Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/09/2017

Nga-Trung Quốc muốn hồi sinh Chiến tranh lạnh ?

Tổng hợp

Bóng ma Trung Quốc lởn vởn trên cuộc tập trận Zapad 2017 (RFI, 14/09/2017)

Nga tung ra cuộc tập trận với Belarus bắt đầu từ hôm nay 14/09/2017, và điều dễ hiểu là nhiều nhà quan sát tỏ ra lo ngại, trước một sự biểu dương sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Nhưng theo tác giả Nicholas Trickett trên The Economist, ít ai để ý đến những hậu quả không lường trước, một khi các hành động của Nga gây bất ổn cho Belarus, Ukraine hay các nhân tố khác trong khu vực.

zapap1

Các xe quân sự tham gia cuộc tập trận Zapad 2017 tại một địa điểm ở Belarus, ngày 14/09/2017. Vayar military information agency/Belarussian Defence Ministry/H

Đa số không hình dung ra sự hiện diện của một tay chơi mới tại Đông Âu, đó là Trung Quốc. Những hành động khiêu khích của Moskva có thể làm phương hại đến lợi ích Trung Quốc trong khu vực, và mối liên hệ với Bắc Kinh, đối tác được coi là "chiến lược".

Trung Quốc và Crimea

Ukraine chính là cửa ngõ vào Châu Âu trước tiên của Trung Quốc, khi dự án "Một vành đai, một con đường" (Con đường tơ lụa mới) được công bố năm 2013. Tổng thống lúc đó là Viktor Yanukovych đến Bắc Kinh với hy vọng vay tiền, sau khi thỏa thuận liên kết với Châu Âu bị bác bỏ. Bên cạnh món tín dụng chưa bao giờ thành sự thực này, đại gia ngành viễn thông Trung Quốc là Vương Tĩnh (Wang Jing) còn đề nghị xây dựng một cảng nước sâu trị giá 3 tỉ đô la tại Sevastopol – cảng nhà của Hạm đội Hắc Hải tại Crimea – cùng với 7 tỉ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Thêm vào đó, là thỏa thuận cho thuê 3 triệu hecta đất nông nghiệp Ukraine, và thương lượng mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số nông sản xuất khẩu của Ukraine. Bắp đặc biệt được ưa thích, vì lâu nay Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào bắp Mỹ. Ukraine nhanh chóng trở thành một đối tác quan trọng về an ninh lương thực, lượng bắp xuất đi khoảng 1,4 triệu tấn trong năm nay, chiếm gần phân nửa nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, theo ước tính của bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ năm 2017.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã mở dần thị trường cho các sản phẩm sữa của Ukraine và một số mặt hàng thực phẩm khác. Nỗi lo sâu sắc về an ninh thực phẩm của Trung Quốc đã biến Ukraine với tiềm năng nông nghiệp thành đối tác quan trọng, một cách lôgic.

Việc Nga sáp nhập Crimea và can thiệp quân sự vào vùng Donbass là một thử thách cho chính sách "không can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác" của Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu (EU) vốn là đối tác lớn nhất của Bắc Kinh. Trao đổi thương mại lên đến 1,4 tỉ euro một ngày trong năm 2016, và từ tháng 11/2013 đôi bên bắt đầu thương thảo một hiệp định đầu tư. Vì vậy lúc đó Trung Quốc không thể công nhận vụ sáp nhập Crimea, mà chọn cách vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh ủng hộ "giải pháp hòa bình mang lại lợi ích cho tất cả các bên", trong lúc thừa biết là một giải pháp như thế không thể có được trong tương lai gần.

Ukraine, trung tâm trung chuyển hàng Trung Quốc

Kế hoạch đầu tư vào Crimea nhanh chóng rơi rụng. Làm như thế chẳng khác nào công nhận việc sáp nhập của Nga, gây giận dữ cho các đối tác phương Tây và chắc chắn là quan hệ với Kiev sẽ chẳng êm ái chút nào. Việc thương lượng đầu tư cảng nước sâu ở bán đảo Crimea bị chìm nghỉm, thương mại và đầu tư Trung Quốc nay hướng về nội địa Ukraine.

Ukraine đạt được thỏa thuận về Hiệp định tự do mậu dịch toàn diện (DCFTA) với EU năm 2015, được giảm đến 98,1% thuế hải quan cho hàng hóa và dịch vụ của Ukraine. Để trả đũa, Nga ra một loạt lệnh cấm sử dụng các tuyến đường bộ và đường sắt từ các nước khác đi ngang qua lãnh thổ mình, và Ukraine cũng đáp trả tương tự.

Những lệnh cấm này tạo đà cho hành lang thương mại xuyên Biển Caspi, được hỗ trợ bởi tuyến đường sắt Baku-Tbilisi-Kars (BTK) ở Nam Kapkaz. Chuyến tàu đầu tiên dự kiến sẽ khởi hành vào tháng tới, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua khu vực này. Việc chuyển tải thông qua cảng Alat của Azerbaijan, vốn lệ thuộc vào BTK, đã tăng 43,5% trong năm nay, và các cảng ở Hắc Hải như Constanta của Rumani nối liền với tuyến đường xuyên Caspi. Tất cả các nước thành viên của hành lang này thương mại này đã bắt đầu công việc đồng bộ hóa thuế quan và thủ tục ở biên giới.

Nhờ xâm nhập được thị trường, đầu tư vào việc dịch chuyển sản xuất sang Ukraine trong tương lai, cũng như việc làm đường, xây cảng trở nên hấp dẫn hơn đối với Trung Quốc. Công ty Công trình Cảng Trung Quốc (CHEC) đã giành được một hợp đồng nạo vét và nâng cấp cảng Yuzhny ở phía bắc Odessa. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sắp sửa tài trợ cho một dự án cầu ở Kremenchuk. Ukraine hy vọng sang năm xây dựng được 2 tỉ đô la đường sá, dường như đang thương lượng với tập đoàn Cầu Đường Trung Quốc (CRBC) để xây xa lộ bê tông đầu tiên nối Odessa với Kherson.

Ukraine nới lỏng việc cấp visa cho các doanh nhân Trung Quốc, doanh số buôn bán tăng 5,3% trong năm 2016, đạt 6,51 tỉ đô la, và hai nước có ý định hợp tác an ninh ở cấp thấp. Con số này là nhỏ đối với Trung Quốc, nhưng những dự án trên giúp gắn chặt lợi ích và luồng vốn vào đây. DCFTA khiến Ukraine trở thành thị trường hấp dẫn hơn so với Nga. Khác với các đối tác phương Tây, Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề cải cách, khiến Ukraine cảm thấy thoải mái, một khi thương mại xuyên Caspi tăng lên và các dự án cảng thành hiện thực trong tương lai.

Bệ phóng Belarus

Tầm quan trọng của Belarus cũng tăng lên, trong lúc Trung Quốc đang nhắm đến Đông Âu với sự gia tăng đầu tư, thương mại và quan trọng nhất là việc vận chuyển hàng hóa Trung Quốc đến Châu Âu bằng đường sắt. Lượng hàng Trung Quốc quá cảnh thông qua hệ thống đường sắt Belarus đã tăng 30,4% trong 7 tháng đầu năm 2017, gần như tương đương với lượng xuất khẩu qua đường hỏa xa của Belarus.

Sau khi bị giảm sút mạnh do cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine, doanh số thương mại giữa Belarus với Kiev đã tăng 26% năm nay. Trung Quốc có thể sử dụng cả hai nước này làm bàn đạp cho các chuỗi cung ứng ở Baltic và Ba Lan, mà không bị giám sát cao độ theo đòi hỏi của các nước thành viên EU.

Belarus từ năm 2013 bắt đầu trông cậy vào đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để giảm lệ thuộc vào Nga, và né tránh những chỉ trích về nhân quyền của Châu Âu. Các dự án nổi bật nhất là khu công nghiệp Great Stone ở gần Minsk và trung tâm hậu cần ở Bolbasovo.

Bolbasovo được dự kiến trở thành một trung tâm thương mại để Trung Quốc dịch chuyển sản xuất vào đây, nhưng hiện chỉ mới được khởi động. Great Stone nhằm tận dụng giá lao động rẻ của Belarus, để các công ty Trung Quốc có thể sản xuất xe hơi và các sản phẩm cao cấp hơn, với giá thành rẻ. Nhờ liên minh thuế quan Belarus-Nga, Bắc Kinh vừa tránh phải thương lượng vất vả để xâm nhập thị trường Nga, vừa bán được hàng cho các nước Đông Âu là thành viên EU.

Trung Quốc và Belarus dự định thành lập một quỹ đầu tư chung 585 triệu đô la để thu hút các công ty vào Great Stone. Trong số 15 công ty hiện diện tại đây, có đến 11 công ty Trung Quốc. Tổng thống Lukashenko còn đi xa hơn, đề nghị các công ty quốc phòng Trung Quốc mở cửa hàng tại khu này – một dấu hiệu nhắm vào Moskva.

Cũng như với Ukraine, Trung Quốc muốn nhập nông sản của Belarus. Thị trường thịt bò và thịt gà đã được mở cửa cho Belarus năm nay, và các nhà đầu tư Trung Quốc cho biết sẵn sàng đầu tư đến 1 tỉ đô la vào lãnh vực này. Như vậy Belarus có thể đạt mục tiêu xuất khẩu đến năm 2020, nhưng quan trọng hơn nữa là hai nước đã ký bản ghi nhớ hợp tác biên giới.

Những hậu quả không lường được

Theo tác giả Nicolas Trickett, thật ra những nguy cơ từ Nga trong cuộc tập trận Zapad là không cao. Tuy vậy những động thái khiêu khích có thể làm Nga bị cô lập, vì đang lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Trước hết về tài chính, đối với các công ty cũng như nền kinh tế Nga. Hàng tỉ đô la từ các hợp đồng tín dụng Trung-Nga đã lấp được lỗ hổng ngân sách của Moskva, như thỏa thuận mới đây tài trợ cho Quỹ đầu tư trực tiếp và Vneshekonombank (VEB), hai định chế bị phương Tây trừng phạt. Tập đoàn dầu lửa Rosneft đang tìm kiếm vốn từ Trung Quốc để bù vào những thua lỗ, và có thể bán cổ phiếu cho các đối tác Trung Quốc. Tiền của Bắc Kinh còn giúp duy trì được dự án LNG của Novatek. Quỹ đầu tư Nga-Trung (RCIF) được hỗ trợ để bơm 500 triệu đô la vào các dự án của Nga trong năm nay. Ngân hàng trung ương Nga mở văn phòng ở Bắc Kinh, và có ý định phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ.

Tất cả hàng vận chuyển bằng xe lửa đi qua Nga nay phải chuyển sang Belarus vì bị Ukraine cấm vận. Bất kỳ sự cố nào làm ngưng luồng vận chuyển qua Belarus sẽ buộc Trung Quốc phải tập trung hơn vào thương mại xuyên Caspi. Một sự mất ổn định trầm trọng tại Ukraine có thể làm thiệt hại cho ngõ vào thị trường Châu Âu từ Hắc Hải của Trung Quốc, và cả một chuỗi đầu tư trải rộng từ Tân Cương đến Gruzia. Nga có thể bị mất các khoản đầu tư vào đường sắt đang hết sức cần đến, nếu các con đường quá cảnh bị ngưng trệ hoặc bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhưng vấn đề không chỉ là kinh tế. Trung Quốc có thể rút bớt những đầu tư vào hạ tầng Nga, chuyển qua các nước thành viên EU hoặc các nước Châu Âu khác. Trung Quốc đã mua được sự im lặng của Châu Âu trên Biển Đông, thông qua việc đầu tư vào Hy Lạp và Hungary, nhưng sẽ phải hành xử thận trọng hơn. Châu Âu đang quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể dẫn đến việc xem xét lại các dự án ở Hy Lạp, Balkan và Trung Âu. Bắc Kinh ngày càng bị coi là mối đe dọa cho sự đoàn kết của Châu Âu, cũng như Nga - một mối đe dọa ngày càng đè nặng với cuộc tập trận tháng Chín này.

Tác giả cho rằng Nga sẽ bất lợi nếu làm phương hại đến chiến lược kinh tế của Trung Quốc ở Đông Âu, buộc Bắc Kinh phải giữ thể diện với các đối tác chính Châu Âu. Trung Quốc không thể im lặng mãi khi một đối tác chiến lược bị đe dọa về chủ quyền và an ninh, và tốt nhất là các lãnh đạo Nga không nên quên rằng ông Putin có thể mạnh tay chi cho phúc lợi xã hội trong năm bầu cử, là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của Bắc Kinh.

Thụy My

********************

Vì sao NATO lo lắng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga ? (RFI, 14/09/2017)

Kể từ ngày hôm nay 14/09/2017, Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận có quy mô lớn, kéo dài cho đến hết ngày 20/09. NATO lấy làm lo lắng và theo dõi sát sao cuộc tập trận này. Vì sao ?

zapad2

Binh sĩ và thiết bị quân sự NATO tới cảng Gdansk, Ba Lan, ngày 13/09/2017-Reuters

Cuộc tập trận lần này mang tên "Zapad 2017". Trong tiếng Nga, "Zapad" có nghĩa là "phía tây" hay "phương Tây", tức nói đến những vùng lãnh thổ phía tây của Nga, Belarus và Kaliningrad, vốn dĩ nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và các nước vùng Baltic. Địa điểm tập trận diễn ra ngay sát biên giới với Ba Lan và Litva, thành viên của khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Sự kiện quân sự lớn này đang khiến nhiều quốc gia lân cận với Nga và khối NATO lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu và NATO xem cuộc tập trận này hoặc như là một hành động khiêu khích từ Moskva, hoặc đó là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quân sự.

Đáp trả những lo lắng trên của NATO và Liên Âu, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine khi trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle ngày 29/08, nhắc lại rằng chính NATO đang đe dọa Nga qua việc cho triển khai binh sĩ ngay sát biên giới với Nga.

"Thứ nhất, chính NATO đang đóng quân gần biên giới của chúng tôi. Quý vị có thể thấy điều đó, Nga không triển khai quân ở biên giới Đức hay Pháp. Trong trường hợp đó, ai sẽ là động lực thúc đẩy ? Chúng ta hãy nhìn thẳng những gì đang diễn ra từ một khía cạnh khác : cuộc tập trận "Zapad 2017" không phải là một lý do để NATO triển khai lực lượng ở biên giới Nga".

Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định cuộc tập trận này đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời cáo buộc "các giả thuyết của một số truyền thông cho rằng tập trận nhằm sắp xếp "một điểm đầu cầu" để xâm chiếm Litva, Ba Lan hay Ukraine là dối trá".

Chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp-Nga cho rằng có một luận điểm thường xuyên được lặp lại trong một số phân tích khi nói về mối đe dọa của Nga. Theo đó, "quân đội Nga đã từng tiến hành tập trận quy mô lớn trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia năm 2008 hay khi xảy ra khủng hoảng Ukraine năm 2014. Do đó, họ thường nhấn mạnh : "Chắc gì Nga không tái diễn lại cùng một kịch bản và không xâm chiếm một trong số các nước vùng Baltic hay một phần lãnh thổ Ba Lan ? ""

Dù vậy, những giải thích của Moskva vẫn chưa thể nào trấn an NATO và các nước vùng Baltic. Ngoài việc, không chắc chắn về mục đích cuộc tập trận, NATO cáo buộc Nga thiếu minh bạch trong việc tổ chức "Zapad 2017".

Litva tố cáo Nga muốn huy động hơn 100 000 binh sĩ cho cuộc tập trận với ý đồ để lại một bộ phận quân đội trên lãnh thổ Belarus một khi cuộc tập trận kết thúc. Về phần mình, Nga cho đến lúc này vẫn khẳng định có 12 700 quân nhân tham gia (7 200 binh sĩ Belarus và 5 500 lính Nga).

Với Moskva, con số này có một tầm quan trọng, vì điều đó cho phép Nga không bị bắt buộc phải mở cửa cho các nhà quan sát nước ngoài đến thanh sát tập trận, theo như con số ấn định của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE từ 13 000 quân trở đi.

Căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh "Zapad 2017" có lẽ cũng khó mà hạ nhiệt trong suốt thời gian cuộc tập trận. Trước nỗi bất an của nhiều nước vùng Baltic và Ba Lan, Hoa Kỳ đã quyết định gởi 7 chiến đấu cơ F-15 tiến hành tuần tra trong không phận các nước Baltic.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 686 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)