Bán đảo Crimea về với nước Nga đã hơn 3 năm, song việc tái thiết vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Điều đó chứng tỏ Nga đang thiếu lực…
Khi Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan de Mistura cho biết "rất coi trọng vai trò của Nga trong việc đưa đại diện chính phủ Syria tới Geneva, để đàm phán trực tiếp với phe đối lập, dù đó là phe đối lập nào", cho thấy vị thế của Moscow tại Syria là không thể đảo ngược.
Khi đại diện Syria gửi thư tới Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ yêu cầu Mỹ có trách nhiệm đối với cuộc chiến Syria, cho thấy chính quyền Tổng thống Assad đã thể hiện được vị thế thực thể đại diện chính nghĩa quốc gia của Syria.
Tổng thống Putin không thể mạo hiểm phân tán nguồn lực đất nước để tham gia tái thiết Syria
Khi cả 5 nước đi, bao gồm 2 nước đi của Tổng thống Obama và 3 nước đi của Tổng thống Trump đều, hoặc là thất bại, hoặc bị Tổng thống Putin đưa vào thế việt vị, cho thấy ngày vui của dân tộc Syria đã không còn mờ mịt nữa.
Giới phân tích cho rằng, với những chiến thắng liên tiếp trong cuộc chiến khủng bố và vị thế ngày càng vững vàng trong tiến trình chính trị cho Syria, đã tới lúc người dân và chính quyền Syria nghĩ tới việc tái thiết đất nước và đây cũng là điều kiện tiên quyết để có được hòa bình cho Syria.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc xung đột đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Syria khoảng 226 tỷ USD và hiện nay có tới 85% dân số Syria sống dưới mức nghèo khổ. Vì vậy các chuyên gia ước tính công cuộc tái thiết Syria sẽ tiêu tốn từ 200 tỷ USD đến 300 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều đáng nói là khi công cuộc tái thiết Syria diễn ra thì Nga – với vai trò đạo diễn trong ván cờ Syria – sẽ không còn đóng vai trò quyết định trong hoạt động quan trọng này, thậm chí Moscow có thể rơi vào cảnh "cốc mò cò xơi" trong cuộc tái thiết đất nước Syria. Tại sao vậy ?
Chiến lược của Nga tại Syria không bao gồm vấn đề tái thiết đất nước Syria
Theo giới phân tích, chiến lược của Nga khi can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, là một chiến lược mang tính nhân đạo rất cao khi nó hướng tới việc cứu cả dân tộc Syria khỏi thảm họa chiến tranh.
Điều đó thể hiện ngay từ khi Mỹ nêu ra vấn đề vũ khí hóa học của Syria. Đây là điều cực kỳ nhạy cảm và Washington đã chủ trương biến vấn đề này thành một nước cờ chính trị, mà mục đích là cho quân đội Mỹ xuất hiện hợp pháp tại Syria.
Khi đó Moscow đã nhận ra nguy cơ đe dọa sự tồn vong của dân tộc Syria và Tổng thống Putin đã quyết không để chậm, dù chỉ là một nhịp, mà có thể khiến đất nước Syria tan tành khi phương Tây trừng phạt quân sự Damascus.
Nhận lời kêu gọi của chính quyền Assad nhưng Moscow hướng tới cả dân tộc Syria
Giới phân tích cho rằng, với việc đưa ra sáng kiến tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria và giao vấn đề tiêu huỷ, giám sát tiêu hủy cho Mỹ và đồng minh, Tổng thống Putin đã chính thức đặt nền móng cho chiến lược của Nga tại Syria.
Khi chính quyền Tổng thống Assad kêu gọi Moscow giúp đỡ chống khủng bố thì cũng là lúc chiến lược của Nga tại Syria được hoàn tất. Do vậy, dù Moscow bảo trợ Damascus, song mọi hành động của Nga đều hướng tới cả dân tộc Syria.
Trong quá trình xuất hiện và can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria, những hành động của chính quyền Tổng thống Putin luôn thể hiện lúc nhu, lúc cương là nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích cho dân tộc Syria, chứ không chỉ bảo vệtồn tại cho chính quyền Assad.
Moscow nhu trước hành động của Mỹ và Israel vì Moscow đã biết đó là hành động gấy hấn, nên việc đáp trả sẽ rơi vào bẫy của đối phương và khi đó sẽ kéo cả dân tộc Syria vào vòng xoáy trừng phạt – trả đũa quân sự. Như vậy là vô trách nhiệm.
Moscow cương quyết ngăn chặn việc LHQ ra nghị quyết lên án chính quyền Syria, bởi Moscow đã giúp xác định đây là thực thể đại diện chính nghĩa quốc gia, mà lên án một thực thể đại diện hành động vì chính nghĩa quốc gia là sỉ nhục cả một dân tộc
Chiến lược của Nga trong ván cờ Syria thể hiện qua hai điểm mấu chốt, thứ nhất là giúp thực thể chính trị đại diện chủ quyền Syria khẳng định vị thế của thực thể đại diện chính nghĩa quốc gia và thứ hai là xác định những hành động mang tính phi nghĩa trong cuộc chiến hỗn hợp, phức tạp tại Syria.
Nga không đủ khả năng và kinh nghiệm để tái thiết Syria
Có thể thấy rằng, để thực hiện việc tái đất nước Syria thì cần phải có một chiến lược toàn diện và phải có nguồn lực khổng lồ, trong khi nước Nga lại thiếu cả hai yêu cần đó. Với thực tế như vậy, Moscow có thể chỉ là phụ diễn trong cuộc tái thiết Syria.
Theo giới phân tích, cả Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, đều không có kinh nghiệm trong việc giúp tái thiết một quốc gia, dù đó là đồng minh hay đối tác. Liên Xô hay Nga chủ yếu mạnh về tài trợ, hỗ trợ chứ không phải hoạt động tái thiết.
Tái thiết Syria – Nga lực bất tòng tâm
Những kế hoạch tái thiết yêu cầu phải cao về hiệu suất, song dường như yếu tố này đều không có trong những kế hoạch của Nga. Người Nga hỗ trợ đối tác, đồng minh không lấy đơn vị thời gian và tính hiệu quả làm thước đo cho hành động.
Nga quá nặng về những công trình thể hiện tính đồ sộ khiến thời gian và nguồn lực bị hút về một số ít các hạng mục công trình và thời gian hoàn tất kéo dài. Đây là chương trình chỉ phù hợp với việc kiến quốc chứ không phải hoạt động tái thiết.
Trong lịch sử thì Kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu thời hậu Thế chiến II được cho là một kế hoạch tái thiết hiệu quả nhất cho đến nay và đó cũng là hình mẫu cho các nước phương Tây khi thực hiện đầu tư, tái thiết tại một quốc gia.
Do vậy, việc tái thiết Syria được cho là phù hợp hơn với các nước phương Tây, từ đó khiến Nga rơi vào cảnh "cốc mò cò xơi" – đạo diễn ván cờ Syria, nhưng chỉ là phụ diễn trong công cuộc tái thiết, trong khi lợi ích lại nằm ở giai đoạn tái thiết này.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế hiện tại của nước Nga cũng không cho phép chính quyền Nga mạo hiểm trong việc phân tán nguồn lực đất nước. Còn nhớ trong cuộc giao lưu trực tuyến ngày 15/6/2017, người dân xứ sở bạch dương đã nêu ra rất nhiều vấn đề liên quan tới nội tình của nước Nga.
Vấn đề kinh tế đã được quan tâm hàng đầu khi "Liệu có thể nói cuộc khủng hoảng kinh tế đã kết thúc hay chưa ?". Chính Tổng thống Putin phải nhìn nhận "một vấn đề khó khăn gay gắt chưa được giải quyết, đó là thu nhập thực tế của người dân đã giảm xuống, số người sống dưới mức nghèo khổ đã tăng lên".
Nhà lãnh đạo Nga phải lên tiếng rằng, "năm 2012, chỉ có 10,7% số dân sống dưới mức nghèo khổ, hiện nay là 13,5%. Có những vấn đề trong nền kinh tế chưa giải quyết được : cơ cấu kinh tế chưa phù hợp, năng suất lao động còn thấp".
Crimea về với nước Nga đã hơn 3 năm nhưng việc tái thiết vẫn diễn ra hết sứ chậm chạp, cho thấy Nga đang thiếu nguồn lực
Đặc biệt, nhiều thành phần trong xã hội Nga vẫn đang phải sống với thu nhập dưới mức lương tối thiểu – 3.600 rúp/tháng, do vậy : "người dân chúng tôi quan tâm đến hoạt động quân sự của Nga ở Syria".
Đây được xem là những cảnh báo khiến Moscow không thể mạo hiểm. Ngay bán đảo Crimea về với nước Nga đã hơn 3 năm, song việc tái thiết vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Điều đó chứng tỏ Nga đang thiếu nguồn lực, vì vậy Nga sẽ khó tham gia vào tái thiết Syria.
Trung Quốc và EU sẽ trở thành ngư ông đắc lợi trong cuộc tái thiết Syria
Theo giới phân tích, ngoài việc Nga đóng vai trò phụ diễn trong cuộc tái thiết Syria thì Mỹ cũng sẽ không đóng vai trò chính trong cuộc tái thiết quốc gia Trung Đông này, điều đó một phần do chiến lược Mỹ, một phần do lợi ích Mỹ.
Do vậy, Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc được xem là hai thế lực sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc tái thiết Syria và với những động thái cho thấy cả Bắc Kinh và Brussels đã chuẩn bị cho những nước đi của riêng mình.
Còn nhớ hồi tháng 3/2017, nhân kỷ niệm tròn 6 năm cuộc chiến Syria, Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini đã nêu vấn đề kiến tạo một nền hòa bình ủy nhiệm cho Syria thay cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm tàn khốc.
Đó được nhìn nhận là cú bỏ giỏ của Brussels, nhằm chuẩn bị bước vào ván cờ Syria, nhưng không phải với tư cách "dây máu ăn phần" mà sẽ là thực thể đóng vai trò quan trọng với quốc gia này phía sau cuộc chiến.
Còn với Trung Quốc, hiện nay "Giấc mộng Trung Hoa" đang ở trong thời điểm có khả năng hiện thực hóa cao nhất và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhằm hiện thực hóa giấc mơ ấy.
Bắc Kinh và Brussels sẽ trở thành ngư ông đắc lợi tại Syria
Bắc Kinh được cho là nhường Moscow đối trọng với Washington trong cuộc chiến Syria, còn mình thì âm thầm thực hiện những bước đi khác nhằm khai thác tối đa lợi ích sau khi cảnh máu chảy đầu rơi tại Syria qua đi.
Hiện tại Bắc Kinh có đủ cả tiền tài vật lực để có thể tái thiết Syria, đó là hàng giá rẻ của Trung Quốc – thứ rất cần cho Syria thời hậu chiến – cùng với đó là nguồn tài chính dồi dào,đặc biệt là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh làm chủ xị, sẵn sàng rót vốn tới Syria.
Có thể thấy rằng, việc kiến tạo nền hòa bình cho Syria là thể hiện cao nhất tính nhân đạo của Moscow, song khi công cuộc tái thiết Syria diễn ra thì đây lại chính là nơi khiến Nga rơi vào cảnh trớ trêu khi giúp EU và Trung Quốc thành ngư ông đắc lợi.
Ngọc Việt
Nguồn : Đất Việt, 13/09/2017
******************
Phương Tây đặt câu hỏi : Nga có gì để tái thiết Syria ? (Đất Việt, 12/09/2017)
Sau những chiến thắng quân sự vang dội, Nga có thể làm gì hỗ trợ công cuộc tái thiết Syria với chi phí ước tính trên 300 tỷ USD ?
Còn nhiều thách thức
Quân đội Syria với sự yểm trợ của Nga đang liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng chống khủng bố và các lực lượng đối lập. Giới phân tích phương Tây cho rằng khó khăn đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad là phải điều hành một đất nước Syria bị tàn phá nghiêm trọng với một nền kinh tế "vỡ nát". Việc tái thiết đất nước Syria cũng là khó khăn đối với nước Nga sau những chiến thắng quân sự thuyết phục.
Chuyên gia về Syria thuộc cơ quan nghiên cứu Century Foundation (Mỹ), ông Aron Lund, nhận định : "Ông Assad vẫn là người nắm quyền quản lý phần lớn dân số và hầu hết các vùng lãnh thổ quan trọng. Tôi cho rằng ông ấy sẽ tiếp tục kiểm soát phần lớn Syria. Mặc dù cuộc chiến vẫn tiếp diễn, nhưng nhìn chung ông ấy đã đánh bại được những kẻ muốn hạ bệ mình".
Quân đội Syria (SAA) liên tiếp giành những thắng lợi quan trong với sự hỗ trợ của Nga
Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura mới đây đã thẳng thắn kêu gọi phe đối lập thực tế hơn. Ông Staffan đặt câu hỏi : "Liệu phe đối lập có thể đoàn kết và đủ thực tế để nhận ra rằng họ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này hay không ?".
Phát biểu này đã khiến các nhân vật chống chính phủ Syria vô cùng giận dữ bởi lâu nay họ vẫn khăng khăng cho rằng Tổng thống Assad phải từ chức và không được tham gia bất kỳ chính phủ chuyển tiếp nào. Ông Nasr al-Hariri, người đứng đầu Ủy ban Đàm phán Cấp cao đối lập, cho rằng phát biểu của ông Mistura "gây sốc và đáng thất vọng".
Tuy nhiên, yêu cầu của phe đối lập muốn ông Assad phải ra đi dường như ngày càng trở nên hão huyền. Quân đội Syria hiện kiểm soát các thành phố chính của đất nước và có lợi thế về hỏa lực, nhờ sự hỗ trợ của các đồng minh là Iran và Nga.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngồi ăn cùng các binh sĩ SAA tại mặt trận phía Đông Gouta
Trong một tuần qua, binh sĩ chính phủ Syria đã đạt được những bước tiến lớn ở phía Đông của Syria, giải cứu hai khu vực ở trong và xung quanh thành phố Deir Ezzor, trước đây chịu sự kiểm soát của IS từ năm 2014. Bước tiến này đồng nghĩa với việc chính phủ Syria kiểm soát được một nửa lãnh thổ Syria và 2/3 dân số đất nước, nhiều hơn bất kỳ bên tham chiến nào.
Theo chuyên gia về Syria Fabrice Balanche, các lực lượng do người Kurd đứng đầu ở Syria chiếm giữ khoảng 23% diện tích lãnh thổ, còn IS chiếm 15%. Các nhóm vũ trang khác chỉ nắm quyền kiểm soát 12% diện tích lãnh thổ, mà phần lớn trong số đó là do chi nhánh của al-Qaeda từng hoạt động ở Syria và các "chân rết" của nhánh này nắm giữ.
Phương Tây dự báo Nga hụt hơi ?
Tuy nhiên, Thomas Pierret - chuyên gia về Syria tại trường Đại học Edinburgh - cho rằng mặc dù giành được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, song ông Assad chắc chắn sẽ vẫn phải đối mặt với những cuộc nổi dậy nhỏ lẻ trong vài năm tới. Ông Pierret nhận định : "Ông Assad sẽ vẫn tại vị trong một thời gian dài, song nhiều khả năng sẽ vẫn xảy ra những cuộc nổi dậy vũ trang mang tính địa phương. Các cuộc nổi dậy này sẽ không đe dọa trực tiếp đến bộ máy trung ương đầu não, nhưng về cơ bản, chúng sẽ vẫn là mối đe dọa đối với một chế độ vốn có nhiều điểm yếu".
Bên cạnh nguy cơ về xung đột quy mô nhỏ kéo dài, Syria cũng phải đối mặt với nhiệm vụ đầy khó khăn là tái thiết đất nước bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt 6 năm qua, khiến hơn 330.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và các cơ sở hạ tầng trọng yếu bị phá hủy hoàn toàn.
Cuộc chiến kéo dài 6 năm qua đã tàn phá các thành phố, làng mạc Syria
Chuyên gia Maha Yahya thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở ở Beirut, thuộc Quỹ Carnegie Endowment vì Hòa bình quốc tế, nhận định : "Rõ ràng, ông Assad đã lấy lại được động lực và quyền kiểm soát lãnh thổ. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, ông ấy đang giành lại quyền kiểm soát một đất nước đã bị tàn phá hoàn toàn. Vì vậy, tôi không biết chiến thắng cuộc chiến này có ý nghĩa thực sự như thế nào trong bối cảnh như vậy".
Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc xung đột ở Syria đã gây thiệt hại cho nền kinh tế của quốc gia này khoảng 226 tỷ USD, gấp khoảng 4 lần tổng sản phẩm quốc nội của Syria (GDP) năm 2010. Khoảng 85% dân số sống dưới mức nghèo đói, trong khi một nửa dân số không có công ăn việc làm.
Tác giả của Báo cáo Syria hàng tuần, ông Jihad Yazigi, chia sẻ : "Trong tình trạng hiện nay, tôi không nghĩ có thể tái thiết đất nước". Với chi phí tái thiết đất nước ước tính vào khoảng 200 tỷ USD (Hiện có những ước tính trên 300 tỷ USD), ông Yazigi cho rằng Syria chỉ có thể bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước trong trung hạn.
Giải thích thêm về sự khó khăn này, ông nói rằng các thể chế tài chính của Syria không thể cấp vốn cho nỗ lực tái thiết đất nước khi mà tổng tài sản của 12 ngân hàng của nước này chỉ vẻn vẹn 3,5 tỷ USD.
Syria cần hàng trăm tỷ USD để xây dựng lại đất nước từ đống đổ nát
Trong khi đó, các thể chế tài chính nước ngoài được dự báo sẽ từ chối cấp vốn cho Syria. Ông Yazigi nhấn mạnh : "Các tổ chức có thể tài trợ cho công cuộc tái thiết ở Syria như Liên minh vùng Vịnh, Liên minh Châu Âu, Ngân hàng Thế giới thì lại không hề có ý định làm như vậy".
Trong trường hợp bị phương Tây quay mặt, Syria chắc chắn phải cần đến sự trợ giúp của các đồng minh, đặc biệt là Nga. Tuy nhiên, tình thế và thực lực kinh tế của Nga hiện nay đặt ra câu hỏi liệu hướng đi này có triển vọng. Hiện đã có những ước tính số tiền cần thiết để tái thiết Syria lên tới trên 300 tỷ USD. Để dễ hình dung có thể dẫn ra tổng dự trữ ngoại hối của Nga hiện vào khoảng 400 tỷ USD.
Trước khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria, mối quan hệ giữa hai nước cũng chủ yếu liên quan tới lĩnh vực vũ khí. Giá trị các hợp đồng mua bán mặt hàng đặc biệt này giữa Nga và Syria đã tăng từ 2,1 tỷ USD lên 4,7 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2010.
Tuy vậy, Nga vẫn có thể đóng vai "người hùng" ở Syria thời hậu chiến bởi những hành động đáng nể của mình. Bất chấp khó khăn kinh tế, Nga từng thể hiện sự "hào phóng" khi xóa tới trên 73% nợ (tương đương 9,8 tỷ USD) cho Syria.
Binh sĩ Nga và Syria phân phát hàng viện trợ cho người dân Syria tại làng Maarzaf, tỉnh Hama
Cách đây 2 năm, một phái đoàn thương mại của Nga khi đến thăm thủ đô Damascus đã tự tin khẳng định các công ty Nga sẽ dẫn đầu các nỗ lực tái thiết Syria thời hậu chiến. Ngoài Nga, Syria còn có thể trông chờ vào Iran và thậm chí là một Trung Quốc đang muốn có chỗ đứng ở Trung Đông.
Hồi tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã cam kết sẽ đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một khu công nghiệp ở Syria. Theo giới phân tích, Bắc Kinh muốn tạo lập chỗ đứng để thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của mình.
Không chỉ vậy, "miếng bánh" Syria thời hậu chiến cũng sẽ khiến phương Tây không thể làm ngơ. Các nước như Mỹ hay đồng minh Châu Âu và tại khu vực sẽ tìm mọi cách để có thể đầu tư tái thiết Syria.
Thành Minh