Trump vẫn luôn ở bên ông". Theo Le Figaro, mặc dù gây ra không ít tranh cãi, chỉ trích từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, tổng thống Trump không bị mất đi sự ủng hộ của các cử tri cơ sở.

Le Figaro nhận thấy, "khi xem phần lớn các kênh truyền hình Mỹ từ Washington, người ta có cảm giác chính quyền Trump đang sắp chết chìm trong những vụ lùm xùm. Thế nhưng thực tế tại các tiểu bang từng bỏ phiếu cho ông Trump, những cử tri ủng hộ ông vẫn còn rất đông" . Tờ báo trích dẫn khá nhiều ý kiến của người dân bênh vực bảo vệ ông trước các chuyện lùm xùm xung quanh các phát ngôn của ông từng bị báo chí Mỹ không ngớt lời lên án, bêu riếu.

Thế nhưng không ít cử tri hoàn toàn tin rằng những lời mắng nhiếc của tổng thống Trump đối với giới báo chí gần đây là hoàn toàn đúng. Tờ báo dẫn một người dân nói, nếu ngày mai ông Trump ra tái cử tổng thống, ông ta không ngần ngại bỏ phiếu cho Donald Trump. Le Figaro cho biết : ở thành phố Orange thuộc bang Virginia, gần 75% cử tri của đảng Cộng Hòa vẫn ủng hộ tổng thống.

Bóng đá Pháp : Thế hệ trẻ thể hiện

Một tin thể thao mà tất cả các báo Pháp hôm nay đều hân hoan đăng tải. Đó là chiến thắng đậm đà 4-0 của đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp tối qua trước đội tuyển Hà Lan trong khuôn khổ vòng loại khu vực Châu Âu cho Cúp bóng đá Thế giới 2018.

Các báo đều chạy những tít lớn bằng những câu cảm thán hoan hỉ : "Một buổi tối trong mơ", tựa của nhật báo Le Parisien. Báo thể thao L’Equipe thì ngắn gọn "Huy hoàng !". Các báo đều đồng thanh ghi nhận màn trình diễn của các cầu thủ Pháp, đặc biệt là lớp cầu thủ trẻ, là rất thuyết phục, đẹp mắt và đem lại những hy vọng cho người hâm mộ Pháp. Đội tuyển Pháp đang tiến gần đến chiếc vé đi dự vòng chung kết Cúp Thế giới 2018 tại Nga.

Anh Vũ

 

Quay lại trang chủ
Read 696 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)