Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/09/2017

Người Rohingya : Myanmar bị Liên Hiệp Quốc và al-Qaeda đe dọa

Tổng hợp

Thảm nạn Rohingya : al-Qaeda đe dọa Miến Điện (RFI, 13/09/2017)

Al-Qaeda kêu gọi cung cấp vũ khí cho người Rohingya và đe dọa trả đũa cuộc đàn áp tại Miến Điện. Lời cảnh báo này được al-Qaeda tung lên mạng ngày 13/09/2017, trong bối cảnh Hội Đồng Bảo An bị chỉ trích "bất động" trước cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Miến Điện. Bị quân đội truy bức, gần 400.000 người Hồi Giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh tị nạn, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc.

myanmar1

Người tị nạn Rohingya được điều trị ở bệnh viện Sadar Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 13/09/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

"Cánh cư xử dã man đối với anh em Hồi Giáo của chúng ta sẽ bị trừng phạt. Chính quyền Miến Điện sẽ nếm những gì mà họ đã làm đối với anh em chúng ta". Trên đây là lời đe dọa của al-Qaeda, công bố trên các kênh tuyên truyền của quân thánh chiến, được Reuters trích dẫn.

Tình trạng người Rohingya bị thành phần Phật tử cực đoan kỳ thị và quân đội truy bức gây xúc động trong cộng đồng quốc tế. Từ sau vụ một loạt đồn cảnh sát biên phòng bị tấn công hồi tháng 08/2017, chính quyền Miến Điện quy cho "khủng bố Hồi Giáo" gây ra để biện minh cho chiến dịch truy quét từ hơn một tháng nay, mà theo các tổ chức nhân quyền là nhằm mục đích "thanh lọc chủng tộc". Miến Điện cảnh báo sẽ có nhiều vụ tấn công khác nhắm vào cảnh sát và quân đội trong tương lai.

Theo Reuters, al-Qaeda còn kêu gọi "chiến binh huynh đệ" từ các quốc gia lân cận như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Philippines kéo về Miến Điện chuẩn bị "kháng chiến chống áp bức".

Trong khi đó, người Rohingya tiếp tục vượt biên, vượt biển. Từ Cox’s Bazar, một quận của Bagladesh, sát biên giới Miến Điện, trợ lý Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc George William Okoth-Obbo kêu gọi quốc tế "viện trợ lương thực và lều trại" dồi dào để cứu trợ hơn 370.000 người Rohingya lánh nạn tại Bangladesh. Theo số liệu của UNICEF, hơn 1.100 trẻ em Rohingya khi đến Bangladesh chỉ có một mình.

Trên biển, theo chính quyền địa phương, trong hai tuần qua, có ít nhất 6 thuyền vượt biển bị đắm. Thêm 7 xác nạn nhân được vớt trong ngày 13/09, nâng tổng số người chết lên 99, đa số là trẻ con và vị thành niên.

Theo lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, Indonesia đã sử dụng bốn vận tải cơ quân sự để chở sang Bangladesh 34 tấn hàng cứu trợ.

Tú Anh

***************

Miến Điện : Hội Đồng Bảo An họp kín về hồ sơ Rohingya (RFI, 13/09/2017)

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bắt đầu họp kể từ ngày 13/09/2017 về tình trạng người Rohingya ở Miến Điện. Theo số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc, có đến 370.000 người Rohingya đã chạy qua lánh nạn ở Bangladesh từ cuối tháng 8. Cao Ủy Nhân Quyền đã nói đến "một cuộc thanh lọc chủng tộc quy mô". Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo An đã quyết định họp kín, gây bất bình không ít đối với các tổ chức phi chính phủ.

myanmar2

Ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 71 ở Manhattan, New York, ngày 21/09/2016. Reuters/Carlo Allegri

Thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau tường thuật :

"Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần lễ mà Hội Đồng Bảo An họp về tình hình Miến Điện. Lần nào cũng họp kín, thảo luận riêng, báo chí không được tham dự. Đối với ông Louis Charbonneau thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, các nhà ngoại giao như vậy đã gởi đi một thông điệp không khác gì một "giấy phép sát nhân".

Theo ông Charbonneau, khi người ta đã nói đến một chiến dịch thanh lọc chủng tộc trên quy mô lớn, với một nhóm sắc tộc của cả một bang bị trục xuất đi nơi khác, thì cái gì có thể biện minh cho việc tình hình Miến Điện chỉ được thảo luận một cách miễn cưỡng ?

Câu trả lời dĩ nhiên là Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Miến Điện. Bắc Kinh đã ra sức vận động để chủ đề này không nằm trong chương trình nghị sự của Hội Đồng Bảo An.

Các tổ chức phi chính phủ không để yên và đòi phải có những hành động cụ thể. Theo ông Charbonneau, tổ chức Human Rights Watch của ông muốn Hội Đồng Bảo An đe dọa trừng phạt, phong tỏa tài sản, cấm đi lại, cấm vận vũ khí. Human Rights Watch đã nghe giới ngoại giao nói rằng điều đó có thể gây khó khăn cho bà Aung San Suu Kyi, nhưng đối với ông Charbonneau : "Phải nói thẳng thắn là bà Aung San Suu Kyi đã có lập trường rất rõ ràng : Đó là đã không nói gì cả".

Vài ngày trước cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, nơi mà tình hình Miến Điện có thể được đưa ra thảo luận, bà Aung San Suu Kyi đã thông báo sẽ đến dự. Nhưng rốt cuộc, bà cho biết sẽ không đến trước sự phản đối của quốc tế. Miến Điện do sẽ phó tổng thống thứ nhì đại diện".

Mai Vân

***********************

Bà Aung San Suu Kyi không dự họp Đại Hội đồng LHQ (BBC, 13/09/2017)

Lãnh đạo mặc nhiên của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi sẽ không dự tranh luận tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra vào tuần sau trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích cách bà xử lý khủng hoảng người Rohingya.

Khoảng 370.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi bang Rakhine ở Myanmar sang Bangladesh kể từ khi bạo lực bùng phát hồi tháng trước. Nhiều làng của người Rohingya đã bị đốt trụi.

Chính phủ Myanmar bị Liên Hợp Quốc cáo buộc về thanh lọc sắc tộc.

Quân đội Myanmar nói họ chống lại dân quân Rohingya và phủ nhận các tin nói họ đang nhắm vào dân thường.

Người Rohingya là nhóm người thiểu số Hồi giáo 'vô tổ quốc' sống ở bang Rakhine, nơi đa số dân là người Phật giáo.

Họ đã sống ở Myanmar nhiều thế hệ, nhưng họ bị cho là những người tỵ nạn trái phép và không bị từ chối quyền công dân.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc sẽ họp hôm thứ Tư 13/9 để thảo luận cuộc khủng hoảng này.

myanmar3

Bà Aung San Suu Kyi được trả tự do năm 2010

Bà Aung San Suu Kyi đã thay đổi ?

Bà Suu Kyi được trông đợi là sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận ở kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 25/9.

Người phát ngôn của chính phủ Aung Shin nói với hãng tin Reuters rằng "có lẽ" bà Suu Kyi "có nhiều vấn đề cấp bách hơn phải giải quyết". Bà nói thêm : "Bà ấy không bao giờ ngại đối mặt với chỉ trích hay đương đầu với các vấn đề".

Trong bài phát biểu đầu tiên ở Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc với tư cách lãnh đạo quốc gia hồi tháng 9/2016, bà Suu Kyi lên tiếng bảo vệ những nỗ lực của chính phủ bà để giải quyết khủng hoảng liên quan đến người Rohingya.

Được trao giải thưởng Nobel về Hòa Bình, bà từng bị quản thúc tại gia 15 năm về những hoạt động ủng hộ dân chủ và được coi là vị lãnh đạo chính phủ Myanmar.

Bà Suu Kyi giờ đây bị những người trước kia ủng hộ bà chỉ trích vì không làm đủ để ngăn ngừa bạo lực ở bang Rakhine.

Những người nhận giải Nobel khác, trong đó có Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo chủ Desmond Tutu và cô Malala Yousafzai đều kêu gọi bà Suu Kyi chấm dứt tình trạng bạo lực.

**********************

Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Miến có biện pháp bảo vệ người Rohingya (RFA, 12/09/2017)

Một ngày trước khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhóm phiên họp đặc biệt để thảo luận về cẳng thẳng đang xảy ra tại bang Rakhine, Miến Điện, chính phủ Hoa Kỳ và nhiều nước khác đồng lên tiếng kêu gọi chính phủ Miến phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ an toàn cho tập thể Hồi Giáo Rohingya cư ngụ ở bang này.

myanmar4

Những người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar đang chờ đợi sự trợ giúp tại thị trấn Teknaf của Bangladesh vào ngày 12 tháng 9 năm 2017.  AFP

Trong bản thông cáo phổ biến tối hôm qua tại Washington, Nhà Trắng nói rằng bất ổn xảy ra vì lục lượng an ninh và quân đội Miến đã không bảo vệ cho người Hồi Giáo Rohingya, khiến tập thể thiểu số này phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn. Thông cáo không nói đến số người Rohingya phải chạy tỵ nạn, nhưng theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc, chỉ trong 3 tuần lễ vừa rồi đã có hơn 310,000 người Rohingya phải bỏ chạy, phần đông sang Bangladesh xin tá túc.

Trích dẫn những nguồn tin khác nhau, các hãng thông tấn quốc tế cho hay tính từ cuối tháng Tám đến giờ, số người Hồi Giáo Rohingya chạy trốn đã lên đến 370,000 người. Các bản tin này cũng viết rằng có ít nhất 1,000 người Rohingya thiệt mạng, nhưng phía chính phủ Miến cho hay chỉ có 400 người chết trong những vụ giao tranh giữa quân đội và những phần tử bị gọi là khủng bố thuộc nhóm Hồi Giáo quá khích có tên là Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya (ARSA). Đây cũng là nhóm đã mở cuộc tấn công nhắm vào một đồn cảnh sát Miến hôm 25 tháng Tám vừa rồi, khởi đầu cho những cuộc giao tranh với quân đội chính phủ Miến, dẫn đến việc hàng trăm ngàn người thiểu số Rohingya phải chạy lánh nạn.

Cũng cần nhắc lại mới hôm qua, thứ Hai 11 tháng Chín 2017, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng quân đội Miến lấy danh nghĩa bài trừ khủng bố để đàn áp người Rohingya một cách dã man, gọi hành động này sẽ được ghi lại là thí dụ điển hình cho chính sách diệt chủng.

Tại Bangladesh, nữ thủ tướng nước này là Bà Sheikh Hasina khẳng định Miến Điện có trách nhiệm phải giải quyết giải quyết vấn đề, ngưng ngay việc đàn áp người Hồi Giáo thiểu số và phải lập khu an toàn cho người Rohingya trở về sinh sống. Bà Thủ Tướng Sheikh Hasina cũng nói chính phủ Bangladesh luôn luôn muốn có quan hệ êm thắm với láng giềng Miến Điện, nhưng phải lên tiếng vì không chấp nhận bất công.

Chính phủ Miến vẫn chưa lên tiếng nói gì về thông cáo của Nhà Trắng, và đòi hỏi của Bangladesh, nhưng qua trang mạng xã hội Twitter, phát ngôn viên Zaw Htay viết rằng Miến Điện không có chính sách thương thuyết với khủng bố, được ngầm hiểu là quân đội Miến sẽ tiếp tục các cuộc hành quân như hiện đang làm.

Quay lại trang chủ
Read 723 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)