Canada tuyên bố sẽ ký kết Hiệp Định TPP mới gồm 11 nước (RFI, 24/01/2018)
Chính quyền Canada ngày hôm qua, 23/01/2018, đã loan báo việc sẽ ký kết Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, phiên bản mới, đã được 11 nước còn lại điều chỉnh sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định. Quyết định ký kết TPP được loan báo vào lúc các nhà thương thuyết Canada, Mêhicô và Mỹ khởi động vòng đàm phán thứ 6 về hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA năm 1994 mà Washington đã đe dọa sẽ hủy bỏ.
Canada quyết định ký kết TPP mới cùng lúc khởi động vòng đàm phán thứ 6 về hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA. Reuters/Edgard Garrido/File Photo
Canada nằm trong số 12 nước thành viên ban đầu đã ký hiệp định TPP. Tuy nhiên, Canada lại là một trong những nước vào cuối năm ngoái, đã từng gây trở ngại cho việc thông qua dự thảo hiệp định TPP sửa đổi mà 11 nước còn lại trong nhóm đã cố hoàn tất để tiếp tục tiến trình thành lập vùng tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà không có Mỹ.
Đàm phán vẫn tiếp diễn, và trong hai ngày 22-23/01 vừa qua, đại diện 11 nước còn lại trong TPP đã họp lại tại Tokyo để hoàn thiện các chi tiết và thông qua dự thảo hiệp định mới, được đặt tên lại là CPTPP - Hiệp Định Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương.
Theo thông báo của Nhật Bản, hiệp định CPTPP sẽ được ký kết tại Chi Lê vào ngày 08/03 tới đây.
Theo các nhà quan sát, với việc tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi NAFTA, trong lúc việc đạt được thỏa thuận NAFTA mới còn cần rất nhiều thời gian, Canada đã cảm thấy là cần phải ký kết ngay hiệp định TPP để bảo tồn lợi ích của mình.
Phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos, thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định là nước ông "đang nỗ lực đàm phán (lại) NAFTA và ông cũng biết rõ là những điều mà Canada có thể hoàn thành với các đối tác trong CPTPP sẽ không chỉ tốt cho người dân Canada mà còn cho mọi công dân của cả 11 quốc gia" trong khối.
Mai Vân
***************
TPP không Hoa Kỳ sẽ được ký vào tháng 3 (RFA, 23/01/2018)
Mười một quốc gia xúc tiến Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương- TPP sau khi Hoa Kỳ rút sẽ ký kết thỏa thuận vào tháng ba tới đây tại Chi-lê.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (trái) bắt tay Bộ trưởng Kinh tế Nhật BẢn Toshimitsu Motegi (phải) tại cuộc họp báo về TPP bên lề APEC tại Đà Nẵng hôm 11/11/2017 - AFP
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi vào ngày 23 tháng một cho biết như vừa nêu. Theo ông Toshimitsu Motegi thì TPP-11 hay còn gọi là Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến Bộ và Toàn Diện CPTPP sẽ là cơ chế đối chọi chế độ bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy tại nhiều nơi trên thế giới.
Nhật Bản sẽ thuyết phục Hoa Kỳ về tầm quan trọng của CPTPP với hy vọng Washington trở lại tham gia thỏa ước mậu dịch này. Vào tuần qua, thủ tướng Úc, Malcom Turnbull, cũng nói là sẽ để mở cơ hội gia nhập cho phía Mỹ.
Thông báo về kế hoạch ký kết thỏa thuận CPTPP được xem là một thắng lợi lớn cho Tokyo. Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe lâu nay vận động mạnh để cứu vãn TPP sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận ngay sau khi lên nắm quyền vào tháng một năm 2017.
Đại diện thương mại của 11 nước vừa qua gặp nhau tại Tokyo để đàm phán giải quyết những bất đồng còn lại, trong đó có vấn đề về bảo hộ ngành công nghiệp giải trí của Canada như phim ảnh, TV và âm nhạc.
Tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi CPTPP là một thỏa thuận đúng đắn.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật cho biết thêm là Canada với mong muốn bảo hộ sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, và Việt Nam với quan ngại về luật bảo vệ người lao động, sẽ trao đổi văn bản phụ riêng với các thành viên khác tham gia CPTPP tại lễ ký kết vào tháng ba ở Chi-lê.
********************
11 nước còn lại trong TPP đã thống nhất được các điều khoản cho "phiên bản" mới của hiệp định này - CPTPP, và việc ký kết sẽ được diễn ra vào tháng 3 tới, theo lịch trình ban đầu.
Nguồn tin từ đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho biết đoàn đàm phán các nước TPP-11 đã kết thúc đàm phán các điều khoản của hiệp định mới vào chiều nay (23/1) ở Tokyo. Việc ký kết sẽ tiến hành vào ngày 8/3 tại Chile.
Đối với 4 điều khoản mà cuộc họp tại Đà Nẵng đã nhất trí phải tìm được sự đồng thuận và hoàn tất trước ngày ký kết, văn bản sau cuộc họp tại Tokyo xác nhận vấn đề trên đã được giải quyết.
Điều khoản 1 và 2, tức điều khoản về doanh nghiệp do nhà nước sở hữu và điều khoản về các biện pháp thương mại và đầu tư không thích hợp, đã được tạm hoãn thực thi. Điều khoản 3 và 4, tức điều khoản về giải quyết tranh chấp và điều khoản về sự loại trừ văn hóa (vấn đề của Canada), sẽ được giải quyết trong Phụ lục.
Các quan chức cấp cao tham dự cuộc họp cũng xác nhận việc soạn thảo văn bản pháp lý trong tiếng Anh đã hoàn tất và việc dịch thỏa thuận sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp trong vài tuần.
Khúc mắc cuối cùng trước khi các nước đạt được thống nhất là từ phía Canada.
Ông Toshimitsu Motegi, bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật Bản, phát biểu trong cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Tokyo. Ảnh : Kyodo.
Trước đó, Reuters đưa tin các nước đã bắt đầu họp tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 22/1 nhằm xóa bỏ những khác biệt cuối cùng về luật lao động và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Canada đã cho thấy ý định không vội vàng ký kết thỏa thuận TPP nếu không đạt được nhượng bộ về bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Kỳ vọng dành cho cuộc họp ở Tokyo là các nước có thể đẩy nhanh đàm phán để ký kết hiệp định vào tháng 3/2018.
CPTPP là tên gọi mới của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút ra, 11 nước còn lại đã tiếp tục đàm phán để TPP có thể đi vào hiệu lực.
Cuộc họp tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017 đã quyết định đổi tên TPP thành CPTPP. Các bộ trưởng cũng thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để "bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước". Ngay từ cuộc họp này, Canada đã cho thấy họ là phía đàm phán cứng rắn nhất khi nhất quyết không chịu hoãn một số điều khoản.
TPP 11 bao gồm 11 quốc gia thành viên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đồ họa: Canada West Foundation.
Theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Việc "đóng băng" hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai - trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai.
Phương Thảo
TPP 11 đạt đồng thuận ‘cốt lõi’ (VOA, 11/11/2017)
Mười một nước thành viên của Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ (TPP-11) nhất trí với nhau về các "yếu tố cốt lõi" của thỏa thuận, một số khía cạnh còn bất đồng được gạt sang một bên để thương lượng thêm, trong đó có lĩnh vực văn hóa và giải quyết tranh chấp.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bị cáo buộc là đã gây trở ngại cho việc thông qua TPP11 vì không đến dự cuộc họp của các lãnh đạo các nước thành viên tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Hội nghị APEC.
Các thành viên TPP-11 đạt được đồng thuận khá muộn vào đêm 10/11 bên lề diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam, chỉ vài giờ sau khi bị gây trở ngại bởi Thủ tướng Canada, Justin Trudeau.
Kịch tính chính trị bao gồm sự vắng mặt của ông Trudeau khiến một cuộc họp dự trù của các lãnh đạo TPP cuối cùng bị hủy bỏ và báo đài quốc tế loan tin rằng Canada đã đổi ý và cho các đồng minh TPP "leo cây".
Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne nói tin đó là một "sự hiểu lầm" và rằng Canada đã dành thời gian cần thiết để thúc đẩy các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho các lĩnh vực liên quan đến môi trường và lao động.
"Canada là vậy. Chúng tôi sẽ không dễ dàng chung quyết bất cứ thỏa thuận nào", ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (10/11). "Đó là nhằm đảm bảo Canada, một quốc gia Thái Bình Dương, có thể tiếp cận các thị trường trong khu vực Thái Bình Dương. Đó là đặt ra các điều kiện mại trong khu vực".
Bộ trưởng Canada gợi ý rằng bất kỳ thay đổi nào đối với các quy tắc thương mại liên quan đến ngành ô tô – mối quan tâm chính của các nhà sản xuất ô tô và các lãnh đạo công đoàn ở Bắc Mỹ - sẽ được ấn định vào một ngày sau đó.
Ông Champagne nói với các phóng viên rằng : "Đặc biệt khi nói về lĩnh vực văn hoá, khi nói đến ngành ô tô, chắc chắn chúng tôi sẽ dành thời gian tham khảo ý kiến các bên liên quan để đạt được thỏa thuận".
Các cuộc đàm phán ban đầu bao gồm Hoa Kỳ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP. Ông vận động mạnh mẽ để chống lại hiệp định này, gọi đó là "một sự cưỡng đoạt liên tiếp đối với đất nước chúng ta" và là "một thảm họa".
Khó khăn đối với Canada và Mexico là cả hai vừa đang đàm phán TPP vừa đang trong giai đoạn thương thảo lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Hoa Kỳ, nghĩa là nhiều vấn đề tương tự đang được đặt lên hai bàn đàm phán riêng biệt.
Trước đó trong ngày 10/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã coi Thủ tướng Trudeau là lý do khiến chưa thể đạt được thỏa thuận cho TPP kịp lúc.
Toàn bộ 11 quốc gia tham gia TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, đều nằm trong khối 21 nước thành viên của APEC.
"Các Bộ trưởng vui mừng thông báo rằng họ đã đồng ý về các yếu tố cốt lõi của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP)", 11 thành viên TPP tuyên bố trong thông cáo.
"Các Bộ trưởng nhất trí rằng CPTPP duy trì tính tiêu chuẩn cao, cân bằng và hội nhập tổng thể của TPP đồng thời đảm bảo lợi ích thương mại và các lợi ích khác của tất cả các bên tham gia và duy trì quyền điều chỉnh, bao gồm tính linh hoạt của các bên đề ra các ưu tiên về lập pháp và luật lệ".
*********************
Đàm phán TPP-11 tại Đà Nẵng thất bại (RFI, 10/11/2017)
Cuộc họp giữa lãnh đạo 11 nước còn lại trong hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã không diễn ra ngày 10/11/2017, tại Đà Nẵng theo dự kiến, do vẫn còn nhiều bất đồng về hiệp định này.
Bộ trưởng Thương Mại Canada Francois-Philippe Champagne trả lời phỏng vấn Reuters bên lề thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 08/11/2017. Reuters/Jorge Silva
Từ Đà Nẵng, đặc phái viên Minh Anh tường trình :
"Theo dự kiến, bên lề thượng đỉnh APEC, lãnh đạo các nước TPP-11 họp lại vào đầu buổi chiều hôm nay (10/11) để bàn về việc thúc đẩy hiệp định này, nhưng cuối cùng thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không đến dự, theo nguồn tin từ một quan chức Canada.
Bộ trưởng Thương Mại Canada, François-Philippe Champagne, hôm qua (09/10) đã lên tiếng bác bỏ thông báo của phía Nhật Bản cho rằng cuộc họp giữa các bộ trưởng Kinh Tế TPP-11 đã đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc cho phép thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Cho dù một viên chức chính phủ Tokyo cho biết là "đã đạt được thỏa hiệp cơ bản cấp bộ trưởng" nhưng đàm phán về TPP sẽ được tiếp tục trong ngày hôm nay, do các bên vẫn còn bất đồng trên một số điểm
Dường như Canada và một số nước như Việt Nam, Malaysia đã có những bất đồng trên một số điểm. Canada muốn duy trì "các tiêu chuẩn quan trọng" trong thỏa thuận, như bảo đảm duy trì quyền của người lao động tại các nước tham gia. Việt Nam và Malaysia, hai nền kinh tế mà khu vực nhà nước chiếm đa số, giờ lại không muốn nhượng bộ trên những lĩnh vực được cho là nhậy cảm này.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, khi trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về TPP trong cuộc họp báo hôm qua đã khẳng định các bên vẫn nỗ lực duy trì TPP như một hiệp định "chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển trong khu vực"".
*********************
TPP cần 'cấp cứu' sau khi Canada bỏ họp ? (BBC, 10/11/2017)
Đàm phán nhằm khôi phục hiệp định TPP đã gặp khó khăn sau khi cả Thủ tướng Canada Justin Trudeau và bộ trưởng ngoại thương của chính phủ ông, François-Philippe Champagne đều không đến họp vào buổi tối 10/11 tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Justin Trudeau sẽ một mình buông tay để TPP chìm luôn ?
Cuộc họp do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trì đã phải hoãn lại vì đoàn Canada không xuất hiện.
Theo Reuters, ông Trudeau không hề nêu ra một lời giải thích về chuyện "bỏ ký kết".
Trước đó, các đoàn dự APEC như New Zealand và Canada đã nêu chỉ dấu họ đặt câu hỏi về TPP-11.
Dù không ai nói ra là nước họ sẽ bỏ TPP, cả thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern và thủ tướng Justin Trudeau của Canada đều bình luận về TPP theo hướng còn chưa dễ hoàn tất đàm phán.
Theo Reuters, các đoàn đã nêu ra "những bình luận trái ngược nhau" về TPP-11 hôm thứ Ba 9/11 tại Đà Nẵng.
Nhật Bản thì nói một đồng thuận "đã đạt được trên nguyên tắc", nhưng ngay sau đó Canada bác bỏ điều này.
Trước khi tới Việt Nam, ông Trudeau đã nói "Canada không vội vàng với TPP".
Còn bà Jacinda Ardern, sau khi lên làm thủ tướng New Zealand ở tuổi 37, nhờ thành lập chính phủ liên minh do đảng Lao Động cánh tả của bà dẫn dắt đã nói :
"Cho dù đó là TPP hay bất kỳ thỏa thuận nào khác, cần phải đảm bảo rằng chúng ta có thể cấm người nước ngoài mua các ngôi nhà đã có sẵn tại New Zealand".
Không phải ai cũng thích APEC : Biểu tình đòi 'Vứt APEC' ở Manila, Philippines
Dù vậy, trả lời báo chí ở Đà Nẵng hôm 10/11, Bộ trưởng thương mại New Zealand, David Parker nói "không phải nước ông cản trở TPP".
Ông nói, "có một nước khác" đã làm chuyện đó nhưng không nêu tên nước nào,
Từ 12 xuống 11
Lúc đầu có tin nói 11 nước còn lại - sau khi Mỹ rút - sẽ thông qua một tuyên bố căn bản tại APEC.
Nhưng Canada xác nhận cuộc họp thứ Sáu không diễn ra.
Một viên chức Canada được dẫn lời : "Chúng tôi cần làm đúng việc này, và sẽ mất thời gian".
Canada là nền kinh tế lớn thứ hai chỉ sau Nhật trong nhóm TPP-11.
Nhưng hôm thứ Tư, Canada tuyên bố sẽ không vội tham gia một thỏa thuận mới.
Canada và Mexico, đều có trong nhóm TPP-11, lại đang thương lượng với chính quyền Mỹ về hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP khi ông nhậm chức.
Sự vắng mặt của Mỹ khiến một số nước không còn mặn mà, nhưng Nhật Bản vận động mạnh mẽ cho một hiệp định mới.
Mới đầu ngày thứ Sáu, Thủ tướng Malaysia Najib Razak còn nói "khá tự tin" rằng có thể đạt thỏa thuận.
Bên cạnh Malaysia có Singapore và Nhật Bản là những nước mặn mà nhất với TPP.
Tại hội nghị APEC hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi ra thông điệp mạnh mẽ về thương mại.
Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand ngỡ ngàng trước món quà : chân dung của chính bà được Thủ tướng VN trao tặng. Tuy thế New Zealand vẫn có quan điểm khác Việt Nam về TPP
Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ không "dung thứ" cho những lạm dụng thương mại và đòi chính sách bình đẳng, công bằng.
Ông Trump cũng nói Mỹ sẽ không tham gia các hiệp định đa phương.
Trong khi đó phát biểu ở APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại kêu gọi "duy trì đa phương".
Theo phóng viên kinh doanh của BBC News Karishma Vaswani từ Đà Nẵng thì các đoàn của 11 nước còn có ngày mai, 11/11 để quyết định về TPP.
Phóng viên của chúng tôi cũng nói Canada muốn có đảm bảo rõ hơn về quyền lợi của người lao động trong các điều khoản của TPP.
Quá nhiều xu hướng và cách nhìn khác nhau
Một lý do nữa mà chính phủ Trudeau nêu ra là đàm phán TPP có thể gây khiến thỏa thuận ba nước Bắc Mỹ, gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico trở nên "phức tạp hóa".
Hôm 09/11, luật sư Vũ Đức Khanh, nhà bình luận thời sự từ Ottawa, Canada đã nêu đánh giá của ông về khả năng thành công hay không của vòng đàm phán TPP lần này.
Nói về hội nghị APEC trong Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt hôm thứ Năm, ông cho hay :
"Sự hội nhập của Việt Nam với thế giới thông qua APEC là động cơ thúc đẩy cho phát triển của Việt Nam. Liệu APEC có đạt được gì [cho Việt Nam] không ? Theo những nguồn tin chúng ta biết được thì không. Ngay như hồi đầu tuần, Nhật Bản đã cố gắng khởi động lại TPP nhưng vào giờ chót thì có lẽ là đã không thành công. Theo tôi, APEC 2017 sẽ không có điểm gì xuất sắc hết".
TPP có tham vọng bỏ thuế quan cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp mà tỷ trọng trao đổi thương mại năm 2016 đạt 356 tỷ USD.
Còn ông Jenik Radon, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Columbia thì từng nói với BBC Tiếng Việt bên lề một hội nghị kinh doanh tại Đà Nẵng trong tuần :
"Ý tưởng về TPP là tốt nhưng tôi không thích chi tiết của nó bởi có nhiều điểm thiếu rõ ràng và các bên tham gia có thể lợi dụng sự thiếu rõ ràng này".
Với nước chủ nhà của hội nghị APEC năm nay là Việt Nam, nếu TPP-11 được thông qua, nền kinh tế nước này có thể có thêm vài phần trăm tăng trưởng mỗi năm, theo giới quan sát.
Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Giang của BBC từ London thì hội nghị APEC ở Đà Nẵng đang nâng cao vị thế của Việt Nam nhưng lại diễn ra vào thời điểm "hội tụ nhiều yếu tố đe dọa" tự do hóa thương mại toàn cầu.
Làn sóng chống tầng lớp trên, gọi là nhóm 1% hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa về kinh tế, đang dâng lên không chỉ ở Châu Mỹ, Châu Âu, anh nói.
Ngoài ra, cái nhìn về kinh tế và chính trị quốc tế của những lãnh đạo trẻ như ông Trudeau và bà Ardern, thuộc một thế hệ hoàn toàn khác với các nhân vật cùng dự họp, cũng có tác động đến nghị trình chung.
Bà Jacinda Ardern và ông Justin Trudeau trẻ hơn và thuộc một thế hệ khác hẳn các lãnh đạo còn lại của APEC
Vì thế, việc Canada hay New Zealand nêu ra quyền của người lao động hoặc nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng bản địa là dễ hiểu.
Về cơ bản, câu hỏi cho TPP là ai sẽ được lợi và ai thua thiệt vì thương mại toàn cầu.
Một trong những quyết định đầu tiên của tân chính phủ Ardern là cấm người nước ngoài mua nhà ở nước họ để bảo vệ người mua New Zealand.
Ngoại kiều mà đa số là người Trung Quốc đã mua ồ ạt nhà cửa ở New Zealand những năm qua.
APEC : Thông điệp lãnh đạo quốc tế khi tới Việt Nam (BBC, 09/11/2017)
Việt Nam có một tuần bận rộn với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm Việt Nam và dự APEC
Đây cũng là dịp để một số lãnh đạo quốc tế gặp nhau song phương để bàn những chủ đề thời sự nóng bỏng khác.
Canada 'không vội với TPP'
Hôm 8/11, đến Hà Nội trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói sẽ không để bị thúc giục phải vội vã đạt được Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện chỉ còn 11 nước họp về vấn đề này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP.
Ông Trudeau tuyên bố : "Canada sẽ không bị hối thúc để ký vào một thỏa thuận thương mại không phục vụ các lợi ích tốt nhất của Canada và nhân dân Canada".
Canada, nền kinh tế lớn thứ hai trong TPP-11 sau Nhật Bản, đã nghiêng về quan điểm đòi sửa đổi, hoặc đặt nghi vấn về việc đẩy quá nhanh hiệp định TPP-11.
Trump và Putin gặp nhau ?
Phía Nga đã tuyên bố Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp riêng tại Đà Nẵng hôm thứ Sáu 10/11.
Cố vấn ngoại giao của ông Putin, Yury Ushakov, nói rằng giờ cụ thể còn đang bàn, nhưng khẳng định cuộc gặp sẽ diễn ra.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump.
'Cục diện mới' hữu nghị Trung - Việt
Lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tới Việt Nam
Không chỉ dự APEC, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ 12 đến 13/11.
Ông Tập Cận Bình đã ký tên trong bài đặc biệt đăng trên báo Nhân Dân của Việt Nam ngày 9/11.
Trong bài, ông Tập nói "tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng vững chắc, giao lưu cấp cao ngày càng dồn dập".
"Hơn lúc nào hết chúng ta đều cần phải siết tay hợp tác, cùng nhau theo đuổi giấc mơ dân giàu, nước mạnh".
Ông Tập nhận xét : "Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực biến đổi khôn lường, hai Ðảng và hai nước Trung - Việt đối mặt với nhiều vấn đề mới, thách thức mới tương đồng hoặc gần giống nhau".
Ông bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ "mở ra cục diện mới của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam".
********************
Mỹ Trung trao đổi "thẳng thắn" về Biển Đông (RFI, 09/11/2017)
Về Biển Đông, ngoại trưởng Rex Tillerson hôm nay, 09/11/2017, thông báo là nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã trao đổi "thẳng thắn" với Trung Quốc và Washington "giữ nguyên lập trường" về an ninh hàng hải, về quyền tự do lưu thông trên biển.
Tổng thống Trump và chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Sảnh Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. Reuters
Hãng tin Reuters ngày 09/11/2017 trích lời ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết, tại Bắc Kinh, Mỹ đã "nhấn mạnh đến tự do hàng hải, yêu cầu là mọi đòi hỏi chủ quyền phải phù hợp khuôn khổ luật pháp quốc tế". Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cho rằng các bên liên quan cần "ngưng xây dựng và quân sự hóa" các đảo trong các khu vực tranh chấp, để các nỗ lực ngoại giao đạt hiệu quả.
Về phía Bắc Kinh, thông cáo của bộ Ngoại Giao, được công bố sau cuộc họp báo chung của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhấn mạnh : nguyên thủ hai nước đồng ý về mục đích "bảo vệ hòa bình và ổn định" tại Biển Đông.
Một hồ sơ nhạy cảm khác trong quan hệ Mỹ Trung là Đài Loan. Vẫn hãng tin Anh Reuters, trích lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho biết chính ông Tập Cận Bình hôm nay đã nhấn mạnh Đài Loan là "hồ sơ quan trọng nhất, nhạy cảm nhất" được Bắc Kinh đề cập đến với tổng thống Hoa Kỳ, bởi vì vấn đề này "liên quan đến nền tảng chính trị trong bang giao hai nước". Trung Quốc hy vọng là Mỹ sẽ "tôn trọng nghiêm chỉnh nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất".
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỹ Trung theo đuổi cùng một mục đích
Trở lại với một trong hai trọng tâm chuyến công du Trung Quốc lần này của tổng thống Trump là hạt nhân Bắc Triều Tiên, trong buổi họp báo chung sáng nay, lãnh đạo Nhà Trắng đã tuyên bố ông và chủ tịch Tập Cận Bình có "cùng tần số" trên hồ sơ này, đồng thời ông kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc nhanh chóng hành động, vì thời gian có hạn. Theo ông, nếu như Bắc Kinh "nỗ lực" trên hồ sơ này, thì các bên sẽ "dễ dàng" tìm được giải pháp cho bán đảo Triều Tiên. Đáp lời tổng thống Trump, ông Tập nói tới một giải pháp "trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".
Thanh Hà
*********************
Tổng thống Mỹ sẽ bàn vấn đề Biển Đông khi gặp lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội (VOA, 09/11/2017)
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear tin rằng Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông khi gặp mặt vào cuối tuần này. Trong một cuộc phỏng riêng với VOA, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói lãnh đạo Việt-Mỹ sẽ bàn thảo vấn đề mà "chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ". Ông Shear cũng đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác Mỹ-Việt trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Hà Nội cũng như những trở ngại cần phải được tháo gỡ trong việc phát triển quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, theo cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng David Shear.
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ David Shear tin rằng Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ bàn thảo vấn đề Biển Đông khi gặp mặt vào cuối tuần này.
Cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng đặc trách vấn đề an ninh Châu Á - Thái Bình Dương và từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear.
Trong một cuộc phỏng riêng với VOA, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói lãnh đạo Việt-Mỹ sẽ bàn thảo vấn đề mà "chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ". Ông Shear cũng đưa ra những nhận định về triển vọng hợp tác Mỹ-Việt trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Trump tới Hà Nội cũng như những trở ngại cần phải được tháo gỡ trong việc phát triển quan hệ song phương.
VOA : Đại sứ mong chờ gì từ chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Việt Nam sắp tới trong khuôn khổ chuyến công du được gọi là lịch sử của ông tới Châu Á ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng có những triển vọng tốt cho quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Đà Nẵng sau đó tới Hà Nội sẽ làm tăng cường các mối quan hệ song phương giữa 2 nước. Thủ tướng Phúc đã có một chuyến thăm rất tốt đẹp tới Mỹ vào cuối tháng 5. Và tôi hy vọng Việt Nam sẽ đáp lại sự nghênh đón đó và chuyến thăm [của Tổng thống Trump] cũng sẽ tốt đẹp.
VOA : Châu Á và Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền hiện tại. Chuyến thăm của Tổng thống Trump sẽ làm thay đổi điều này ?
David Shear : Tổng thống sẽ có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của chúng tôi đối với Châu Á bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào ngày 11/11. Bài phát biểu sẽ nói về một Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Và tôi nghĩ rằng việc tổng thống đưa ra chính sách của Mỹ về khu vực này là một điều tốt. Nó xảy ra sau 9 tháng kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức do đó nó hơi bị chậm trễ. Nhưng tôi hy vọng bài phát biểu đó sẽ tạo cho tổng thống một động lực khi tới Hà Nội sau đó để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp song phương. Tôi mong rằng các cuộc gặp mặt song phương sẽ làm đậm thêm mối quan hệ toàn diện của chúng ta. Tôi chắc rằng 2 bên sẽ bàn thảo về các vấn đề Biển Đông mà chúng ta cùng có mối quan tâm mạnh mẽ. Và họ sẽ tháo gỡ những thắc mắc về kinh tế song phương mà chúng ta đang có, bao gồm cả những lĩnh vực như dịch vụ tài chính, quyền sở hữu trí tuệ và một số vấn đề về hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
VOA : Nhiều chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ đang trở nên gần gũi hơn với Việt Nam vì muốn mưu tìm sự ủng hộ để kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Ông nghĩ sao về nhận định này ?
David Shear : Tôi không nghĩ rằng mối quan hệ song phương bị hạn chế bởi sự cân bằng sức mạnh với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng cả 2 bên đều nhận thấy những lợi ích chung lớn – cả về chính trị lẫn kinh tế. Cả 2 đều hưởng lợi từ việc mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực đó. Chắc chắc rằng Trung Quốc có đóng một vai trò trong mối quan hệ song phương của chúng ta nhưng mối quan hệ tổng thể không bị giới hạn bởi điều đó.
VOA : Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông và họ tuyên bố các vấn đề trên vùng biển nhiều tranh chấp đó không được bàn thảo tại APEC. Điều này có đáng quan ngại ?
David Shear : Tất cả chúng ta nên quan ngại về sự xâm chiếm của Trung Quốc, và rõ ràng trên các hòn đảo đó họ đang tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự. Chúng ta cũng cần phải quan ngại tới những tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông. Tất nhiên, năm ngoái tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhưng chúng ta cần luôn ghi nhớ phán quyết đó trong lúc theo dõi những gì Trung Quốc đang làm.
VOA : Vậy Việt Nam cần làm gì để cân bằng được mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam phải rất cẩn trọng trong việc cùng lúc duy trì một quan hệ ổn định với Trung Quốc và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Đây là một cuộc chơi về ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á và trên Biển Đông. Và trong ngoại giao, sự cân bằng là mọi thứ. Việt Nam đang có một sự cân bằng tốt với Trung Quốc bằng việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ và tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để có thể duy trì sự cân bằng đó.
VOA : Theo đại sứ, còn có những bất cập nào làm cản trở sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ mà chúng ta phải giải quyết không ?
David Shear : Vẫn còn có những vấn đề phải giải quyết trong mối quan hệ kinh tế song phương liên quan đến các dịch vụ tài chính hay những vấn đề về sở hữu trí tuệ bên phía Mỹ. Việt Nam cũng có những vấn đề liên quan đến xuất khẩu cá da trơn (basa), tôm và xoài. Do vậy tôi hy vọng 2 bên sẽ giải quyết được những vấn đề này trong cuộc thảo luận khi tổng thống (Trump) tới Việt Nam. Tôi không biết liệu những vấn đề đó sẽ được giải quyết ngay trong chuyến thăm của tổng thống hay không nhưng tôi biết rằng đại diện thương mại Mỹ và các đối tác Việt Nam đã làm việc cật lực về vấn đề này trước khi tổng thống tới Đà Nẵng.
VOA : Đại sứ mới của Mỹ, Daniel Kritenbrink, vừa tới nhậm chức tại Hà Nội. Các nhà hoạt động kỳ vọng tân đại sứ sẽ coi trọng vấn đề nhân quyền trong việc phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Ông kỳ vọng đại sứ mới sẽ thực hiện điều đó ?
David Shear : Nhân quyền luôn là một vấn đề quan trọng trong nghị trình song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Đại sứ Kritenbrink hiểu điều này và tôi hy vọng ông ấy sẽ theo đuổi một cách mạnh mẽ những lợi ích liên quan đến vấn đề này.
VOA : Dioxin vẫn còn là một vấn đề giữa Việt Nam và Mỹ. Sự hợp tác giữa 2 bên trong vấn đề này như thế nào ?
David Shear : Vấn đề di sản chiến tranh, bao gồm ô nhiễm chất dioxin ở Việt Nam tiếp tục là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự song phương và tôi mong rằng 2 bên cũng sẽ bàn thảo vấn đề này (trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ). Mỹ và Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ trong việc làm sạch ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng và tôi mong là 2 bên sẽ tìm được phương thức hợp tác ở các khu vực bị nhiễm dioxin ở Biên Hòa, phía bắc của thành phố Hồ Chí Minh.
VOA : Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trong chuyến thăm tới Việt Nam vào cuối tháng 5 năm ngoái. Kể từ đó chúng ta chưa thấy có một hợp đồng mua bán vũ khí nào giữa Việt Nam và Mỹ được công bố mặc dù Việt Nam mong chờ điều này từ lâu. Ông có biết tại sao ?
David Shear : Các hợp đồng mua bán vũ khí thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thương lượng. Chúng ta có thể sẽ thấy những hiệp định về chuyển giao vũ khí trong tương lai mặc dù tại thời điểm này tôi không thể nói được về những hệ thống hay những cơ sở nào có thể được đề cập trong các hiệp định đó. Nhìn chung, quan hệ quốc phòng song phương đang có nhiều tiến triển. Tổng thống Trump và Thủ tướng Phúc nhất trí rằng Mỹ đưa các tàu tới thăm cảng Việt Nam, có thể là sẽ tới Vịnh Cam Ranh. Tôi mong là Tổng thống Trump sẽ nhắc tới khả năng này trong một thông cáo trong chuyến thăm tới Hà Nội tuần này.
VOA : Lãnh đạo của 21 nền kinh tế sẽ tới Việt Nam tham dự APEC tại Đà Nẵng. Việt Nam nên làm gì để tranh thủ cơ hội này ?
David Shear : Đây là một cơ hội lớn cho Việt Nam để cho họ thấy những tiềm năng của mình. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tỷ lệ hơn 6% trong năm nay – nằm trong số những nước có tỷ lệ phát triển cao nhất trong khu vực. Đây là những cơ hội tốt về thương mại và đầu tư cho Việt Nam và tôi hy vọng những nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ nắm bắt điều này qua những trao đổi với các thành viên khác tại Hội nghị thượng đỉnh APEC.
VOA : TPP-11 không có Mỹ được kỳ vọng sẽ có bước đột phá ở Hội nghị APEC. Nhưng các nước thành viên của hiệp định này vẫn hy vọng Mỹ sẽ quay trở lại tham gia TPP một ngày nào đó. Liệu khả năng này có xảy ra ?
David Shear : Tôi nghĩ rằng việc các nước thành viên tiếp tục bàn thảo để hoàn tất TPP-11 là rất quan trọng. Tôi hy vọng sẽ có một công bố về hiệp định này bên lề APEC về việc thực thi TPP-11. Nhật Bản và Australia đã cho thấy sự lãnh đạo của họ trong việc giữ cho các đối tác trong TPP trong sự vắng mặt của Mỹ. Tôi hy vọng việc TPP-11 sẽ tạo ra một cơ sở để Mỹ có thể tham gia trong tương lai nếu họ muốn.
VOA : Liệu chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho sự thiết lập một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Mỹ và Việt Nam ?
David Shear : Dường như phía Mỹ muốn có một hiệp định thương mại tự do song phương nhưng tôi không biết liệu phía Việt Nam có muốn không. Tôi không biết liệu các cuộc thương thảo về một hiệp định thương mại song phương có phải là những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Việt-Mỹ hiện nay hay không. Chính quyền hiện tại đang phải hoàn tất thương thuyết NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) trước khi họ có thể chú ý tới những hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.