Việt Nam, Trung Quốc ký 1,94 tỷ đôla hiệp định thương mại (RFI, 09/11/2017)
Trung Quốc và Việt Nam ngày 09/11/2017 đã ký 83 hiệp đồng thương mại trị giá 1,94 tỉ đô la, chỉ một ngày trước chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, theo tin của Tân hoa Xã được hãng tin Reuters trích dẫn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngày 02/11/2017-Reuters/Kham
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không cho biết thêm chi tiết về các hiệp định thương mại đó. Còn theo trang Vietnam News, tham dự hội nghị "Giao Thương Việt Nam - Trung Quốc và lễ ký kết hợp đồng" diễn ra ngày 08/11/2017 có nhiều lãnh đạo các bộ, cơ quan và hiệp hội của hai nước và hơn 100 công ty xuất-nhập khẩu thanh long, cao su, cá tra, gạo, hàng may mặc và dệt may.
Tại sự kiện này, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký thoả thuận hợp tác đầu tư, nhằm cân bằng thương mại giữa hai nước, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc và thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến cuối tháng 09/2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 22,2 tỉ đô la trong 9 tháng đầu năm, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam lên đến 41,7 tỷ USD, tăng 15,9%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam, cho biết quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn theo Cục Hải Quan Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong khu vực ASEAN và đứng thứ 9 trên quy mô thế giới.
Thu Hằng
*************************
Ít khả năng có ký kết thỏa thuận TPP11 ở Đà Nẵng (VOA, 09/11/2017)
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Hai chuyên gia Việt Nam am hiểu thương mại và kinh tế nhận định trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ mới đây với VOA rằng ít có khả năng 11 nước Châu Á - Thái Bình Dương sẽ ký hiệp định Đối tác Thái Bình Dương – còn gọi là TPP11 – trong tuần này.
Điều này trái với thông tin trên báo chí Việt Nam hôm 2/11 trích dẫn Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói ông hy vọng cuộc đàm phán tại Nhật Bản tuần trước sẽ "thu hẹp những khác biệt" để các bộ trưởng và lãnh đạo có thể thông qua một hiệp định sửa đổi tại hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Bản đã ráo riết vận động trước hội nghị APEC để các thành viên còn lại đồng ý về TPP11, được xem là có thể làm đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tokyo nói họ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong nội bộ 11 nước thành viên ở Đà Nẵng.
Nhưng hôm 8/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo ở Hà Nội rằng nước ông "sẽ không bị hối thúc" để ký vào một thỏa thuận thương mại "không phục vụ các lợi ích tốt nhất" của Canada và nhân dân nước này.
Bên lề hội nghị APEC, hai chuyên gia, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ; và ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư, đưa ra các nhận định với VOA dưới đây.
VOA : Liệu sẽ có ký kết TPP11 trong kỳ họp cấp cao APEC năm nay hay không ?
Phạm Thị Thu Hằng : Để đạt được điều đó trong kỳ này thì chắc là khó có thể nói trước được. Nhưng 11 quốc gia còn lại đang hết sức tích cực để có thể nhanh chóng kết thúc đàm phán. Bởi vì chúng tôi cũng cho rằng xu thế toàn cầu hóa và xu thế mở cửa vẫn là một xu thế không thể đảo ngược vì nó mang lại lợi ích cho rất nhiều người, đặc biệt là những đối tượng yếu thế và trong việc thúc đẩy thương mại toàn cầu, và nó mang lại những giá trị gia tăng rất lớn, không chỉ cho mỗi quốc gia, mà còn cho từng gia đình, từng con người.
Trần Toàn Thắng : Về mặt chủ trương, tôi nghĩ là các nước đều muốn tiến hành nhanh. Tuy nhiên khi động vào câu chuyện những cam kết cụ thể, quyền lợi cụ thể, mọi người đều phải cân nhắc.
VOA : Để ký TPP11 mới, các nước còn phải đàm phán thêm nữa ?
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia.
Trần Toàn Thắng : Tùy vào sự nhượng bộ của các nước hiện nay như thế nào. Bởi vì nhiều người cho rằng chúng ta có thể giữ nguyên các cam kết của TPP12, bởi vì chúng ta kỳ vọng sự quay trở lại của Mỹ với TPP.
Nếu chúng ta bỏ các cam kết với Mỹ trước đó đi, thì lợi ích khi quay lại với Mỹ không có nữa chẳng hạn, thì câu chuyện lại khác đi rất nhiều.
Theo thông tin tôi được biết, hiện này còn khá nhiều điểm, kể cả Việt Nam, cũng còn đang băn khoăn. Liệu có giữ nguyên các cam kết trong TPP12 và sử dụng nó trong TPP11 hay không. Nhiều người phản đối điểm này. Bởi vì ở TPP12 chúng ta nhìn vào thị trường Mỹ, vì thế các cam kết của mình xoay quanh chuẩn mực của Mỹ. Cho nên hiện nay nếu Mỹ không còn nữa thì tại sao chúng ta cam kết ở mức độ như thế này như thế kia.
Có hai phương án, cứ sử dụng toàn bộ các cam kết vào TPP11, hay là chúng ta tạm thời hoãn lại một số cam kết. Theo tôi nghĩ, phải có sự đồng thuận giữa các nước về vấn đề này. Có lẽ sau APEC này bức tranh sẽ rõ ràng hơn, kể cả là tiếp tục hay là đàm phán lại ở mức độ như thế nào.
VOA : Với 11 nước, liệu các cam kết có thấp hơn so với TPP gồm 12 thành viên, liệu quy mô và tốc độ của các cải cách cũng sẽ thấp hơn ?
Phạm Thị Thu Hằng : Tôi không nghĩ điều đấy sẽ thấp hơn. Tôi nghĩ dù 11 nước hay 12 nước thì cũng vẫn như thế. Bởi vì cải cách mang lại lợi ích cho quốc gia chứ không phải lợi ích cho một ai khác. Chính vì thế cải cách này là cải cách gần như là từ bên trong, và nó đi vào nhận thức của từng quốc gia, và điều được thấy là việc gì có lợi thì chúng ta làm, chứ không phải là có 11 quốc gia hay 12 quốc gia thì chúng ta quyết định là làm hay không làm.
VOA : TPP11 có thể mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam ?
Trần Toàn Thắng : Có hai điểm. Một là về thuế quan, nó vẫn mở ra cho chúng ta các thị trường như Mexico, Canada hay Peru. Nếu thuế quan được hạ thấp xuống như TPP12, nó tăng lợi thế của hàng xuất khẩu Việt Nam lên rất nhiều, vì so với mức thuế trung bình 12% với mức chỉ cần về 2-3%, nó cũng đã tạo lợi thế rất lớn cho hàng xuất khẩu.
Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã nghiên cứu, đánh giá lại TPP11, thì thấy Việt Nam vẫn có lợi. Về mặt định lượng, tăng trưởng chắc [thêm] khoảng 1,3%. Một số nghiên cứu của Canada, Singapore cũng cho thấy vẫn có những tác động dương. Ví dụ như xuất khẩu vẫn đạt 4,5 đến 5% tăng thêm so với không có TPP11. Nói cách khác, lượng hóa ra thì là có nên tham gia TPP11.
Tuy nhiên, các con số đấy mới chỉ là kỳ vọng. Để đạt con số đấy, tốc độ thay đổi thể chế trong nước, thay đổi môi trường kinh doanh hay thay đổi cơ cấu sản xuất không theo kịp, thì con số đấy sẽ trở thành con số ảo, và chúng ta phải đối mặt với làn sóng nhập khẩu hoặc các vấn đề khác.
VOA : Xin cảm ơn đã dành thời gian cho VOA.
An Tôn & Vũ Nguyễn (từ Việt Nam)
***************
Kết thúc hội nghị 11 Bộ trưởng TPP (RFA, 09/11/2017)
Hội nghị Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Đà Nẵng, Việt Nam vừa kết thúc vào ngày 9 tháng 11, với kết quả được cho là lạc quan mặc dù vẫn còn những quan điểm khác biệt về thương mại và bảo hộ mậu dịch.
Bộ trưởng David Parker và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Đà Nẵng ngày 08/11/17. Courtesy : moit.gov.vn
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, chủ trì Hội nghị này, cho biết như vừa nêu. Ông Trần Tuấn Anh còn cho biết thêm trong thời gian 3 ngày diễn ra Hội nghị Bộ trưởng TPP, 11 vị Bộ trưởng thảo luận để cố gắng đạt được một gói thỏa thuận cuối cùng do Nhật Bản đề xuất.
Đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng TPP, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng việc đạt được gói thỏa thuận tại Hội nghị lần này là một quyết định đúng đắn vì thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker vào ngày 9 tháng 11 nói với Reuters rằng 11 Bộ trưởng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Hội nghị Bộ trưởng TPP diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về cách thức vận hành của TPP mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP mặc dù người tiền nhiệm là Tổng thống Barack Obama đã rất cố gắng theo đuổi Hiệp định TPP được hoàn tất trước khi thời điểm hết nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình.
*********************
Hội nghị bộ trưởng Kinh Tế 11 nước tham gia TPP (RFI, 09/11/2017)
Một ngày trước khai mạc APEC 2017, hôm nay 09/11/2017, các bộ trưởng kinh tế của 11 nước tham gia hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận tự do mậu dịch không có Mỹ.
Bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi phát biểu tại cuộc họp TPP-11 ngày 09/11/2017 tại Đà Nẵng. Reuters
Mục tiêu của hội nghị bên lề diễn đàn APEC này là cố gắng thu hẹp bất đồng để có thể ra được cam kết cuối cùng về TPP.
Theo Reuters, trong khi Nhật Bản cố gắng đẩy nhanh tiến độ để sớm có được thỏa thuận, các nước như Canada, New Zealand và Malaysia lại tỏ ra không mấy tích cực.
Bộ trưởng Kinh Tế Nhật Toshimitsu Motegi, chủ trì hội nghị hôm nay, cho biết về cơ bản các bên đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề khó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được một gói cam kết cuối cùng về TPP. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng là các bên phải đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại hội nghị để tiếp tục các cuộc thảo luận.
Kết thúc phiên họp đầu tiên hôm nay, các bộ trưởng cho biết vẫn cần phải có những cuộc thảo luận khác vào tối nay trước khi lãnh đạo các nước tham gia TPP hội đàm vào ngày mai.
Reuters ghi nhận, nhìn chung các bộ trưởng đều tỏ lạc quan về kết quả hội nghị. Tuy nhiên, lập trường của Mêhicô và Canada có phần hơi phức tạp, vì họ đang phải thương lượng lại thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ ( NAFTA) với chính quyền Trump. Canada, nền kinh tế lớn thứ 2 sau Nhật Bản của TPP-11, cho biết không vội trong việc tái khởi động lại TPP.
Sau nhiều năm đàm phán, TPP đã được ký kết chính thức vào ngày 4/2/2016 giữa 12 nước tham gia gồm Mỹ, Canada, Mêhicô, Peru, Chilê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền tháng 1/2017, tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP. Trước động thái đó của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này.
Sau vòng đàm phán mới nhất tại Nhật Bản đầu tháng 11 này, các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP còn lại đều tỏ ý muốn đạt được thỏa thuận cụ thể vào dịp thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Anh Vũ