Một yếu tố trong chiến lược Mỹ tại Biển Đông được cho là đã trở thành rõ ràng : Đó là sẽ tiến hành những chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải – thuật ngữ tiếng Anh là FONOPS - một cách đều đặn thường xuyên. Chuyển biến mới này đã lập tức được nhiều nhà quan sát hoan nghênh, và đã có ý kiến cho rằng Washington nên áp dụng chiến lược cả cho vùng eo biển Đài Loan, nơi mà quyền tự do hàng hải cũng đang bị Bắc Kinh khống chế.
Khu trục hạm Mỹ USS Stethem đã tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa (Biển Đông) đầu tháng 07/2017. Wikipédia
Quyết định sẽ tiến hành các chiến dịch FONOPS tại Biển Đông trên cơ sở thường xuyên, đều đặn vừa được Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ PACOM chính thức loan báo. Đối với đô đốc Harry Harris, việc tiến hành tuần tra thường xuyên, theo một lịch trình cụ thể, sẽ có tác dụng biến mỗi chiến dịch thành một điều thường lệ, tránh được tình trạng là mỗi lần có một chuyến tuần tra là mỗi lần bị Trung Quốc xem là một hành vi khiêu khích.
Ngay trước khi được PACOM xác nhận, trên hiện trường, Hải Quân Mỹ đã bắt đầu áp dụng chiến lược mới này, với ba chiến dịch cho chiến hạm đi vào hoạt động bên trong vùng 12 hải lý quanh một số đảo nhân tạo của Trung Quốc, hai lần tại vùng Đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, và một lần sát đảo Tri Tôn (Triton Island) ở Hoàng Sa. Nhịp độ thường xuyên và đồn dập này là điểm mới so với thời chính quyền Clinton, chỉ tiến hành vỏn vẹn 4 chiến dịch FONOPS trong vòng 2 năm 2015-2016.
Yếu tố mới thứ hai là nội dung của các chuyến tuần tra, có thể gọi là chiến dịch thực sự, với đầy đủ các hoạt động bình thường trên một tàu chiến, chứ không phải là những chuyến hải hành theo thủ tục qua lại vô hại (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm đi vào vùng lãnh hải của nước khác.
Đối với giới phân tích, thời Obama, khi áp dụng thủ tục qua lại vô hại trong các chuyến đi vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Kỳ đã vô hình chung thừa nhận thay vì thách thức, các yêu sách chủ quyền quá lố của Trung Quốc
Trên trang mạng tạp chí The Diplomat của Nhật Bản ngày 07/09/2017, chuyên gia phân tích Joseph Bosco, nguyên giám đốc phụ trách Trung Quốc tại bộ Quốc Phòng Mỹ trong hai năm 2005/2006, đã cho rằng với chuyển biến mới nói trên, Hải Quân Mỹ kể như đã tái lập lại luật biển quốc tế ở Biển Đông, và cũng nên áp dụng cùng một cách tiếp cận để đi qua eo biển Đài Loan, một trường hợp điển hình khác về việc quyền tự do hàng hải bị Trung Quốc giới hạn, nhưng Mỹ trong quá khứ lại ngần ngại, không dám thách thức.
Theo chuyên gia Bosco, trước năm 1972, Hạm Đội 7 vẫn hoạt động tại vùng eo biển Đài Loan mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Thế nhưng từ năm 1972, sau khi tổng thống Mỹ Nixon quyết định tỏ thiện chí với Mao Trạch Đông bằng cách cho triệt thoái tàu Mỹ khỏi khu vực eo biển Đài Loan, Hải Quân Mỹ hầu như vắng bóng ở nơi này cho đến tận năm 1995.
Vào năm ấy, Trung Quốc hai lần bắn tên lửa về phía Đài Loan để thị uy, và tổng thống Mỹ thời đó là Bill Clinton đã hai lần loan báo phái tàu sân bay đến eo biển Đài Loan. Nhưng trong cả hai lần, sau khi bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, thậm chí đe dọa "biển lửa bùng lên" nếu tàu Mỹ đi vào eo biển, Washington đã lùi bước, qua đó thừa nhận trong thực tế là cần được Trung Quốc cho phép khi sử dụng eo biển. Trong cả thập kỷ tiếp theo, tàu hải quân Mỹ hầu như tránh khu vực này.
Theo Joseph Bosco, chính quyền Obama đã ngần ngại không dám thách thức yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, do đó rất có thể là cũng đã hạn chế hoạt động của Hải Quân Mỹ tại eo biển Đài Loan, dù đó là một vùng biển quốc tế.
Chuyên gia này kết luận : Với chính sách tuần tra của Hải Quân Mỹ tại Biển Đông đã rõ ràng với chính quyền Trump, đã đến lúc Mỹ cần khẳng định các lợi ích của Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan, bảo đảm an ninh và hậu thuẫn cho nền dân chủ Đài Loan.
Trọng Nghĩa