Châu Á giữa ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Trong những năm gần đây, chiến lược "xoay trục" sang Châu Á vẫn là trụ cột chủ yếu trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhằm một mặt củng cố hoặc phát triển các liên minh với các nước trong khu vực, mặt khác kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Nhưng những quan điểm mang tính biệt lập chủ nghĩa của tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang đặt ra nhiều câu hỏi về định hướng địa chính trị từ Washington trong tương lai, với mối quan ngại là chủ nghĩa biệt lập này có thể giúp Trung Quốc thống trị vùng Đông Nam Á.
Đó là nhận định chung ông Yigal Chazan, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Alaco, Luân Đôn, trong một bài viết đăng ngày 19/01/2017 trên trang mạng của tuần báo Mỹ Newsweek. Dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã thiết lập đối tác chiến lược với Việt Nam và Indonesia, yểm trợ hiệp hội ASEAN, gia tăng đầu tư vào khu vực, với đầu tư ngoại quốc trực tiếp tăng gần gấp đôi từ năm 2013 đến 2015 lên tới 13,6 tỷ đôla. Cũng chính ông Obama đã thúc đẩy việc thành lập một vùng tự do mậu dịch rộng lớn, thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, quy tụ 12 quốc gia, nhưng không bao gồm Trung Quốc.
Trong thời gian đó, Trung Quốc cũng đã gia tăng đầu tư vào khu vực nhằm đối lại chiến lược của Mỹ. Theo một bản tin của hãng Bloomberg tháng 12/2016, đầu tư ngoại quốc trực tiếp của Trung Quốc vào sáu nền kinh tế lớn nhất của ASEAN được dự báo sẽ lên tới 16 tỷ đôla trong năm qua và Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn ở các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Nhưng Bắc Kinh cũng không quên gia tăng đầu tư vào các nước nhỏ như Cam Bốt, Lào và Miến Điện, chủ yếu trong các dự án cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 3 nước này cũng đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua.
Cho dù chưa lên nhậm chức tổng thống Mỹ, Donald Trump đã gây phản ứng giận dữ từ phía Bắc Kinh khi ông tố cáo Bắc Kinh thao túng tiền tệ, đánh thuế hàng Mỹ quá cao, lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và nhất là ông đã không tuân thủ chính sách "một nước Trung Hoa duy nhất", khi điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ngược lại vị tổng thống - tỷ phú của Mỹ cũng đã tuyên bố là ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng sẽ ra quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định TPP, một hiệp định mà ông cho sẽ là một "thảm họa" cho nước Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ chỉ thương lượng những hiệp định tự do mậu dịch nào "mang trở lại việc làm và công nghiệp cho nước Mỹ". Bắc Kinh vẫn xem hiệp định TTP là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chận Trung Quốc nắm vai trò quyết định trong thương mại thế giới, cho nên dĩ nhiên là họ rất vui mừng trước viễn cảnh hiệp định TPP bị "khai tử"
Hiện giờ chưa biết là tân tổng thống Mỹ có sẽ thực hiện việc "xóa sổ" TTP hay không, nhưng những tuyên bố của ông Trump đã gây lo ngại cho nhiều nước Châu Á, không biết là Washington có sẽ tiếp tục "xoay trục" sang Châu Á-Thái Bình Dương hay không.
Việc TPP bị "thủ tiêu" sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy dự án tự do mậu dịch của họ Regional Comprehensive Economic Partnership -RCEP (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), nhằm kéo các nước Châu Á vào quỹ đạo của Bắc Kinh.
Trong những tháng gần đây, có lẽ cảm thấy rằng Hoa Kỳ sẽ không còn yểm trợ mạnh mẽ Đông Nam Á nữa, nên Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia chủ chốt trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Tuy nhiên, do là những đồng minh lâu đời của Mỹ ở Châu Á, nhất là Thái Lan và Philippines, các nước nói trên chắc là sẽ không hoàn toàn ngả vào tay Trung Quốc, mà có thể là họ đang cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mặt khác, cho dù có quan điểm bảo hộ mậu dịch, tân tổng thống Trump chắc là sẽ không quay lưng lại với Châu Á một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất.
Thanh Phương