Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trump có thực sự đe dọa Trung Quốc ?

Tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cầm quyền vừa đúng một tháng. Trên báo Pháp, có nhiều sơ kết. Trước hết, xin giới thiệu bài phân tích của Le Figaro "Trump có thực sự là một mối đe dọa với Trung Quốc ?". Bài viết nhấn mạnh sự tương phản giữa một bên là các đe dọa của Donald Trump nhắm vào Trung Quốc, khiến nhiều chuyên gia dự đoán một cuộc "chiến tranh kinh tế" và "các tranh chấp lãnh thổ gia tăng", nhưng mặt khác, đe dọa từ nước Mỹ rất có thể được Tập Cận Bình sử dụng để củng cố quyền thống trị trong nước.

trump1

Trump và Trung Quốc - Ảnh : Getty_image

Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, Cyrille Pluyette, trước hết ghi nhận, tổng thống Mỹ đã phải chấp nhận một bàn thua trước hoàng đế đỏ Tập Cận Bình, khi thừa nhận trở lại chính sách một nước Trung Hoa, vốn là nền tảng quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh từ 1979, điều mà ông Trump từng để lộ khả năng sẽ xem xét lại. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới vẫn còn rất căng thẳng.

Le Figaro lần lượt điểm hai lĩnh vực chính. Trước hết về kinh tế, câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao trước các áp lực của Mỹ ? Trước đe dọa của Washington tăng thuế đến 45% các mặt hàng nhập khẩu, để chống lại việc Trung Quốc kìm giá đồng yuan, Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách trừng phạt các tập đoàn lớn của Mỹ gắn bó với thị trường Trung Quốc, như hãng xe hơi General Motors. Tuy nhiên, nếu trả đũa Mỹ, kinh tế Trung Quốc cũng phải gánh chịu thiệt hại nặng, vì hàng sang Mỹ chiếm tới 1/5 hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, và tăng trưởng trong lĩnh vực này đang chững lại.

Trung Quốc lo ngại chính sách khuyến khích đầu tư, cùng chính sách tiền tệ mới của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ thúc đẩy giới nhà giàu Trung Quốc tuồn vốn ra ngoài. Làn sóng rút vốn, lên đến 725 tỉ đô la năm 2016, nếu tiếp diễn sẽ gây áp lực buộc đồng nhân dân tệ phải xuống giá, với hệ quả là hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, và điều này càng thúc đẩy việc đưa vốn ra ngoài Trung Quốc. Nhìn chung, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có nhân nhượng về chính sách tiền tệ, để tìm cách tránh một cuộc chiến thương mại, sẽ khiến cả hai bên cùng suy yếu.

Về vấn đề Biển Đông, theo Le Figaro, cho dù Washington đã xuống thang trong chuyện Đài Loan, Bắc Kinh vẫn rất lo ngại những quan hệ "không chính thức" của ông Trump với Đài Bắc, hiện đang dưới quyền của một tổng thống có xu hướng ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất tại khu vực này là chính sách hết sức khó đoán định của ê kíp tân tổng thống Mỹ đối với các thực thể địa lý mà Trung Quốc đang kiểm soát ở quần đảo Trường Sa. Theo chuyên gia Valérie Niquet, được Le Figaro dẫn lại, chính quyền Bắc Kinh rất căng thẳng, vì nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ, quân đội Trung Quốc "không có khả năng giành chiến thắng". Trung Quốc hiện nay đang giữ một "thái độ chờ đợi" và "liên tục có các biểu hiện phô trương sức mạnh, nhằm thuyết phục Hoa Kỳ bỏ ý định lao vào một xung đột".

Tuy nhiên, ngoài hai vấn đề cạnh tranh kinh tế và căng thẳng Biển Đông, điều chủ yếu mà Le Figaro chú ý là tác động của chính sách mới của chính quyền Trump đến chính trị nội bộ của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Pháp Juliette Genevaz rút ra một nghịch lý là : "các đe dọa của Mỹ "có thể giúp lãnh đạo số một của Trung Quốc tập trung quyền lực vào tay mình, hơn là làm ông ta suy yếu". Đối kháng từ Hoa Kỳ càng giúp cho Tập Cận Bình khẳng định lập trường dân tộc chủ nghĩa, vốn đã được quảng bá rất mạnh. Nhà chính trị học Willy Lam, người Hồng Kông, cảnh báo trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tinh thần yêu nước cuồng nhiệt đang trở thành "trụ cột duy nhất" làm nên tính chính đáng của đảng cộng sản trong mắt người dân.

Le Figaro nhấn mạnh thêm, chính "quan điểm hiếu chiến và chủ nghĩa biệt lập Mỹ của Donald Trump sẽ có thể giúp cho Tập Cận Bình khẳng định như một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới"… "Lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ để lại, chủ tịch Trung Quốc tỏ ra, đặc biệt đối với Châu Âu, là một đối tác tin cậy, và thậm chí có tiếng nói trọng lượng hơn trong việc lãnh đạo thế giới". Cho đến nay, Le Figaro đánh giá "Tập Cận Bình đã thành công trong việc đối phó với đối thủ Mỹ bất thường, vấn đề là xem tiếp hồi hai diễn biến ra sao…".

Tập Cận Bình chống tham nhũng theo kiểu gãi ngoài da

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, báo Le Monde có bài "Chương trình chống tham nhũng của Tập Cận Bình chỉ là gãi trên da", tựa phỏng vấn nhà chính trị học Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), giáo sư chính trị học tại Claremont McKenna College, California, tác giả cuốn "China’s Crony Capitalism" (tạm dịch là "Chủ nghĩa tư bản thông đồng", Nhà xuất bản Havard, ấn hành năm ngoái 2016). Theo tác giả, nạn tham nhũng là không thể diệt trừ tại Trung Quốc, bởi "các nguyên nhân căn bản của tệ nạn này đã bắt rễ trong hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc".

Nhà chính trị Minxin Pei nhận xét : các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát rất nhiều tài sản của quốc gia, điều này cho phép họ biến quyền lực chính trị thành lợi ích vật chất cho cá nhân. Và đây chính là yếu tố căn bản của hệ thống, cho dù chế độ cộng sản Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế trong 40 năm, cổ phiếu do Nhà nước kiểm soát vẫn chiếm hơn 50% GDP, với khoảng 5.000 tỉ đô la. Trong cuộc thanh trừng tham nhũng vừa qua, theo tác giả, lý do tham nhũng về kinh tế chỉ là 40%, lý do chính trị là 60%.

Dự báo về tương lai của chế độ cộng sản Trung Quốc, tác giả cho rằng chế độ tham nhũng tận xương tủy này, trước khi sụp đổ, sẽ phải trải qua một giai đoạn suy yếu kéo dài vài thập niên. Tác giả so Trung Quốc hiện nay với Liên Xô, trước khi rơi vào sụp đổ, đã có một thời kỳ suy thoái kéo dài ít nhất 20 năm.

Tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và tấm bản đồ đảo ngược

Nhật báo Pháp giới thiệu với độc giả quan điểm quân sự mới của Trung Quốc, thông qua một tấm bản đồ của Viện Hàm Lâm Khoa Học Trung Quốc, cho thấy một cách nhìn hoàn toàn mới và tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh (Bài "Trung Quốc, cái rốn của thế giới").

Trong bản đồ này, không phải Thái Bình Dương nằm giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà là Bắc Cực. Tác giả của tấm bản đồ, ông Hao Xiaoguang (Hác Hiểu Quang), ca ngợi trên truyền hình đây là "một cuộc cách mạng trong nhận thức", "bẻ gẫy hoàn toàn quan điểm về thế giới mà phương Tây áp đặt từ hàng trăm năm". Bản đồ đã được Cơ quan Quản lý Bắc và Nam Cực của Trung Quốc sử dụng chính thức trong các cuộc thám hiểm, và điều mà ông Hao Xiaoguang rất tự hào là Quân Đội Trung Quốc cũng đã sử dụng bản đồ này.

Theo truyền thông Trung Quốc, điều này giúp cho việc cải thiện hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc. Người ta có thể thấy "con đường từ Trung Quốc đến New York qua Bắc Cực gần hơn là qua Thái Bình Dương, bằng máy bay, và trong trường hợp xung đột, thì bằng tên lửa…".

Trump tìm cách kiểm soát tình hình sau một tháng hỗn loạn

Về một tháng cầm quyền đầu tiên của tổng thống Mỹ, báo Les Echos có bài : "Donald Trump cố kiểm soát tình hình sau một tháng hỗn loạn". Cho đến nay, không hứa hẹn cải cách nào của tổng thống – sẽ tiến hành trong một trăm ngày cầm quyền đầu tiên – đã được thực hiện trong tháng vừa qua. Nhà Trắng cũng đứng trước nhiều thất bại cay đắng về nhân sự, đặc biệt với sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống. Chính quyền Donald Trump hy vọng lấy lại uy tín với một sắc lệnh mới về nhập cư, mà bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly bảo đảm là sẽ "hợp lý" hơn, cụ thể là những người có thẻ xanh, tức thẻ định cư dài hạn, sẽ không bị ngăn cản vào Mỹ, như sắc lệnh gây sốc trước đó, bị tư pháp đình chỉ.

Le Monde có bài "Donald Trump, vĩnh viễn là ứng cử viên" chú ý đến cuộc mít tinh ngày thứ Bảy 18/02 tại Florida, nơi tân tổng thống Mỹ tiếp xúc cử tri. Người phát ngôn của tổng thống Mỹ cho biết không phải Nhà Trắng phụ trách chuyến đi, mà là ê kíp tranh cử của nhà triệu phú. Còn trước đó, trong cuộc họp báo ngày 16/02, tân tổng thống Mỹ lại một lần nữa – lần thứ ba trong cùng một tuần – tự ca ngợi về chiến thắng bầu cử ngày 08/11/2016, giống như ông bày tỏ trong cuộc gặp thủ tướng Canada và thủ tướng Israel.

Chính quyền Trump đang gặp trở ngại lớn trong vấn đề nhân sự. Theo Le Monde, một phần quan trọng trong số 4.000 vị trí trong chính quyền hiện còn trống người. Điều này, một phần do bất đồng của phe Dân chủ trong Quốc hội, nhưng một phần cũng do tính chất a-ma-tơ của chính quyền Donald Trump, mà một biểu hiện rõ nhất là tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong chính sách đối ngoại.

Trump được cử tri Cộng hòa ủng hộ mạnh

Tuy tính cách hoạt động nghiệp dư, nhưng hiếm khi có một tổng thống đảng Cộng hòa được cử tri của đảng này ủng hộ mạnh mẽ như với Donald Trump, kể cả Ronald Reagan trước đây, theo một điều tra của Pew Research Center, được Le Monde dẫn lại. Tình hình này có lẽ đã khiến cho đảng Cộng Hòa "giữ im lặng trước các thất bại của tân tổng thống".

Chiến lược gia trong bóng tối của Donald Trump

Les Echos dành trang "Điều tra" để giới thiệu cặn kẽ với độc giả về cuộc đời và tư tưởng phức tạp của nhân vật nằm trong bóng tối, được coi là có ảnh hưởng lớn nhất đến tân tổng thống Mỹ : "chiến lược gia" Stephen Bannon, sinh năm 1953, một người được coi là "xuất thân từ thành phần trung lưu da trắng, "bị bỏ rơi" và là đối tượng chiêu dụ của Donald Trump".

Ám ảnh của Stephen Bannon là "một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sắp xảy ra". Chiến lược gia tương lai của Donald Trump từng "vô cùng căm phẫn" khi chứng kiến cảnh người cha sạt nghiệp do cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và nuôi hy vọng chống lại giới tinh hoa cầm quyền, bị coi là đã để mặc nước Mỹ trong suy thoái.

Liên minh Melanchon – Hamon không thành, Fillon "trụ vững"

Trở lại tình hình nội bộ Pháp, cuộc tranh cử tổng thống tiếp tục là chủ đề trang nhất của nhiều báo. "Melanchon – Hamon : thế là hết" là hàng tựa của báo Libération. Theo tờ báo thiên tả, không còn ai tin vào sự xích lại gần nhau giữa hai ứng cử viên tổng thống chính của cánh tả. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Xã Hội và lãnh đạo phong trào "Nước Pháp không khuất phục" đã đổ cho nhau trách nhiệm về sự chia rẽ này. Theo Libération, "thất bại này khiến trách nhiệm trên vai Benoit Hamon (người có tỉ lệ ủng hộ cao hơn ông Melanchon trong các thăm dò dư luận) - trở nên có phần nặng nề hơn".

Về phía cánh hữu, tờ báo đối lập Le Figaro nhận xét : "ứng cử viên từng được coi là hoàn toàn có thể thay thế chính quyền Hollande chỉ được 18% đến 20% cử tri dự định bỏ phiếu, đây là một con số thấp không thể tin nổi. Tuy nhiên, bất chấp các xáo động về tư pháp, chính trị và truyền thông, lực lượng cử tri trung thành vẫn kháng cự lại được…". Le Figaro tin tưởng : "với một ngưỡng thấp để có thể lọt vào vòng hai, với tỉ lệ 20%, mỗi nửa điểm kiếm được vẫn là một lý do để nuôi hy vọng, đối với ứng cử viên của đảng Những Người Cộng Hòa".

Tránh thảm họa Bangladesh : Pháp bỏ phiếu dự luật an toàn cho công nhân

Phụ trương kinh tế Les Echos chú ý đến cuộc bỏ phiếu ngày mai tại Quốc hội Pháp, về dự luật buộc các tập đoàn kinh tế (hơn 10.000 nhân công), có trụ sở tại Pháp, phải có nghĩa vụ đối với điều kiện an toàn lao động cho công nhân tại các doanh nghiệp nhánh. Dự luật do đảng cầm quyền đề xuất, được chuẩn bị từ bốn năm nay, nhằm mang lại các khuôn khổ pháp lý cần thiết nhằm tránh tái diễn một thảm họa như tại Bangladesh, hồi 2013, khiến hơn 1.000 công nhân thiệt mạng.

Nếu được thông qua, theo người chủ trì dự luật, dân biểu Xã hội Dominique Potier, đây là "lần đầu tiên" trên thế giới có một luật qui định rộng rãi về vấn đề này.

Trong khi đó, dự luật bị Medef, hiệp hội của giới chủ Pháp, phản đối. Theo nhiều chủ doanh nghiệp, luật này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, vì một tập đoàn quốc tế, rất khó kiểm soát được thực sự hoạt động của các nhà thầu, tham gia vào dây chuyền sản xuất. Medef tin tưởng Tòa Bảo Hiến sẽ bác luật. Đảng đối lập LR hy vọng dự luật cần được sửa đổi.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Tình báo Pháp tuyển mộ điệp viên từ các đại học danh tiếng

An ninh Pháp được đặt trên đôi vai của thế hệ trẻ, Shinzo Abe thuyết phục được Donald Trump hậu thuẫn đối đầu với Trung Quốc, trong khi Kim Jong-un giỡn mặt với tân tổng thống Mỹ. Hollywood, công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh, Đài Loan, ngọn hải đăng dân chủ tại Châu Á là một số chủ đề chính trong mục điểm báo hôm nay, 13/02/2017.

phap1

Giờ học trên máy tính của trường trung học Cormontaigne, Metz, Pháp, ngày 22/04/2016 JEAN-CHRISTOPHE VERHAEGEN / AFP

Tình báo Pháp DGSE tuyển mộ 600 điệp viên

Cuộc vận động tranh cử tổng thống đến xung đột giữa giới trẻ với cảnh sát Pháp ở một vùng ngoại ô bắc Paris nay có nguy cơ lan rộng vẫn chiếm trang nhất. Nhưng Le Figaro, đập vào mắt độc giả với hàng tựa : Nước Pháp tuyển dụng một thế hệ gián điệp mới. Để đối phó với đe dọa càng ngày càng nghiêm trọng của khủng bố, của chiến tranh mạng, Tổng Cục Tình báo hải ngoại (Direction générale de la sécurité extérieure - DGSE) tuyển mộ 600 điệp viên từ nay đến cuối năm 2019, hầu hết là sinh viên mới tốt nghiệp.

DGSE cần những chuyên gia lỗi lạc từ giới kỹ sư, chuyên gia hạt nhân tên lửa, mật toán (cryptomathématicien) cho đến những sinh viên thông thạo nhiều sinh ngữ nhất là tiếng Ba Tư, tiếng Triều Tiên. Cơ quan phản gián (Direfction générale de la sécurité intérieure - DGSI), đặc trách an ninh quốc nội cũng tăng cường nhân lực từ khi nước Pháp trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công đẫm máu.

Để thu hút nhân tài, hai cơ quan an ninh Pháp trực tiếp gửi người đến tận các đại học danh tiếng của Pháp như Quốc gia Hành chánh (Ecole nationale de l'administration - ENA), các trường kỹ sư đề nghị lương cao hơn xí nghiệp tư có thể lên đến 40.000 euro một năm cho một sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm. Bên cạnh tiền lương hấp dẫn là những điều kiện nghiêm ngặt : những ứng viên được sơ tuyển phải chứng tỏ có năng khiếu hoạt động âm thầm, thất bại hay thành công đều ở trong bóng tối, tuyệt đối tôn trọng lời thề giữ bí mật quốc phòng, trung thành với tổ quốc… Nếu có ý lấy vợ Trung Quốc hay du lịch Bắc Triều Tiên thì tức khắc ban tuyển mộ sẽ nhận được báo động đỏ.

Một trong những lo âu của tình báo Pháp là thiếu nhân viên giỏi tiếng nước ngoài. Cụ thể lực lượng chống khủng bố cần thêm 5 nhân viên thông thạo tiếng Ả Rập mà vẫn chưa có ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Theo nhận định của nhật báo cánh hữu, chân dung điệp viên của cuối thập niên này hoàn toàn khác với những 007 do điện ảnh thể hiện mà phải là những con người có tinh thần dấn thân vì nước . Cũng như những sĩ quan đồng đội chiến đấu trên chiến trường, điệp viên thế hệ mới của Pháp cũng phụng sự đất nước, nhưng một cách âm thầm.

Trong khi các cơ quan tình báo củng cố tổ chức thì cảnh sát Pháp có mối lo âu khác mà Le Figaro cũng như L’Humanité đưa lên trang nhất : bạo loạn ở ngoại ô Paris có nguy cơ lan rộng sau vụ một thanh niên da đen bị bốn nhân viên cảnh sát bạo hành.

Shinzo Abe thua "gôn" để thắng ngoại giao

Thủ tướng Nhật Bản là lãnh đạo quốc tế duy nhất được tân tổng thống Mỹ, từ ngày đắc cử, hội kiến hai lần. Đánh gôn và được Donald Trump trấn an là tựa của Le Monde. Trong khi đó, Les Echos nhấn mạnh đến lời tuyên bố "Trump chào mừng liên minh 100% Mỹ-Nhật".

Trong bài "chính sách ngoại giao mới của Washington", nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng "chính Bình Nhưỡng đã thúc đẩy Donald Trump và Shinzo Abe tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật". Lợi dụng vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa, lãnh đạo Mỹ- Nhật đã phô trương tinh thần liên đới trong cuộc họp hôm Chủ nhật 12/02/2017. Để thuyết phục Donald Trump, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa cam kết cố gắng đóng góp thêm vào lãnh vực quốc phòng. Tuy lời hứa tương đối mơ hồ nhưng đủ để Hoa Kỳ lên tiếng sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp lãnh thổ bị xâm phạm, kể cả quần đảo Senseku/ Điếu Ngư mà Trung Quốc tranh giành một cách ồn ào. Nhật báo kinh tế Pháp kết luận dí dỏm : trong chuyến công du nước Mỹ, thủ tướng Nhật có thể tự hào là ông chỉ gặp một thất bại, đó là thua trận đấu "gôn" với Donald Trump ở Florida.

Một cách nghiêm túc, nhà bình luận Jaques Hubert-Rodier trong bài "Trump và Châu Á, hồ sơ không thể tránh" cảnh báo : chính sách Châu Á của Donald Trump rất mù mờ. Khi bỏ TPP, tân tổng thống Mỹ đã tặng cho Bắc kinh một món quà bất ngờ. Nhưng khi lên án Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông, tân tổng thống Mỹ lại gửi một tín hiệu trái ngược. Đối với Nhật Bản, ông Trump cuối cùng hiểu ra rằng không thể xem nhẹ quần đảo Phù Tang, đồng minh không thể thiếu từ kinh tế, thương mại cho đến quân sự, nơi mà Hoa kỳ có một số căn cứ chiến lược. Châu Á xứng đáng là trọng tâm của chính sách "tái định vị" vào lúc Hoa Kỳ không còn là siêu cường vô địch. Đã đến lúc tổng thống Trump phải ý thức thực tế này.

Kim Jong-un vuốt râu hùm

Trang quốc tế của Le Figaro làm nổi bật tình thế mâu thuẫn trong quan hệ giữa Donald Trump và quốc tế. Vào lúc áp lực của tân tổng thống Mỹ trên hồ sơ thương mại làm hai quốc gia láng giềng lớn là Canada và Mexico lui về thế thụ động thì ở Châu Á xa xôi, anh chàng Kim Jong-un dám vuốt râu hùm : phóng hỏa tiễn "tầm xa" ra biển Nhật Bản vào lúc chủ nhân Nhà Trắng đón thủ tướng Shinzo Abe mà không có một phản ứng nào. Theo Le Figaro, Kim Jong-un tính toán rất kỹ không vượt làn ranh đỏ, không thử tên lửa liên lục địa như đã dọa trước đây.

Đài Loan : hải đăng dân chủ

Đã đến Châu Á thì không thể bỏ qua Đài Loan. Nhật báo công giáo La Croix dành hơn một trang để giới thiệu và phỏng vấn phó tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien Jen) trong bối cảnh tình hình Châu Á căng thẳng và chính sách ngoại giao của Washington chưa rõ ràng. Được bà Thái Anh Văn mời ra đứng chung "ê-kíp" tranh cử, và đắc cử, bác sĩ phó tổng thống Đài Loan là một chuyên gia dịch tễ học danh tiếng thế giới. Trả lời câu hỏi liệu tuyên bố mới đây của tân tổng thống Mỹ "nhìn nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa" có hại gì cho hải đảo hay không, phó tổng thống Trần Kiến Nhân cho rằng không những được tân tổng thống Mỹ ủng hộ mà trong nhóm cộng sự viên của chủ nhân Nhà Trắng có nhiều người là "bạn" của Đài Loan. Ngoại trưởng Rex Tillerson gần đây cũng xác nhận lập trường ủng hộ Đài Loan. Hiện nay 64% tiền đầu tư của Đài Loan ra nước ngoài là đổ vào Hoa lục nhưng Đài Bắc đã thay đổi chiến lược, bớt chơi với Trung Quốc để tăng cường đầu tư vào những cường quốc khác từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Á cho đến Liên Hiệp Châu Âu. Đài Loan cũng định hướng cải cách kinh tế, tập trung phát triển công nghệ sạch và an toàn, thoát ra khỏi năng lượng hạt nhân, tập trung thu hút đầu tư nghiên cứu y học, sinh học, quốc phòng, nông nghiệp vượt lên trên những thành tựu điện tử bán dẫn, nội lực của công nghệ Đài Loan hiện nay.

Về câu hỏi sự kiện một tín đồ công giáo được bầu làm phó tổng thống trong khi sĩ số giáo dân chỉ có vỏn vẹn 300.000 người, ông Trần Kiến Dân cho biết sự kiện này cho thấy Đài Loan là một quốc gia dân chủ, chính phủ đứng ngoài tôn giáo. Đảng Dân Tiến được phong trào xã hội "hoa hướng dương" với chủ trương đoạn tuyệt với chính sách thân Bắc Kinh của Quốc Dân Đảng, đưa lên ghế lãnh đạo thể hiện tinh thần can đảm của xã hội công dân muốn củng cố chế độ dân chủ tự do tại Đài Loan khác biệt với Trung Quốc. Đài Loan cũng có nhiều bạn bè cùng chí hướng tại Hồng Kông, tại Macao và ở Trung hoa lục địa xem Đài Loan là ngọn "hải đăng" của nền dân chủ ở Đông Nam Á.

Hollywood, công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh

Về thời sự Trung Quốc, trong khi Le Monde mời độc giả tham gia tranh luận về tình trạng hố sâu phân hóa giàu nghèo ở Hoa Lục càng ngày càng lớn do chính sách "đặc quyền đặc lợi" của Bắc Kinh thì Le Figaro nhấn mạnh đến chiến lược chinh phục Hollywood của giới doanh nhân tỷ phú Trung Quốc mà đứng đầu là chủ tịch tập đoàn Alibaba Mã Vân.

Mục tiêu thật sự của chiến lược này là thao túng thị trường điện ảnh để phát huy "quyền lực mềm" tuyên truyền cho chế độ độc tài Bắc Kinh và sau đó là thu tóm kinh nghiệm để một mình một chợ sản xuất các đại tác phẩm. Chưa chi mà nhiều cốt chuyện phim đã bị sửa đổi để làm hài lòng Trung Quốc. Cụ thể, trong phim Pixels, thay vì Vạn Lý Trường Thành bị tấn công thì tòa lâu đài Taj Mahal ở Ấn Độ phải bị sụp đổ. Hay trong phim The Martian "Một mình trên sao hỏa", phi hành gia Mỹ (Matt Damon) được "cơ quan không gian Trung Quốc cứu thoát".

Vấn đề, theo giới chuyên gia điện ảnh, thì Hollywood tuy dễ chiếm nhưng khó kiểm soát lâu dài. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Canada, Pháp đã từng "vỡ mộng" trong quá khứ. Holywood là nơi đầu tư của hàng trăm tài sản lớn trên thế giới mà tính mờ ám là sức mạnh. Trung Quốc không chỉ muốn sử dụng Hollywood như một giàn nhún mà còn muốn thu tóm hết. Trung Quốc sẽ chết vì trượt chân trên thảm đỏ. Lịch sử điện ảnh Hollywood không phải là một dòng sông êm ả.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Donald Trump đặt Đài Loan vào một tình thế tế nhị

Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tờ Le Figaro hôm nay điểm qua những hồ sơ lớn mà chính quyền Trump phải giải quyết, trong đó đặc biệt có vấn đề Đài Loan.

dailoan1

Tổng thống Mỹ Donald TrumpREUTERS/Kevin Lamarque

Với hàng tựa "Đài Loan trong tình thế tế nhị", tờ Le Figaro mở đầu bài viết với câu hỏi : "Phải chăng Donald Trump đã tặng một món quà tẩm độc cho tổng thống Đài Loan khi nhận cú điện thoại của bà, vài tuần sau khi đắc cử tổng thống Mỹ ?".

Khi muốn bảo đảm sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bà Thái Anh Văn thừa biết rằng hành động này sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Nhưng chắc là bà không ngờ rằng vị tỷ phú Mỹ sẽ dùng Đài Loan như là món hàng trao đổi trong tương quan lực lượng với Trung Quốc.

Trong vai trò bia đỡ đạn, Đài Bắc có nguy cơ chịu áp lực ngày càng mạnh từ Hoa lục vào lúc quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống. Thật ra, theo Le Figaro, chính quyền hiện nay ở Đài Loan không hề muốn cắt đứt mọi liên hệ với Bắc Kinh, trong khi vẫn tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, Đài Loan thậm chí sẽ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế, bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nếu Bắc Kinh chấp nhận những thỏa hiệp với Mỹ, như nhận định của chuyên gia Valérie Niquet, đặc trách Châu Á của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Figaro trích dẫn.

Một bộ phận người dân Đài Loan đang sợ rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa lục, mà tổng thống Mỹ, vốn theo xu hướng biệt lập, sẽ không can thiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng Hoa Kỳ có thể, một mặt duy trì áp lực lên Bắc Kinh và mặt khác, tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan, nhất là về mặt quân sự.

Hy Lạp lại gây lo ngại

Về Châu Âu, Libération đặc biệt quan ngại về nguy cơ Grexit đang trở lại, tức là nguy cơ mà Hy Lạp cũng sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu do khủng hoảng nợ công.

Mặc dù người dân Hy Lạp từ nhiều năm qua đã thắt lưng buộc bụng, nhưng chính phủ Athens vẫn đang vất vả cố đạt được những mục tiêu mà các chủ nợ đề ra. Theo Libération từ nhiều tháng qua, đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ giậm chân tại chỗ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo rằng cho dù thực hiện đầy đủ những cải tổ đã được thông qua trong khuôn khổ kế hoạch trợ giúp của quốc tế, về dài hạn, nợ công cũng như nhu cầu tài chính của Hy Lạp sẽ "bùng nổ".

Chính vì vậy mà theo Libération, ở Hy Lạp nay người ta lại nói đến viễn cảnh nước này ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Grexit), giống như Anh Quốc (Brexit). Theo lời một nhà nghiên cứu được Libération trích dẫn, người dân Hy Lạp chưa muốn ra khỏi khu vực euro ngay bây giờ, nhưng số người ủng hộ phương án này đang gia tăng đều đặn.

Báo động về Hồi giáo cực đoan tại Bỉ

Vẫn tại Châu Âu, tờ Le Figaro chú ý đến tình trạng Hồi giáo cực đoan chi phối ngày càng nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo ở Bỉ.

Đó là báo động của một tổ chức độc lập đặc trách thẩm định dùm chính phủ Bỉ nguy cơ khủng bố tại vương quốc này. Trong một báo cáo mật vào tháng 11/2016 và vừa được báo chí Đức công bố, tổ chức OCAM cho biết là ngày càng có nhiều đền thờ và trung tâm Hồi giáo chịu ảnh hưởng của hệ phái wahabisme, tức Hồi giáo cực đoan. Hiện tượng này cũng diễn ra trên "mặt trận" truyền hình và Internet. Các tu sĩ theo xu hướng ôn hòa không thể chống cự được và ngày càng bị thua trong "trận chiến" này tại một quốc gia có đến 800 ngàn người Hồi giáo.

Theo Le Figaro, nhiều nghị sĩ Quốc hội Bỉ đã yêu cầu công khai nguồn tài chính cho những nơi thờ phượng, với hai quốc gia bị nhắm đến nhiều nhất là Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh. Những nước này đào tạo các tu sĩ Hồi giáo và tài trợ trực tiếp cho các trung tâm Hồi giáo ở Bỉ.

Thật ra thì những chuyện đó người ta cũng đã biết từ lâu, nhưng cái mới, theo nhấn mạnh của tổ chức OCAM, là có mối liên hệ rõ ràng giữa Hồi giáo cực đoan với khủng bố.

Đức lo ngại xu hướng bảo hộ mậu dịch

Năm 2016, Đức đã đạt mức thăng dư mậu dịch kỷ lục, nhưng kết quả đó lại gây khó khăn cho cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Âu này trước các đối tác thương mại. Đó là vấn đề được Les Echos đề cập đến.

Theo số liệu thống kê được công bố hôm qua, trong năm 2016, Đức đã đạt mức thặng dư lên tới 253 tỷ đôla, nhưng chính quyền Berlin lại không dám tỏ ra đắc thắng, trong bối cảnh mà chính sách kinh tế của nước này bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump cho là "không công bằng" và bị chủ nhân mới của Nhà Trắng dọa chiến tranh thương mại.

Theo Les Echos, chính phủ Đức ý thức mối nguy hiểm từ sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đe dọa đến mô hình kinh tế của nước họ. Sau Brexit và Donald Trump, nay Berlin lo ngại đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia thắng cử ở Pháp. Cho nên, họ lại rất mừng khi thấy từ tháng 11 đến tháng 12/2016, xuất khẩu của Đức đã sụt đến 33%, trong khi nhập khẩu vẫn ổn định !

Daesh và cuồng tín tôn giáo

Tờ nhật báo công giáo La Croix hôm nay báo động về tình trạng cả trăm thánh địa ở miền Bắc Iraq đã bị lực lượng Daesh xâm phạm hoặc phá hủy.

Tờ báo nhắc lại rằng, kể từ khi chiếm miền bắc Iraq vào năm 2014, tổ chức Nhà Nước Hồi giáo muốn xóa bỏ mọi vết tích các nhiều thiểu số tôn giáo ở Iraq. Một báo cáo của chính quyền địa phương của vùng Kurdistan Iraq đã liệt kê hàng trăm tòa nhà thiêng liêng bị phá hoại hoặc bị xóa hoàn toàn khỏi bản đồ, tại vùng ranh giới giữa vùng Kurdistan với các tỉnh nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền trung ương Bagdad.

Trong số đó có đến khoảng 50 nhà thờ Hồi giáo, cho thấy là lực lượng Daesh tấn công cả vào những nơi thờ phụng Hồi giáo mà họ cho là không "thuần khiết". Đau nhất là đền thờ Jonas, được xây từ trước Công nguyên, đã bị những kẻ Hồi giáo cuồng tín đặt mìn giật sập. Phần hầm của đền thờ này, nơi trước đây là một cung điện và chưa bao giờ được khai quật, đã bị các chiến binh Nhà nước Hồi giáo, cướp phá sạch.

Như vậy là cho dù đã chiến bại,     có thể ăn mừng một chiến thắng của họ : sửa đổi lại địa lý tôn giáo của Iraq, đặc biệt là địa lý của Hồi giáo, nay không còn tính chất đa dạng ở địa phương nữa.

Chính trị và kỳ thị tôn giáo, đẳng cấp tại Ấn Độ

Sự phân biệt đẳng cấp vẫn đè nặng lên bầu cử ở Ấn Độ. Đó là đề tài mà La Croix nêu lên qua bài viết của thông tín viên tờ báo này từ New Delhi, nói về cuộc vận động tranh cử ở bang Uttar Pradesh.

Cử tri tại bang đông dân nhất Ấn Độ, với 200 triệu người, sẽ bầu hội đồng lập pháp mới, từ ngày 11/02 đến 08/03. Đây là một cuộc trắc nghiệm quan trọng đầu tiên, nếu không muốn nói là quan trọng nhất, trong số 5 cuộc bầu cử địa phương đầu năm nay.

Theo La Croix, cũng như vào mỗi lần tranh cử tại quốc gia Ấn Độ giáo này, các ứng cử viên lại dùng chiêu bài phân biệt cộng đồng, đẳng cấp và tôn giáo. Chiến lược này vẫn rất phổ biến, mặc dù về mặt chính thức không ai thừa nhận việc này.

Tờ La Croix cho biết, tuy Tòa án Tối cao Ấn Độ năm nay đã muốn áp đặt tính chất "phi tôn giáo" của bầu cử, nhưng thói quen tranh cử khó mà bị xóa đi tại một bang mà tổ chức xã hội chủ yếu vẫn dựa trên đẳng cấp. Ứng cử viên này thì hứa sẽ ban hành lệnh giới nghiêm tại các vùng có đông người Hồi giáo, ứng cử viên kia thì cam kết sẽ không cho các tín đồ Hồi giáo đi bỏ phiếu

Pháp và năng lượng tái tạo

Về năng lượng, tờ Libération hôm nay dành đến hai trang để nói về gỗ, năng lượng tái tạo được sử dụng nhiều nhất ở Pháp, qua bài phóng sự ở vùng Côte d’Or.

Tờ báo nhắc lại rằng, từ thuở xa xưa, khi biết làm ra lửa, nhân loại đã sử dụng củi làm năng lượng. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Pháp, củi là năng lượng tái tạo hàng đầu, chiếm tỷ trọng 40% tổng năng lượng tái tạo, hơn nhiều với thủy điện (20 %), điện gió (8%) và điện Mặt trời (3%). Mục tiêu mà Pháp đề ra là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên đến 23% vào năm 2020 và trong đó củi vẫn chiếm hàng đầu.

Theo Libération, để năng lượng củi tiếp tục phát triển, không thể chỉ dựa vào nhu cầu sử dụng cá nhân, mà còn phải gia tăng sử dụng củi trong các hệ thống sưởi của các chung cư, nhà máy, trong nông nghiệp hoặc trong ngành dịch vụ.

Trang nhất các báo

Trên trang nhất số đề ngày hôm nay, tờ Le Monde chú trọng đến ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, đang bị thúc ép phải công bố chương trình tranh cử của ông.

Với hàng tựa "Aulnay. Cây dùi cui ô nhục", tờ Libération trở lại vụ cảnh sát Pháp đánh đập dã man một thanh niên mà họ bắt giữ ở thị trấn ngoại ô Paris này, gây nên một làn sóng bạo động mới.

Nhật báo công giáo La Croix thì đăng bài phóng sự của phóng viên tờ báo này về những thánh địa bị lực lượng Nhà Nước Hồi giáo phá hủy ở miền Bắc Iraq.

Le Figaro thì nêu bật mối nghi ngại của dân Pháp đối với các loại thuốc chích ngừa và nguy cơ các dịch bệnh sẽ trở lại nếu số người được chích ngừa sụt giảm.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ tại Pháp, nay không còn được hưởng những lãi suất cao như trước đây nữa.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

"Chống tham nhũng : Cuộc chiến của cả dân tộc Romania"

Báo chí Pháp ngày 09/02/2017 chú ý đến thời sự nóng bỏng Romania với những hàng tựa như "Toàn dân" đọ sức với chính quyền chống tham nhũng, "Xã hội dân sự đang hình thành", chính phủ thì tìm cách "làm chủ lại tình hình".

romania1

Một cuộc biểu tình tại Budapest REUTERS/Stoyan Nenov

Trong mắt phóng viên báo La Croix, D-N-A là ba chữ cái đang khiến giới công chức và doanh nhân Romania lo sợ. Đây là Cơ Quan Quốc Gia Chống Tham Nhũng, được lập ra năm 2013, để trừng phạt những người lạm dụng quyền thế chuộc lợi. DNA là "kẻ thù chung" của tất cả các đảng phái chính trị tại Romania. Năm 2015, đã có hơn 1.250 quan chức, bị xét xử về tội tham nhũng, trong đó có cựu thủ tướng Victor Ponta, 5 bộ trưởng, 16 đại biểu Quốc Hội và 5 thượng nghị sĩ.

Theo thông tín viên của báo La Croix, nạn tham nhũng ở Romania lan tràn đến mọi cấp, mọi lĩnh vực trong đời sống hàng ngày của người dân. Tiêu biểu hơn cả là trong ngành y tế, một "ưu tiên" của chính phủ. Ngân sách y tế của Romania hàng năm lên đến 7 tỷ euro, nhưng khoản tiền đó không bao giờ đến tay các bệnh viện và các hiệu thuốc công thì không có thuốc để bán cho dân.

Vào lúc thủ tướng Grindeanu hy vọng nhanh chóng "sang trang khủng hoảng chính trị" thì phóng viên của La Croix không mấy lạc quan khi cho rằng dù chính phủ đã rút lại nghị định mang tính khoan hồng với những kẻ tham ô, hối lộ, nhưng người dân Romania vẫn muốn "giải quyết dứt điểm" vấn nạn này và còn dự trù biểu tình tiếp vào những ngày cuối tuần sắp tới.

Cũng về Romania và cuộc chiến chống tham nhũng, Le Monde chú ý đến gương mặt của Laura Kodruta Kovesi, nhân vật số 1 của DNA. Bà đang được dân chúng xem như biểu tượng của làn sóng bài tham nhũng, và được hàng trăm ngàn người biểu tình yêu mến, gọi với cái tên thân mật là "Laura".

Năm nay 43 tuổi, bà được chỉ định đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Romania, từ khi định chế này được thành lập cách nay ba năm. "Laura" đã tấn công vào thành trì kiên cố của giới chính khách Bucarest. Mở hai cuộc điều tra nhắm vào lãnh đạo đảng Xã hội Dân chủ PSD và chính lôi thôi pháp lý này đã không cho phép ông Dragnea trở thành thủ tướng. Nếu như nghị định của chính phủ Romania giảm nhẹ tội tham nhũng được thông qua, thì ông này còn phải trả lời tư pháp về tội biển thủ công quỹ.

Chính nhờ "Laura" mà Romania hiện nay là một trong những thành viên Liên Hiệp Châu Âu có luật chống tham nhũng nghiêm khắc nhất. Chẳng hạn như không một ai đã phạm tội hình sự có thể trở thành bộ trưởng.

Tư pháp Nga loại một đối thủ của Putin

Tại Moskva, nhà đấu tranh chống tham nhũng Alexei Navalny vừa bị tước quyền ra tranh cử tổng thống Nga 2018. "Tư pháp Nga loại một nhà đối lập" tựa trên Les Echos. Tờ báo bình luận : một quyết định thật "đúng lúc" đối với chính quyền Nga khi biết rằng ông Navalny đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống tháng 3/2018, cạnh tranh với Vladimir Putin.

Vừa khai trương trụ sở tranh cử tại thành phố Saint Petersburg, Navalny được cả một thành phần dân chúng Nga có khuynh hướng tự do và những người đã quá chán ngán một xã hội bị tham nhũng làm lũng đoạn ủng hộ. Blogger Navany gần đây đăng tải trên mạng hình ảnh về khu dinh thự xa hoa của thủ tướng Medvedev, tiết lộ tin chính tổng thống Putin ra lệnh rót 1,5 tỷ euro công quỹ cho một tập đoàn hóa dầu, mà một trong những cổ đông chính lại con rể của tổng thống Nga.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên, chiến lược hù dọa "hết thiêng"

Chuyển sang phần trang Châu Á, La Croix nhận thấy : các chính quyền bảo thủ ở Seoul luôn đem Bắc Triều Tiên ra là "ông kẹ" để thuần phục công luận, nhưng chiêu bài này đã hết thiêng, khi mà người dân Hàn Quốc đang phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, kinh tế ngày càng khó khăn.

Tình hình tại Hàn Quốc đang sôi sục. Hàng trăm ngàn người mỗi tuần đều đặn biểu tình ôn hòa đòi tổng thống Park Geun-hye chóng ra đi. Chủ nhân các đại tập đoàn công nghiệp từng là niềm tự hào của cả một đất nước, một dân tộc, bị điều tra vì tham nhũng. Số phận chính trị của bản thân tổng thống họ Park như chỉ mành treo chuông.

Dù vậy Park Geun-hye và ban cố vấn của bà từ hai tháng qua vẫn khai thác mối đe dọa hạt nhân và quân sự xuất phát từ Bắc Triều Tiên với hy vọng lái công luận về hai mối "nguy hiểm thực sự đó" để người dân quên đi vụ tai tiếng được gọi là "Choi Gate". Có điều như lời Magdalena, một cụ bà 60 tuổi trình bày với nhà báo Pháp : "Tất cả những nhà độc tài Hàn Quốc được Mỹ yểm trợ từ sau chiến tranh đến nay đều khai thác lá bài Bắc Triều Tiên để hù dọa (…). Tất cả các vị tướng lĩnh đều mang nước láng giềng cộng sản phương bắc ra để biện minh cho chính sách đàn áp, để chà đạp các quyền tự do cá nhân, để chống giới công đoàn hòng làm giàu cho các đại công ty". Có điều, 60 năm sau chiến tranh, bà Park Geun-hye quên mất rằng công luận Hàn Quốc không còn sợ Bình Nhưỡng hay Kim Jong-un.

Theo ghi nhân của đặc phái viên báo La Croix, Dorian Malovic, đây thực sự là một thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Một thanh niên Hàn Quốc, trợ lý cho dân biểu Quốc Hội ở Seoul hoàn toàn chia sẻ quan điểm của cụ bà Magdalena khi cho rằng, chẳng còn mấy ai rúng động trước tin Bình Nhưỡng thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân. Thời kỳ mà thông tin chỉ được các báo đài chính thức cung cấp đã đi qua. Một nhà báo Hàn Quốc từng tu nghiệp tại Paris nhận định : cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng cùng lấy "bên kia" ra làm ông kẹ vì những mục tiêu chính trị, để tuyên truyền về mặt đối nội.

Hao mòn dự trữ ngoại tệ Trung Quốc

Gói dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc thấp nhất từ 6 năm nay. Đang từ gần 4.000 tỷ đô la, nay đã rơi xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ. Le Monde nói tới một "khoản dự trữ cứ bị hao mòn dần từ tháng này sang tháng khác" chỉ vì Bắc Kinh muốn giữ giá đồng nhân dân tệ nhằm duy trì ổn định tài chính và tiền tệ cho nước nhà. Nhưng chiến lược đó chỉ hiệu quả một cách "tương đối", khi biết rằng, trong năm 2016, nhân dân tệ mất giá gần 7% so với đô la. Giới trong ngành đặt câu hỏi "đến khi nào thì Bắc Kinh ‘xây một bức tường’, ngăn cản nhân dân tệ thất thoát ra nước ngoài" ?

Còn liên quan tới những cáo buộc của tổng thống Trump cho rằng Tokyo phá giá đồng yen tạo đà cho xuất khẩu hàng Nhật ra nước ngoài thì sao ? Một ngày trước thượng đỉnh Mỹ Nhật tại Washington, báo Les Echos nhắc lại : đồng yen Nhật Bản thường xuyên là mục tiêu tấn công của Donald Trump. Thêm vào đó, thống kê gần đây nhất cho thấy cán cân thương mại của Hoa Kỳ bị thâm hụt đến gần 69 tỷ đô la chỉ riêng với bạn hàng Nhật Bản trong năm 2016. Giới quan sát chờ đợi đây sẽ là "hồ sơ gay go" nhất trong hai ngày làm việc và đánh golf của thủ tướng Abe với tổng thống Trump.

Donald Trump và giới tài chính, tuần trăng mật đã đi qua

Cũng Les Echos, trong bài viết "Donald Trump và giới tài chính, tuần trăng mật đã đi qua", nêu bật hai ý chính : một là chính sách giới hạn người nhập cư và kiểm soát giá cả được chủ nhân Nhà Trắng đưa ra gây lo ngại và hai là viễn cảnh đô la, lãi suất ngân hàng tăng giá gây trở ngại cho tăng trưởng và đầu tư. Tác giả là giáo sư kinh tế Nouriel Roubini, giảng dậy tại Stern School of Business – Đại học New York.

"Tuần trăng mật đã đi qua" bởi lẽ, từ khi ông Donald Trump đắc cử, chỉ số chứng khoán tài chính thế giới nhìn chung đã tăng mạnh, Dow Jones của Mỹ đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác trước những hứa hẹn bơm tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trước cam kết giảm thuế doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư trở lại vào Hoa Kỳ, qua đó tạo công việc làm cho người dân.

Ba tuần sau khi ông Donald Trump nhậm chức, thái độ lạc quan đó bắt đầu nhường chỗ cho một số lo ngại : chỉ số chứng khoán tại New York có dấu hiệu hụt hơi. Giới đầu tư không còn hào hứng như ban đầu, bởi thứ nhất chính sách kích cầu của ông Trump sẽ đẩy đồng đô la và lãi suất ngân hàng lên cao. Cả hai yếu tố này cùng có hại cho khu vực sản xuất và cả bất động sản. Tác giả đưa ra con số 400.000 chỗ làm có nguy cơ bị đe dọa.

Thứ hai nước Mỹ có thể lại phải đối mặt với lạm phát là điều này lại càng gây áp lực để ngân hàng trung ương Fed tăng lãi suất. Lo ngại thứ ba, là các doanh nhân Mỹ bắt đầu "ngán" khi thấy tổng thống can thiệp mạnh vào các hoạt động kinh tế và không có gì cấm cản ông còn đưa ra những biện pháp "cực đoan hơn nữa". Tựu chung câu hỏi hiện nay là liệu những quyết định của tổng thống Hoa Kỳ có làm phương hại tới tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ hay không và giới tài chính bắt đầu thận trọng với đường lối đang được Nhà Trắng vẽ ra.

Dùng văn hóa để khẳng định màu sắc "Trung Hoa"

Dưới tựa đề "Bắc Kinh di dời Tử Cấm Thành", Le Monde chú ý đến phẫn nộ của công luận Hồng Kông trước tin Trung Quốc dời một bộ phận của bảo tàng Tử Cấm Thành sang đặc khu hành chính này. Thậm chí có nhiều tiếng nói coi đây là một hình thức "lục địa hóa" Hồng Kông, là bước đầu tiên để chính quyền Bắc Kinh từng bước "nuốt" hẳn vùng lãnh thổ này. Phe chống đối xem dự án đã được Trung Quốc đơn phương quyết định và thông báo vào cuối tháng 12/2016 như một kiểu "con ngựa thành Troie" để "pha loãng bản sắc riêng biệt của Hồng Kông".

Hồng Kông sử dụng tiếng Quảng Đông, khác hẳn với Quan Thoại, lại có cả một quá khứ là thuộc địa của Vương Quốc Anh. Đó là chưa kể, theo ghi nhận của Le Monde, với người dân Hồng Kông, Tử Cấm Thành là một biểu tượng gắn liền với thảm sát ở Thiên An Môn nhân phong trào dân chủ năm 1989, mà hàng năm Hồng Kông vẫn tưởng niệm các nạn nhân của Mùa Xuân Bắc Kinh. Nhìn từ góc độ đó, "di dời" một phần di sản văn hóa của Trung Quốc sang đặc khu hành chính này, không khác nào một hành động khiêu khích của chính quyền Bắc Kinh.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Trung Quốc tăng tốc thâu tóm các đại công ty Pháp và Châu Âu

mua1

Khu nghỉ dưỡng du lịch tại Tam Á (Sanya), Hải Nam của tập đoàn du lịch Pháp Club Med hiện do các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát. Ảnh chụp ngày 12/10/2016.AFP

Dưới tựa đề "Trung Quốc háu ăn", nhật báo Pháp Le Monde ngày 08/02/2017 đã nêu bật sự kiện cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới đang gia tăng tốc độ vung tiền ra để mua lại các doanh nghiệp lớn tại Pháp và Châu Âu, buộc một số nước phải tăng cường phản ứng tự vệ. Thông tin này rất đáng chú ý trong bối cảnh mọi tờ báo Pháp, kể cả Le Monde, đều tập trung cho thời sự Pháp, và cho vô số sự kiện liên quan đến tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bài báo Le Monde trước hết đã nhắc lại một thông tin mà theo tờ báo đã nhàm đến mức mà hiện nay chẳng ai thèm quan tâm : Tập đoàn Phục Tinh (Fosun) của Trung Quốc sắp giành quyền kiểm soát công ty quản lý bất động sản Pháp Paref đang được yết giá trên thị trường chứng khoán Paris. Tập đoàn Phục Tinh không lạ gì với người Pháp vì đã nuốt chửng biểu tượng của ngành du lịch Pháp là Club Med, và đang ngấp nghé la Compagnie des Alpes một công ty nổi tiếng khác.

Đối với Le Monde, từ bất động sản, du lịch, cho đến nông sản thực phẩm hay công nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập cơ sở một cách lâu dài tại Pháp và Châu Âu, và đà thâu tóm các doanh nghiệp đã tăng tốc đáng kể trong ba năm gần đây.

Theo số liệu của công ty luật Baker McKenzie, từng nghiên cứu trong nhiều năm đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã cam kết bỏ ra gần 94,2 tỷ đô la, chủ yếu để mua lại các doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với năm 2015 và gấp 40 lần so với mười năm trước đây…

Tại Châu Âu, sau khi một thời gian bám trụ ở miền Nam, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tiến lên chinh phục miền Bắc. Họ đã vung tiền ra mua các doanh nghiệp tại Đức (12 tỷ đô la), tại Anh (9 tỷ), tại Phần Lan và Thụy Sĩ. Họ không còn chỉ chú ý đến các tài sản mang tính đầu cơ như bất động sản, tài chính, mà đã mở rộng thu mua trong lãnh vực công nghiệp, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Theo Le Monde, quả là chính quyền Trung Quốc đang tung lực lượng đánh chiếm các pháo đài phương Tây, dùng đến các đội lính đánh thuê, vì lẽ 70% những vụ mua lại doanh nghiệp đều do các công ty tư nhân ngoài quốc doanh thực hiện.

Ngày càng có nhiều phản ứng chống lại

Chiến dịch tấn công tăng tốc của Trung Quốc tuy nhiên đã làm dấy lên làn sóng phản ứng tương xứng. Theo Le Monde, số lượng thương vụ thu mua bị thất bại đã tăng cao trong thời gian qua. Riêng trong năm 2016 chẳng hạn, ba mươi vụ thâu tóm đã bị ngăn chặn, với tổng trị giá lên đến 75 tỷ đô la, tăng gấp bảy lần so với năm trước. 
Thái độ nghi kỵ Trung Quốc đã tăng cao ở mọi nơi chứ không riêng gì ở Mỹ. Sự kiện một hãng điện lực Trung Quốc bị loại ra khỏi danh sách các tập đoàn tham gia vào việc cơ cấu lại nguồn vốn của tập đoàn năng lượng Pháp Areva là ví dụ nổi đình đám nhất.

Nước Đức cũng đã bắt đầu lo âu trước nguy cơ các báu vật công nghiệp của mình bị Trung Quốc bỏ vào túi.
Dẫu sao thì theo Le Monde, năm 2017 này cũng vẫn sẽ tốt đẹp cho Trung Quốc, đặc biệt với vụ hãng hóa chất Trung Quốc ChemChina, mua lại tập đoàn Thụy Sĩ Syngenta với giá hơn 40 tỷ đô la.

Nhưng sau đó thì đà thâu tóm doanh nghiệp có thể chậm lại vì Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn, đặc biệt tác hại đến giá trị đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Bầu cử Pháp : Ứng viên cánh hữu Fillon vận động mạnh trở lại

Như nói ở trên, hầu hết trang nhất báo Pháp hôm nay đều dành cho cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp 2017 đã khởi động, đặc biệt với sự kiến ứng viên cánh hữu François Fillon quyết định đẩy mạnh chiến dịch tranh cử bất chấp vụ tai tiếng tài chánh đang tiếp tục đuổi theo ông.

Le Figaro (thân hữu) dĩ nhiên đã ra sức bênh vực cho ông Fillon và chạy tựa lớn trên trang nhất : "Cánh hữu siết chặt hàng ngũ đằng sau François Fillon". Bài báo trích lại lời của ứng viên đảng LR khẳng định : "Không có kế hoạch B, mà là một kế hoạch A mang tính tiến công".

Ông Fillon đã tuyên bố như trên nhân cuộc họp vào hôm qua tại Paris với các nghị sĩ cánh hữu và cánh trung để loan báo quyết định thúc đẩy trở lại chiến dịch tranh cử, đã bị chững lại trong hai tuần lễ qua vì những tiết lộ của tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé, tố cáo ông lạm dụng công quỹ để chi tiền hậu hĩnh cho vợ và con về những công việc không có thực.

Đối với Le Figaro, nhìn chung, các dân biểu và thượng nghị sĩ cánh trung và hữu đã tỏ vẻ lạc quan trước thái độ kiên quyết của ứng viên của họ, nhưng sư lạc quan này có phần không chắc chắn lắm.

Tờ báo không quên nhắc lại sự kiện là trong số mới nhất ra ngày hôm nay, tuần báo Le Canard Enchainé lại tiết lộ thêm vụ bà vợ ông Fillon đã nhận được đến 45.000 euro tiền bồi thường thôi việc, do Quốc Hội Pháp chi trả. Tuy nhiên Le Figaro đã nhấn mạnh rằng ông Fillon đã lên án "sự dối trá" của tờ tuần báo và tố cáo "ý đồ gây hại" cho ông.

"Đảng LR siết chặt hàng ngũ, báo ‘le Canard’ siết chặt gọng kềm"

Nhật báo Libération (thân tả) dĩ nhiên có cái nhìn phê phán về ông Fillon. Trong một bài viết ở trang trong, tờ báo đã hóm hỉnh nêu bật tình hình liên quan đến ứng viên cánh hữu như sau : "Vụ Fillon : Đảng cánh hữu LR siết chặt hàng ngũ, báo ‘le Canard’ siết chặt gọng kềm".

Đối với tờ báo, sau hôm họp báo, được mệnh danh là một "chiến dịch giao tế" đơn thuần – tức là chỉ để tô điểm cho mình - ứng viên Fillon đã gặp các nghị sĩ trong cánh của mình, những người không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục ủng hộ ông Fillon vì "không có kế hoạch B", tức là không có ai để thay thế. Vấn đề là hôm nay, tuần báo Le Canard Enchainé lại bắn ra một loạt đạn thứ ba nhắm vào ứng viên cánh hữu : Vợ của ông đã nhận được từ Quốc Hội Pháp những khoản tiền bồi thường sa thải mà trên nguyên tắc bà không có quyền hưởng.

Libération cũng nêu lại phản ứng của ông Fillon trước tiết lộ trên, khẳng định đó là những cáo buộc "dối trá…, không đem đến bất kỳ thông tin mới nào".

Theo tờ báo, như vây là ông Fillon đã thay đổi cách đối phó với các cáo buộc. Sau loạt đạn đầu tiên của tờ Le Canard Enchainé, ê kíp của ông đã tỏ ý khinh thường các tiết lộ, sau loạt đạn thứ hai thì họ như bị tê liệt không phản ứng được, qua loạt đoạn thứ ba hôm nay, thì là những lời phản công dữ dội.

Báo chí Pháp nói với ông Fillon : Chúng tôi chỉ tìm sự thật

Báo chí Pháp nhìn chung, trừ tờ Le Figaro, đều đã tỏ thái độ chống lại lập luận của ứng viên Fillon đã đả kích báo chí cố tình bới móc để bôi nhọ ông. Nhật báo Le Monde đã tố cáo lập luận của ông Fillon về một "âm mưu" và một hành động "đánh hội đồng trên mặt báo chí"nhắm vào ông. Đối với Le Monde, báo chí luôn bị xem là cái bung xung, là con dê tế thần mỗi khi họ chỉ tìm kiếm sự thật, và hiện thời, đó là sự thật "về một con người tự cho mình là không thể chê trách, đồng thời là một ứng cử viên muốn đất nước thắt lưng buộc bụng để tiến lên, trong khi bản thân lại có những hành động dễ dãi kỳ lạ".

Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận : "Có rất nhiều chính khách sẵn sàng lợi dụng các phương tiện truyền thông khi điều đó phục vụ cho lợi ích của họ. Thế nhưng rủi thay cũng có những đại biểu dân cử đã quên đi nhiệm vụ của họ là phải góp phần vào lợi ích chung. Công việc của họ không phải là để kiếm sống hay để thỏa mãn lòng tự cao tự đại của mình. Nếu muốn thế thì tốt hơn hết là họ nên chọn làm doanh nhân hay làm nghệ sĩ".

Riêng Libération là tờ báo có lời lên án nặng nề nhất : Đối mặt với những diễn biến của vụ Fillon, "bất kỳ tờ báo nào cũng có nhiệm vụ tìm hiểu thêm. Báo chí có phải là đã điều tra theo hướng buộc tội hay không ? Câu trả lời là không."

Cánh tả Pháp : Hamon muốn đoàn kết nhưng không gặp Macron

Trọng tâm của báo Libération hôm nay không phải dành cho ứng viên cánh hữu mà là cho bốn ứng viên cánh tả. 

Tờ báo đã dành trang nhất để mơ về thời kỳ mà cánh tả đoàn kết trong hàng tựa lớn "Giá mà cánh tả mong muốn…", với ảnh ghép của 4 ứng viên cánh tả trong dáng điệu lúc đang diễn thuyết chiếm trọn trang báo. 
Libération ghi nhận là khi ứng viên chính thức của đảng Xã hội Hamon chìa bàn tay thân thiện về phía hai ứng viên cánh tả khác là Mélanchon et Jadot, ông muốn khơi dậy ký ức về các thành công của cánh tả đoàn kết trước đây, thời cựu thủ tướng Lionel Jospin.

Tuy nhiên, vấn đề vào lúc này là ông Hamon vẫn chưa chịu nói chuyện với cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron, ứng viên tự nhận là độc lập không đảng phái, nhưng đang có dấu hiệu thành công trong việc thu phục cảm tình của các cử tri.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

syrie1

Hòa đàm về Syria tại Astana (Kazakhstan) do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ đã khai mạc hôm 23/01/2017. REUTERS/Mukhtar Kholdorbekov

Le Figaro : "Moskva điều khiển đàm phán về Syria". Le Monde ghi nhận : sau thắng lợi về mặt quân sự, tại hội nghị Astana, nước Nga của tổng thống Putin tìm kiếm một thắng lợi trên phương diện ngoại giao. "Con đường nào để hướng tới hòa bình cho Syria" ?

Bầu cử sơ bộ bên cánh tả chọn ứng viên ra tranh cử tổng thống Pháp với kết quả bất ngờ là chủ đề phủ kín mặt báo Paris trong ngày. Donald Trump tân tổng thống Mỹ vẫn là chủ đề vô tận đối với nhiều tờ báo Pháp. Nhưng phần trang quốc tế của các tờ báo từ tả sang hữu, quan tâm nhiều đến Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi mở ra đàm phán về Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng không có Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.

Le Figaro chạy tựa : "Moskva điều khiển đàm phán về Syria". Le Monde ấn bản được cập nhật trên mạng ghi nhận : sau thắng lợi về mặt quân sự, tại hội nghị Astana, nước Nga của tổng thống Putin tìm kiếm một thắng lợi trên phương diện ngoại giao. "Một phần số phận của Syria đang được định đoạt tại Kazakhstan, một nước cộng hòa Hồi Giáo, nói tiếng Thổ, từng thuộc vòng kềm tỏa của Liên Bang Xô Viết và nay hãy còn bị đặt trong tầm ảnh hưởng của Moskva : cả một biểu tượng về một thế giới đang đổi thay".

La Croix : "Con đường nào để hướng tới hòa bình cho Syria ?" Sau 6 năm chiến tranh, hơn 300.000 người thiệt mạng, Syria là một đất nước bị "chia năm xẻ bảy, giữa thái độ hoài nghi với chính quyền Damascus, giữa nhu cầu muốn tìm lại một cuộc sống bình yên, giữa nỗi sợ hãi phong trào Hồi Giáo cực đoan".

Syria : Nga làm chủ cuộc chơi

Cho dù hội nghị tìm kiếm hòa bình cho Syria ngày 23/01/2017 do Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng bảo trợ, nhưng nhật báo Libération chỉ chú trọng vào trục Moskva-Damascus–Teheran trong bài báo "Syria : Nga xây dựng lại thế giới của mình ở Kazakhstan".

Không phải tình cờ mà các bên đã chọn Astana làm địa điểm cuộc đàm phán đầu tiên giữa đại diện của chính quyền Damascus và phe nổi dậy.

Về mặt quân sự Astana nằm rất xa trận địa Aleppo, nhưng nhìn từ góc độ chính trị thủ đô Kazakhstan lại rất gần với Moskva : điều đó có nghĩa là Nga đang làm chủ cuộc chơi để đem lại hòa bình cho Syria, như ghi nhận của Libération.

Trong khi đó, cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Hoa Kỳ đều "bị gạt ra ngoài" tiến trình vãn hồi hòa bình cho Syria. Chính xác hơn là Bruxelles và Washington chỉ cử đại diện đến "quan sát" cuộc đàm phán mở ra sáng nay ở thủ đô Astana. Điều ấy không cấm cản điện Kremlin một mực khẳng định rằng, cuộc họp Astana không "cạnh tranh với hội nghị Genève" và Nga không "áp đặt bất cứ điều gì".

Libération không mấy lạc quan khi tìm cách trả lời câu hỏi : Người ta có thể chờ đợi gì ở cuộc họp hôm nay ? Bởi vì thứ nhất, chương trình nghị sự không được thông báo rõ ràng, thứ hai là ngay giữa các nhà bảo trợ cho chế độ Damascus - là Nga và Iran - còn quá quá nhiều bất đồng sâu rộng. Rõ rệt nhất là trong lúc Moskva muốn tạm dừng chiến dịch quân sự, thì ngược lại Teheran và Damas cùng muốn thừa thắng xông lên để đạt đến một "chiến thắng toàn diện", kiểm soát lại toàn bộ những vùng trong tay đối lập Syria.

Trở ngại sau cùng là khâu chuẩn bị cho một "cuộc tổng tấn công" nhắm vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Theo Libération, Nga ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của các lực lượng vũ trang Hồi giáo Shia Iran đối với quân đội Syria.

Trump, đe dọa hay cơ hội cho Châu Mỹ La Tinh ?

Vào lúc tân tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay vào tuần lễ làm việc đầu tiên, nhà báo Patrich Bèle trên Le Figaro nêu lên câu hỏi : "Trump, là cơ may hay mối đe dọa đối với Châu Mỹ La Tinh ?". Mexico và Cuba, khủng hoảng Venezuela và tiến trình hòa bình còn mong manh tại Colombia là những hồ sơ quan trọng chờ đợi tân chủ nhân Nhà Trắng.

Với Mexico, đối tác thương mại của Mỹ trong Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ -NAFTA, từ trước khi chính thức ngồi vào chiếc ghế tổng thống, ông Trump đã làm tổn hại quan hệ song phương qua những lời lẽ gay gắt nhắm vào Mexico khi cho rằng người lao động Mexico "cướp công ăn việc làm của công dân Hoa Kỳ (…) là những kẻ hiếp dâm, là những tên tội phạm gây ra bạo động" trên đất Mỹ. Lại cũng ông Trump dọa đánh thuế các tập đoàn nào muốn đầu tư vào Mexico …

Trong bối cảnh đó như một nhà trí thức của Mexico nhận định : Washington và Mexico đang đứng trước một cuộc "chiến trên mọi phương diện, ngoại trừ lĩnh vực quân sự".

Với Colombia, một quốc gia thân thiết khác của Hoa Kỳ và đã có công trong việc hàn gắn Washington với La Havana, Bogota chưa biết chính quyền Trump liệu có tiếp tục chính sách trợ giúp cho Colombia trên con đường vãn hồi hòa bình sau hơn 50 năm xung đột với phe nổi dậy FARC hay không.

Trước mắt mọi chú ý dồn về phía quan hệ trong những tháng tới giữa Mỹ và Cuba : liệu rằng, thành tích lịch sử nối lại bang giao với La Havana của tổng thống Barack Obama có bị Donald Trump xóa sổ hay không ? Những câu hỏi mà tác giả bài báo chưa thể giải đáp.

Nước Mỹ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng

La Croix trong bài "Mỹ chờ đợi cơ sở hạ tầng mới" cho biết, theo thẩm định của hiệp hội ASCE bao gồm các kỹ sư công chánh chuyên nghiệp, 1/3 cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ Hoa Kỳ cần được nâng cấp. Để làm được việc này, chính quyền cần huy động 3.600 tỷ đô la từ nay đến năm 2020 tức là cho đến khi ông Donald Trump mãn nhiệm kỳ tổng thống. Câu hỏi đi kèm là chính quyền Washington lấy đâu ra khoản tiền đó ?

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội, bộ trưởng giao thông tương lai của ông Trump không ngần ngại cho rằng, nhà nước sẽ đóng góp một phần, nhưng đây là điều đi ngược lại với ý muốn cả cánh bảo thủ tại cả Thượng và Hạ viện Mỹ, như ghi nhận của tờ báo.

"Chuyện cười" ngày làm việc đầu tiên của tổng thống Trump

Ganh tị với số người đến dự lễ nhậm chức của Barack Obama, chỉ trích báo chí là "những tên nói láo nhất hành tinh", vuốt ve cơ quan tình báo. Libération ghi nhận, Donald Trump "tính sổ với những người, với những gì ông thù ghét" nhiều hơn là tập trung vào công việc quốc gia đại sự.

Ngày 21 tháng Giêng 2009, cách nay 8 năm, trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Barack Obama tập hợp các cố vấn về kinh tế và quân sự để nghe họ trình bày về khủng hoảng tài chính, hay tình hình tại Irak và Afghanistan. Vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ đã điện đàm với lãnh đạo Israel, lãnh đạo Cơ quan Quyền lực Palestine và Quốc vương Jordan để hiểu thêm về thùng thuốc súng ở Cận Đông.

Tám năm sau, ngày làm việc đầu tiên của tổng thống Donald Trump đã được dành để chỉ trích báo chí đăng hai bức ảnh so sánh ngày lễ nhậm chức của ông Trump thưa thớt người hơn so với bầu nhiệt huyết mà công chúng đã dành cho ông Obama.

Với ngành tình báo, chỉ ít ngày sau khi chỉ trích kịch liệt "cộng đồng" này phơi bày ra ánh sáng những báo cáo bất lợi cho ông, Donald Trump đến tận trụ sở CIA để khẳng định rằng ông ủng hộ CIA hơn bất kỳ một người tiền nhiệm nào, và trong tương lai, CIA sẽ phải năn nỉ Trump rằng "Thưa ngài tổng thống, đừng ủng hộ chúng tôi đến mức độ đó chứ !"

Báo kinh tế Les Echos nghiêm chỉnh hơn Libération khi nhắc lại, ngày 20/01/2017 chỉ vài giờ sau khi thân thiện từ giã Michelle và Barack Obama, Donald Trump đã bắt tay ngay vào việc "đập phá tan tành" những quyết định quan trọng nhất của nhiệm kỳ 8 năm Obama, mà điển hình là luật bảo hiểm y tế, là những chuẩn mực về môi trường, là hiệp định tự do mậu dịch TPP, dấu ấn của chính quyền Obama, hay NAFTA được ký kết dưới thời tổng thống Bill Clinton.

Chính trị Pháp : Hamon–Valls, hai thái cực của cánh tả

Quay lại với sự kiện chính được làng báo Pháp phân tích rộng rãi trong ngày : thắng lợi bất ngờ của ứng viên Benoit Hamon trong cuộc tuyển chọn sơ bộ bên cánh tả để chuẩn bị ra tranh cử tổng thống Pháp vào tháng 5/2017.

Le Figaro thân hữu đánh giá : "Ngựa về ngược" nhưng lại ở thế thượng phong, qua mặt cựu thủ tướng Manuel Valls đến trên dưới 5 điểm. Tờ báo trung lập Le Monde lo ngại kịch bản không tránh khỏi : "cuộc đọ sức tay đôi giữa hai ứng viên Hamon và Valls ở vòng nhì báo trước nguy cơ đảng Xã Hội tan vỡ".

Đảng Xã Hội "thoi thóp", sau cuộc bình chọn ngày hôm qua, như ghi nhận của báo La Croix. Dưới nhãn quan báo kinh tế Les Echos, đảng Xã Hội đang cầm quyền trải qua "mùa đông buốt giá". Trong bài xã luận, tờ báo này nói tới hai ứng viên vào vòng nhì Benoit Hamon- Manuel Valls : "hai thái cực không thể hàn gắn" trong hàng ngũ cánh tả. Ông Hamon thuộc thành phần "cánh tả trong cánh tả" còn Manuel Valls thì có lập trường "trung tả" thiên về mô hình xã hội dân chủ tự do theo kiểu của Đức nhiều hơn.

Les Echos tự hỏi : liệu rằng Manuel Valls có cơ may đại diện cho cánh tả nữa hay không ? Libération thân tả chơi chữ : đảng Xã Hội bị cắt làm đôi, cánh tả bị chia ra làm bốn. Le Figaro thiên hữu châm biếm báo trước, ở vòng nhì dù là Valls hay Hamon giành được thắng lợi, chẳng người nào đủ sức để hàn gắn lại "cánh tả đã tả tơi" .

Mặt trời, một vì sao chết ?

Nếu đã quá chán những bài viết về Donald Trump, về những tranh cãi trên chính trường Pháp bốn tháng trước bầu cử tổng thống, về những dự báo tăng trưởng đầy bất trắc của ông khổng lồ Trung Quốc ... độc giả chắc hẳn sẽ thú vị với bài báo trên Les Echos nói về kịch bản ngày "ông Mặt Trời trút hơi thở cuối cùng".

Có thể là trong 5 tỷ năm nữa, khi nguồn ánh sáng duy nhất của nhân loại bị thu hẹp dần rồi vụt tắt. Nhưng trước đó, chỉ khoảng 1 tỷ năm nữa thôi, nhiệt độ trên mặt đất sẽ lên tới 100 °C. Ao hồ, biển cả và đại dương khô cạn. Thực và động vật trên trái đất bị thiêu rụi… Nhưng không hẳn là tất cả bị tuyệt chủng, bởi biết đâu từ nay đến đó loài người tìm được những vùng đất hiền hòa hơn ở một hành tinh nào đó ngoài quỹ đạo Mặt Trời.

Thanh Hà

Published in Quốc tế