Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/01/2017

Khủng hoảng Syria : Nga làm chủ cuộc chơi

RFI tiếng Việt

syrie1

Hòa đàm về Syria tại Astana (Kazakhstan) do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ đã khai mạc hôm 23/01/2017. REUTERS/Mukhtar Kholdorbekov

Le Figaro : "Moskva điều khiển đàm phán về Syria". Le Monde ghi nhận : sau thắng lợi về mặt quân sự, tại hội nghị Astana, nước Nga của tổng thống Putin tìm kiếm một thắng lợi trên phương diện ngoại giao. "Con đường nào để hướng tới hòa bình cho Syria" ?

Bầu cử sơ bộ bên cánh tả chọn ứng viên ra tranh cử tổng thống Pháp với kết quả bất ngờ là chủ đề phủ kín mặt báo Paris trong ngày. Donald Trump tân tổng thống Mỹ vẫn là chủ đề vô tận đối với nhiều tờ báo Pháp. Nhưng phần trang quốc tế của các tờ báo từ tả sang hữu, quan tâm nhiều đến Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi mở ra đàm phán về Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng không có Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.

Le Figaro chạy tựa : "Moskva điều khiển đàm phán về Syria". Le Monde ấn bản được cập nhật trên mạng ghi nhận : sau thắng lợi về mặt quân sự, tại hội nghị Astana, nước Nga của tổng thống Putin tìm kiếm một thắng lợi trên phương diện ngoại giao. "Một phần số phận của Syria đang được định đoạt tại Kazakhstan, một nước cộng hòa Hồi Giáo, nói tiếng Thổ, từng thuộc vòng kềm tỏa của Liên Bang Xô Viết và nay hãy còn bị đặt trong tầm ảnh hưởng của Moskva : cả một biểu tượng về một thế giới đang đổi thay".

La Croix : "Con đường nào để hướng tới hòa bình cho Syria ?" Sau 6 năm chiến tranh, hơn 300.000 người thiệt mạng, Syria là một đất nước bị "chia năm xẻ bảy, giữa thái độ hoài nghi với chính quyền Damascus, giữa nhu cầu muốn tìm lại một cuộc sống bình yên, giữa nỗi sợ hãi phong trào Hồi Giáo cực đoan".

Syria : Nga làm chủ cuộc chơi

Cho dù hội nghị tìm kiếm hòa bình cho Syria ngày 23/01/2017 do Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng bảo trợ, nhưng nhật báo Libération chỉ chú trọng vào trục Moskva-Damascus–Teheran trong bài báo "Syria : Nga xây dựng lại thế giới của mình ở Kazakhstan".

Không phải tình cờ mà các bên đã chọn Astana làm địa điểm cuộc đàm phán đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Damascus và phe nổi dậy.

Về mặt quân sự Astana nằm rất xa trận địa Aleppo, nhưng nhìn từ góc độ chính trị thủ đô Kazakhstan lại rất gần với Moskva : điều đó có nghĩa là Nga đang làm chủ cuộc chơi để đem lại hòa bình cho Syria, như ghi nhận của Libération.

Trong khi đó, cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Hoa Kỳ đều "bị gạt ra ngoài" tiến trình vãn hồi hòa bình cho Syria. Chính xác hơn là Bruxelles và Washington chỉ cử đại diện đến "quan sát" cuộc đàm phán mở ra sáng nay ở thủ đô Astana. Điều ấy không cấm cản điện Kremlin một mực khẳng định rằng, cuộc họp Astana không "cạnh tranh với hội nghị Genève" và Nga không "áp đặt bất cứ điều gì".

Libération không mấy lạc quan khi tìm cách trả lời câu hỏi : Người ta có thể chờ đợi gì ở cuộc họp hôm nay ? Bởi vì thứ nhất, chương trình nghị sự không được thông báo rõ ràng, thứ hai là ngay giữa các nhà bảo trợ cho chế độ Damascus - là Nga và Iran - còn quá quá nhiều bất đồng sâu rộng. Rõ rệt nhất là trong lúc Moskva muốn tạm dừng chiến dịch quân sự, thì ngược lại Teheran và Damas cùng muốn thừa thắng xông lên để đạt đến một "chiến thắng toàn diện", kiểm soát lại toàn bộ những vùng trong tay đối lập Syria.

Trở ngại sau cùng là khâu chuẩn bị cho một "cuộc tổng tấn công" nhắm vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Theo Libération, Nga ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của các lực lượng vũ trang Hồi giáo Shia Iran đối với quân đội Syria.

Trump, đe dọa hay cơ hội cho Châu Mỹ La Tinh ?

Vào lúc tân tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay vào tuần lễ làm việc đầu tiên, nhà báo Patrich Bèle trên Le Figaro nêu lên câu hỏi : "Trump, là cơ may hay mối đe dọa đối với Châu Mỹ La Tinh ?". Mexico và Cuba, khủng hoảng Venezuela và tiến trình hòa bình còn mong manh tại Colombia là những hồ sơ quan trọng chờ đợi tân chủ nhân Nhà Trắng.

Với Mexico, đối tác thương mại của Mỹ trong Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ -NAFTA, từ trước khi chính thức ngồi vào chiếc ghế tổng thống, ông Trump đã làm tổn hại quan hệ song phương qua những lời lẽ gay gắt nhắm vào Mexico khi cho rằng người lao động Mexico "cướp công ăn việc làm của công dân Hoa Kỳ (…) là những kẻ hiếp dâm, là những tên tội phạm gây ra bạo động" trên đất Mỹ. Lại cũng ông Trump dọa đánh thuế các tập đoàn nào muốn đầu tư vào Mexico …

Trong bối cảnh đó như một nhà trí thức của Mexico nhận định : Washington và Mexico đang đứng trước một cuộc "chiến trên mọi phương diện, ngoại trừ lĩnh vực quân sự".

Với Colombia, một quốc gia thân thiết khác của Hoa Kỳ và đã có công trong việc hàn gắn Washington với La Havana, Bogota chưa biết chính quyền Trump liệu có tiếp tục chính sách trợ giúp cho Colombia trên con đường vãn hồi hòa bình sau hơn 50 năm xung đột với phe nổi dậy FARC hay không.

Trước mắt mọi chú ý dồn về phía quan hệ trong những tháng tới giữa Mỹ và Cuba : liệu rằng, thành tích lịch sử nối lại bang giao với La Havana của tổng thống Barack Obama có bị Donald Trump xóa sổ hay không ? Những câu hỏi mà tác giả bài báo chưa thể giải đáp.

Nước Mỹ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng

La Croix trong bài "Mỹ chờ đợi cơ sở hạ tầng mới" cho biết, theo thẩm định của hiệp hội ASCE bao gồm các kỹ sư công chánh chuyên nghiệp, 1/3 cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Hoa Kỳ cần được nâng cấp. Để làm được việc này, chính quyền cần huy động 3.600 tỷ đô la từ nay đến năm 2020 tức là cho đến khi ông Donald Trump mãn nhiệm kỳ tổng thống. Câu hỏi đi kèm là chính quyền Washington lấy đâu ra khoản tiền đó ?

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội, bộ trưởng giao thông tương lai của ông Trump không ngần ngại cho rằng, nhà nước sẽ đóng góp một phần, nhưng đây là điều đi ngược lại với ý muốn cả cánh bảo thủ tại cả Thượng và Hạ viện Mỹ, như ghi nhận của tờ báo.

"Chuyện cười" ngày làm việc đầu tiên của tổng thống Trump

Ganh tị với số người đến dự lễ nhậm chức của Barack Obama, chỉ trích báo chí là "những tên nói láo nhất hành tinh", vuốt ve cơ quan tình báo. Libération ghi nhận, Donald Trump "tính sổ với những người, với những gì ông thù ghét" nhiều hơn là tập trung vào công việc quốc gia đại sự.

Ngày 21 tháng Giêng 2009, cách nay 8 năm, trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Barack Obama tập hợp các cố vấn về kinh tế và quân sự để nghe họ trình bày về khủng hoảng tài chính, hay tình hình tại Irak và Afghanistan. Vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ đã điện đàm với lãnh đạo Israel, lãnh đạo Cơ quan Quyền lực Palestine và Quốc vương Jordan để hiểu thêm về thùng thuốc súng ở Cận Đông.

Tám năm sau, ngày làm việc đầu tiên của tổng thống Donald Trump đã được dành để chỉ trích báo chí đăng hai bức ảnh so sánh ngày lễ nhậm chức của ông Trump thưa thớt người hơn so với bầu nhiệt huyết mà công chúng đã dành cho ông Obama.

Với ngành tình báo, chỉ ít ngày sau khi chỉ trích kịch liệt "cộng đồng" này phơi bày ra ánh sáng những báo cáo bất lợi cho ông, Donald Trump đến tận trụ sở CIA để khẳng định rằng ông ủng hộ CIA hơn bất kỳ một người tiền nhiệm nào, và trong tương lai, CIA sẽ phải năn nỉ Trump rằng "Thưa ngài tổng thống, đừng ủng hộ chúng tôi đến mức độ đó chứ !"

Báo kinh tế Les Echos nghiêm chỉnh hơn Libération khi nhắc lại, ngày 20/01/2017 chỉ vài giờ sau khi thân thiện từ giã Michelle và Barack Obama, Donald Trump đã bắt tay ngay vào việc "đập phá tan tành" những quyết định quan trọng nhất của nhiệm kỳ 8 năm Obama, mà điển hình là luật bảo hiểm y tế, là những chuẩn mực về môi trường, là hiệp định tự do mậu dịch TPP, dấu ấn của chính quyền Obama, hay NAFTA được ký kết dưới thời tổng thống Bill Clinton.

Chính trị Pháp : Hamon–Valls, hai thái cực của cánh tả

Quay lại với sự kiện chính được làng báo Pháp phân tích rộng rãi trong ngày : thắng lợi bất ngờ của ứng viên Benoit Hamon trong cuộc tuyển chọn sơ bộ bên cánh tả để chuẩn bị ra tranh cử tổng thống Pháp vào tháng 5/2017.

Le Figaro thân hữu đánh giá : "Ngựa về ngược" nhưng lại ở thế thượng phong, qua mặt cựu thủ tướng Manuel Valls đến trên dưới 5 điểm. Tờ báo trung lập Le Monde lo ngại kịch bản không tránh khỏi : "cuộc đọ sức tay đôi giữa hai ứng viên Hamon và Valls ở vòng nhì báo trước nguy cơ đảng Xã Hội tan vỡ".

Đảng Xã Hội "thoi thóp", sau cuộc bình chọn ngày hôm qua, như ghi nhận của báo La Croix. Dưới nhãn quan báo kinh tế Les Echos, đảng Xã Hội đang cầm quyền trải qua "mùa đông buốt giá". Trong bài xã luận, tờ báo này nói tới hai ứng viên vào vòng nhì Benoit Hamon- Manuel Valls : "hai thái cực không thể hàn gắn" trong hàng ngũ cánh tả. Ông Hamon thuộc thành phần "cánh tả trong cánh tả" còn Manuel Valls thì có lập trường "trung tả" thiên về mô hình xã hội dân chủ tự do theo kiểu của Đức nhiều hơn.

Les Echos tự hỏi : liệu rằng Manuel Valls có cơ may đại diện cho cánh tả nữa hay không ? Libération thân tả chơi chữ : đảng Xã Hội bị cắt làm đôi, cánh tả bị chia ra làm bốn. Le Figaro thiên hữu châm biếm báo trước, ở vòng nhì dù là Valls hay Hamon giành được thắng lợi, chẳng người nào đủ sức để hàn gắn lại "cánh tả đã tả tơi" .

Mặt trời, một vì sao chết ?

Nếu đã quá chán những bài viết về Donald Trump, về những tranh cãi trên chính trường Pháp bốn tháng trước bầu cử tổng thống, về những dự báo tăng trưởng đầy bất trắc của ông khổng lồ Trung Quốc ... độc giả chắc hẳn sẽ thú vị với bài báo trên Les Echos nói về kịch bản ngày "ông Mặt Trời trút hơi thở cuối cùng".

Có thể là trong 5 tỷ năm nữa, khi nguồn ánh sáng duy nhất của nhân loại bị thu hẹp dần rồi vụt tắt. Nhưng trước đó, chỉ khoảng 1 tỷ năm nữa thôi, nhiệt độ trên mặt đất sẽ lên tới 100 °C. Ao hồ, biển cả và đại dương khô cạn. Thực và động vật trên trái đất bị thiêu rụi… Nhưng không hẳn là tất cả bị tuyệt chủng, bởi biết đâu từ nay đến đó loài người tìm được những vùng đất hiền hòa hơn ở một hành tinh nào đó ngoài quỹ đạo Mặt Trời.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 688 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)