Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ảnh ngày 17/01/2017. Reuters
Báo chí Pháp ngày 19/01/2017 tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos. Le Figaro ghi nhận việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo "một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ của Trung Quốc khoác lên mình chiếc áo của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm", gìn giữ trật tự và hòa bình cho thế giới.
Kế hoạch của thủ tướng Theresa May đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu chiếm trang nhất nhật báo Le Monde số đề ngày 19/01/2017. Libération quan tâm đến những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, giải thích vì sao họ nghe theo cựu Bộ trưởng Kinh tế.
Tờ Le Figaro thì chú trọng đến những tranh cãi chung quanh phương pháp giảng dạy ngữ pháp mới vừa được đưa vào các trường tiểu học và trung học cấp hai ở Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin về một tranh cãi khác ở Pháp, đó là về vai trò của các quỹ bảo hiểm y tế phụ (mutuelles). Nhật báo Công giáo La Croix chú tâm đến những trường học mà mạng lưới Espérance Banlieues, thân với giới Công giáo, lập ra cho các vùng ngoại ô ở Pháp.
Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp hôm nay, tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos ngày 17/01/2017.
Tập Cận Bình, hiện thân của một trật tự thế giới mới ?
Tờ Le Figaro ghi nhận, việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo cho Trung Quốc "một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ Tập Cận Bình khoác lên mình chiếc áo một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới".
Theo Le Figaro, trong khi nhà tỷ phú Mỹ liên tiếp đưa ra những lời tuyên bố mang tính hiếu chiến hoặc bảo hộ mậu dịch, xem thường vấn đề biến đổi khí hậu, thì ông Tập Cận Bình lại tranh thủ Diễn Đàn Davos để tự thể hiện mình như là một nhân vật đối trọng với Trump và là người bảo vệ trật tự thế giới : bảo đảm cho tiến trình toàn cầu hóa và tự do mậu dịch, nhưng cũng bảo vệ môi trường và hòa bình cho thế giới.
Tờ báo cũng nghi nhận rằng trong khi Trump gây xáo trộn Liên Hiệp Châu Âu - hoan nghênh Brexit và chỉ trích chính sách nhập cư của Đức - hoặc gây hoang mang cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, thì ông Tập Cận Bình xuất hiện như là hiện thân tuyệt đối của sự ổn định.
Nhưng theo Le Figaro, sau những lời lẽ mang tính đồng thuận như thế, vị lãnh đạo Trung Quốc độc đoán nhất kể từ thời Mao Trạch Đông sẽ phải thuyết phục thế giới về sự thành tâm của ông. Bài diễn văn mang tính cởi mở dành cho công chúng quốc tế tương phản hoàn toàn với những tuyên bố mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan khi ngỏ lời với đồng bào của ông. Cũng ông Tập Cận Bình, không ngần ngại lên án "những lực lượng phương Tây thù địch" và lên án cả những giá trị phổ quát về nhân quyền và "mối nguy" của dân chủ.
Với báo Le Monde, bài diễn văn của ông Tập Cận Bình chính là bài mà các đại biểu Mỹ tham dự Diễn đàn Davos muốn tổng thống của họ đọc. Theo tờ báo này, đây quả là thế giới đảo chiều : trong tất cả các nền dân chủ phương Tây, toàn cầu hóa và tự do mậu dịch bị tấn công bởi một xu hướng chính trị mạnh, mà hiện thân là Donald Trump. Và chính chủ tịch Trung Quốc, người thừa kế Mao Trạch Đông, lại đến trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp về những khái niệm đã làm thay đổi sâu rộng nền kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ XX.
Brexit, con đường đầy chông gai
Về bài diễn văn mà thủ tướng Anh đọc tại Bruxelles ngày 17/01 trình bày kế hoạch Brexit, đưa nước Anh ra khỏi luôn cả thị trường duy nhất Châu Âu, theo nhận định của Le Monde, bà Theresa May đã xen lẫn những lời vuốt ve với những lời đe dọa, những lời lẽ hòa dịu với những tối hậu thư gởi đến những "người anh em Châu Âu".
Le Monde cũng lưu ý rằng tiến trình Brexit còn rất nhiều gian truân : lời đe dọa của chính phủ Scotland sẽ một lần nữa tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập nếu Anh Quốc ra khỏi thị trường duy nhất Châu Âu, vấn đề ranh giới giữa hai nước Ireland mà Brexit sẽ tạo ra, thái độ chống đối của các cử tri ủng hộ Brexit, không muốn trả cái giá của việc phục hồi thuế quan…
Nhưng theo Le Monde, bài diễn văn của bà May tại Bruxelles, mang hơi hướng một cuộc chiến tranh thương mại, đã thu phục được cảm tình của báo chí bình dân tại Anh. Tờ Daily Mail ca ngợi bà là một "người đàn bà thép" mới.
Giới tài chính ngân hàng tại Luân Đôn lo ngại về một Brexit cứng rắn, đó là điều mà nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh hôm nay.
Theo Les Echos, khi chọn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu một cách cứng rắn, thủ tướng Theresa May đã xác nhận điều mà người Anh sợ nhất : không còn được tiếp cận thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Cho tới nay, trong khuôn khổ thị trường duy nhất, các ngân hàng ở Luân Đôn có thể bán các dịch vụ ra 27 nước thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu.
Để không bị mất ưu đãi đó, ngân hàng hàng đầu của Châu Âu là HSBC vừa loan báo sẽ chuyển 1000 nhân viên từ Luân Đôn sang Paris.
Chính sách đưa đầu tư trở lại Mỹ
Tờ Les Echos hôm nay cũng quan tâm đến việc tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump buộc các công ty phải đưa ra những tuyên bố sẽ đầu tư ở Mỹ.
Sau Lockheed Marin, Amazon, Fiat Chrysler hay Ford, trong tuần này đến lượt General Motors, Bayer và Walmart loan báo tạo ra thêm hàng ngàn việc làm ở Mỹ và đầu tư tại nước này hàng tỷ đô la.
Thật ra theo Les Echos, các công ty này phải làm như vậy để tránh những hậu quả từ những quyết định mà chính quyền Trump sẽ đưa ra. Ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ sản xuất rất nhiều xe ở Mexico và rất ngại về mức thuế mà họ sẽ phải gánh chịu. Tập đoàn siêu thị Walmart, vốn nhập rất nhiều hàng từ Trung Quốc, sẽ lãnh đủ nếu nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Lockheed Martin và Boeing thì phần lớn sống nhờ vào các đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc.
Hiện tượng Macron
Về thời sự chính trị nước Pháp, tờ Libération dành nhiều trang để nói về sức thu hút ngày càng mạnh của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron, tìm hiểu vì sao cựu Bộ trưởng Kinh tế đi đến đâu vận động, khán phòng đều chật cứng người.
Theo Libération, 9 tháng sau khi khởi động phong trào "En marche" (Tiến bước), ông Macron đã trở thành một hiện tượng. Trong khi các ứng cử viên bầu cử sơ bộ bên cánh tả không thu hút đủ người cho những hội trường nhỏ, thì các cuộc mít tinh của cựu Bộ trưởng Kinh tế trong tháng 1/2017 có cả ngàn người đến dự.
Tờ Libération cho rằng một trong những bí mật của Macron là khả năng "dịch chuyển liên tục" của ông. Khi còn là Bộ trưởng Kinh tế của Tổng thống François Hollande, Macron đã được nhiều dân Pháp hoan nghênh vì đã dám đụng vào những vấn đề mang tính biểu tượng của Đảng Xã hội : Luật làm việc 35 giờ/tuần, thuế đánh vào thu nhập cao… và dám chỉ trích chính phủ của ông bị xem là quá nhút nhát. Chính vì có những lập trường như vậy, mà lúc đó ông Macron thu hút cử tri cánh hữu nhiều hơn cử tri cánh tả, thu hút giới hưu trí và hành nghề tự do hơn là giới trẻ và người làm công ăn lương.
Nhưng nay, theo một chuyên gia được Libération trích dẫn, ứng cử viên Macron lôi kéo mọi thành phần cử tri của Pháp, với tỷ lệ ủng hộ bên cảm tình viên cánh tả lên tới 50%, và bên phía cảm tình viên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa là 46%, những tỷ lệ rất cao so với các ứng cử viên khác.
Cho dù bị mô tả là "ứng cử viên của người giàu", vì trước đây ông từng là lãnh đạo ngân hàng, Macron vẫn được các tầng lớp bình dân ủng hộ ngày càng nhiều. Thậm chí, những người cho tới nay không thèm đi bỏ phiếu hoặc chỉ bỏ phiếu cho cực hữu hoặc cực tả, nay cũng thấy Macron hấp dẫn.
Pháp và nguy cơ thiếu điện trong mùa đông
Nhật báo công giáo La Croix báo động về tình hình an toàn hạt nhân "đáng ngại" của Pháp trong bối cảnh mức tiêu thụ điện tăng vọt do đợt lạnh hiện nay.
Theo Les Echos, hiện giờ dân Pháp có thể an tâm vì 9 lò phản ứng hạt nhân tạm dừng để kiểm tra đã được phép hoạt động trở lại, giúp nước Pháp đối phó với đợt lạnh hiện nay, kéo theo mức tăng tiêu thụ điện. Lãnh đạo Cơ quan An toàn Hạt nhân, một cơ quan độc lập, khẳng định kết quả kiểm tra các lò phản ứng nói trên là "khá tốt".
Thế nhưng, theo La Croix, tình hình chung lại không gây an tâm chút nào, những lý do đáng quan ngại về an toàn hạt nhân ở Pháp ngày càng nhiều, trong bối cảnh mà các nhà máy điện nguyên tử sắp bước vào tuổi 40, đặt ra vấn đề về việc có nên cho những nhà máy này tiếp tục hoạt động hay không. Nếu tiếp tục hoạt động thì phải bảo đảm an toàn hạt nhân như thế nào, nhất là với những bài học rút ra từ thảm họa Fukushima. Toàn bộ chi phí cho việc này lên tới 55 tỷ euros.
Tỷ phú Nga và thiên văn học Châu Âu
Về khoa học, tờ Le Figaro loan tin về việc một nhà tỷ phú Nga tham gia vào nghiên cứu thiên văn học của Châu Âu.
Đài Thiên văn Châu Âu Nam vừa ký một hiệp định với nhà tỷ phú Iouri Milner tài trợ cho một dụng cụ gắn trên Viễn vọng kính cực lớn (Very Large Telescope – VLT) đặt tại Chile. Những cải thiện nhờ công cụ mới này sẽ giúp cho VLT tìm ra những hành tinh mới trong hệ Alpha Centauri.
Vì sao nhà tỷ phú Nga chấp nhận tài trợ cho dụng cụ nói trên ? Bởi vì ông mơ ước rằng lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại sẽ có thể phóng một phi thuyền nhỏ lên một thiên thể nằm ngoài Thái dương hệ, với một vận tốc có thể lên tới 200 triệu km một giờ.
Hiện giờ, phi thuyền mà con người có thể phóng xa nhất là Voyager 1 chỉ mới di chuyển với vận tốc 60 ngàn km/giờ. Với tốc độ như vậy, phải mất 45 năm mới có thể ra khỏi Thái dương hệ và mất thêm… 18 ngàn năm nữa để đến được hệ Alpha Centauri ! Dự án của ông Iouri Milner là nhằm giảm thời gian của chuyến du hành này xuống chỉ còn 20 năm.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, còn phải giải quyết nhiều vấn đề trước khi ước mơ của nhà tỷ phú Nga trở thành hiện thực. Chẳng hạn như làm sao tránh cho phi thuyền bị tan rã nếu đụng vào các đám mây khí khi bay với vận tốc kinh khủng như thế ? Hiện giờ chưa ai có thể trả lời câu hỏi này.
Thanh Phương