Diễn đàn Kinh tế Davos : Oxfam tố cáo "virus bất bình đẳng"
Minh Anh, RFI, 25/01/2021
Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, hôm 25/01/2021, lần đầu tiên phải tổ chức dưới hình thức trực tuyến do dịch bệnh. Như thông lệ, một ngày trước khi diễn đàn khai mạc, tổ chức Oxfam công bố báo cáo về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới.
Ảnh trích từ video khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ngày 25/01/2021 : Người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Klaus Schwab và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. © AFP
Trong báo cáo năm nay, Oxfam một lần nữa tỏ ra gay gắt khi tố cáo "virus của sự bất bình đẳng". Bất chấp dịch bệnh Covid-19, vốn đã làm cho hơn 99 triệu người nhiễm bệnh và hơn 2 triệu người chết, 1.000 người giầu nhất thế giới, trong vòng 9 tháng, vẫn tìm lại được mức độ giầu có như trước khi có dịch bệnh. Trong khi đó, những người nghèo nhất phải mất ít nhất 10 năm để có thể vực dậy sau cuộc khủng hoảng dịch tễ này.
Oxfam dẫn chứng con số cụ thể : tài sản của 10 nhà tỷ phú hàng đầu theo bảng xếp hạng của Forbes tăng tổng cộng lên tới 540 tỷ đô la, tính từ đầu mùa dịch đến nay. Một số tiền lớn đủ để tài trợ mua vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người và có thể tránh cho bất kỳ ai rơi vào cảnh bần hàn do đại dịch gây ra.
Trong khi đó, tại những nước đang phát triển, một nửa số người lao động sống trong cảnh nghèo khó, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO. 75% số người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, như trợ cấp thất nghiệp hay nghỉ phép chữa bệnh, và 3 tỷ người không có bảo hiểm y tế.
Trong bối cảnh này, phát ngôn viên tổ chức Oxfam tại Pháp, Quentin Parrinello, kêu gọi các nước đang phát triển "tăng cường các biện pháp an sinh xã hội, đầu tư trong các ngành dịch vụ thiết yếu, nhất là trong y tế, để nền kinh tế có thể chống cự được với đại dịch và những cuộc khủng hoảng trong tương lai".
AFP cho biết, do dịch bệnh, các cuộc thảo luận trong kỳ họp đầu tiên của diễn đàn Davos năm nay được tổ chức trực tuyến. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc. Kỳ họp thứ hai của Davos sẽ được tổ chức tại Singapore vào tháng 5/2021.
Minh Anh
***********************
BBC, 25/01/2021
Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp mới từ nước ngoài, theo số liệu của Liên Hiệp quốc công bố hôm Chủ nhật.
Các mô hình phát triển kinh tế mới của Trung Quốc được cho là nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. (Nguồn : Getty Images)
Các khoản đầu tư mới vào Mỹ từ các công ty nước ngoài đã giảm gần một nửa trong năm ngoái, khiến Mỹ mất vị thế số một.
Ngược lại, số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy đầu tư trực tiếp vào các công ty Trung Quốc tăng 4%, đưa Trung Quốc lên vị trí số một trên toàn cầu.
Thứ hạng hàng đầu cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc có 163 tỷ đôla đầu tư trực tiếp từ các công ty nước ngoài năm ngoái, so với 134 tỷ đôla mà Mỹ thu hút, Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết trong báo cáo của mình.
Năm 2019, Mỹ nhận được 251 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 140 tỷ USD.
Trong khi Trung Quốc có thể đứng số một về đầu tư mới từ nước ngoài, Mỹ vẫn chiếm ưu thế khi nói đến tổng số đầu tư nước ngoài.
Điều này phản ánh nhiều thập kỷ Mỹ đã như một địa điểm hấp dẫn nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng ra nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các con số này nhấn mạnh việc Trung Quốc đang tiến tới trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, vốn từ lâu đã bị thống trị bởi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc, hiện đang tham gia vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, được dự đoán sẽ vượt lên vị trí số một vào năm 2028, theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR).
Đầu tư nước ngoài vào Mỹ đạt đỉnh vào năm 2016 là 472 tỷ USD, khi đó đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là 134 tỷ USD.
Kể từ đó, đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục tăng, trong khi ở Mỹ, con số này giảm mỗi năm kể từ năm 2017.
Chính quyền Trump khuyến khích các công ty Mỹ rời Trung Quốc và tái thiết lập hoạt động tại Mỹ.
Chính quyền Trump cũng cảnh báo các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát mới khi đầu tư vào Mỹ, dựa trên cơ sở an ninh quốc gia.
Trong khi nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn kể từ khi bùng phát Covid-19 vào năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc.
Dữ liệu chính thức cho thấy trong tháng này, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, được tính bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 2,3% vào năm 2020.
Điều này khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tránh được tăng trưởng âm trong năm ngoái. Nhiều nhà kinh tế đã ngạc nhiên với tốc độ phục hồi của nó, đặc biệt là khi Trung Quốc, phải lèo lái mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Nhìn chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm mạnh vào năm 2020, giảm 42%, theo báo cáo của UNCTAD. FDI thường liên quan đến việc một công ty nắm quyền kiểm soát một công ty ở nước ngoài, thường thông qua sáp nhập hoặc mua lại.
Vương quốc Anh đã chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài mới giảm hơn 100% vào năm ngoái từ 45 tỷ đôla năm 2019 xuống - 1,3 tỷ đôla.
Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ảnh ngày 17/01/2017. Reuters
Báo chí Pháp ngày 19/01/2017 tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos. Le Figaro ghi nhận việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo "một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ của Trung Quốc khoác lên mình chiếc áo của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm", gìn giữ trật tự và hòa bình cho thế giới.
Kế hoạch của thủ tướng Theresa May đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu chiếm trang nhất nhật báo Le Monde số đề ngày 19/01/2017. Libération quan tâm đến những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, giải thích vì sao họ nghe theo cựu Bộ trưởng Kinh tế.
Tờ Le Figaro thì chú trọng đến những tranh cãi chung quanh phương pháp giảng dạy ngữ pháp mới vừa được đưa vào các trường tiểu học và trung học cấp hai ở Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin về một tranh cãi khác ở Pháp, đó là về vai trò của các quỹ bảo hiểm y tế phụ (mutuelles). Nhật báo Công giáo La Croix chú tâm đến những trường học mà mạng lưới Espérance Banlieues, thân với giới Công giáo, lập ra cho các vùng ngoại ô ở Pháp.
Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp hôm nay, tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos ngày 17/01/2017.
Tập Cận Bình, hiện thân của một trật tự thế giới mới ?
Tờ Le Figaro ghi nhận, việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo cho Trung Quốc "một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ Tập Cận Bình khoác lên mình chiếc áo một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới".
Theo Le Figaro, trong khi nhà tỷ phú Mỹ liên tiếp đưa ra những lời tuyên bố mang tính hiếu chiến hoặc bảo hộ mậu dịch, xem thường vấn đề biến đổi khí hậu, thì ông Tập Cận Bình lại tranh thủ Diễn Đàn Davos để tự thể hiện mình như là một nhân vật đối trọng với Trump và là người bảo vệ trật tự thế giới : bảo đảm cho tiến trình toàn cầu hóa và tự do mậu dịch, nhưng cũng bảo vệ môi trường và hòa bình cho thế giới.
Tờ báo cũng nghi nhận rằng trong khi Trump gây xáo trộn Liên Hiệp Châu Âu - hoan nghênh Brexit và chỉ trích chính sách nhập cư của Đức - hoặc gây hoang mang cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, thì ông Tập Cận Bình xuất hiện như là hiện thân tuyệt đối của sự ổn định.
Nhưng theo Le Figaro, sau những lời lẽ mang tính đồng thuận như thế, vị lãnh đạo Trung Quốc độc đoán nhất kể từ thời Mao Trạch Đông sẽ phải thuyết phục thế giới về sự thành tâm của ông. Bài diễn văn mang tính cởi mở dành cho công chúng quốc tế tương phản hoàn toàn với những tuyên bố mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan khi ngỏ lời với đồng bào của ông. Cũng ông Tập Cận Bình, không ngần ngại lên án "những lực lượng phương Tây thù địch" và lên án cả những giá trị phổ quát về nhân quyền và "mối nguy" của dân chủ.
Với báo Le Monde, bài diễn văn của ông Tập Cận Bình chính là bài mà các đại biểu Mỹ tham dự Diễn đàn Davos muốn tổng thống của họ đọc. Theo tờ báo này, đây quả là thế giới đảo chiều : trong tất cả các nền dân chủ phương Tây, toàn cầu hóa và tự do mậu dịch bị tấn công bởi một xu hướng chính trị mạnh, mà hiện thân là Donald Trump. Và chính chủ tịch Trung Quốc, người thừa kế Mao Trạch Đông, lại đến trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp về những khái niệm đã làm thay đổi sâu rộng nền kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ XX.
Brexit, con đường đầy chông gai
Về bài diễn văn mà thủ tướng Anh đọc tại Bruxelles ngày 17/01 trình bày kế hoạch Brexit, đưa nước Anh ra khỏi luôn cả thị trường duy nhất Châu Âu, theo nhận định của Le Monde, bà Theresa May đã xen lẫn những lời vuốt ve với những lời đe dọa, những lời lẽ hòa dịu với những tối hậu thư gởi đến những "người anh em Châu Âu".
Le Monde cũng lưu ý rằng tiến trình Brexit còn rất nhiều gian truân : lời đe dọa của chính phủ Scotland sẽ một lần nữa tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập nếu Anh Quốc ra khỏi thị trường duy nhất Châu Âu, vấn đề ranh giới giữa hai nước Ireland mà Brexit sẽ tạo ra, thái độ chống đối của các cử tri ủng hộ Brexit, không muốn trả cái giá của việc phục hồi thuế quan…
Nhưng theo Le Monde, bài diễn văn của bà May tại Bruxelles, mang hơi hướng một cuộc chiến tranh thương mại, đã thu phục được cảm tình của báo chí bình dân tại Anh. Tờ Daily Mail ca ngợi bà là một "người đàn bà thép" mới.
Giới tài chính ngân hàng tại Luân Đôn lo ngại về một Brexit cứng rắn, đó là điều mà nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh hôm nay.
Theo Les Echos, khi chọn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách cứng rắn, thủ tướng Theresa May đã xác nhận điều mà người Anh sợ nhất : không còn được tiếp cận thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Cho tới nay, trong khuôn khổ thị trường duy nhất, các ngân hàng ở Luân Đôn có thể bán các dịch vụ ra 27 nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu.
Để không bị mất ưu đãi đó, ngân hàng hàng đầu của Châu Âu là HSBC vừa loan báo sẽ chuyển 1000 nhân viên từ Luân Đôn sang Paris.
Chính sách đưa đầu tư trở lại Mỹ
Tờ Les Echos hôm nay cũng quan tâm đến việc tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump buộc các công ty phải đưa ra những tuyên bố sẽ đầu tư ở Mỹ.
Sau Lockheed Marin, Amazon, Fiat Chrysler hay Ford, trong tuần này đến lượt General Motors, Bayer và Walmart loan báo tạo ra thêm hàng ngàn việc làm ở Mỹ và đầu tư tại nước này hàng tỷ đô la.
Thật ra theo Les Echos, các công ty này phải làm như vậy để tránh những hậu quả từ những quyết định mà chính quyền Trump sẽ đưa ra. Ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ sản xuất rất nhiều xe ở Mexico và rất ngại về mức thuế mà họ sẽ phải gánh chịu. Tập đoàn siêu thị Walmart, vốn nhập rất nhiều hàng từ Trung Quốc, sẽ lãnh đủ nếu nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Lockheed Martin và Boeing thì phần lớn sống nhờ vào các đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc.
Hiện tượng Macron
Về thời sự chính trị nước Pháp, tờ Libération dành nhiều trang để nói về sức thu hút ngày càng mạnh của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron, tìm hiểu vì sao cựu Bộ trưởng Kinh tế đi đến đâu vận động, khán phòng đều chật cứng người.
Theo Libération, 9 tháng sau khi khởi động phong trào "En marche" (Tiến bước), ông Macron đã trở thành một hiện tượng. Trong khi các ứng cử viên bầu cử sơ bộ bên cánh tả không thu hút đủ người cho những hội trường nhỏ, thì các cuộc mít tinh của cựu Bộ trưởng Kinh tế trong tháng 1/2017 có cả ngàn người đến dự.
Tờ Libération cho rằng một trong những bí mật của Macron là khả năng "dịch chuyển liên tục" của ông. Khi còn là Bộ trưởng Kinh tế của Tổng thống François Hollande, Macron đã được nhiều dân Pháp hoan nghênh vì đã dám đụng vào những vấn đề mang tính biểu tượng của Đảng Xã hội : Luật làm việc 35 giờ/tuần, thuế đánh vào thu nhập cao… và dám chỉ trích chính phủ của ông bị xem là quá nhút nhát. Chính vì có những lập trường như vậy, mà lúc đó ông Macron thu hút cử tri cánh hữu nhiều hơn cử tri cánh tả, thu hút giới hưu trí và hành nghề tự do hơn là giới trẻ và người làm công ăn lương.
Nhưng nay, theo một chuyên gia được Libération trích dẫn, ứng cử viên Macron lôi kéo mọi thành phần cử tri của Pháp, với tỷ lệ ủng hộ bên cảm tình viên cánh tả lên tới 50%, và bên phía cảm tình viên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa là 46%, những tỷ lệ rất cao so với các ứng cử viên khác.
Cho dù bị mô tả là "ứng cử viên của người giàu", vì trước đây ông từng là lãnh đạo ngân hàng, Macron vẫn được các tầng lớp bình dân ủng hộ ngày càng nhiều. Thậm chí, những người cho tới nay không thèm đi bỏ phiếu hoặc chỉ bỏ phiếu cho cực hữu hoặc cực tả, nay cũng thấy Macron hấp dẫn.
Pháp và nguy cơ thiếu điện trong mùa đông
Nhật báo công giáo La Croix báo động về tình hình an toàn hạt nhân "đáng ngại" của Pháp trong bối cảnh mức tiêu thụ điện tăng vọt do đợt lạnh hiện nay.
Theo Les Echos, hiện giờ dân Pháp có thể an tâm vì 9 lò phản ứng hạt nhân tạm dừng để kiểm tra đã được phép hoạt động trở lại, giúp nước Pháp đối phó với đợt lạnh hiện nay, kéo theo mức tăng tiêu thụ điện. Lãnh đạo Cơ quan An toàn Hạt nhân, một cơ quan độc lập, khẳng định kết quả kiểm tra các lò phản ứng nói trên là "khá tốt".
Thế nhưng, theo La Croix, tình hình chung lại không gây an tâm chút nào, những lý do đáng quan ngại về an toàn hạt nhân ở Pháp ngày càng nhiều, trong bối cảnh mà các nhà máy điện nguyên tử sắp bước vào tuổi 40, đặt ra vấn đề về việc có nên cho những nhà máy này tiếp tục hoạt động hay không. Nếu tiếp tục hoạt động thì phải bảo đảm an toàn hạt nhân như thế nào, nhất là với những bài học rút ra từ thảm họa Fukushima. Toàn bộ chi phí cho việc này lên tới 55 tỷ euros.
Tỷ phú Nga và thiên văn học Châu Âu
Về khoa học, tờ Le Figaro loan tin về việc một nhà tỷ phú Nga tham gia vào nghiên cứu thiên văn học của Châu Âu.
Đài Thiên văn Châu Âu Nam vừa ký một hiệp định với nhà tỷ phú Iouri Milner tài trợ cho một dụng cụ gắn trên Viễn vọng kính cực lớn (Very Large Telescope – VLT) đặt tại Chile. Những cải thiện nhờ công cụ mới này sẽ giúp cho VLT tìm ra những hành tinh mới trong hệ Alpha Centauri.
Vì sao nhà tỷ phú Nga chấp nhận tài trợ cho dụng cụ nói trên ? Bởi vì ông mơ ước rằng lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại sẽ có thể phóng một phi thuyền nhỏ lên một thiên thể nằm ngoài Thái dương hệ, với một vận tốc có thể lên tới 200 triệu km một giờ.
Hiện giờ, phi thuyền mà con người có thể phóng xa nhất là Voyager 1 chỉ mới di chuyển với vận tốc 60 ngàn km/giờ. Với tốc độ như vậy, phải mất 45 năm mới có thể ra khỏi Thái dương hệ và mất thêm… 18 ngàn năm nữa để đến được hệ Alpha Centauri ! Dự án của ông Iouri Milner là nhằm giảm thời gian của chuyến du hành này xuống chỉ còn 20 năm.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, còn phải giải quyết nhiều vấn đề trước khi ước mơ của nhà tỷ phú Nga trở thành hiện thực. Chẳng hạn như làm sao tránh cho phi thuyền bị tan rã nếu đụng vào các đám mây khí khi bay với vận tốc kinh khủng như thế ? Hiện giờ chưa ai có thể trả lời câu hỏi này.
Thanh Phương
Tại Davos, Tập Cận Bình giành ngôi bảo vệ toàn cầu hóa của Mỹ (RFI, 18/01/2017)
Ông Tập Cận Bình tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) Davos ngày 17/01/2017. REUTERS/Ruben Sprich
Diễn văn bảo vệ toàn cầu hóa của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (Thụy Sĩ) ngày hôm qua 17/01/2017 rất được hoan nghênh trong bối cảnh người sắp lên lãnh đạo nước Mỹ là Donald Trump không ngừng có những tuyên bố đả kích tiến trình này. Tại Davos, sau tuyên bố lập trường của ông Tập Cận Bình, một cố vấn của tổng thống tân cử Mỹ có mặt ở diễn đàn đã không che giấu thái độ hoài nghi.
Với diễn văn biện hộ cho tiến trình toàn cầu hóa được ông cho là "không thể đảo ngược", lãnh đạo nền kinh tế thứ hai của thế giới đã đóng vai trò của người bảo vệ chủ nghĩa tự do mậu dịch vào lúc tiến trình toàn cầu hóa đang ngày càng bị chỉ trích ở phương Tây.
Hội trường chính tại Davos đã đông nghẹt những chủ xí nghiệp, tập đoàn, những bộ trưởng, nhà hoạch định chính sách, từ khắp nơi trên thế giới đến nghe phát biểu của ông Tập Cận Bình. Vào lúc quốc gia biểu tượng của kinh tế tự do là Hoa Kỳ đang có dấu hiệu co cụm lại, những người chủ trương toàn cầu hóa đang chờ đợi một tín hiệu tích cực và trấn an từ Trung Quốc và họ đã không thất vọng.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ông John Neill, lãnh đạo tập đoàn Anh Quốc Unipart Logistics, đã ghi nhận một nghịch lý hiếm thấy : "Từ nhiều năm nay, tôi luôn đến Davos, và diễn văn của ông Tập Cận Bình là loại thường do một tổng thống Mỹ phát biểu". Đối với doanh nhân này, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc tranh thủ thời cơ để giành vai trò lãnh đạo thế giới.
Ông Carl Bildt, cựu thủ tướng Thụy Điển, một khách quen của Diễn Đàn Davos cũng ghi nhận sự hoán đổi vai trò giữa Trung Quốc của Tập Cận Bình và Hoa Kỳ của Donald Trump liên quan đến chủ nghĩa tư bản.
Trả lời AFP, ông Carl Bildt ghi nhận : "Cách nay một thế kỷ, một người tên Lênin ở thành phố Zurich rất gần đây, đã chuẩn bị một cuộc cách mạng thế giới. Một trăm năm sau, chúng ta lại thấy lãnh đạo đảng Cộng Sản lớn nhất trên thế giới đến nơi tập hợp đông đảo nhất của các đại diện cho chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa để ca tụng giá trị của xu hướng này".
Theo đặc phái viên RFI Mounia Daoudi tại Davos, diễn văn rất được tán thưởng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Davos, còn là một lời đả kích ngầm nhắm vào xu hướng bảo hộ mậu dịch mà tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump có thể đi theo. Từ Davos, Mounia Daoudi ghi nhận :
Một hội trường đông nghẹt người, một cử tọa chăm chú lắng nghe, và một chủ tịch Trung Quốc với lời lẽ rất văn hoa bóng bẩy : "Cho dù quý vị có thích hay không, kinh tế thế giới là đại dương bao la mà không ai có thể thoát ra khỏi. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt dòng chảy của vốn, của công nghệ, của sản phẩm, của các ngành công nghiệp và của người dân giữa các nền kinh tế, đều không khả thi".
Đây quả là một lời chỉ trích nhẹ nhàng, nhắm vào những đả kích nhiều khi dữ dội của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump nhắm vào tiến trình toàn cầu hóa. Phản ứng trước phát biểu của ông Tập Cận Bình, Anthony Scaramucci, một cố vấn của ông Trump có mặt tại Davos đã tỏ vẻ hoài nghi, một cách nhẹ nhàng :
"Trong mười năm gần đây, đã có thêm 8 triệu người Mỹ phải rời bỏ công việc để trở thành người lao động nghèo. Tôi tôn trọng Trung Quốc, và tất nhiên tôi tôn trọng chủ tịch Trung Quốc, chúng tôi rất mong có được một quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự tin vào toàn cầu hóa, họ phải quay sang phía chúng tôi và cho phép chúng tôi tạo ra một sự đối xứng, bởi vì con đường toàn cầu hóa phải thông qua các công nhân và tầng lớp trung lưu Mỹ".
Phản ứng của ông Scaramucci phải chăng là một thông điệp hòa giải hướng tới Trung Quốc ? Dẫu sao thì không phải một sớm một chiều mà nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trọng Nghĩa
*******************
Chủ tịch Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (RFI, 17/01/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ, ngày 17/01/2017. REUTERS/Ruben Sprich
Thứ Ba 17/01/2017, ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, trung tâm trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ. Trước 3000 doanh nhân, kỹ nghệ gia, lãnh đạo các đại tập đoàn và chính trị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "tái cân bằng toàn cầu hóa kinh tế" trong bối cảnh nạn thất nghiệp làm xu hướng bảo hộ mậu dịch thắng thế tại Mỹ và Châu Âu.
Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi tường thuật :
" Ban tổ chức không tiết kiệm phương tiện đến mức dời ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế thường niên sớm hơn một tuần lễ để lãnh đạo Trung Quốc có thể tham dự mà không bị xáo trộn chương trình đón Tết âm lịch.
Ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc. Bên cạnh chủ tịch Trung Quốc có nhiều đại gia Trung Quốc như Mã Vân, sáng lập viên đại công ty thương mại trên mạng Alibaba hay Trương Á Cần, chủ tịch Bách Độ (Baidu), công cụ tìm kiếm đối thủ của Google.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá vững chắc, 6,7% trong năm 2017 theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trong giai đoạn biến chuyển và phải đương đầu với nhiều thử thách mà nghiêm trong nhất là nợ của các xí nghiệp, chiếm gần 170% tổng sản lượng quốc gia GDP. Ông Tập Cận Bình đến Davos để cam kết với thế giới về quyết tâm cải cách nền kinh tế thứ hai của địa cầu.
Trung Quốc tham gia Davos với một phái đoàn hùng hậu để khẳng định sức mạnh mậu dịch, qua kiên trì xây dựng mạng lưới "con đường tơ lụa mới". Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để tự quảng cáo vai trò bảo vệ tự do thương mại trong ngôi đền toàn cầu hóa là Davos vào thời điểm Hoa Kỳ, theo đà chiến thắng của Donald Trump, tỏ dấu hiệu co cụm trong khi Châu Âu phải đối phó với hệ quả Brexit.
Thường xuyên bị các đối tác thương mại tố cáo chính sách hỗ trợ xuất khẩu bất chính, Bắc Kinh muốn bảo vệ tầm nhìn về một nền kinh tế toàn cầu hóa phân phối đồng đều. Lập luận này không phải là nghịch lý duy nhất tại Davos.
Trong phần phát biểu, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thực hiện toàn cầu hóa kinh tế một cách "cân bằng" để kinh tế thế giới "vững bền hơn, chia sẻ đồng đều hơn". Theo ông Tập Cận Bình, không thể vì nạn thất nghiệp, di dân và khủng hoảng tài chính mà tìm cách cản trở tự do đầu tư, tự do thương mại và trao đổi công nghệ. Lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào chủ nhân mới tại Nhà Trắng.
Tú Anh
**********************
Tập Cận Bình hiện diện lần đầu ở Davos (BBC, 17/01/2017)
Trung Quốc đưa tới Davos một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay.
Chủ tịch Trung Quốc nói về vai trò của Bắc Kinh trong kinh tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Sự hiện diện của ông Tập, lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tại phiên họp thường niên của giới chính khách, kinh doanh và ngân hàng tại Davos, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh chưa rõ về chính sách mậu dịch và thương mại của Hoa Kỳ khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.
Nhà sáng lập ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab nói sự hiện diện của ông Tập là một chỉ dấu của sự thay đổi từ thế giới đơn cực do Hoa Kỳ khuynh đảo sang một hệ thống đa cực hơn trong đó các cường quốc như Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn.
"Chúng ta có thể hy vọng rằng Trung Quốc trong thế giới mới này sẽ đóng vai trò chủ động và trách nhiệm hơn", ông Schwab nói.
Một mặt theo dự kiến ông Tập sẽ không đưa ra thông điệp "ăn miếng trả miếng" với ông Trump ở Davos, mặt khác ông Tập đã nói về việc bảo hộ mậu dịch là không tốt cho hợp tác kinh tế toàn cầu.
Phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed cho rằng thông điệp của ông Tập sẽ nhiều khả năng không nhượng bộ, tức là ông sẽ nói rằng mậu dịch tự do trên toàn cầu mang lại thịnh vượng và động thái đi ngược lại sẽ chỉ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế, cho Châu Á cũng như các nền kinh tế phương Tây.
Với việc thiếu vắng các gương mặt lãnh đạo khác, đáng phải nói tới là thủ tướng Đức Angela Merkel, Trung Quốc đưa tới Davos một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay.
Jack Ma, sáng lập viên của tập đoàn Alibaba và Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc và là Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt, đều có mặt ở Davos lần này.
Hoa Kỳ có thể "hướng nội" nhưng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.
"Việc cổ vũ mạnh tại WEF, như thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á để đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Hoa Kỳ bảo trợ, việc phục hồi "Con tường Tơ lụa", tuyến hành lang mậu dịch từ Á Châu sang Trung Đông và vươn tới Âu châu, tất cả đều qui về một mối là tham vọng của ông Tập Cận Bình muốn mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc", theo phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed.
*****************************
Công ty Mỹ tại Trung Quốc ngán ngẩm cản lực trong kinh doanh (RFI, 18/01/2017)
Một showroom của hãng Buick tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 15/12/2016. GREG BAKER / AFP
Đúng vào lúc lãnh đạo Bắc Kinh hùng hồn biện hộ cho quyền tự do thương mại tại Davos, Phòng Thương Mại Mỹ ở Trung Quốc ngày 18/01/2017 đã công bố bản báo cáo nêu bật tâm trạng ngán ngẩm của các công ty Mỹ đang làm ăn tại nước này. Vì cảm thấy ít được hoan nghênh hơn, một số công ty đang chuyển hoạt động kinh doanh qua các nước khác.
Theo hãng tin Mỹ AP, báo cáo này phản ánh thái độ bực tức của các công ty (Mỹ) từng coi Trung Quốc là một thị trường chủ lực, nhưng lại phải đối phó với việc Bắc Kinh gia tăng các biện pháp ngăn chặn không cho nước ngoài tiếp cận công nghệ và các ngành nghề đầy hứa hẹn khác.
Từ lâu nay, giới lãnh đạo Trung Quốc luôn cam kết làm cho nền kinh tế do Nhà Nước quản lý của họ trở nên hiệu quả hơn bằng việc mở rộng nhiều ngành nghề hơn cho giới đầu tư nước ngoài và tư nhân. Tuy nhiên, các tập đoàn kinh doanh ghi nhận rằng những lời hứa đó không có mấy tác dụng.
Theo bản báo cáo, có đến 81% công ty tham gia cuộc khảo sát năm nay của Phòng Thương Mại Mỹ cho biết họ cảm thấy "ít được hoan nghênh hơn ở Trung Quốc", so với tỉ lệ 77% của năm ngoái.
Cũng theo báo cáo, 60% công ty được hỏi cho biết họ không tin hoặc ít tin vào việc Bắc Kinh cam kết mở cửa thị trường rộng hơn nữa trong vòng 3 năm tới.
Hậu quả của tình trạng chán ngán nói trên là xu hướng chuyển đi nước khác làm ăn. Theo bản báo cáo, một phần tư các công ty Mỹ đã chuyển cơ sở từ Trung Quốc qua nước khác trong vòng ba năm qua, hoặc đang chuẩn bị làm việc này.
Báo cáo ghi nhận tâm trạng chung của các công ty Mỹ : "Môi trường đầu tư tại Trung Quốc giờ đây làm nản chí giới đầu tư".
Trọng Nghĩa