Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/10/2017

Điểm tin báo chí Pháp - NATO và Bắc Triều Tiên

RFI tiếng Việt

NATO làm gì trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên ?

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – là một tổ chức quân sự, với các thành viên chủ yếu Hoa Kỳ và Châu Âu. Việc Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, đe dọa một phần lãnh thổ Hoa Kỳ - đảo Guam – cũng như các đối tác của NATO. Báo Le Monde (số ra ngày 03/10/2017) thắc mắc về phản ứng của "NATO trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên".

nato1

Thủ tướng Anh Theresa May (P) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) cùng thủ tướng Estonia, Juri Ratas đến thăm các binh sĩ Anh, Pháp tham gia khối NATO đồn trú ở Tapa, Estonia, ngày 29/09/2017. Reuters

NATO đang đứng trước một vấn đề nghiêm trọng là Bắc Triều Tiên phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân, thế nhưng Liên Minh lại không có chức năng đáp trả trực tiếp mối đe dọa này. Nhân dịp tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, ngày 20/09/2017 đi thăm căn cứ Clyde, ở Scotland, nơi neo đậu hạm đội tàu ngầm của hải quân hoàng gia Anh, chủ đề này đã được nêu ra.

Về thái độ của NATO trước sự hung hăng của Bắc Triều Tiên, lãnh đạo của Liên Minh tuyên bố : "Chúng tôi bình tĩnh, có chừng mực và cứng rắn". Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Michael Fallon, có mặt trong chuyến thăm, nói rõ : "Chúng tôi cần khai thác tất cả các kênh ngoại giao trước khi bắt đầu xem xét bất kỳ giải pháp quân sự nào".

NATO muốn thực hiện một chính sách quân sự răn đe, với vũ khí thông thường và vũ khí nguyên tử, đồng thời phải bảo vệ lãnh thổ của các nước thành viên. Liên Minh có nhiệm vụ bảo vệ Châu Âu và Bắc Mỹ, do vậy, Châu Á không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều 5 Hiệp định thành lập NATO năm 1949.

Theo đó, một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào một hoặc nhiều thành viên, xẩy ra ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ, sẽ được coi là một cuộc tấn công nhắm vào tất cả thành viên Liên Minh. Hiệp ước này cũng nói rõ thêm là phần lãnh thổ được bảo vệ nằm ở phía bắc chí tuyến Bắc. Vậy nếu Guam của Mỹ bị tấn công thì sao ? NATO không thể không hành động và trong tháng 10 này, tổng thư ký Liên Minh sẽ công du Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đối tác của khối.

Tên lửa của Bắc Triều Tiên, cho dù mang đầu đạn hạt nhân hay không, về lý thuyết, đủ khả năng tấn công lãnh thổ của các thành viên NATO. Thế nhưng, mối đe dọa này không làm dấy lên cuộc tranh luận về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Châu Âu. Le Monde nêu ra nhiều lý do.

Về mặt kỹ thuật, hệ thống lá chắn của Mỹ chưa hoàn thiện. Mặt khác, Bắc Triều Tiên không quan tâm đến Châu Âu. Tướng Petr Pavel, chỉ huy Ủy ban quân sự NATO nói với báo Le Monde : "Cho đến lúc này, chúng tôi không thấy cần thiết mở lại hồ sơ (lá chắn tên lửa) để đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên".

Nhiều thành viên NATO cũng không muốn đề cập đến hồ sơ lá chắn tên lửa vì đây là chủ đề gây tranh cãi, căng thẳng với Nga. Vả lại, tổng thư ký NATO cũng nhấn mạnh, Bắc Triều Tiên không nằm trong chương trình nghị sự cuộc đối thoại NATO – Nga.

Bởi vì diễn đàn thích hợp nhất đối với hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên là Liên Hiệp Quốc, nơi có sự hiện diện của tất cả các nước có vũ khí nguyên tử. Như vậy, lập trường của NATO không thay đổi, và vũ khí hạt nhân không phải là chủ đề chính trong cuộc họp thượng đỉnh NATO sắp tới.

Tuy nhiên, hiện có quá nhiều điều bất định trong đó có nguy cơ xẩy ra các sự cố hạt nhân trong khuôn khổ cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, rồi tính khí thất thường của tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi chờ đợi việc xem xét lại chiến lược vũ khí nguyên tử và vũ khí thông thường mà Hoa Kỳ sẽ công bố vào đầu năm 2018, NATO vẫn tỏ ra bình thản.

Las Vegas : "Sốc mạnh"

Vụ xả súng tại Las Vegas làm gần 60 người chết và hàng trăm người bị thương đã được các nhật báo Pháp đưa lên trang nhất và dành nhiều trang cho các bài viết về vụ việc. "Tồi tệ nhất", "chết chóc nhất" là những cụm từ chính các báo dùng để nhận xét vụ xả súng này.

Les Echos chạy tựa "Hoa Kỳ bị chấn động bởi vụ xả súng tồi tệ nhất trong lịch sử". Le Figaro có vẻ khiếp hãi đề tít : "Thảm sát ở Las Vegas khiến cả thế giới hãi hùng và làm dấy lên nhiều câu hỏi". Riêng với Libération thì không còn một từ ngữ nào có thể lột tả cảm xúc ngoài hàng chữ : "Las Vegas, cú sốc !".

Sốc bởi vì đó là "một vụ giết người tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ". Gần 60 người thiệt mạng, hơn 500 người khác đã bị thương trong đêm Chủ Nhật rạng sáng thứ Hai 02/10. Sốc là vì không ai kể cả người thân hiểu nổi động cơ hành động của hung thủ. Tại sao Stephen Paddock, 64 tuổi một nhân viên kế toán về hưu bình thường, một người vô thần, có cuộc sống tử tế, khách chơi quen thuộc tại các sòng bạc Las Vegas lại có thể xả súng vào đám đông đến tham dự lễ hội âm nhạc đồng quê trước khi tự sát.

Daesh nhận vơ ?

Sự mù mờ về động cơ hành động còn gia tăng gấp bội khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thông qua kênh tuyên truyền thông thường khẳng định Stephen Paddok là một trong những chiến binh của tổ chức này và đã cải đạo cách đây vài tháng. Cho đến lúc này, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang FBI của Mỹ vẫn nghi ngờ về giả thuyết khủng bố.

Dù sao đi nữa Les Echos cho rằng cũng nên cẩn trọng. Không nên loại trừ khả năng có một mối liên hệ giữa Daesh và hung thủ ở Las Vegas. Do rất chú trọng đến uy tín của cơ quan tuyên truyền của mình, Daesh cho đến lúc này chưa bao giờ nhìn nhận một cách vu vơ một vụ tấn công nào do một ai đó thực hiện mà không có mối liên hệ với Daesh, chí ít trên phương diện học thuyết.

Kiểm soát vũ khí : Đề tài muôn thuở

Thảm kịch này còn làm dấy lên nhiều câu hỏi tưởng chừng cũ rích nhưng chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng : Quy định về bán súng và kiểm soát vũ khí tự vệ. Trong một phản ứng tức thì, cựu ứng viên tranh cử tổng thống đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton còn nhấn mạnh đến chi tiết là số người thiệt mạng có lẽ sẽ còn cao hơn nếu như thủ phạm có thiết bị hãm thanh.

Điều bà muốn ám chỉ đến việc gần đây NRA (National Rifle Association), hiệp hội chuyên vận động đòi sở hữu vũ khí, đã đề nghị cho phép bán các thiết bị hãm thanh. Các báo Pháp nhận định rằng như mọi khi, sau mỗi lần xảy ra một vụ việc, tranh luận lại bùng lên rồi đâu lại vào đó. Bởi vì, đại đa số người Mỹ đều mong muốn tự trang bị vũ khí để tự vệ. Nhà Trắng hôm qua (02/10) còn khẳng định "quá sớm" để mở cuộc tranh luận về chủ đề này.

Hoa Kỳ : nạn nhân chết vì xả súng nhiều hơn là do khủng bố

Đây cũng điều giải thích vì sao tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 11.650 người chết, Libération thông báo. Về phần mình, Le Figaro nhân vụ việc này nhắc lại những thảm kịch lớn trong quá khứ. Vụ xả súng ở đại học Texas d’Austin năm 1966 giết chết 15 người. Năm 2007, một sinh viên trường đại học Virginia Tech đã hạ gục 32 bạn đồng môn.

Năm 2012, 20 trẻ nhỏ và 6 người lớn thiệt mạng tại trường tiểu học Sandy Hook, ở Newtown, bang Connecticut. Tháng 6/2016, 49 người bị bắn chết trong một hộp đêm ở Orlando, bang Florida. Với vụ việc lần này, Le Figaro chua xót mỉa mai, Stephen Paddock, người chưa có tiền án, tiền sự, đang dẫn đầu bảng tử thần tại Mỹ.

Catalunya : Sóng thần "ngầm" tại Châu Âu ?

Hơn 90% người dân vùng Catalunya tuyên bố ủng hộ độc lập là sự kiện chính được các báo Pháp tập trung khai thác. Le Figaro trên trang nhất, dành một góc nhỏ đặt câu hỏi : "Tây Ban Nha, sau trưng cầu dân ý, Catalunya đi về đâu ?". Nếu như Les Echos cho là : "Catalunya hướng đến việc đơn phương tuyên bố độc lập", thì với La Croix, "Người dân Catalunya đang làm Châu Âu chao đảo".

Libération trong bài xã luận đề tựa "Cho ai biết nắm lấy thời cơ" đã không ngần ngại chỉ trích đôi bên. Về mặt nguyên tắc, nhật báo thiên tả nhìn nhận là thủ tướng Rajoy có lẽ đã sai lầm khi ngăn cấm người dân Catalunya tổ chức trưng cầu dân ý. Đây là một nguyên tắc chủ đạo ở những nước theo nền dân chủ.

Nhưng trên bình diện chính trị, có những quyết định không chỉ được đánh giá theo các nguyên tắc, mà còn phải hợp thời. Nghĩa là phải xem xét một cách cụ thể những hậu quả có thể khi đơn phương tuyên bố độc lập. Chính ở điểm này mọi việc trở nên phức tạp.

Ví dụ, số phận của những người Catalunya vẫn muốn là Tây Ban Nha sẽ ra sao ? Và nhất là làm thế nào làm chủ được tiến trình tách rời mà sự độc lập của Catalunya đang có nguy cơ biến thành một làn sóng ? Bởi vì, sau Catalunya, có lẽ sẽ đến lượt xứ Basque, quần đảo Baleares, và thậm chí cả vùng tự trị Galicia, cũng đề nghị ra khỏi vương quốc Tây Ban Nha.

Người dân Tây Ban Nha sẽ phản ứng ra sao trước hiện tượng tan rã đó ? Về bản chất, phản ứng đó có hợp pháp hay không ? Người ta có thể hình dung ra những gì có thể xảy ra, ví dụ tại Pháp, triển vọng nhìn thấy đảo Corse, những vùng lãnh thổ về mặt lịch sử thuộc xứ Basque và Catalunya ?

Và sắp tới tại sao không với vùng Bretagne và Alsace, những vùng mang đậm bản sắc riêng biệt sẽ ra khỏi nước Pháp. Giả thuyết tuy mang tính viển vông, nhưng bất hạnh thay đó lại là những gì Tây Ban Nha sẽ phải đối mặt…

Lỗi ở Rajoy ?

Một quan điểm cũng được Le Monde đồng chia sẻ. Trong bài xã luận "Catalunya : Hãy thoát ra khỏi chính sách tồi tệ", nhật báo đã không kiệm lời chỉ trích những tính toán chính trị sai lầm của thủ tướng Rajoy.

Đầu tiên hết, nhật báo cho rằng lãnh đạo vùng Catalunya, ông Carles Puigdemont lẽ ra không nên vội mừng chiến thắng. Quả thật có đến 90% người bỏ phiếu nói ủng hộ "độc lập". Nhưng tỷ lệ vắng mặt là 60% thì sao ? Liệu có đủ để tự tuyên bố "độc lập" được hay chưa ? Le Monde chỉ trích ông Puigdemont đã tạo dựng một bầu khí không lành mạnh.

Về phía thủ tướng Rajoy, Le Monde cho rằng bản thân ông và đảng Nhân Dân PP của thủ tướng cũng phải gánh vác lấy trách nhiệm. Nhật báo nhắc lại năm 2006, Nghị Viện Tây Ban Nha đã thông qua một cải cách trao thêm quyền tự trị cho Catalunya. Nhưng vì những toan tính chính trị nhằm lấy lá phiếu cử tri, đảng Nhân Dân PP dùng lá bài chủ nghĩa dân tộc phản đối cải cách.

Ông Rajoy đã gây áp lực lên Tòa Hiến Pháp, buộc cơ quan này phải hủy bỏ quyết định trao quy chế mới cho Catalunya vào năm 2010. Cũng từ ngày đó, ý tưởng đòi ly khai không ngừng lớn dần. Do đó theo Le Monde, cả đôi bên cần phải trở lại bàn đàm phán về quyền tự trị cho vùng Catalunya.

Catalunya : Thách thức lớn cho Châu Âu

Về phần mình, bài xã luận Les Echos nhận thấy căng thẳng giữa Madrid và Catalunya đang đặt Liên Hiệp Châu Âu trước một thách thức lớn. Trước hết, nhật báo kinh tế trích lời cảnh cáo của sử gia người Catalunya, Pierre Vilar cách đây 40 năm cho rằng : "Mỗi khi sự áp bức đến từ Madrid, tính đồng lòng của người dân Catalunya càng cao".

Điều đó đã được chứng minh dưới thời chế độ độc tài Francis Franco. Và cũng đúng cho ngày nay. Do đó, theo Les Echos, thủ tướng Rajoy chỉ còn một cách duy nhất : đó là sửa đổi lại Hiến Pháp cho phép chuyển sang mô hình nhà nước liên bang.

Câu hỏi đặt ra liệu một mình ông có đủ sức để thực hiện hay không ? Les Echos không tin chắc là được. Bởi vì cuộc khủng hoảng Catalunya mở ra vào đúng lúc Liên Hiệp Châu Âu vừa khép lại cuộc khủng hoảng kinh tế. Chắc chắn là Châu Âu không trên tuyến đầu trong một vụ việc mà chỉ can dự đến các lãnh đạo Tây Ban Nha.

Nhưng Liên Hiệp Châu Âu cũng không chỉ đơn giản kêu gọi đôi bên "nhanh chóng từ bỏ đối đầu để ngồi vào đối thoại". Nhiều chính khách Catalunya, trong đó có thị trưởng Barcelona, đã kêu gọi Liên Âu đóng vai trò trung gian. Một mong mỏi cũng được chính ông Carles Puigdemont đồng chia sẻ.

Theo Les Echos, Bruxelles không nên để cho một cuộc khủng hoảng mới, lần này là chính trị chứ không phải là tài chính và kinh tế như tại Hy Lạp, có cơ hội hình thành trong lòng Liên Âu. Con đường tuy hẹp, nhưng vẫn có chút cơ may : Đó là vì chính quyền Catalan cũng không biết làm gì với "thắng lợi" trưng cầu dân ý.

Les Echos hối thúc Liên Hiệp Châu Âu cần nhanh chóng hành động, trước khi có nguy cơ nhìn thấy những vùng khác tại Châu Âu nối gót con đường Catalunya.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 590 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)