Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/10/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Vụ thuốc trừ sâu Monsanto

Vụ thuốc trừ sâu Monsanto : Ủy Ban Châu Âu bị dồn vào chân tường

Dư âm của vụ thảm sát ở Las Vegas, những bất đồng xung quanh dự toán ngân sách 2018 của chính phủ Pháp là một số chủ đề lớn của báo chí hôm nay. Về thời sự Châu Á, cho dù chính phủ Miến Điện tuyên bố tạo điều kiện cho hồi hương, nhưng rất nhiều người Rohingya không còn đường về. Trước hết, xin giới thiệu bài phân tích trên Libération về cuộc chiến chống thuốc trừ sâu Monsanto tại Châu Âu đang đến hồi gây cấn.

monsanto1

Biểu tình chống tập đoàn Monsanto tại Bordeaux, Pháp, ngày 20/05/2017. GEORGES GOBET / AFP

Bài "Glyphosat. Bruxelles bị dồn vào chân tường" của Libération cho biết việc bỏ phiếu, dự kiến vào ngày 5 và 6/10, theo kế hoạch của Ủy Ban Châu Âu, về đề nghị gia hạn 10 năm cho hợp chất glyphosat, thành phần chủ yếu của Roundup "loại thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất thế giới" này, đã bị hoãn lại đến 23/10. Đây là lần hoãn thứ ba. Đối với Ủy Ban Châu Âu, đây là một thất bại mới trong nỗ lực đưa loại thuốc diệt cỏ này trở lại thị trường.

Libération nhấn mạnh là hợp chất glyphosat được dùng để chế tạo 178 thuốc trừ sâu, diệt cỏ hiện đang được lưu hành tại Pháp, tuy nhiên kể từ năm 2015, chất này đã bị Tổ Chức Y Tế Thế Giới coi là nguy hiểm, bởi "có thể gây ung thư", và thậm chí làm biến đổi cả hệ mã di truyền.

Ngày 24/05/2016, Ủy Ban Châu Âu bị tập đoàn Monsanto đe dọa kiện ra tòa để đòi bồi thường nếu không đưa ra bỏ phiếu về đề nghị gia hạn 10 năm đối với hợp chất glyphosat kể trên, đúng thời hạn quy định. Chín ngày sau đó, cơ quan phụ trách Y Tế và An Toàn Thực Phẩm của Ủy Ban Châu Âu tổ chức cuộc họp với lãnh đạo tổ chức lobby nông nghiệp lớn của Châu Âu Copa-Cogeca, cùng đại diện nhiều nghiệp đoàn nông nghiệp Pháp, Anh, Đan Mạch và Ireland, để yêu cầu các tổ chức này gây áp lực đối với chính phủ những nước nào chống lại việc cho phép trở lại glyphosat.

Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm Châu Âu bị tố cáo đồng lõa

Trả lời phỏng vấn Libération, Ủy Ban Châu Âu biện minh cho hành động này với việc viện ra "quyền được thông tin đầy đủ" của mỗi quốc gia và mỗi công dân. Quan điểm của Ủy Ban là dựa trên các kết luận của Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm Châu Âu (EFSA), theo đó glyphosat không phải là một chất gây ung thư. Tuy nhiên, theo Libération, kết luận của Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm Châu Âu lại dựa trên một báo cáo của BFR, một viện nghiên cứu Đức.

Một phần lớn báo cáo của BFR là sao lại nguyên văn một nghiên cứu trước đó của chính tập đoàn sản xuất thuốc trừ sâu, diệt cỏ Monsanto. Thông tin trên đây là của hiệp hội phi chính phủ Áo Global 2000. NGO này hứa hẹn sẽ kiện viện nghiên cứu Đức ra tòa.

Hôm thứ Năm tuần trước, lần đầu tiên các lãnh đạo Nghị Viện Châu Âu chính thức cấm đại diện của Monsanto lai vãng đến các cơ sở của định chế này. Cùng với Pháp, Malta, và có thể là cả Ý và Áo, Bỉ cũng vừa tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống glyphosat. Gọng kìm khép lại xung quanh Monsanto, trong lúc tại Hoa Kỳ và Châu Âu, hàng loạt vụ kiện đang nhắm vào tập đoàn đa quốc gia này.

Về hóa chất Monsanto, Libération có bài phỏng vấn nhà báo Marie-Monique Robin, tác giả cuốn sách sắp ra mắt "Monsanto đối diện với các thẩm phán" (NXB La Découverte). Tựa đề phỏng vấn là "Một trong những hóa chất nguy hiểm nhất mà con người tạo ra". Nữ phóng viên Pháp cảnh báo tập đoàn Monsanto có thể đang tìm cách "tự giải thể", với việc sáp nhập với công ty Đức Bayer, để tránh phải đối mặt với công lý. Bên cạnh đó, bà bày tỏ lo ngại là công chúng và kể cả báo giới còn biết rất ít về loại chất độc hết sức nguy hiểm, đã được sử dụng rộng rãi cho đến nay.

"Miến Điện : Dân Rohingya không còn đường về"

Khủng hoảng người Rohingya tị nạn sang Bangladesh để tránh bị dồn vào chỗ chết tại Miến Điện dường như có phần tạm lắng do các can thiệp quốc tế, và sự nhân nhượng của chính quyền, nhưng trên thực tế, nhiều người trong số họ sẽ không thể quay về. Một lẽ rất đơn giản là quân đội Miến Điện đã tịch thu giấy tờ chứng minh họ là cư dân Miến Điện.

Trong lúc, khoảng 500.000 người Rohingya tị nạn trên đất Bangladesh, Le Monde đặt câu hỏi : "Hứa hẹn của chính quyền Miến Điện đáng tin không ?". Trong quá khứ gần đây, sau hai đợt tị nạn lớn vào năm 1978 và 1991-1992, khá đông người Rohingya đã được phép trở về nước (186.000 người trên 190.000 năm 1978 ; khoảng 155.000 trên 260.000 trong đợt sau). Tuy nhiên, đợt tị nạn này là phức tạp hơn nhiều. Đàn áp của chính quyền là khủng khiếp và trở về những ngôi làng bị tàn phá tan hoang là điều rất nguy hiểm, trong bối cảnh không khí chống người Rohingya dâng cao. Thêm vào đó, cộng đồng Rohingya chưa bao giờ thực sự được thừa nhận là thành viên của quốc gia Miến Điện.

Thảm sát Las Vegas và thái độ dung túng bạo lực của xã hội Mỹ

Trở lại với cuộc thảm sát ở Las Vegas, khiến 58 người chết và hơn 500 người bị thương, xã luận La Croix muốn tìm hiểu cội rễ của tội ác này. Giải thích như tổng thống Trump, đây là hành động của một "kẻ điên rồ" là "quá dễ dãi", "quá đơn giản". Theo La Croix, tình trạng tâm lý bất thường này có ở mọi xã hội, nhưng chỉ ở Hoa Kỳ, tần suất của các vụ xả súng chết người hàng loạt mới cao như vậy.

Vấn đề đầu tiên đặt ra là phải kiểm soát chặt hơn việc bán súng và sở hữu súng. Tuy nhiên, nỗ lực trong lĩnh vực này bị giới hạn rất nhiều do áp lực của các tập đoàn công nghiệp sản xuất vũ khí. Vấn đề thứ hai là cần phải theo dõi tốt hơn những người có vấn đề tâm lý và quá trình trị liệu của họ. Nhưng điều đặc biệt cần chú ý là "thái độ của xã hội Mỹ đối với bạo lực", bởi đây chính là một quốc gia mà "phim ảnh và trò chơi trên mạng mang tính bạo lực" rất có ảnh hưởng.

Tất cả những vấn đề trên rõ ràng là của nước Mỹ, nhưng không chỉ liên quan đến Mỹ.

Về "Sức nặng của lobby súng tại Mỹ", La Croix điểm lại nhiều nỗ lực lâu dài của phe Dân Chủ nhằm hạn chế bán vũ khí, nhưng đều bị phe Cộng Hòa, với sự hậu thuẫn của hiệp hội ủng hộ quyền sỡ hữu súng NRA, và một số tổ chức lobby khác, ngăn chặn. Riêng NRA có đến 5 triệu thành viên.

Le Monde cho biết, theo một điều tra của viện Pew, đe số phe Cộng Hòa chống lại việc siết chặt kiểm soát đối với các vũ khí tự động, chính là loại vũ khí giết người hàng loạt tại Las Vegas.

Hai phụ nữ bị giết hại tại Marseille và điều "không thể tha thứ"

Vẫn về khủng bố nhưng tại Pháp, Le Figaro rất bất bình sau vụ hai phụ nữ trẻ bị sát hại bằng dao tại nhà ga Marseille, miền nam nước Pháp, hôm Chủ nhật. Bài xã luận mang tựa đề - "Khiếm khuyết không thể tha thứ" - nhấn mạnh đến "những lỗ hổng" trong hệ thống an ninh, nguyên nhân để lọt tội phạm.

Trước hết, phải khẳng định cơ quan ninh Pháp đã theo dõi sát nhân vật này từ năm 2005. 24 giờ trước khi tội ác xảy ra, người ta đã thông báo kẻ khủng bố tương lai đang có mặt tại nhà ga sân bay Lyon. Tuy nhiên, kể từ đó nhân vật này đã mất hút, trước khi gây ra "điều không thể cứu vãn".

Nhân vụ án này, Le Figaro tố cáo "mức độ đạo đức giả rất cao" trong việc quản lý người nước ngoài không giấy tờ tại Pháp. Theo yêu cầu của Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu, tội cư trú không giấy tờ hợp lệ bị loại ra khỏi tầm ngắm của hệ thống tư pháp của nước Pháp.

Pháp : Xóa bỏ thuế ISF, chủ đề tranh cãi lớn

Ngân sách 2018 của Pháp là chủ đề trang nhất của nhiều báo hôm nay. Việc chính phủ chủ trương xóa thuế ISF, đánh vào người có thu nhập cao, bị phê phán từ nhiều phía. Hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron trở lại nhà máy Whirpool ở Amiens, 5 tháng sau lần đến đầu tiên giữa hai đợt bỏ phiếu bầu tổng thống.

Theo Le Figaro, chính tại nhà máy này, nguyên thủ Pháp đã lớn tiếng bác bỏ quan điểm đối lập một bên là người giàu, bị coi là độc ác, và bên kia là những người nghèo nhất, những người dễ tổn thương nhất. Emmanuel Macron khẳng định chính phủ có một loạt các biện pháp hỗ trợ người nghèo nhất và tầng lớp trung lưu, nhưng đồng thời cũng cần thiết "khuyến khích mọi người kiếm tiền và tái đầu tư tại Pháp".

Tiếp theo tổng thống, hôm nay, thủ tướng Edouard Philip có bài trả lời phỏng vấn dài trên Libération để bảo vệ "tính cân bằng" của ngân sách chính phủ. Xã luận Libération đề nghị độc giả tự phán xét khi đọc bài phỏng vấn, nhưng báo trước là thủ tướng Philip sẽ khó thuyết phục được công luận về chủ trương xóa bỏ ISF, một sắc thuế tuy chỉ liên quan đến "một thiểu số", mang lại ít nguồn thu cho Nhà nước, nhưng được đa số dân Pháp ủng hộ. Nếu xóa bỏ sắc thuế này, thì lợi thu được không chắc chắn, nhưng thiệt hại chính trị là rõ ràng.

Mô hình Uber phá sản, hay "gậy ông đập lưng ông"

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, Les EchosLe Monde đều chú ý đến sự thất bại của mô hình Uber, vốn nở rộ khắp thế giới những năm gần đây. Bài "Gậy ông đập lưng ông của mô hình Uber" của Les Echos nhận định : cách đây hai năm, sự xuất hiện của mạng Uber tại Pháp, với ưu thế giá rẻ, có mặt nhanh chóng, phục vụ tận tình, nhờ sự tham gia của các tài xế độc lập, đăng ký tham gia tự do, khiến loại hình tắc-xi truyền thống bị coi như thuộc về quá khứ.

Thế nhưng giờ đây, chính xe hơi của các tài xế Uber lại trở thành đối tượng bị chỉ trích, với giá quá cao, tài xế thì thô tục, xe hơi bẩn thỉu… Cuối tháng 9, Luân Đôn quyết định rút giấy phép hoạt động của mạng Uber, với lý do không bảo đảm an ninh cho khách hàng.

Bài "Uber bị kẹt vào chiếc bẫy của chính mình" trên Le Monde, nói rõ hơn là, sau khi bị Luân Đôn đình chỉ, chính Uber đã phải đứng ra "tự phê bình". Le Monde nhấn mạnh là với việc lên án thẳng vấn đề an ninh của khách hàng không được bảo đảm, Luân Đôn đã nhằm đúng vào cốt lõi làm nên sức mạnh của mô hình Uber. Đó là sử dụng hàng nghìn tài xế rất ít được đào tạo, làm việc nay được mai chăng, trong lúc họ thường phải chấp nhận "những giờ giấc nguy hiểm" để kiếm được đồng tiền. Tờ báo đặt câu hỏi : "trong những điều kiện như vậy, làm sao có thể bảo đảm chắc chắn là người tài xế có được các ứng xử tốt ?".

Le Monde nhấn mạnh đến "một bài học đã bị quên lãng của nền công nghiệp" thế giới, đó trong suốt thế kỷ XIX, "một hệ thống làm công ăn lương ổn định" đã được lập nên để đáp ứng các đòi hỏi về an toàn và tính chất kỹ thuật gia tăng của lao động. Một mạng lưới nối kết bằng công nghệ số, dù tinh vi như thế nào, cũng khó có thể làm nên những tài xế có trách nhiệm.

Bom tấn Holywood hoành tráng, nhưng lỗi thời

Trong lĩnh vực điện ảnh, hai bộ phim mới vừa công chiếu được các báo Pháp chú ý. Bộ phim Canada "Blader Runner 2049" nói đến một thế giới viễn tưởng, hoang tàn ngày tận thế, sau các thảm họa sinh thái và quân sự. Theo Le Monde, bộ phim với các cuộc đọ sức kinh hoàng giữa con người - máy người - người máy đã được thực hiện một cách công phu, khiến người xem tuy hút hồn, nhưng trong sâu thẳm, người ta mất hết hy vọng sau khi xem xong bộ phim này.

Về phần mình, Libération chê trách bộ phim bom tấn của Hollywood. Theo tờ báo, bộ phim viễn tưởng được dàn dựng kỳ công này chỉ thể hiện cho những ám ảnh của những năm 1980. Và đã đến lúc Hollywood chia tay với kiểu phim kinh dị hoành tráng này để chuyển sang quan tâm đến những "lo hãi ám ảnh thực sự của con người đương đại, với một thứ điện ảnh giàu tưởng tượng hơn".

"Nào, Toto !" : Một bộ phim lạ

LibérationLe Monde dành nhiều khen ngợi cho bộ phim "Nào, Toto !" của đạo diễn Pháp Pierre Creton, nổi tiếng với phong cách tinh tế, và các bộ phim kỳ lạ rất khó xếp loại. Toto là tên của một chú lợn rừng tìm nơi tị nạn ở nhà một người làm nông 77 tuổi, vì bị săn đuổi. Đạo diễn Creton cũng là một nhà nông và  là một nhân vật trong bộ phim này.

Bộ phim gồm ba câu chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng lồng vào nhau. Theo Libération, phim của Pierre Creton pha trộn thể loại tài liệu và hư cấu, giữa mơ và thực, mang lại nhiều khoái cảm cho người xem. Le Monde mời khán giả trầm tư về những ranh giới và liên đới giữa con người và loài vật, với bài "Nào Toto ! : thú và người".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 677 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)