APEC : Thông điệp lãnh đạo quốc tế khi tới Việt Nam (BBC, 09/11/2017)
Việt Nam có một tuần bận rộn với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm Việt Nam và dự APEC
Đây cũng là dịp để một số lãnh đạo quốc tế gặp nhau song phương để bàn những chủ đề thời sự nóng bỏng khác.
Canada 'không vội với TPP'
Hôm 8/11, đến Hà Nội trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói sẽ không để bị thúc giục phải vội vã đạt được Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện chỉ còn 11 nước họp về vấn đề này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP.
Ông Trudeau tuyên bố : "Canada sẽ không bị hối thúc để ký vào một thỏa thuận thương mại không phục vụ các lợi ích tốt nhất của Canada và nhân dân Canada".
Canada, nền kinh tế lớn thứ hai trong TPP-11 sau Nhật Bản, đã nghiêng về quan điểm đòi sửa đổi, hoặc đặt nghi vấn về việc đẩy quá nhanh hiệp định TPP-11.
Trump và Putin gặp nhau ?
Phía Nga đã tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp riêng tại Đà Nẵng hôm thứ Sáu 10/11.
Cố vấn ngoại giao của ông Putin, Yury Ushakov, nói rằng giờ cụ thể còn đang bàn, nhưng khẳng định cuộc gặp sẽ diễn ra.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump.
'Cục diện mới' hữu nghị Trung - Việt
Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tới Việt Nam
Không chỉ dự APEC, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ 12 đến 13/11.
Ông Tập Cận Bình đã ký tên trong bài đặc biệt đăng trên báo Nhân Dân của Việt Nam ngày 9/11.
Trong bài, ông Tập nói "tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng vững chắc, giao lưu cấp cao ngày càng dồn dập".
"Hơn lúc nào hết chúng ta đều cần phải siết tay hợp tác, cùng nhau theo đuổi giấc mơ dân giàu, nước mạnh".
Ông Tập nhận xét : "Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực biến đổi khôn lường, hai Ðảng và hai nước Trung - Việt đối mặt với nhiều vấn đề mới, thách thức mới tương đồng hoặc gần giống nhau".
Ông bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ "mở ra cục diện mới của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam".
********************
Mỹ Trung trao đổi "thẳng thắn" về Biển Đông (RFI, 09/11/2017)
Về Biển Đông, ngoại trưởng Rex Tillerson hôm nay, 09/11/2017, thông báo là nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã trao đổi "thẳng thắn" với Trung Quốc và Washington "giữ nguyên lập trường" về an ninh hàng hải, về quyền tự do lưu thông trên biển.
Tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. Reuters
Hãng tin Reuters ngày 09/11/2017 trích lời ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết, tại Bắc Kinh, Mỹ đã "nhấn mạnh đến tự do hàng hải, yêu cầu là mọi đòi hỏi chủ quyền phải phù hợp khuôn khổ luật pháp quốc tế". Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cho rằng các bên liên quan cần "ngưng xây dựng và quân sự hóa" các đảo trong các khu vực tranh chấp, để các nỗ lực ngoại giao đạt hiệu quả.
Về phía Bắc Kinh, thông cáo của bộ Ngoại Giao, được công bố sau cuộc họp báo chung của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh : nguyên thủ hai nước đồng ý về mục đích "bảo vệ hòa bình và ổn định" tại Biển Đông.
Một hồ sơ nhạy cảm khác trong quan hệ Mỹ Trung là Đài Loan. Vẫn hãng tin Anh Reuters, trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho biết chính ông Tập Cận Bình hôm nay đã nhấn mạnh Đài Loan là "hồ sơ quan trọng nhất, nhạy cảm nhất" được Bắc Kinh đề cập đến với tổng thống Hoa Kỳ, bởi vì vấn đề này "liên quan đến nền tảng chính trị trong bang giao hai nước". Trung Quốc hy vọng là Mỹ sẽ "tôn trọng nghiêm chỉnh nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất".
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ Trung theo đuổi cùng một mục đích
Trở lại với một trong hai trọng tâm chuyến công du Trung Quốc lần này của tổng thống Trump là hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong buổi họp báo chung sáng nay, lãnh đạo Nhà Trắng đã tuyên bố ông và chủ tịch Tập Cận Bình có "cùng tần số" trên hồ sơ này, đồng thời ông kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng hành động, vì thời gian có hạn. Theo ông, nếu như Bắc Kinh "nỗ lực" trên hồ sơ này, thì các bên sẽ "dễ dàng" tìm được giải pháp cho bán đảo Triều Tiên. Đáp lời tổng thống Trump, ông Tập nói tới một giải pháp "trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".
Thanh Hà
*********************
Tổng thống Mỹ sẽ bàn vấn đề Biển Đông khi gặp lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội (VOA, 09/11/2017)
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear tin rằng Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông khi gặp mặt vào cuối tuần này. Trong một cuộc phỏng riêng với VOA, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói lãnh đạo Việt-Mỹ sẽ bàn thảo vấn đề mà "chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ". Ông Shear cũng đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác Mỹ-Việt trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Hà Nội cũng như những trở ngại cần phải được tháo gỡ trong việc phát triển quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, theo cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng David Shear.
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear tin rằng Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông khi gặp mặt vào cuối tuần này.
Cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng đặc trách vấn đề an ninh Châu Á - Thái Bình Dương và từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear.
Trong một cuộc phỏng riêng với VOA, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói lãnh đạo Việt-Mỹ sẽ bàn thảo vấn đề mà "chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ". Ông Shear cũng đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác Mỹ-Việt trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Hà Nội cũng như những trở ngại cần phải được tháo gỡ trong việc phát triển quan hệ song phương.
VOA : Đại sứ mong chờ gì từ chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam sắp tới trong khuôn khổ chuyến công du được gọi là lịch sử của ông tới Châu Á ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng có những triển vọng tốt cho quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Đà Nẵng sau đó tới Hà Nội sẽ làm tăng cường các mối quan hệ song phương giữa 2 nước. Thủ tướng Phúc đã có một chuyến thăm rất tốt đẹp tới Mỹ vào cuối tháng 5. Và tôi hy vọng Việt Nam sẽ đáp lại sự nghênh đón đó và chuyến thăm [của Tổng thống Trump] cũng sẽ tốt đẹp.
VOA : Châu Á và Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền hiện tại. Chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ làm thay đổi điều này ?
David Shear : Tổng thống sẽ có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của chúng tôi đối với Châu Á bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào ngày 11/11. Bài phát biểu sẽ nói về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Và tôi nghĩ rằng việc tổng thống đưa ra chính sách của Mỹ về khu vực này là một điều tốt. Nó xảy ra sau 9 tháng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức do đó nó hơi bị chậm trễ. Nhưng tôi hy vọng bài phát biểu đó sẽ tạo cho tổng thống một động lực khi tới Hà Nội sau đó để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp song phương. Tôi mong rằng các cuộc gặp mặt song phương sẽ làm đậm thêm mối quan hệ toàn diện của chúng ta. Tôi chắc rằng 2 bên sẽ bàn thảo về các vấn đề Biển Đông mà chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ. Và họ sẽ tháo gỡ những thắc mắc về kinh tế song phương mà chúng ta đang có, bao gồm cả những lĩnh vực như dịch vụ tài chính, quyền sở hữu trí tuệ và một số vấn đề về hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
VOA : Nhiều chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đang trở nên gần gũi hơn với Việt Nam vì muốn mưu tìm sự ủng hộ để kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về nhận định này ?
David Shear : Tôi không nghĩ rằng mối quan hệ song phương bị hạn chế bởi sự cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng cả 2 bên đều nhận thấy những lợi ích chung lớn – cả về chính trị lẫn kinh tế. Cả 2 đều hưởng lợi từ việc mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực đó. Chắc chắc rằng Trung Quốc có đóng một vai trò trong mối quan hệ song phương của chúng ta nhưng mối quan hệ tổng thể không bị giới hạn bởi điều đó.
VOA : Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và họ tuyên bố các vấn đề trên vùng biển nhiều tranh chấp đó không được bàn thảo tại APEC. Điều này có đáng quan ngại ?
David Shear : Tất cả chúng ta nên quan ngại về sự xâm chiếm của Trung Quốc, và rõ ràng trên các hòn đảo đó họ đang tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự. Chúng ta cũng cần phải quan ngại tới những tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. Tất nhiên, năm ngoái tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhưng chúng ta cần luôn ghi nhớ phán quyết đó trong lúc theo dõi những gì Trung Quốc đang làm.
VOA : Vậy Việt Nam cần làm gì để cân bằng được mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc cùng lúc duy trì một quan hệ ổn định với Trung Quốc và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Đây là một cuộc chơi về ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á và trên Biển Đông. Và trong ngoại giao, sự cân bằng là mọi thứ. Việt Nam đang có một sự cân bằng tốt với Trung Quốc bằng việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ và tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để có thể duy trì sự cân bằng đó.
VOA : Theo đại sứ, còn có những bất cập nào làm cản trở sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ mà chúng ta phải giải quyết không ?
David Shear : Vẫn còn có những vấn đề phải giải quyết trong mối quan hệ kinh tế song phương liên quan đến các dịch vụ tài chính hay những vấn đề về sở hữu trí tuệ bên phía Mỹ. Việt Nam cũng có những vấn đề liên quan đến xuất khẩu cá da trơn (basa), tôm và xoài. Do vậy tôi hy vọng 2 bên sẽ giải quyết được những vấn đề này trong cuộc thảo luận khi tổng thống (Trump) tới Việt Nam. Tôi không biết liệu những vấn đề đó sẽ được giải quyết ngay trong chuyến thăm của tổng thống hay không nhưng tôi biết rằng đại diện thương mại Mỹ và các đối tác Việt Nam đã làm việc cật lực về vấn đề này trước khi tổng thống tới Đà Nẵng.
VOA : Đại sứ mới của Mỹ, Daniel Kritenbrink, vừa tới nhậm chức tại Hà Nội. Các nhà hoạt động kỳ vọng tân đại sứ sẽ coi trọng vấn đề nhân quyền trong việc phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Ông kỳ vọng đại sứ mới sẽ thực hiện điều đó ?
David Shear : Nhân quyền luôn là một vấn đề quan trọng trong nghị trình song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Đại sứ Kritenbrink hiểu điều này và tôi hy vọng ông ấy sẽ theo đuổi một cách mạnh mẽ những lợi ích liên quan đến vấn đề này.
VOA : Dioxin vẫn còn là một vấn đề giữa Việt Nam và Mỹ. Sự hợp tác giữa 2 bên trong vấn đề này như thế nào ?
David Shear : Vấn đề di sản chiến tranh, bao gồm ô nhiễm chất dioxin ở Việt Nam tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và tôi mong rằng 2 bên cũng sẽ bàn thảo vấn đề này (trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ). Mỹ và Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ trong việc làm sạch ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng và tôi mong là 2 bên sẽ tìm được phương thức hợp tác ở các khu vực bị nhiễm dioxin ở Biên Hòa, phía bắc của thành phố Hồ Chí Minh.
VOA : Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trong chuyến thăm tới Việt Nam vào cuối tháng 5 năm ngoái. Kể từ đó chúng ta chưa thấy có một hợp đồng mua bán vũ khí nào giữa Việt Nam và Mỹ được công bố mặc dù Việt Nam mong chờ điều này từ lâu. Ông có biết tại sao ?
David Shear : Các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng. Chúng ta có thể sẽ thấy những hiệp định về chuyển giao vũ khí trong tương lai mặc dù tại thời điểm này tôi không thể nói được về những hệ thống hay những cơ sở nào có thể được đề cập trong các hiệp định đó. Nhìn chung, quan hệ quốc phòng song phương đang có nhiều tiến triển. Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc nhất trí rằng Mỹ đưa các tàu tới thăm cảng Việt Nam, có thể là sẽ tới Vịnh Cam Ranh. Tôi mong là Tổng thống Trump sẽ nhắc tới khả năng này trong một thông cáo trong chuyến thăm tới Hà Nội tuần này.
VOA : Lãnh đạo của 21 nền kinh tế sẽ tới Việt Nam tham dự APEC tại Đà Nẵng. Việt Nam nên làm gì để tranh thủ cơ hội này ?
David Shear : Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam để cho họ thấy những tiềm năng của mình. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tỷ lệ hơn 6% trong năm nay – nằm trong số những nước có tỷ lệ phát triển cao nhất trong khu vực. Đây là những cơ hội tốt về thương mại và đầu tư cho Việt Nam và tôi hy vọng những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ nắm bắt điều này qua những trao đổi với các thành viên khác tại Hội nghị thượng đỉnh APEC.
VOA : TPP-11 không có Mỹ được kỳ vọng sẽ có bước đột phá ở Hội nghị APEC. Nhưng các nước thành viên của hiệp định này vẫn hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại tham gia TPP một ngày nào đó. Liệu khả năng này có xảy ra ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng việc các nước thành viên tiếp tục bàn thảo để hoàn tất TPP-11 là rất quan trọng. Tôi hy vọng sẽ có một công bố về hiệp định này bên lề APEC về việc thực thi TPP-11. Nhật Bản và Australia đã cho thấy sự lãnh đạo của họ trong việc giữ cho các đối tác trong TPP trong sự vắng mặt của Mỹ. Tôi hy vọng việc TPP-11 sẽ tạo ra một cơ sở để Mỹ có thể tham gia trong tương lai nếu họ muốn.
VOA : Liệu chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho sự thiết lập một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Mỹ và Việt Nam ?
David Shear : Dường như phía Mỹ muốn có một hiệp định thương mại tự do song phương nhưng tôi không biết liệu phía Việt Nam có muốn không. Tôi không biết liệu các cuộc thương thảo về một hiệp định thương mại song phương có phải là những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay hay không. Chính quyền hiện tại đang phải hoàn tất thương thuyết NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) trước khi họ có thể chú ý tới những hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.