Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/09/2017

Nga : Luật mới đề nghị cải táng Lenin bị bác

BBC tiếng Việt

Điện Kremlin bác bỏ luật mới của Viện Duma, cơ quan lập pháp của Cộng hòa liên bang Nga, quy định lại cách mai táng Lenin để đưa thi hài ông đi chôn.

nga1

Người dân Nga vác cờ, hoa và ảnh Lenin trong một sự kiện đánh dấu 147 năm ngày sinh của cố lãnh tụ cách mạng tháng Mười của Nga

Truyền thông Nga hôm thứ Sáu 08/09 đưa tin luật về cải táng do một nhóm dân biểu đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất trình lên Quốc hội đã không được Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Prikhodko ký thông qua.

Như thế Lenin và không ít các nhân vật nổi tiếng khác của Nga sẽ vẫn nằm ở lăng mộ cho họ chứ không bị đem đi chôn.

Dân biểu Ivan Sukharev, một trong số người đưa ra dự luật nói một điều tra dư luận ở Nga, cho hay đa số người dân muốn đưa Lenin ra khỏi Lăng tại Hồng trường ở Moscow để đi mai táng.

Theo trang RT.com của Nga hôm thứ Sáu, 08/09/2017, một cuộc điều tra dư luận hồi tháng Tư trong năm nói 58% dân Nga muốn đưa Lenin đi cải táng một cách đúng đắn.

Một phần dư luận Nga cho rằng cách duy trì xác ướp của người đã quá cố là không phù hợp với phong tục Chính Thống giáo.

Qua đời năm 1924, Vladimir Lenin để lại ý nguyện được chôn bên cạnh ngôi mộ của mẹ ông.

Đảng cộng sản Nga luôn phản đối việc đưa thi hài Lenin đi chôn.

'Tôn trọng di chúc'

Một loạt các lãnh tụ cộng sản sau Lenin đã được ướp xác và xây lăng, dù trong đó có một số công trình đã có thay đổi và xác ướp bị hỏa thiêu, hay cải táng, trong khi một số khác vẫn tồn tại.

Nhiều lăng mộ của các lãnh tụ cộng sản được biết đến khá rộng rãi một thời như với Dmitrov (ở Bulgaria), Stalin (ở Nga), Mao Trạch Đông (ở Trung Quốc), Kim Nhật Thành (ở Bắc Hàn), Hồ Chí Minh (ở Việt Nam)...

Hôm 02/9/2017, trong dịp Việt Nam đánh dấu 72 năm quốc khánh, một cựu quan chức Vụ trưởng thuộc một ủy ban của chính phủ Việt Nam trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt từ Budapest, Hungary, có đề cập đến di chúc của cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh.

nga3

Lăng cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh được xây trong 2 năm, khởi công ngày 2/9/1973 và khánh thành ngày 29/8/1975.

Nhà quan sát xã hội dân sự Việt Nam, ông Trần Tiến Đức, con trai thứ của ông Trần Duy Hưng, Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội trong thời chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nói :

"Đúng là trong di chúc Cụ Hồ, di chúc gốc, không có nói đến chuyện xây lăng, thậm chí ông còn đề nghị là hỏa táng và rắc tro của ông ở các miền của đất nước, tôi nghĩ rằng đấy mới là điều mong muốn thực sự của cố Chủ tịch, của cụ Hồ Chí Minh.

Và tôi nghĩ rằng chúng ta nên tôn trọng di chúc đó như mong muốn của ông. Và nếu mà theo phương Đông, thì con người sinh ra từ cát bụi và khi chết đi cũng phải trở về với cát bụi, thì nên để cho ông được an táng, hoặc là tốt nhất, theo đúng di chúc của cụ Hồ Chí Minh là nên hỏa táng và rắc tro đi. Thì đấy tôi nghĩ sẽ là một điều đúng đắn, còn đây không phải là chống cộng hay không chống cộng, đây trước hết chúng ta phải tôn trọng di chúc của người đã mất.

Thứ hai, tôi xin nói việc duy trì thi hài của cụ Hồ Chí Minh là một việc rất là tốn kém, có lẽ hiện nay ở trên thế giới chỉ còn có ông Lenin, ông Lenin còn lại thi hài, và người ta cũng bàn đến rất nhiều là đưa ông ra khỏi lăng Lenin, hình như còn ông Mao Trạch Đông, rồi ông nào nữa tôi không biết, nhưng ở Bulgaria, ông Dmitrov, người ta đã cho bỏ lăng đi rồi".

"Tôi nghĩ rằng đấy là một chuyện rất bình thường, vì con người cũng nên làm như thế và chính ông Hồ Chí Minh khi còn sống đã khuyến khích là nên hỏa táng, bởi vì cụ nói rằng đất chật, người đông, cứ chôn nghĩa trang nhiều như thế, làm sao lấy đất mà canh tác, mà sinh sống ?", ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục và truyền thông, Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình Việt Nam nói với BBC.

Quay lại trang chủ
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)