Sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia còn lại đã tiến thêm một bước tới gần một thỏa thuận toàn diện, làm dấy lên hy vọng rằng các nước lớn có thể duy trì thương mại tự do, bất chấp chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của Hoa Kỳ, một nhà thương thuyết cho biết hôm thứ Sáu 22/9.
Quanh cảnh sau một phiên họp 11 nước TPP, Hà Nội, Việt Nam, 21/5/2017
Hiệp định TPP nguyên thủy gồm 12 nước thành viên nhắm mục đích cắt giảm các rào cản thương mại cho một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á.
Tổng thống Trump sau khi nhậm chức hồi tháng Giêng năm nay, đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP để theo đuổi ưu tiên bảo vệ việc làm cho người Mỹ, khiến tương lai của hiệp định trở nên bấp bênh.
Các nhà thương thuyết tụ tập tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong hai ngày để bàn về những phần trong thỏa thuận nguyên thủy mà họ muốn tạm gác sang trong nhất thời, trong một cố gắng nhằm cứu vãn viễn kiến đầy cao vọng về một khối thương mại tự do mà thoạt tiên có sự tham gia của Hoa Kỳ.
11 nước thành viên đồng ý gặp lại nhau ở Nhật Bản trong tháng tới nhằm đi đến một thỏa thuận tổng quát vào tháng 11 tới đây tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Khu vực Á Châu -Thái Bình Dương dự kiến tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Trưởng đoàn thương thuyết Nhật, ông Kazuyoshi Umemoto, là người chủ trì cuộc họp hai ngày. Ông nói với các nhà báo :
"Chúng tôi đã đạt được tiến bộ có ý nghĩa. Một cuộc họp cấp Bộ trưởng của các nước TPP có phần chắc sẽ diễn ra bên lề hội nghị APEC ở Đà Nẵng. Tất cả mọi người đều chứng tỏ họ đã tận lực làm việc để bảo đảm kết quả tốt nhất có thể".
Nhật Bản muốn cổ vũ cho thương mại tự do bằng cách tiếp tục hoàn tất Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương cho 11 nước còn lại, gọi tắt là TPP 11- để chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, trong khi vẫn hy vọng là rốt cuộc, Washington sẽ tái xét chính sách thương mại "Nước Mỹ Trên Hết" của ông Trump.
Ông Umemoto giải thích :
"Ý tưởng căn bản là chúng tôi muốn Hoa Kỳ trở lại trong thời hạn sớm nhất, điều đó có nghĩa là hiệp định TPP ban đầu phải được phê chuẩn".
Ông nói các nước còn lại đang thảo luận nên tạm đóng băng những phần nào của hiệp định để thông qua hiệp định TPP-11 -không có Hoa Kỳ, cho tới lúc người Mỹ trở lại với TPP.
Mặc dù 11 nước còn lại đều lên tiếng duy trì cam kết với Hiệp định TPP, việc thi hành thỏa thuận nối kết 11 nước có tổng GDP lên tới 12,4 ngàn tỉ USD có lúc đã dậm chân tại chỗ, gây lo sợ rằng một số nước khác có thể theo chân Hoa Kỳ, rút ra khỏi TPP.
Tại một buổi họp ở Sydney vào cuối tháng 8 vừa rồi, Việt Nam đề nghị thay đổi các quyền của người lao động, và các điều khoản liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (IP) trong văn bản hiệp định nguyên thủy.
Đề nghị của Việt Nam, gác sang một bên các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới các dữ kiện dược phẩm, có nhiều triển vọng được ủng hộ rộng rãi, giữa lúc các giới chức Nhật và New Zealand đã ra dấu hiệu sẽ hậu thuẫn những thay đổi này.
Các nhà thương thuyết còn phải quyết định nên phê chuẩn hiệp định như thế nào. Hiệp định nguyên thủy đòi hỏi là muốn được phê chuẩn, ít nhất phải có 6 nước tham gia, mà gộp chung lại GDP của các nước này phải đạt 85% tổng GDP tất cả các nước thành viên.
Quy định đó khó có thể thực hiện sau khi Hoa Kỳ rút lui, và do đó phải sửa đổi quy định này.
Một thỏa thuận thương mại tự do mà Nhật Bản ký kết với Liên hiệp Châu Âu hồi tháng 7, sau 4 năm thương lượng, khơi lên niềm hy vọng rằng những khó khăn kỹ thuật vây quanh TPP 11 rốt cuộc có thể được giải quyết.