Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/09/2017

Uy tín của Hoa Kỳ xuống cấp : Donald Trump bị Bắc Triều Tiên và Iran khinh thường

Tổng hợp

Kim Jong-un nói cần vũ khí hạt nhân vì Trump 'loạn trí' (BBC, 22/09/2017)

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un nói những lời phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ "loạn trí", Donald Trump, chứng tỏ ông đã đúng khi phát triển vũ khí hạt nhân cho Bắc Hàn.

donald2

Hôm 21/9, thông tấn xã Bắc Hàn công bố hình ảnh ông Kim đưa ra lời tuyên bố cá nhân

Trong một tuyên bố cá nhân hiếm thấy, thông qua KCNA, thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn, lãnh đạo Bắc Hàn nói ông Trump sẽ "phải trả giá đắt" cho bài phát biểu gần đây trước Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ hôm thứ Ba đã nói Hoa Kỳ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Hàn nếu phải tự vệ bản thân và các đồng minh.

Ông Trump cũng nhạo báng ông Kim, gọi ông là "anh hùng hỏa tiễn" trong một "sứ mệnh tự tử".

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn Ri Yong-ho, đã so sánh bài phát biểu của ông Trump với "tiếng chó sủa", và cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp lại lời đe dọa của tổng thống Mỹ, theo hãng tin Yonhap.

Trong bản tuyên bố cá nhân, ông Kim nói ông Trump "loạn trí' và nói rằng bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ "đã thuyết phục tôi, chứ không hề ngăn chặn hay làm tôi lo sợ, rằng con đường mà tôi lựa chọn là đúng và tôi sẽ theo đuổi đến cùng".

Ông Kim nói thêm rằng "Giờ Trump đã phủ nhận sự tồn tại và xúc phạm tôi và đất nước tôi trước mắt của thế giới và đã đưa ra một tuyên bố khiêu chiến táo tợn nhất trong lịch sử", Bắc Hàn sẽ xem xét "biện pháp đáp trả mức cao nhất" để khiến ông Trump "phải trả giá đắt cho bài phát biểu của mình ".

Ông kết thúc bài tuyên bố cá nhân rằng "chắc chắn và nhất định phải kiểm soát gã lẩm cẩm rối loạn thần kinh người Mỹ này bằng lửa".

Mỹ ký thêm sắc lệnh mới trừng phạt Bắc Hàn

Trong khi đó hôm thứ Năm, ông Trump vừa ký một sắc lệnh mới lên Bắc Hàn.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã được ủy quyền nhắm vào các công ty và tổ chức tài chính tiến hành giao thương với Bắc Hàn.

Tổng thống cũng nói rằng Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã chỉ thị cho các ngân hàng Trung Quốc khác ngừng việc kinh doanh với Bình Nhưỡng.

Trong buổi thông báo về sắc lệnh mới trừng phạt Bắc Hàn, Tổng thống Trump nói rằng các biện pháp này được thiết kế để "cắt đứt các nguồn thu nhập tài trợ cho nỗ lực phát triển vũ khí nguy hiểm nhất của Bắc Hàn đối với nhân loại".

Ông nói : "Trong một thời gian quá dài Bắc Hàn đã được phép lạm dụng hệ thống tài chính quốc tế để tạo điều kiện tài trợ cho các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân".

Ông nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt chỉ nhắm vào "một quốc gia, và đó là Bắc Hàn".

Bộ trưởng tài chính, Steven Mukuchin, sau đó nói với các phóng viên : "Các tổ chức tài chính nước ngoài hiện đang nhận được thông báo rằng họ có thể lựa chọn kinh doanh với Hoa Kỳ hoặc với Bắc Hàn, nhưng không phải cả hai".

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo Liên Hiệp Quốc, và gián tiếp nói đến Hoa Kỳ, rằng "sự hiếu chiến quân sự" vì các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Hàn sẽ chỉ dẫn đến "thảm hoạ".

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Bình Nhưỡng rằng không nên đi theo hướng "nguy hiểm" và nói với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm rằng không nên có vũ khí hạt nhân mới trên bán đảo Triều Tiên "cho dù đó là ở phía bắc hay nam".

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp ông Trump bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một sự kiện hàng năm tập hợp các nhà lãnh đạo của 193 quốc gia thành viên.

Trước đó, ông Moon nói rằng nước ông không muốn miền Bắc sụp đổ, và cũng không muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông nói các biện pháp trừng phạt là cần thiết để đưa Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán và buộc nó phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

*********************

Bắc Triều Tiên dọa thử bom H ở Thái Bình Dương (RFI, 22/09/2017)

donald2

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa sẽ "dùng lửa để khuất phục lão già tâm thần người Mỹ". KCNA via Reuters

Chịu áp lực ngày càng mạnh từ Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-un tiếp tục thách thức thế giới. Hôm nay, 22/09/2017, ông tuyên bố sẽ khiến tổng thống Mỹ Donald Trump phải "trả giá đắt" về lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, ngoại trưởng nước này nêu lên khả năng thử bom H ở Thái Bình Dương.

Thông tín viên Frederic Ojardias tường trình từ Seoul :

"Trump đã sỉ nhục tôi và đất nước tôi trước toàn thể thế giới". Trong một tuyên bố chưa từng có được nhật báo chính thức của chế độ công bố, "lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên đã đích thân đáp lời tổng thống Mỹ. Ông Kim Jong-un - được tổng thống Trump mệnh danh là "Người hỏa tiễn" – đe dọa sẽ "dùng lửa để khuất phục lão già tâm thần người Mỹ". "(Các đe dọa của Trump), thay vì làm tôi sợ hãi, chỉ càng khiến cho tôi tin tưởng con đường mình chọn là đúng đắn và tôi sẽ đi đến cùng", Kim Jong-un kết luận và hứa hẹn những đòn trả đũa "ở mức cao nhất".

Trong chuyến công du New York để tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đã cho biết cụ thể : Hành động trả đũa có thể là một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. Đây là một đe dọa chưa từng có và hết sức nghiêm trọng.

Những lời bốc lửa nói trên cho thấy những tuyên bố nẩy lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc hoàn toàn phản tác dụng. Thái độ này đã tạo cho Kim Jong-un một diễn đàn để ứng xử bình đẳng với Hoa Kỳ. Điều này cũng cho phép lãnh đạo Bắc Triều Tiên biện minh cho chương trình hạt nhân và củng cố thế lực trong nội bộ".

Trong cuộc họp báo hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo rằng tình hình ở bán đảo Triều Tiên đang trở nên "trầm trọng" và kêu gọi tất cả các bên phải kềm chế, thay vì khiêu khích lẫn nhau.

RFI tiếng Việt

**********************

Iran tuyên bố sẽ tăng cường quân lực và hỏa tiễn đạn đạo (RFI, 22/09/2017)

donald3

Tổng thống Iran Hassan Rohani phát biểu tại Teheran, 22/09/2017. Reuters/Stephanie Keith

Tổng thống Iran Hassan Rohani; hôm 22/09/2017, loan báo sẽ tăng cường năng lực quân sự và tên lửa đạn đạo, bất chấp những chỉ trích của Hoa Kỳ và Pháp. Lời tuyên bố này được đưa ra nhân một cuộc diễu binh kỷ niệm cuộc chiến tranh Irak-Iran năm 1980.

Trong bài diễn văn được trực tiếp truyền hình, ông Rohani khẳng định : "Dù quý vị có muốn hay không, chúng tôi sẽ tăng cường năng lực quân sự cần thiết để răn đe. Không chỉ phát triển các hỏa tiễn mà cả các lực lượng không quân, hải quân và lục quân. Để bảo vệ tổ quốc, chúng tôi không cần xin phép ai cả". Tổng thống Iran nhấn mạnh : "Năng lực quân sự của chúng tôi không nhằm tấn công các nước khác".

Teheran đã triển khai một chương trình hỏa tiễn đạn đạo rộng lớn trong những năm gần đây, gây lo ngại cho Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út - đối thủ chính của Iran trong khu vực, Israel – kẻ thù xưa nay của Teheran, và một số nước Châu Âu trong đó có Pháp, tuy Iran luôn khẳng định là nhằm tự vệ.

Trong phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án Iran về chương trình nguyên tử cũng như tên lửa đạn đạo. Với giọng điệu ôn hòa hơn, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng với các nước Châu Âu đã bênh vực cho việc áp dụng hiệp định nguyên tử đã ký giữa Iran và các cường quốc, nhưng nguyên thủ Pháp cho rằng hiệp định này chưa đầy đủ, cần phải bắt buộc Iran giảm bớt chương trình đạn đạo và các hoạt động trong khu vực.

Ông Rohani cũng bác bỏ mọi thay đổi về quan điểm chính trị của Iran đối với khu vực, khẳng định sẽ "bảo vệ các dân tộc bị áp bức ở Yemen, Palestine và Syria". Iran hiện đang yểm trợ chế độ Syria, các nhóm Hồi Giáo Palestine và quân nổi dậy Houthi ở Yemen.

Thụy My

********************

Hạt nhân BTT : Donald Trump đánh mạnh vào túi tiền Bình Nhưỡng (RFI, 22/09/2017)

donald4

Ảnh của hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên, với lời chú "lãnh đạo Kim Jong-un thăm chợ hoa quả ở tỉnh Hwanghae", công bố ngày 21/09/2017. Reuters

Sau đả kích chế độ Kim Jong-un, hôm 21/09/2017, tổng thống Mỹ thông báo một loạt biện pháp trừng phạt mới đánh vào nguồn sinh lực của Bắc Triều Tiên : hàng dệt may, ngư nghiệp, công nghệ thông tin và kỹ nghệ chế biến. Những công ty kinh doanh với Bắc Triều Tiên bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Từ New York, Achim Lippold tường thuật :

Biện pháp nào hiệu quả nhất để gây sức ép với Bắc Triều Tiên ? Câu hỏi này luôn luôn gây tranh cãi giữa các nước liên can : một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc và Nga, bênh vực chế độ Bình Nhưỡng.

Trong khi Washington sử dụng lời lẽ cứng rắn thì Moskva khuyến cáo chống lại "cuồng khích quân sự". Đó là tuyên bố của ngoại trưởng Nga tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ngày hôm qua, gián tiếp đáp trả Donald Trump. Cũng tại diễn đàn này vài giờ trước, tổng thống Mỹ cao giọng đe dọa "hủy diệt toàn thể Bắc Triều Tiên".

Về phần Seoul, tổng thống Moon Jae-in giữ thái độ thận trọng : "Chúng tôi không muốn chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ". Tuy nhiên, lãnh đạo Hàn Quốc thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích.

Không một chút chậm trễ. Một giờ sau phát biểu của ngoại trưởng Nga, tổng thống Donald Trump ban hành những biện pháp mới trừng phạt Bình Nhưỡng.

Mục tiêu của Donald Trump là nhắm vào những cá nhân, những công ty và ngân hàng kinh doanh với Bắc Triều Tiên. Quyết định này cho thấy là dù có đe dọa dùng vũ lực, tạm thời, tổng thống Mỹ vẫn dành cho ngoại giao một ít thời gian.

Tú Anh

**********************

Bắc Hàn nói phát biểu của Trump là 'tiếng chó sủa' (BBC, 21/09/2017)

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Bắc Hàn gọi bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Liên Hiệp Quốc là "tiếng chó sủa".

donald5

Ông Trump gọi nhà lãnh đạo Bắc Hàn là "Anh hùng hỏa tiễn"

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 20/9, ông Trump nói rằng ông sẽ "hủy diệt toàn bộ" Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của nước này.

Bình luận của Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho là phản ứng chính thức đầu tiên của Bắc Hàn đối với bài phát biểu của ông Trump.

Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và vũ khí của mình, mặc cho lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.

Ông Ri nói với các phóng viên gần trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York rằng : "Có một câu nói : Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi".

"Nếu [Trump] nghĩ sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên với tiếng chó sủa thì rõ ràng là ông ta đang nằm mơ".

Trước đó tại bài phát biểu ở Liên Hợp Quốc, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Bắc Hàn là "Anh hùng hỏa tiễn đang lèo lái đất nước vào phi vụ tự sát".

Khi được hỏi ông nghĩ gì về ông Trump gọi ông Kim là "anh hùng hỏa tiễn", ông Ri trả lời : "Tôi cảm thấy tiếc cho phụ tá của ông ta".

Ông Ri dự kiến sẽ phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào thứ Sáu, 22/9.

Các chuyên gia nói Bắc Hàn có những tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc phát triển tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân.

Hôm 3/9, Bắc Hàn cũng tuyên bố tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và là cuộc thử nghiệm lớn nhất.

Vài ngày sau đó, Liên Hợp Quốc đã thông qua một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với nước này bằng việc hạn chế nhập khẩu dầu và cấm xuất khẩu hàng dệt may - một nỗ lực nhằm cắt nguồn nhiên liệu và thu nhập cho các chương trình vũ khí của Bắc Hàn.

***********************

"Thỏa thuận hạt nhân Iran" có nguy cơ bị xóa sổ ? (RFI, 21/09/2017)

donald6

Tổng thống Iran Rouhani đến họp báo bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 20/09/2017. Reuters

Tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran chưa bao giờ trở nên bất định như lúc này. Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa hủy bỏ thỏa thuận. Trong khi đó, Iran kiên quyết từ chối mở lại đàm phán.

Hôm 20/09/2017, bầu không khí tại Liên Hiệp Quốc rất căng thẳng. Nhân khóa họp thường niên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72, ngoại trưởng Iran và sáu cường quốc tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân (Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã có phiên họp đầu tiên kể từ sau thắng lợi bầu cử của ông Donald Trump.

Cuộc họp kéo dài một giờ, nhưng các bên đã không giải tỏa được bế tắc trước lời đe dọa ngày càng quyết liệt của tổng thống đòi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Barack Obama đã ký.

Đây cũng là lần đầu tiên hai ngoại trưởng Rex Tillerson của Hoa Kỳ và Mohammad Javad Zarif của Iran gặp nhau và có những "trao đổi trực tiếp" khá lâu. Tuy nhiên, AFP nhận thấy cho dù "cần thiết" lắng nghe quan điểm của các bên, như lời ngoại trưởng Mỹ, cuộc họp hôm qua vẫn không xóa tan được mối ngờ vực về các dụng ý của Hoa Kỳ.

Theo ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, thỏa thuận hạt nhân Iran "có nhiều vấn đề lớn". Tổng thống Donald Trump vẫn luôn khẳng định đây là "một trong những hiệp định tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia" và ông nhiều lần đe dọa hủy bỏ văn bản này.

Như để trấn an Hoa Kỳ, một số nước, trong đó có Pháp, đề xuất thương lượng lại về một vài thời điểm áp dụng các nội dung của thỏa thuận, cũng như các chủ đề phụ có liên quan như vai trò của Iran tại Trung Đông. Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các bên không hẳn là "thương thuyết lại" thỏa thuận, mà chỉ là "bổ sung" thêm.

Thế nhưng, trên diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Iran Hasan Rohani đã dập tắt mọi hy vọng mở lại đàm phán. Ông cho rằng thảo luận với một chính phủ Mỹ chuyên "chà đạp các cam kết quốc tế của chính mình" chỉ làm "phí thời gian". Tổng thống Iran nhắc lại rằng "từng chữ từng câu" trong thỏa thuận đã được các bên tham gia ký kết tranh luận gay gắt, đồng thời cảnh báo nguy cơ "chỉ cần một viên gạch bị rút, cả một tòa nhà có thể sụp đổ ".

Giờ đây, với tuyên bố trước báo giới "Tôi đã có quyết định" và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, Donald Trump đang làm cho cả thế giới lo ngại. Vì từ đây đến ngày 15/10/2017, tổng thống Mỹ phải "tuyên bố" trước Quốc Hội là Teheran có đã tuân thủ các cam kết hay không. Nếu Donald Trump không làm việc này thì Hoa Kỳ sẽ lại ban hành các biện pháp trừng phạt vốn đã được xóa bỏ trong khuôn khổ thoả thuận hạt nhân Iran 2015, và hành động này được coi như là " khai tử chính trị" thỏa thuận, theo nhận định của các nhà ngoại giao.

Mặt khác, giới ngoại giao lo ngại rằng thái độ quay ngoắt 180 độ của Hoa Kỳ trong hồ sơ Iran sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác : Khả năng lôi kéo Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa càng thêm xa vời.

Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên cảnh báo : Bình Nhưỡng theo dõi sát sao xem "hồ sơ Iran được xử lý ra sao", để có thể dự phóng được "số phận của chính họ nếu như nước này một ngày nào đó phải chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân ".

Minh Anh

********************

Hạt nhân : Tổng thống Iran đáp trả công kích của tổng thống Mỹ (RFI, 21/09/2017)

Hôm 20/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã "có quyết định" về thỏa thuận tên lửa với Iran, nhưng không cho biết nội dung. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Teheran gia tăng, sau khi tổng thống Mỹ công kích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và gọi chính quyền Teheran là "Nhà nước côn đồ", độc tài, thối nát, yểm trợ khủng bố. Ngay sau đó, tổng thống Iran Hassan Rohani đã lên tiếng đáp trả.

donald7

Tổng thống Iran Hassan Rohani phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 20/09/2017. Reuters

Hôm 20/09/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố đã "có quyết định" về thỏa thuận tên lửa với Iran, nhưng không cho biết nội dung. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Teheran gia tăng, sau khi tổng thống Mỹ công kích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và gọi chính quyền Teheran là "Nhà nước côn đồ", độc tài, thối nát, yểm trợ khủng bố. Ngay sau đó, tổng thống Iran Hassan Rohani đã lên tiếng đáp trả.

Đặc phái viên Achim Lippold tường trình từ New York :

"Phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, với thái độ bình tĩnh, nhưng cương quyết, tổng thống Iran Hassan Rohani đã trả lời tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư. Không, chúng tôi không ủng hộ khủng bố, chúng tôi tôn trọng quyền con người và chúng tôi sẽ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Một lát sau, trước báo chí, tổng thống Rohani nhấn mạnh rằng thỏa thuận này là không thể tái đàm phán.

Trong trường hợp Hoa Kỳ bãi bỏ thỏa thuận này thì sao ? Tổng thống Hassan Rohani cảnh báo : "Nếu Mỹ quyết định phá vỡ thỏa thuận, điều đó có nghĩa là Iran sẽ toàn quyền hành động trong mọi phương án. Chúng tôi sẽ rảnh tay lựa chọn mọi hành động có lợi cho Iran và cả đất nước sẽ cùng đưa ra quyết định".

Tuy nhiên, tổng thống Iran loại trừ mọi phương án hạt nhân vì mục đích quân sự. Theo ông, Hoa Kỳ sẽ mất nhiều uy tín, nếu Washington rút khỏi thỏa thuận quốc tế này.

Về câu hỏi liệu vẫn có thể có một cuộc hội đàm với Washington không ? Tổng thống Hassan Rohani trả lời là chưa phải lúc này. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu tổng thống Mỹ xin lỗi vì đã công kích Iran".

Tối hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif đã họp chung với đại diện 5 quốc gia khác ký kết thỏa thuận 2015 (Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung Quốc). Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cho hay, đây là cuộc họp đầu tiên có sự tham gia của hai ngoại trưởng Mỹ và Iran kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Hai bên đã nói chuyện "trực tiếp và khá lâu".

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Federica Mogherini, chủ tọa phiên họp, nhấn mạnh cho đến nay thỏa thuận đã được tất cả các bên tôn trọng và không cần phải thương lượng lại thỏa thuận này. Tuy nhiên, cuộc họp nói trên không xua đi được các hoài nghi của công luận xung quanh thái độ của tổng thống Mỹ. Sau cuộc họp nói trên, không có ngoại trưởng nào trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 688 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)