Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/09/2017

Căng thẳng Bắc Triều Tiên có thể dẫn đến chiến tranh ?

Tổng hợp

Mỹ : Donald Trump hứa "giải quyết" khủng hoảng Bắc Triều Tiên (RFI, 27/09/2017)

Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên với việc ban hành những biện pháp trừng phạt mới và đưa ra những lời cáo buộc mới, tuy Washington khẳng định vẫn muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân.

myhan1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại Vườn Hồng Nhà Trắng,Washington ngày 26/09/2017. Reuters/Jonathan Ernst

Hôm qua, 26/07/2017, trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Tây Ban Nha tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố là Hoa Kỳ "hoàn toàn sẵn sàng" cho việc sử dụng "phương án quân sự", cho dù "đây không phải là phương án ưu tiên của chúng tôi".

Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích những người tiền nhiệm của ông đã không giải quyết khủng hoảng này cách đây vài năm, khi còn "rất dễ". Ông Trump hứa : " Nhưng tôi sẽ giải quyết chuyện đó". Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố là Washington sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và hy vọng con đường này sẽ giúp chấm dứt khủng hoảng.

Tuy nhiên, hôm qua (26/09), trên mạng Twitter, tổng thống Trump lại cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng đã "tra tấn tàn bạo quá sức tưởng tượng" sinh viên Mỹ Otto Warmbier. Bị bắt giam ở Bắc Triều Tiên từ tháng 01/2016, sinh viên 22 tuổi này đã qua đời tháng 6 vừa qua, một tuần sau khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê.

Bên cạnh đó, bộ Tài Chính Mỹ hôm qua loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 8 ngân hàng Bắc Triều Tiên và 26 công dân Bắc Triều Tiên, bị xem là tham gia vào việc tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đó là những ngân hàng và cá nhân hoạt động ở Trung Quốc, Nga, Libya và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập.

Những biện pháp nói trên được ban hành trong khuôn khổ sắc lệnh mà tổng thống Trump ký vào tuần trước tại New York vào lúc đang diễn ra kỳ họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, trước một ủy ban Thượng Viện Mỹ hôm qua, tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, cho rằng chẳng bao lâu nữa, Bắc Triều Tiên sẽ có tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để chủ yếu thảo luận về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau khi cáo buộc Trung Quốc đã không gây đủ áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng, hôm qua, tổng thống Trump đã khen ngợi Bắc Kinh về việc đã cắt đứt mọi quan hệ về ngân hàng với Bắc Triều Tiên, một điều "không ai dám nghĩ tới" chỉ cách đây hai tháng.

Thanh Phương

************************

Căng thẳng Triều Tiên - Mỹ đáng lo ngại ở mức nào ? (BBC, 26/09/2017)

Tổng thống Mỹ đã đe đọa sẽ "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên nếu đất nước của ông bị dồn vào thế buộc phải bảo vệ nước mình hoặc các đồng minh.

myhan2

Liệu chiến tranh với Triều Tiên có thể xảy ra ?

Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6, đe dọa sẽ phóng tên lửa tới đảo Guam thuộc chủ quyền của Mỹ, đồng thời cho biết có thể sẽ thử bom hydro tại Thái Bình Dương.

Và tất cả những điều này thể hiện rằng Bình Nhưỡng có thể cuối cùng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để đưa vào một tên lửa xuyên lục địa - một viễn cảnh đáng sợ đối với Mỹ và các đồng minh Châu Á.

Đây có phải điềm báo về một bất đồng quân sự ?

Các chuyên gia cho rằng chưa có gì đáng lo ngại vì những lý do sau đây :

1. Không ai muốn chiến tranh

Đây là một trong những điều quan trọng nhất cần lưu ý. Chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên không phục vụ mục đích của ai.

Mục tiêu chính của chính phủ Bắc Hàn là tồn tại - và đối đầu trực tiếp với Mỹ là một điều nguy hiểm. Phóng viên quốc phòng của BBC Jonathan Marcus cho rằng bất kì cuộc tấn công nào của Triều Tiên hướng tới Mỹ hoặc các đồng minh của nước này trong hoàn cảnh hiện tại đều có thể gây ra một cuộc chiến lớn - và chúng ta cần cho rằng chính quyền Kim Jong-un không phải một chính quyền cảm tử.

Thực tế, đây là lý do vì sao Triều Tiên cố gắng hết sức để trở thành đất nước sở hữu hạt nhân. Sức mạnh này, theo lý do Triều Tiên đưa ra, có thể bảo vệ chính phủ bằng cách tăng chi phí để có thể lật đổ kế hoạch. Kim Jong-un không muốn đi vào vết xe đổ của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hay cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.

Andrei Lankov từ Đại học Kookmin từ Seoul cho biết "có rất ít khả năng xảy ra xung đột" nhưng Triều Tiên đồng thời vẫn "không có hứng thú ngoại giao" ở thời điểm này.

"Họ muốn đạt được khả năng xóa sổ Chicago khỏi bản đồ đầu tiên, và sau đó mới nghĩ đến các giải pháp ngoại giao", ông Lankov nói.

Về việc Mỹ tấn công trước ?

Mỹ biết rằng một cuộc tấn công lên Triều Tiên sẽ buộc chính phủ nước này phải trả đũa lên các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việc này sẽ dẫn đến một cuộc thảm sát, bao gồm sự thiệt mạng của hàng ngàn người Mỹ - quân nhân và dân thường.

Bên cạnh đó, Washington không muốn mạo hiểm để bất kì tên lửa đạn đạo nào phóng vào nội địa Mỹ.

Cuối cùng, Trung Quốc - đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng - đã giúp kiềm chế chính phủ Triều Tiên vì sự sụp đổ của nước này có thể gây ra thiệt hại chiến lược. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc có mặt tại biên giới nước này không phải là điều Bắc Kinh muốn xảy ra - và đây là điều chiến tranh sẽ mang lại.

2. Những gì chúng ta thấy là những câu từ, không phải hành động cụ thể

Tổng thống Trump đã đe dọa Triều Tiên với ngôn ngữ khác thường đối với một Tổng thống Mỹ nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ đang chủ động nhúng tay vào cuộc chiến.

Một cán bộ quân đội Mỹ nói với Reuters vào tháng 8 vừa rồi : "Chỉ một vài câu nói không có nghĩa là vị thế của chúng tôi thay đổi".

Phóng viên Max Fisher của tờ New York Times đồng tình, bình luận : "Điều quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế là các tín hiệu cụ thể, không phải là những bình luận bất chợt của một lãnh đạo".

myhan3

Trong tình hình căng thẳng hiện tại, chỉ một sự hiểu lầm cũng có thể dẫn tới chiến tranh

Hơn nữa, sau lần thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên vào đầu tháng 9 vừa rồi và những lần thử tên lửa qua Nhật Bản, Mỹ đã quay lại với kế hoạch an toàn : ép Bình Nhưỡng bằng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các cấm vận quốc tế.

Và các nhà ngoại giao của Mỹ vẫn đang tiếp tục lên tiếng hi vọng có thể trở lại bàn đàm phán - với sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga.

Những điều này gửi tín hiệu mâu thuẫn tới Bình Nhưỡng nhưng đồng thời làm giảm ảnh hưởng từ những phát ngôn mạnh bạo của tổng thống Trump.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một bước đi bị hiểu sai ý trong tình hình căng thẳng hiện nay có thể gây ra một cuộc chiến không đáng có.

"Có thể xảy ra trường hợp Bắc Hàn thiếu nhiên liệu, dẫn đến một lỗi sai bị hiểu lầm là nỗ lực gây chiến", Daryl Kimball từ Hiệp hội Kiểm soát quân sự Mỹ nói với BBC.

"Mỹ có thể mắc lỗi sai tại [vùng phi quân sự], Vì vậy có nhiều cách có thể khiến các bên tính toán sai khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát".

Một điểm đáng lưu ý là các máy bay đánh bom của Mỹ đã bay tới gần Bắc Hàn trong thời gian gần đây trong một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự.

Những ngày sau đó, Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Mỹ vì Tổng thống Trump đã "khiêu chiến" với Bắc Hàn - trích dẫn một bài viết trên trang Twitter của ông Trump.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên cáo buộc Mỹ khiêu chiến với nước này.

3. Đã từng có trường hợp như thế này xảy ra

Cựu Trợ lý Thư kí ngoại truởng PJ Crowley chỉ ra rằng Mỹ và Triều Tiên đã tiến gần tới xung đột quân sự vào năm 1994, khi Bình Nhưỡng từ chối để các thanh tra nước ngoài tới các khu phát triển hạt nhân. Ngoại giao đã chiến thắng.

Sau nhiều năm, Triều Tiên vẫn thường xuyên cố ý đe dọa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều lần đe dọa sẽ biến Seoul thành "biển lửa".

Và những lời nói của ông Trump - về nội dung hay cách nói - cũng không hẳn là chưa từng có đối với một vị Tổng thống Mỹ.

"Với nhiều cách diễn đạt khác nhau, dù không đa sắc bằng, nhưng Mỹ vẫn luôn luôn nói rằng nếu Triều Tiên có bao giờ tấn công, chính quyền của họ cũng sẽ khó mà tồn tại", ông Crowley viết.

Sự khác nhau lần này, ông bổ sung, là Tổng thống Mỹ đã thể hiện ông có thể sẽ là người khởi xướng cuộc chiến (mặc dù Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phủ nhận điều này.)

Phát ngôn khó đoán và hiếu chiến từ Nhà Trắng như thế này là điều hiếm khi xảy ra và khiến mọi người lo lắng, các nhà phân tích cho biết.

Hàn Quốc - nước đồng minh sẽ chịu tổn hại lớn nhất khi đối mặt với Triều Tiên - đã kêu gọi kiềm chế từ cả Bình Nhưỡng và Nhà Trắng.

Không ai muốn Kim Jong-un nghĩ rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra.

*******************

Giải mã "nụ cười" của Kim Jong-un (RFI, 26/09/2017)

Bắc Triều Tiên càng bắn nhiều tên lửa chừng nào, nụ cười của Kim Jong-un càng rạng rỡ chừng nấy. Từ một tân lãnh đạo trẻ tuổi với vóc dáng vụng về, "mặt búng ra sữa", trong chưa đầy sáu năm, sau một loạt các vụ thử nguyên tử và tên lửa đạn đạo, cháu nội của cha đẻ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đang bắt cả thế giới phải "nể mặt".

myhan4

Kim Jong-un và nụ cười khó hiểu. KCNA via Reuters

Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp trên trang mạng tờ báo Asialyst, tìm cách giải mã "nụ cười có phần gượng gạo" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Tác giả bài báo nhắc lại : Ngày 04/07/2017, đúng vào lễ quốc khánh Hoa Kỳ, bốn ngày trước sinh nhật lần thứ 105 cố lãnh tụ Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mới chỉ cuối 2011, sau cái chết đột ngột của Kim Jong-il (Kim Chính Ân), những hình ảnh chính thức đầu tiên của "tân lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên cho thấy một Kim Jong-un, còn rất trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và không được chuẩn bị để nhận lấy trách nhiệm trọng đại của một nguyên thủ quốc gia.

Sáu năm sau, Kim Jong-un đưa ra một hình ảnh khác hẳn. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên giờ đây đầy vẻ tự tin. Dù đang bị cô lập trên thế giới, cháu nội của Kim Nhật Thành thách thức cộng đồng quốc tế và đang mở cánh cửa của câu lạc bộ rất khép kín giữa các nước có trang bị vũ khí hạt nhân.

Vậy làm thế nào để giải thích sự thay đổi đó ở một nhà lãnh đạo, mà cho tới khi lên cầm quyền thay cha, thế giới hầu như không biết gì nhiều về ông ta ?

Trong hai năm đầu ở đỉnh cao quyền lực tại Bình Nhưỡng, mỗi lần xuất hiện trước công chúng, Kim Jong-un luôn có dáng điệu vụng về, lạc lõng. Nhưng từng bước, nét mặt của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này thanh thản hơn. Kim Jong-un tự tin hơn với một nụ cười dù có phần gượng gạo. Nụ cười đó luôn gắn liền với gương mặt bầu bĩnh của Kim Jong-un trên mỗi tấm hình.

Nụ cười đó ẩn chứa những gì ?

Một nhà quan sát từng đưa ra nhận định : Trong chưa đầy sáu năm cầm quyền, Kim Jong-un bắn tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân nhiều hơn cả so với những gì thân phụ ông đã làm trong suốt cuộc đời.

Chuyên gia về Châu Á, Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp nhận định, Liên Hiệp Quốc đã ban hành khoảng một chục nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên. Tất cả đều vô ích. Chỉ bốn ngày sau nghị quyết 2375 của Hội Đồng Bảo An, được ban hành hôm 11/09/2017, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong đợt thử nghiệm gần đây nhất, hôm 15/09/2017, tên lửa của Bắc Triều Tiên bay ngang qua Nhật Bản trên một hành trình dài 3.700 cây số. Điều đáng nói là các quốc gia trong vùng, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và kể cả Hoa Kỳ đều lặng yên, không một ai dám bắn chặn tên lửa của Bình Nhưỡng.

Cả Tokyo lẫn Washington cùng tìm cách biện minh cho thái độ thụ động đó và giải thích là vụ thử nghiệm lần này "không mang tính đe dọa". Hành trình của tên lửa Bắc Triều Tiên không nhắm vào các khu vực đông người của Nhật Bản, hay vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, như là đảo Guam chẳng hạn. Tác giả bài viết đưa ra một giả thuyết đơn giản hơn : Có lẽ Nhật Mỹ và cả Hàn Quốc đều không dám phản ứng vì sợ chế độ Bắc Triều Tiên trả đũa.

Hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên công bố hơn hai chục bức ảnh cho thấy Kim Jong-un tươi cười, đứng giữa một rừng sao của các vị tướng lĩnh Bắc Triều Tiên. Số này cũng hỉ hả vui sướng không kém. Chắc chắn là họ cảm thấy an tâm khi hoàn thành sứ mạng và được trông thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của vị "lãnh tụ tối cao". Nào là hình ảnh Kim Jong-un mở tiệc khoản đãi các nhà khoa học Bắc Triều Tiên góp phần cho thành tích của các chương trình tên lửa và hạt nhân Nước nhà. Nào là hình ảnh các chuyên gia đang giới thiệu với chủ tịch Quân ủy trung ương, vị nguyên soái Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, đầu đạn bom nhiệt hạch có thể được trang bị cho tên lửa hành trình.

Với chuyên gia Pháp, Olivier Guillard, đây là một "màn trình diễn" của chế độ Bình Nhưỡng. Trong một vài tháng trở lại đây, mỗi lần cộng đồng quốc tế ra một quyết định cô lập chế độ Bắc Triều Tiên, thì tại Bình Nhưỡng, những hình ảnh một ông Kim Jong-un "rạng ngời" và đầy tự tin, lại càng nở rộ. Người dân nước này vui sướng "đến điên cuồng". Những người chung quanh Kim Jong-un theo dõi từng cử chỉ, như uống từng lời nói, lắng nghe từng lời khuyên của "lãnh tụ".

Ở phía nam vĩ tuyến 38, không khí tại Seoul không được hoan hỉ như vậy

Nhật, Mỹ, Hàn và kể cả Trung Quốc đều thận trọng và chờ xem họ Kim còn khiêu khích tới đâu. Với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau bốn tháng cầm quyền, mỗi đòn khiêu khích của Kim Jong-un là một cú tát tai giáng vào chính sách chìa bàn tay thân thiện của Seoul.

Lãnh đạo Hàn Quốc lại càng trong thế khó xử, khi mà liên minh Seoul–Washington có dấu hiệu rạn nứt. Chính sách của Nhà Trắng đối với một đồng minh lâu đời như Hàn Quốc trong tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến quân sự đều khiến tổng thống Moon Jae-in hoang mang.

Ngay từ tháng 11/2016, khi nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Seoul sau giây phút ngỡ ngàng đã ý thức được rằng trục Mỹ - Hàn có nguy cơ bị lung lay, căng thẳng và bất ổn tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.

Gần một năm qua, lo ngại đó không hề được xua tan.

Vậy phải làm gì để nụ cười biến mất khỏi gương mặt bầu bĩnh và còn "thơm mùi sữa" của Kim Jong-un mỗi lần ông ta khiêu khích cộng đồng quốc tế ?

Việt Nam, rồi Mexico hay Koweit có trục xuất các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên vẫn không dập tắt nụ cười của lãnh đạo họ Kim. Tổng thống Trump càng "bắn" đi những tin nhắn trên Twitter với lời lẽ hung hăng chừng nào, thì ở Bình Nhưỡng "chàng" Kim lại càng hỉ hả chừng nấy. Kể cả khi cộng đồng quốc tế "đồng thanh" lên án Bình Nhưỡng bắn tên lửa và ban hành nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un vẫn tiếp tục cười.

Đó là nụ cười khoái trá của một người làm ngơ trước không biết bao nhiêu rào cản mà quốc tế đã đặt ra cho Bình Nhưỡng trong suốt hai thập niên qua ? Hay đấy là nụ cười của một nhà lãnh đạo tự mãn khi thấy đất nước mình đang trở thành một "cường quốc" không sợ bị bất kỳ một ai đe dọa nhờ có được hậu thuẫn của cả phía Bắc Kinh lẫn Moskva ? Phải chăng đấy là nụ cười đắc thắng của một quốc gia đang tiến gần đến đích, sắp có vũ khí hạt nhân trong tay để "cân bằng lực lượng" với Mỹ ?

Theo tính toán của Bình Nhưỡng lá bài "cân bằng lực lượng" với Mỹ bảo đảm cho chế độ được tồn tại. Nhưng cũng có lẽ là Bắc Triều Tiên còn nhìn xa hơn đến giai đoạn thống nhất bán đảo Triều Tiên ?

Olivier Guillard, chuyên gia về Châu Á Viện IRIS của Pháp cho là Paris, Luân Đôn, Bruxelles, Washington hay New York đều không dám nghĩ tới những kịch bản đó. Chỉ biết là sau những thành công cả về mặt quân sự lẫn khoa học gần đây, có lẽ những suy nghĩ của Bình Nhưỡng đã khác.

Thanh Hà

******************

Bắc Hàn cáo buộc Hoa Kỳ tuyên chiến (BBC, 26/09/2017)

Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên chiến với nước này và nói Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Hoa Kỳ.

myhan5

Hàng chục ngàn người tại Bình Nhưỡng tham gia biểu tình tập thể trước biểu ngữ : "Chúng ta hãy đánh bại các chế tài của đế quốc với sự tự cường tiến bộ" để ca ngợi lời tuyên cáo của lãnh đạo Kim Jong-Un về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Ông Ri Yong-ho cho biết điều này có thể tiến hành ngay cả khi máy bay chiến đấu không ở trong không phận Bắc Hàn.

Nhà Trắng nói tuyên bố này "vô lý". Lầu Năm Góc cảnh báo Bình Nhưỡng ngừng các sự khiêu khích.

Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc nói rằng những trao đổi nóng nảy có thể dẫn đến những hiểu lầm chết người.

Bình luận của ông Ri là sự đáp trả cho dòng tin trên Twitter của ông Trump rằng lãnh đạo Bắc Hàn sẽ không "ở đây lâu nữa".

"Toàn thế giới nên nhớ rõ rằng chính Hoa Kỳ là nước đầu tiên tuyên chiến với đất nước chúng tôi", ông Ri nói với các phóng viên khi ông rời khỏi New York, nơi ông đã phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy.

myhan6

Hàng chục ngàn người biểu tình chống Hoa Kỳ tại Bình Nhưỡng hôm 23/9

"Kể từ khi Hoa Kỳ tuyên chiến với đất nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ có mọi quyền để tiến hành các biện pháp phản công, bao gồm quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ ngay cả khi họ không nằm trong biên giới quốc gia chúng tôi".

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn sử dụng cụm từ "tuyên bố chiến tranh" liên quan đến Hoa Kỳ. Phát biểu của ông Ri là cuộc khẩu chiến mới đây nhất giữa hai nước.

Ông Ri đưa ra tuyên bố trên hai ngày sau khi máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bay gần bờ biển Bắc Hàn để phô trương lực lượng.

Người phát ngôn Lầu Năm góc Đại tá Robert Manning đã phản ứng bằng cách nói rằng : "Nếu Bắc Hàn không ngừng các hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ đảm bảo chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn cho Tổng thống để đối phó với Bắc Hàn".

myhan7

Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã có những lời qua tiếng lại ăn miếng trả miếng với nhau

Phản ứng trước lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn hôm thứ Hai, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lưu Kết Nhất nói với Reuters ngôn từ leo thang giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ đang trở nên quá nguy hiểm và giải pháp duy nhất là đàm phán.

"Chúng tôi muốn mọi thứ bình tĩnh lại. Sự việc trở nên quá nguy hiểm và chẳng ai có lợi cả", ông Lưu Kết Nhất nói với Reuters. "Chúng tôi hy vọng rằng (Hoa Kỳ và Bắc Hàn) sẽ thấy rằng không có cách nào khác ngoài đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ... Giải pháp thay thế khác là một thảm hoạ".

Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, cho hay : "Những cuộc đối thoại nóng nảy có thể dẫn đến những hiểu lầm chết người".

Ông nói thêm : "Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là một giải pháp chính trị".

Quay lại trang chủ
Read 593 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)