Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/01/2017

Diễn đàn kinh tế thế giới Davos khai mạc

tổng hợp

Tại Davos, Tập Cận Bình giành ngôi bảo vệ toàn cầu hóa của Mỹ (RFI, 18/01/2017)

davos4

Ông Tập Cận Bình tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) Davos ngày 17/01/2017. REUTERS/Ruben Sprich

Diễn văn bảo vệ toàn cầu hóa của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ) ngày hôm qua 17/01/2017 rất được hoan nghênh trong bối cảnh người sắp lên lãnh đạo nước Mỹ là Donald Trump không ngừng có những tuyên bố đả kích tiến trình này. Tại Davos, sau tuyên bố lập trường của ông Tập Cận Bình, một cố vấn của tổng thống tân cử Mỹ có mặt ở diễn đàn đã không che giấu thái độ hoài nghi.

Với diễn văn biện hộ cho tiến trình toàn cầu hóa được ông cho là "không thể đảo ngược", lãnh đạo nền kinh tế thứ hai của thế giới đã đóng vai trò của người bảo vệ chủ nghĩa tự do mậu dịch vào lúc tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng bị chỉ trích ở phương Tây.

Hội trường chính tại Davos đã đông nghẹt những chủ xí nghiệp, tập đoàn, những bộ trưởng, nhà hoạch định chính sách, từ khắp nơi trên thế giới đến nghe phát biểu của ông Tập Cận Bình. Vào lúc quốc gia biểu tượng của kinh tế tự do là Hoa Kỳ đang có dấu hiệu co cụm lại, những người chủ trương toàn cầu hóa đang chờ đợi một tín hiệu tích cực và trấn an từ Trung Quốc và họ đã không thất vọng.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ông John Neill, lãnh đạo tập đoàn Anh Quốc Unipart Logistics, đã ghi nhận một nghịch lý hiếm thấy : "Từ nhiều năm nay, tôi luôn đến Davos, và diễn văn của ông Tập Cận Bình là loại thường do một tổng thống Mỹ phát biểu". Đối với doanh nhân này, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc tranh thủ thời cơ để giành vai trò lãnh đạo thế giới.

Ông Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, một khách quen của Diễn Đàn Davos cũng ghi nhận sự hoán đổi vai trò giữa Trung Quốc của Tập Cận Bình và Hoa Kỳ của Donald Trump liên quan đến chủ nghĩa tư bản.

Trả lời AFP, ông Carl Bildt ghi nhận : "Cách nay một thế kỷ, một người tên Lênin ở thành phố Zurich rất gần đây, đã chuẩn bị một cuộc cách mạng thế giới. Một trăm năm sau, chúng ta lại thấy lãnh đạo đảng Cộng Sản lớn nhất trên thế giới đến nơi tập hợp đông đảo nhất của các đại diện cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa để ca tụng giá trị của xu hướng này".

Theo đặc phái viên RFI Mounia Daoudi tại Davos, diễn văn rất được tán thưởng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Davos, còn là một lời đả kích ngầm nhắm vào xu hướng bảo hộ mậu dịch mà tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump có thể đi theo. Từ Davos, Mounia Daoudi ghi nhận :

Một hội trường đông nghẹt người, một cử tọa chăm chú lắng nghe, và một chủ tịch Trung Quốc với lời lẽ rất văn hoa bóng bẩy : "Cho dù quý vị có thích hay không, kinh tế thế giới là đại dương bao la mà không ai có thể thoát ra khỏi. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt dòng chảy của vốn, của công nghệ, của sản phẩm, của các ngành công nghiệp và của người dân giữa các nền kinh tế, đều không khả thi".

Đây quả là một lời chỉ trích nhẹ nhàng, nhắm vào những đả kích nhiều khi dữ dội của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhắm vào tiến trình toàn cầu hóa. Phản ứng trước phát biểu của ông Tập Cận Bình, Anthony Scaramucci, một cố vấn của ông Trump có mặt tại Davos đã tỏ vẻ hoài nghi, một cách nhẹ nhàng :

"Trong mười năm gần đây, đã có thêm 8 triệu người Mỹ phải rời bỏ công việc để trở thành người lao động nghèo. Tôi tôn trọng Trung Quốc, và tất nhiên tôi tôn trọng chủ tịch Trung Quốc, chúng tôi rất mong có được một quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự tin vào toàn cầu hóa, họ phải quay sang phía chúng tôi và cho phép chúng tôi tạo ra một sự đối xứng, bởi vì con đường toàn cầu hóa phải thông qua các công nhân và tầng lớp trung lưu Mỹ".

Phản ứng của ông Scaramucci phải chăng là một thông điệp hòa giải hướng tới Trung Quốc ? Dẫu sao thì không phải một sớm một chiều mà nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trọng Nghĩa

*******************

Chủ tịch Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (RFI, 17/01/2017)

davos1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/01/2017. REUTERS/Ruben Sprich

Thứ Ba 17/01/2017, ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, trung tâm trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ. Trước 3000 doanh nhân, kỹ nghệ gia, lãnh đạo các đại tập đoàn và chính trị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "tái cân bằng toàn cầu hóa kinh tế" trong bối cảnh nạn thất nghiệp làm xu hướng bảo hộ mậu dịch thắng thế tại Mỹ và Châu Âu.

Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi tường thuật :

" Ban tổ chức không tiết kiệm phương tiện đến mức dời ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế thường niên sớm hơn một tuần lễ để lãnh đạo Trung Quốc có thể tham dự mà không bị xáo trộn chương trình đón Tết âm lịch. 

Ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc. Bên cạnh chủ tịch Trung Quốc có nhiều đại gia Trung Quốc như Mã Vân, sáng lập viên đại công ty thương mại trên mạng Alibaba hay Trương Á Cần, chủ tịch Bách Độ (Baidu), công cụ tìm kiếm đối thủ của Google.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá vững chắc, 6,7% trong năm 2017 theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trong giai đoạn biến chuyển và phải đương đầu với nhiều thử thách mà nghiêm trong nhất là nợ của các xí nghiệp, chiếm gần 170% tổng sản lượng quốc gia GDP. Ông Tập Cận Bình đến Davos để cam kết với thế giới về quyết tâm cải cách nền kinh tế thứ hai của địa cầu.

Trung Quốc tham gia Davos với một phái đoàn hùng hậu để khẳng định sức mạnh mậu dịch, qua kiên trì xây dựng mạng lưới "con đường tơ lụa mới". Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để tự quảng cáo vai trò bảo vệ tự do thương mại trong ngôi đền toàn cầu hóa là Davos vào thời điểm Hoa Kỳ, theo đà chiến thắng của Donald Trump, tỏ dấu hiệu co cụm trong khi Châu Âu phải đối phó với hệ quả Brexit.

Thường xuyên bị các đối tác thương mại tố cáo chính sách hỗ trợ xuất khẩu bất chính, Bắc Kinh muốn bảo vệ tầm nhìn về một nền kinh tế toàn cầu hóa phân phối đồng đều. Lập luận này không phải là nghịch lý duy nhất tại Davos.

Trong phần phát biểu, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thực hiện toàn cầu hóa kinh tế một cách "cân bằng" để kinh tế thế giới "vững bền hơn, chia sẻ đồng đều hơn". Theo ông Tập Cận Bình, không thể vì nạn thất nghiệp, di dân và khủng hoảng tài chính mà tìm cách cản trở tự do đầu tư, tự do thương mại và trao đổi công nghệ. Lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào chủ nhân mới tại Nhà Trắng.

Tú Anh

**********************

Tập Cận Bình hiện diện lần đầu ở Davos (BBC, 17/01/2017)

Bas du formulaire

davos2

Trung Quốc đưa tới Davos một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay.

Chủ tịch Trung Quốc nói về vai trò của Bắc Kinh trong kinh tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Sự hiện diện của ông Tập, lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tại phiên họp thường niên của giới chính khách, kinh doanh và ngân hàng tại Davos, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh chưa rõ về chính sách mậu dịch và thương mại của Hoa Kỳ khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.

Nhà sáng lập ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab nói sự hiện diện của ông Tập là một chỉ dấu của sự thay đổi từ thế giới đơn cực do Hoa Kỳ khuynh đảo sang một hệ thống đa cực hơn trong đó các cường quốc như Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn.

"Chúng ta có thể hy vọng rằng Trung Quốc trong thế giới mới này sẽ đóng vai trò chủ động và trách nhiệm hơn", ông Schwab nói.

Một mặt theo dự kiến ông Tập sẽ không đưa ra thông điệp "ăn miếng trả miếng" với ông Trump ở Davos, mặt khác ông Tập đã nói về việc bảo hộ mậu dịch là không tốt cho hợp tác kinh tế toàn cầu.

Phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed cho rằng thông điệp của ông Tập sẽ nhiều khả năng không nhượng bộ, tức là ông sẽ nói rằng mậu dịch tự do trên toàn cầu mang lại thịnh vượng và động thái đi ngược lại sẽ chỉ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế, cho Châu Á cũng như các nền kinh tế phương Tây.

Với việc thiếu vắng các gương mặt lãnh đạo khác, đáng phải nói tới là thủ tướng Đức Angela Merkel, Trung Quốc đưa tới Davos một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay.

Jack Ma, sáng lập viên của tập đoàn Alibaba và Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc và là Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt, đều có mặt ở Davos lần này.

Hoa Kỳ có thể "hướng nội" nhưng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.

"Việc cổ vũ mạnh tại WEF, như thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á để đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Hoa Kỳ bảo trợ, việc phục hồi "Con tường Tơ lụa", tuyến hành lang mậu dịch từ Á Châu sang Trung Đông và vươn tới Âu châu, tất cả đều qui về một mối là tham vọng của ông Tập Cận Bình muốn mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc", theo phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed.

*****************************

Công ty Mỹ tại Trung Quốc ngán ngẩm cản lực trong kinh doanh (RFI, 18/01/2017)

davos3

Một showroom của hãng Buick tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 15/12/2016. GREG BAKER / AFP

Đúng vào lúc lãnh đạo Bắc Kinh hùng hồn biện hộ cho quyền tự do thương mại tại Davos, Phòng Thương Mại Mỹ ở Trung Quốc ngày 18/01/2017 đã công bố bản báo cáo nêu bật tâm trạng ngán ngẩm của các công ty Mỹ đang làm ăn tại nước này. Vì cảm thấy ít được hoan nghênh hơn, một số công ty đang chuyển hoạt động kinh doanh qua các nước khác.

Theo hãng tin Mỹ AP, báo cáo này phản ánh thái độ bực tức của các công ty (Mỹ) từng coi Trung Quốc là một thị trường chủ lực, nhưng lại phải đối phó với việc Bắc Kinh gia tăng các biện pháp ngăn chặn không cho nước ngoài tiếp cận công nghệ và các ngành nghề đầy hứa hẹn khác.

Từ lâu nay, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn cam kết làm cho nền kinh tế do Nhà Nước quản lý của họ trở nên hiệu quả hơn bằng việc mở rộng nhiều ngành nghề hơn cho giới đầu tư nước ngoài và tư nhân. Tuy nhiên, các tập đoàn kinh doanh ghi nhận rằng những lời hứa đó không có mấy tác dụng.

Theo bản báo cáo, có đến 81% công ty tham gia cuộc khảo sát năm nay của Phòng Thương Mại Mỹ cho biết họ cảm thấy "ít được hoan nghênh hơn ở Trung Quốc", so với tỉ lệ 77% của năm ngoái.

Cũng theo báo cáo, 60% công ty được hỏi cho biết họ không tin hoặc ít tin vào việc Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường rộng hơn nữa trong vòng 3 năm tới.

Hậu quả của tình trạng chán ngán nói trên là xu hướng chuyển đi nước khác làm ăn. Theo bản báo cáo, một phần tư các công ty Mỹ đã chuyển cơ sở từ Trung Quốc qua nước khác trong vòng ba năm qua, hoặc đang chuẩn bị làm việc này.

Báo cáo ghi nhận tâm trạng chung của các công ty Mỹ : "Môi trường đầu tư tại Trung Quốc giờ đây làm nản chí giới đầu tư".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 752 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)