Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/02/2017

Điểm tin báo chí Pháp (RFI) - Pháp tuyển mộ điệp viên từ các đại học

RFI tiếng Việt

Tình báo Pháp tuyển mộ điệp viên từ các đại học danh tiếng

An ninh Pháp được đặt trên đôi vai của thế hệ trẻ, Shinzo Abe thuyết phục được Donald Trump hậu thuẫn đối đầu với Trung Quốc, trong khi Kim Jong-un giỡn mặt với tân tổng thống Mỹ. Hollywood, công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh, Đài Loan, ngọn hải đăng dân chủ tại Châu Á là một số chủ đề chính trong mục điểm báo hôm nay, 13/02/2017.

phap1

Giờ học trên máy tính của trường trung học Cormontaigne, Metz, Pháp, ngày 22/04/2016 JEAN-CHRISTOPHE VERHAEGEN / AFP

Tình báo Pháp DGSE tuyển mộ 600 điệp viên

Cuộc vận động tranh cử tổng thống đến xung đột giữa giới trẻ với cảnh sát Pháp ở một vùng ngoại ô bắc Paris nay có nguy cơ lan rộng vẫn chiếm trang nhất. Nhưng Le Figaro, đập vào mắt độc giả với hàng tựa : Nước Pháp tuyển dụng một thế hệ gián điệp mới. Để đối phó với đe dọa càng ngày càng nghiêm trọng của khủng bố, của chiến tranh mạng, Tổng Cục Tình báo hải ngoại (Direction générale de la sécurité extérieure - DGSE) tuyển mộ 600 điệp viên từ nay đến cuối năm 2019, hầu hết là sinh viên mới tốt nghiệp.

DGSE cần những chuyên gia lỗi lạc từ giới kỹ sư, chuyên gia hạt nhân tên lửa, mật toán (cryptomathématicien) cho đến những sinh viên thông thạo nhiều sinh ngữ nhất là tiếng Ba Tư, tiếng Triều Tiên. Cơ quan phản gián (Direfction générale de la sécurité intérieure - DGSI), đặc trách an ninh quốc nội cũng tăng cường nhân lực từ khi nước Pháp trở thành mục tiêu của nhiều vụ tấn công đẫm máu.

Để thu hút nhân tài, hai cơ quan an ninh Pháp trực tiếp gửi người đến tận các đại học danh tiếng của Pháp như Quốc gia Hành chánh (Ecole nationale de l'administration - ENA), các trường kỹ sư đề nghị lương cao hơn xí nghiệp tư có thể lên đến 40.000 euro một năm cho một sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm. Bên cạnh tiền lương hấp dẫn là những điều kiện nghiêm ngặt : những ứng viên được sơ tuyển phải chứng tỏ có năng khiếu hoạt động âm thầm, thất bại hay thành công đều ở trong bóng tối, tuyệt đối tôn trọng lời thề giữ bí mật quốc phòng, trung thành với tổ quốc… Nếu có ý lấy vợ Trung Quốc hay du lịch Bắc Triều Tiên thì tức khắc ban tuyển mộ sẽ nhận được báo động đỏ.

Một trong những lo âu của tình báo Pháp là thiếu nhân viên giỏi tiếng nước ngoài. Cụ thể lực lượng chống khủng bố cần thêm 5 nhân viên thông thạo tiếng Ả Rập mà vẫn chưa có ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Theo nhận định của nhật báo cánh hữu, chân dung điệp viên của cuối thập niên này hoàn toàn khác với những 007 do điện ảnh thể hiện mà phải là những con người có tinh thần dấn thân vì nước . Cũng như những sĩ quan đồng đội chiến đấu trên chiến trường, điệp viên thế hệ mới của Pháp cũng phụng sự đất nước, nhưng một cách âm thầm.

Trong khi các cơ quan tình báo củng cố tổ chức thì cảnh sát Pháp có mối lo âu khác mà Le Figaro cũng như L’Humanité đưa lên trang nhất : bạo loạn ở ngoại ô Paris có nguy cơ lan rộng sau vụ một thanh niên da đen bị bốn nhân viên cảnh sát bạo hành.

Shinzo Abe thua "gôn" để thắng ngoại giao

Thủ tướng Nhật Bản là lãnh đạo quốc tế duy nhất được tân tổng thống Mỹ, từ ngày đắc cử, hội kiến hai lần. Đánh gôn và được Donald Trump trấn an là tựa của Le Monde. Trong khi đó, Les Echos nhấn mạnh đến lời tuyên bố "Trump chào mừng liên minh 100% Mỹ-Nhật".

Trong bài "chính sách ngoại giao mới của Washington", nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng "chính Bình Nhưỡng đã thúc đẩy Donald Trump và Shinzo Abe tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật". Lợi dụng vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa, lãnh đạo Mỹ- Nhật đã phô trương tinh thần liên đới trong cuộc họp hôm Chủ nhật 12/02/2017. Để thuyết phục Donald Trump, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa cam kết cố gắng đóng góp thêm vào lãnh vực quốc phòng. Tuy lời hứa tương đối mơ hồ nhưng đủ để Hoa Kỳ lên tiếng sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp lãnh thổ bị xâm phạm, kể cả quần đảo Senseku/ Điếu Ngư mà Trung Quốc tranh giành một cách ồn ào. Nhật báo kinh tế Pháp kết luận dí dỏm : trong chuyến công du nước Mỹ, thủ tướng Nhật có thể tự hào là ông chỉ gặp một thất bại, đó là thua trận đấu "gôn" với Donald Trump ở Florida.

Một cách nghiêm túc, nhà bình luận Jaques Hubert-Rodier trong bài "Trump và Châu Á, hồ sơ không thể tránh" cảnh báo : chính sách Châu Á của Donald Trump rất mù mờ. Khi bỏ TPP, tân tổng thống Mỹ đã tặng cho Bắc kinh một món quà bất ngờ. Nhưng khi lên án Trung Quốc xâm chiếm Biển Đông, tân tổng thống Mỹ lại gửi một tín hiệu trái ngược. Đối với Nhật Bản, ông Trump cuối cùng hiểu ra rằng không thể xem nhẹ quần đảo Phù Tang, đồng minh không thể thiếu từ kinh tế, thương mại cho đến quân sự, nơi mà Hoa kỳ có một số căn cứ chiến lược. Châu Á xứng đáng là trọng tâm của chính sách "tái định vị" vào lúc Hoa Kỳ không còn là siêu cường vô địch. Đã đến lúc tổng thống Trump phải ý thức thực tế này.

Kim Jong-un vuốt râu hùm

Trang quốc tế của Le Figaro làm nổi bật tình thế mâu thuẫn trong quan hệ giữa Donald Trump và quốc tế. Vào lúc áp lực của tân tổng thống Mỹ trên hồ sơ thương mại làm hai quốc gia láng giềng lớn là Canada và Mexico lui về thế thụ động thì ở Châu Á xa xôi, anh chàng Kim Jong-un dám vuốt râu hùm : phóng hỏa tiễn "tầm xa" ra biển Nhật Bản vào lúc chủ nhân Nhà Trắng đón thủ tướng Shinzo Abe mà không có một phản ứng nào. Theo Le Figaro, Kim Jong-un tính toán rất kỹ không vượt làn ranh đỏ, không thử tên lửa liên lục địa như đã dọa trước đây.

Đài Loan : hải đăng dân chủ

Đã đến Châu Á thì không thể bỏ qua Đài Loan. Nhật báo công giáo La Croix dành hơn một trang để giới thiệu và phỏng vấn phó tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien Jen) trong bối cảnh tình hình Châu Á căng thẳng và chính sách ngoại giao của Washington chưa rõ ràng. Được bà Thái Anh Văn mời ra đứng chung "ê-kíp" tranh cử, và đắc cử, bác sĩ phó tổng thống Đài Loan là một chuyên gia dịch tễ học danh tiếng thế giới. Trả lời câu hỏi liệu tuyên bố mới đây của tân tổng thống Mỹ "nhìn nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa" có hại gì cho hải đảo hay không, phó tổng thống Trần Kiến Nhân cho rằng không những được tân tổng thống Mỹ ủng hộ mà trong nhóm cộng sự viên của chủ nhân Nhà Trắng có nhiều người là "bạn" của Đài Loan. Ngoại trưởng Rex Tillerson gần đây cũng xác nhận lập trường ủng hộ Đài Loan. Hiện nay 64% tiền đầu tư của Đài Loan ra nước ngoài là đổ vào Hoa lục nhưng Đài Bắc đã thay đổi chiến lược, bớt chơi với Trung Quốc để tăng cường đầu tư vào những cường quốc khác từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Á cho đến Liên Hiệp Châu Âu. Đài Loan cũng định hướng cải cách kinh tế, tập trung phát triển công nghệ sạch và an toàn, thoát ra khỏi năng lượng hạt nhân, tập trung thu hút đầu tư nghiên cứu y học, sinh học, quốc phòng, nông nghiệp vượt lên trên những thành tựu điện tử bán dẫn, nội lực của công nghệ Đài Loan hiện nay.

Về câu hỏi sự kiện một tín đồ công giáo được bầu làm phó tổng thống trong khi sĩ số giáo dân chỉ có vỏn vẹn 300.000 người, ông Trần Kiến Dân cho biết sự kiện này cho thấy Đài Loan là một quốc gia dân chủ, chính phủ đứng ngoài tôn giáo. Đảng Dân Tiến được phong trào xã hội "hoa hướng dương" với chủ trương đoạn tuyệt với chính sách thân Bắc Kinh của Quốc Dân Đảng, đưa lên ghế lãnh đạo thể hiện tinh thần can đảm của xã hội công dân muốn củng cố chế độ dân chủ tự do tại Đài Loan khác biệt với Trung Quốc. Đài Loan cũng có nhiều bạn bè cùng chí hướng tại Hồng Kông, tại Macao và ở Trung hoa lục địa xem Đài Loan là ngọn "hải đăng" của nền dân chủ ở Đông Nam Á.

Hollywood, công cụ quyền lực mềm của Bắc Kinh

Về thời sự Trung Quốc, trong khi Le Monde mời độc giả tham gia tranh luận về tình trạng hố sâu phân hóa giàu nghèo ở Hoa Lục càng ngày càng lớn do chính sách "đặc quyền đặc lợi" của Bắc Kinh thì Le Figaro nhấn mạnh đến chiến lược chinh phục Hollywood của giới doanh nhân tỷ phú Trung Quốc mà đứng đầu là chủ tịch tập đoàn Alibaba Mã Vân.

Mục tiêu thật sự của chiến lược này là thao túng thị trường điện ảnh để phát huy "quyền lực mềm" tuyên truyền cho chế độ độc tài Bắc Kinh và sau đó là thu tóm kinh nghiệm để một mình một chợ sản xuất các đại tác phẩm. Chưa chi mà nhiều cốt chuyện phim đã bị sửa đổi để làm hài lòng Trung Quốc. Cụ thể, trong phim Pixels, thay vì Vạn Lý Trường Thành bị tấn công thì tòa lâu đài Taj Mahal ở Ấn Độ phải bị sụp đổ. Hay trong phim The Martian "Một mình trên sao hỏa", phi hành gia Mỹ (Matt Damon) được "cơ quan không gian Trung Quốc cứu thoát".

Vấn đề, theo giới chuyên gia điện ảnh, thì Hollywood tuy dễ chiếm nhưng khó kiểm soát lâu dài. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Canada, Pháp đã từng "vỡ mộng" trong quá khứ. Holywood là nơi đầu tư của hàng trăm tài sản lớn trên thế giới mà tính mờ ám là sức mạnh. Trung Quốc không chỉ muốn sử dụng Hollywood như một giàn nhún mà còn muốn thu tóm hết. Trung Quốc sẽ chết vì trượt chân trên thảm đỏ. Lịch sử điện ảnh Hollywood không phải là một dòng sông êm ả.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)