Báo Le Monde số ra ngày 24/01/2017 có bài nhận định của hai chuyên gia chính trị Alexandra De Hoop Scheffer và Martin Quencez về chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ. Bài viết đề tựa : "Với Donald Trump, Hoa Kỳ không còn có chiến lược lớn". Theo quan sát của nhật báo, dự án của tân chính quyền Hoa Kỳ dựa trên hai yếu tố : chính sách bảo hộ mậu dịch và quay lại với chủ trương đơn phương hành động.
Tổng thống Donald Trump bắt tay vào việc. Ảnh ngày 23/01/2017 - REUTERS/Kevin Lamarque
Alexandra De Hoop Scheffer là giám đốc trung tâm cố vấn xuyên Đại Tây Dương GMF (German Marshall Fund of The United States) tại Paris. Còn Martin Quencez là chuyên gia nghiên cứu tại GMF. Đầu tiên hết, bài viết nhận định, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ đã thực hiện "một chiến lược lớn" nhằm duy trì sự ưu việt của mình trên thế giới, ngăn cản sự trỗi dậy của các cường quốc đối thủ. Dưới thời chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã nhanh chóng đi vào thế kỷ 21, thừa nhận một thế giới đa cực và hiểu được những hạn chế của Mỹ.
Obama đã làm thay đổi vai trò của Mỹ, từ chỗ là "một quốc gia thiết yếu" chuyển sang thành "một đối tác thiết yếu", thông qua chính sách hợp tác với các đồng minh và cùng tồn tại với các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, Nga, Iran. Và Hoa Kỳ tập trung vào việc bảo vệ các lợi ích "sống còn" của mình.
Hướng đi này chấm dứt. Donal Trump trở thành tổng thống với chủ trương "Nước Mỹ trước tiên", chú trọng tới các "giao dịch", thương lượng mang tính chiến thuật, mà không chú ý tới các giá trị và các cam kết của Hoa Kỳ.
Dự án của tân chính quyền dựa trên hai yếu tố kháng cự lại tiến trình toàn cầu hóa : thứ nhất là chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và phê phán xu hướng tự do mậu dịch, thứ hai là độc lập chiến lược và quay lại chủ trương đơn phương hành động. Đối với Donald Trump, ngoại giao là một cuộc mặc cả lớn trên mọi lĩnh vực và trong đó, các liên minh chỉ có ý nghĩa nếu phục vụ các lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu không, Donald Trump sẽ cho tiến hành đàm phán lại.
Theo hai tác giả, cách tiếp cận như vậy có nguy cơ làm suy yếu kết cấu toàn cầu. Nguy cơ ở chỗ là Washington ưu tiên ký kết các thỏa thuận song phương, trong khi những thách thức của thế kỷ như biến đổi khí hậu, phát triển vũ khí hạt nhân, di dân… đòi hỏi phải có cách tiếp cận đa phương và tầm nhìn chiến lược.
Việc xử lý các cuộc khủng hoảng quốc tế phụ thuộc vào khả năng Hoa Kỳ hợp tác với các cường quốc khác cho dù những nước này không phải lúc nào cũng chia sẻ các lợi ích và giá trị cùng với Mỹ, thậm chí còn có lợi ích liên quan ngay trong các khủng hoảng này.
Thế nhưng Donald Trump giờ đây đề cao tư tưởng thực dụng và sự thiếu vắng chiến lược lớn sẽ có những hậu quả tất yếu đối với việc xác định chính sách đối ngoại của Mỹ. Liệu Donald Trump sẽ phó mặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson hay không ?
Bài viết nhấn mạnh, đây là hai chính khách có hai cách nhìn khác nhau về đối ngoại, đặc biệt là trong quan hệ với Nga. Bên cạnh đó, tân tổng thống Mỹ có quan hệ căng thẳng với báo chí, với giới tình báo và một số phe nhóm tại Quốc Hội. Tất cả những yếu tố này không tạo thuận lợi cho việc ra các quyết định quan trọng.
Cuối cùng, các tác giả kết luận : các nước Châu Âu không nên ảo tưởng, tự ru ngủ. Quan hệ Mỹ-Âu đang đi vào giai đoạn bất ổn định và lục địa già có thể trả giá đắt nếu không chuẩn bị tốt để đối phó với hoàn cảnh mới.
TPP : Một trong số các "nạn nhân" đầu tiên của Trump
"Trump khởi động cuộc tấn công nhắm vào các thỏa thuận tự do mậu dịch" là thông báo của Les Echos. Tân tổng thống Mỹ, hôm qua, 23/01/2017 đã ký nhiều sắc lệnh trong đó có một văn bản chôn vùi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Nhật báo kinh tế trích dẫn phát biểu của Reince Priebus, chánh văn phòng của Donald Trump, trên đài truyền hình Mỹ Fox News, hôm Chủ Nhật 22/01 cho rằng ông chưa bao giờ thấy một ai làm việc hăng hái, nhiệt huyết như tân tổng thống Mỹ.
Sau kỳ nghỉ cuối tuần sôi động do các cuộc biểu tình rầm rộ sau lễ nhậm chức, tân tổng thống Hoa Kỳ muốn chứng tỏ là ông không muốn để mất một phút nào, khẩn trương thực hiện các lời cam kết mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Các sắc lệnh đầu tiên được ký hôm thứ Sáu (20/01) nhắm vào việc ngăn cản áp dụng chương trình cải cách bảo hiểm y tế Obamacare.
Hôm qua, 23/01 ông ký tiếp các sắc lệnh liên quan đến các hiệp định tự do mậu dịch và trước tiên là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Trước khi ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP, Donald Trump tuyên bố không muốn tự do mậu dịch nữa, bởi vì Mỹ là nước duy nhất tạo thuận lợi cho các nước khác tiếp cận thị trường của Hoa Kỳ.
Theo các cố vấn thân cận của tân tổng thống Mỹ thì từ nay, ông dành ưu tiên cho các hiệp định tự do mậu dịch song phương và thậm chí có thể tìm cách ký các hiệp định riêng rẽ với từng nước vốn đã ký TPP. Thứ Sáu 27/01 tới đây, nguyên thủ Mỹ gặp thủ tướng Anh Theresa May, để đề ra những cơ sở cho một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Luân Đôn, vào lúc Anh Quốc đang chuẩn bị các cuộc thương lượng về Brexit.
Trong tuần này, tân chính quyền Mỹ sẽ ra các quyết định liên quan đến một số thỏa thuận thương mại khác, đặc biệt là hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ - NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994 mà Donald Trump đã cam kết sẽ cho đàm phán lại. Theo giới thân cận Donald Trump, tân tổng thống Mỹ muốn là NAFTA khuyến khích các tập đoàn xe hơi Mỹ sản xuất nhiều hơn trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Thậm chí, Donald Trump có thể áp đặt điều kiện là các tập đoàn xe hơi chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình nếu một phần các sản phẩm này được làm tại Mỹ.
Les Echos cho biết là cũng trong ngày hôm qua, trong cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ như Ford, Lockheed Martin, Johnson & Johnson, tân tổng thống Hoa Kỳ nói đến khả năng tái lập mức thuế quan rất cao nhằm trừng phạt những doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở nước ngoài.
Mặc dù tỏ ra rất năng động, muốn bắt tay làm việc ngay, tổng thống Mỹ vẫn còn phải chờ đợi, bởi vì một phần lớn các bộ trưởng trong chính quyền vẫn chờ sự chấp thuận của Thượng viện. Cho đến hôm nay, Thượng viện Hoa Kỳ mới chỉ phê chuẩn việc bổ nhiệm bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ.
Iran : Một đích ngắm khác của Donald Trump
Liên quan đến Cận Đông, Les Echos cho hay "Iran trong tầm ngắm của tân chính phủ Hoa Kỳ". Tân tổng thống Mỹ rất có thể sẽ lên án thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, công khai chỉ trích hành động gây bất ổn của Teheran trong khu vực.
Đây là một trong số các hồ sơ quốc tế mà việc ông Trump lên cầm quyền đang làm dấy lên nhiều mối quan ngại. Sau nhiều thập niên thương thuyết, liệu ông Trump có "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân đã có hiệu lực cách đây đúng một năm ? Trước đó, ông đã từng đánh giá hiếm khi thấy một thỏa thuận nào "tai hại" như thế.
Quyết định "xé bỏ" đó có thể sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng không những giữa Washington và Teheran, mà cả với các đồng minh phương Tây và Nga hay Trung Quốc. Ngay cả những người phản đối thỏa thuận này, như UANI (United against Nuclear Iran) "cũng không khuyến khích Hoa Kỳ lên án tức thì" và mở một cuộc đàm phán mới giữa Teheran với nhóm 5+1 (tức năm cường quốc Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh Quốc, Pháp và có thêm Đức).
Theo quan điểm của nghị sĩ Joseph Lieberman, thuộc đảng Dân chủ, nổi tiếng chống lại thỏa thuận "ông Donald Trump vẫn phải tấn công chí ít là việc vi phạm trên nhiều lĩnh vực từ hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo và ủng hộ quân khủng bố, gây bất ổn các nước láng giềng, cho đến nhân quyền". Cũng theo vị nghị sĩ này, "chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran sẽ thay đổi một cách đáng kể. Nhưng phải chờ xem như thế nào".
Khó tiên liệu tình hình bán đảo Triều Tiên
Về thời sự Châu Á, Le Monde có bài "Khó tiên liệu tình hình bán đảo Triều Tiên". Từ sau hiệp định đình chiến năm 1953 đến nay, bán đảo Triều Tiên quen sống trong bối cảnh căng thẳng tiềm tàng và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nay, với việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, sự bất trắc lại càng gia tăng.
Nguyên nhân là tổng thống Hoa Kỳ tính khí thất thường, thiếu hiểu biết về các hồ sơ quốc tế, cũng như tình hình trên bán đảo này. Theo chuyên gia Lee Kwan-sei, thuộc học viện nghiên cứu Viễn Đông, trụ sở Seoul, thì "phương trình Triều Tiên trở nên phức tạp hơn bao giờ hết".
Ở phía nam, Hàn Quốc đang có khủng hoảng chính trị. Quốc hội bỏ phiếu phế truất tổng thống Park Geun Hye và Hàn Quốc hiện do một quyền tổng thống lãnh đạo ; nghị viện thì chia rẽ, khó có thể chủ động đưa ra các sáng kiến.
Còn ở phía bắc, chính quyền Bình Nhưỡng lúc nào cũng như trong tư thế chuẩn bị chiến tranh, đang chờ đợi các sáng kiến từ phía tân chính quyền Washington, nhưng đồng thời không hề có ý định từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử.
Trong thông điệp ngày mồng Một tháng Giêng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đe dọa sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa. Tổng thống đắc cử Mỹ lúc đó, Donald Trump đáp lại trên Twitter rằng điều này sẽ không xảy ra. Le Monde nhận định, có lẽ ông Trump không biết rằng thách thức Bình Nhưỡng không phải là một chiến thuật hay ho gì, trừ phi ông đã chuẩn bị sẵn một "thỏa thuận" nào đó với Bắc Triều Tiên.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm một vụ bắn thử nữa, vấn đề là lúc nào. Bất chấp việc gia tăng trừng phạt của quốc tế, Bắc Triều Tiên vẫn kiên quyết chế tạo loại tên lửa xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân và có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ. Theo Sách Trắng 2016 của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, chế độ Bình Nhưỡng dường như có hơn 50 kg plutonium đủ để chế tạo khoảng 5 chục quả bom nguyên tử, từ nay đến 2020.
Theo Le Monde, chính sách trừng phạt và cô lập Bắc Triều Tiên mà Hoa Kỳ và các đồng minh áp dụng từ hai chục năm nay đều dẫn đến bế tắc. Giới chuyên gia kêu gọi Washington từ bỏ chính sách "chờ đợi", còn được gọi là "chiến lược kiên nhẫn" của chính quyền Obama và tiến hành đối thoại với Bình Nhưỡng. Sử gia John –Delury, đại học Yonsei, ở Seoul, nhận định : "Về ngắn hạn, không có một kịch bản nào cho phép hy vọng Kim Jong Un từ bỏ sức mạnh răn đe" và theo lô-gích của lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì chẳng có lợi ích gì đi theo hướng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Vả lại, việc nối lại đàm phán với Bắc Triều Tiên đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của Trung Quốc. Thế nhưng, quan hệ giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh đang trong giai đoạn căng thẳng do vấn đề Đài Loan, quan hệ thương mại.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ và hai cuộc khủng hoảng ngoại giao : Thứ nhất là trong quan hệ Trung - Hàn với dự án lá chắn tên lửa THAAD và thứ hai là với Nhật Bản trên hồ sơ "phụ nữ giải sầu".
Trang nhất báo Pháp : Cánh tả chia rẽ sâu sắc
Trang nhất nhiều tờ báo Pháp hôm nay đề cập đến hệ quả của cuộc bỏ phiếu vòng một lựa chọn ứng viên tổng thống của đảng Xã Hội và các đồng minh. La Croix buồn bã nhận định : "Cánh tả, một gia đình bị tan rã".
Việc ông Benoit Hamon về đầu trong cuộc bỏ phiếu và cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls về nhì, đã đào sâu thêm hố ngăn cách giữa hai phe phái vốn đã không thể hòa hợp được với nhau. Đến mức, Le Monde trên trang nhất phải thốt lên : "Hamon –Valls, rạn nứt công khai trong đảng Xã Hội".
Trang nhất Libération thì chỉ trích việc tổ chức kiểm phiếu của đảng Xã Hội : "Benoit Hamon, việc kiểm phiếu (gần như) đúng". Bởi vì đảng Xã Hội, trong ngày hôm qua, lại đưa ra số liệu mới về số người tham gia bỏ phiếu, cao hơn số cũ khoảng 400 ngàn người, thế nhưng kết quả kiểm phiếu đối với từng ứng viên lại không hề thay đổi.
Le Figaro (cánh hữu) thì mỉa mai : "Hamon-Valls : cuộc đấu tay đôi chuyển thành trò thanh toán nhau". Tờ báo còn cho rằng "Đảng Xã Hội bị nghi ngờ đã thao túng số liệu người tham gia bỏ phiếu".
Riêng trang nhất Les Echos lại quan tâm đến vấn đề môi trường và lương thực và cảnh báo : "Khí hậu : mối đe dọa đè nặng lên vấn đề an ninh lương thực". Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức và Pháp, được công bố vào tuần trước, từ nay đến cuối thế kỷ, sản lượng ngô và đậu nành của Mỹ có thể sụt giảm tới 40%. Tình trạng khan hiếm có nguy cơ làm cho giá lương thực trên thế giới tăng vọt.
Minh Anh