Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/11/2017

Cả thế giới trừ Mỹ đều lo âu về biến đổi khí hậu

Tổng hợp

Lập liên minh quốc tế "đoạt tuyệt than đá" để bảo vệ khí hậu (RFI, 16/11/2017)

Hôm 16/11/2017, vào ngày cuối của hội nghị khí hậu COP23 tại Bonn, một nhóm khoảng 20 nước do Anh và Canada chủ xướng thông báo quyết định thành lập một liên minh quốc tế nhằm đoạn tuyệt với than đá. Quyết định nói trên được hoan nghênh, nhưng các nước tham gia liên minh chỉ chiếm một phần tiêu thụ than rất nhỏ, trên qui mô thế giới.

khihau1

Một nhà tranh đấu giương biểu ngữ chống than đá, bên lề hội nghị COP23. Ảnh chụp bên bờ sông Rhein, Đức, ngày 15/11/2017. Reuters/Leon Kuegeler

Theo AFP, trong liên minh đoạn tuyệt với than đá nói trên, ngoài Anh và Canada, còn có Bỉ, Pháp, Phần Lan, Ý, Bồ Đào Nha, Angola, Salvador… và cả một số tiểu bang Mỹ, Canada. Tất cả các thành viên của liên minh cam kết sẽ loại trừ dần dần các nhà máy điện than, với các thời hạn khác nhau. Cụ thể như Anh sẽ ngừng dùng than từ năm 2023, Canada và Pháp vào 2021-2022…

Than đá là nguồn năng lượng chính trong sản xuất điện, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Năng lượng than – gây tổn hại nghiêm trọng cho chất lượng không khí, môi trường, và thủ phạm chính của việc Trái đất bị hâm nóng – là vấn đề trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một đại diện của tổ chức Greenpeace nhìn nhận "đây là một dấu hiệu tích cực của phong trào chống than trên thế giới", việc liên minh ra đời càng làm nổi rõ "thái độ lần chần của chính phủ nhiều nước", hoặc "lập trường ủng hộ loại năng lượng bẩn nhất thế giới".

Trước mắt, tác động của liên minh này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì các quốc gia tiêu thụ than đá chính nằm ở Châu Á, cụ thể là các nước Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Tổng thư ký LHQ lên án đầu tư cho năng lượng hóa thạch

Hôm qua, 15/11, tại hội nghị khí hậu COP23 ở Bonn, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án các thị trường tiếp tục đầu tư cho than đá, dầu mỏ, đe dọa tương lai hành tinh.

Tổng thư ký Guterres tổng kết là, trong năm 2016, đã có 825 tỉ đô la được đầu tư cho năng lượng hóa thạch và các hoạt động tạo nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong khi đó, cũng tại diễn đàn COP23, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Châu Âu nỗ lực đóng góp cho Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC), để bù vào phần khuyết thiếu do Hoa Kỳ rút đi. GIEC là một tổ chức quốc tế đóng vai trò lớn trong việc tổng hợp thường xuyên các hiểu biết về khí hậu, được coi là một nguồn thông tin quan trọng giúp cộng đồng quốc tế hoạch định các quyết định mang tính chiến lược. Năm 2016, Hoa Kỳ đóng góp khoảng hai triệu đô la cho GIEC, chiếm gần một nửa chi phí của tổ chức này.

Phát biểu đầu tiên của Mỹ kể từ tuyên bố rút khỏi COP21

Cũng về COP23, bài phát biểu của đại diện Hoa Kỳ, trợ lý bộ trưởng Khoa Học và Môi Trường Judith Garber, vào chiều nay, trong phiên bế mạc hội nghị, là một diễn văn được trông đợi, cho dù chính phủ Mỹ thường xuyên khẳng định quan điểm sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris COP21.

Một nhà quan sát theo dõi kỹ các thương thuyết về khí hậu cho biết, bất kể lập trường của Washington, rất nên xem đại diện bộ Môi Trường Mỹ có thái độ cụ thể như thế nào, và các phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đây là lần đầu tiên Mỹ có phát biểu chính thức kể từ tuyên bố rút khỏi COP21, hồi tháng 6 của tổng thống Trump.

Về nguyên tắc, Hoa Kỳ chỉ có thể chính thức rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, kể từ tháng 10/2020. Nhiều người hy vọng tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo sẽ đảo ngược lại quyết định của ông Donald Trump.

Trọng Thành

****************

COP 23 : Pháp và Đức muốn tạo sức bật mới cho cuộc đấu tranh về khí hậu (RFI, 15/11/2017)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm nay 15/11/2017 đích thân đến tham dự Hội Nghị Khí Hậu COP23, tổ chức cho đến thứ Sáu này tại Bonn. Lãnh đạo Pháp và Dức đến để tạo sức bật mới cho cuộc đấu tranh bảo vệ trái đất, nhất là sau khi Hoa Kỳ chính thức rút ra khỏi hiệp định Paris.

cop1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh về kỹ thuật số tại Tallinn, Estonia ngày 28/09/2017. JANEK SKARZYNSKI / AFP

Tuy nhiên thủ tướng Merkel đang trong thế khó khăn, vì Đức có nguy cơ không tôn trọng được cam kết giảm khí thải CO2 do việc các nhà máy nhiệt điện vẫn còn tiêu thụ rất nhiều than, với tỷ lệ lên đến 40%.

Thông tín viên RFI Blandine Milcent tại Đức, cho biết tình hình :

Bà Angela Merkel sẽ không đưa ra lịch trình bỏ việc sử dụng than như đảng Xanh thúc giục hay đưa vấn đề này lên hàng ưu tiên.

Từng là bộ trưởng Môi Trường thời ông Helmut Kohl, thủ tưởng Đức đi theo luận điểm của cánh bảo thủ thuộc đảng CDU, theo đó bỏ sử dụng than có nghĩa làm mất đi hàng ngàn công việc làm tại các vùng sản xuất than như bắc Rhénanie, Brandebourg hay Saxe.

Hồ sơ treo lơ lửng trong lúc mà Đức rõ ràng là không tôn trọng cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Berlin đã hứa giảm 40% lượng khí thải ra vào năm 2020 so với mức của năm 1990. Theo giới chuyên gia muốn như thế, thì phải đóng ít ra một nửa các trung tâm nhiệt điện.

Khoảng 80 tập đoàn trong đó có Siemens hay Adidas, đã đến yêu cầu thủ tướng Đức nỗ lực thêm. Bà Merkel hứa sẽ tìm biện pháp mới nhưng chưa thấy có gì cụ thể trong chiều hướng này.

Mai Vân

******************

Biến đổi khí hậu gây hại cho những di sản thiên nhiên thế giới (RFA, 13/11/2017)

Biến đổi khí hậu gây ra tác động xấu đến một trong bốn Di sản Thiên nhiên Thế giới ; gồm các bãi đá san hô, sông băng và những vùng đất ngập nước. Số nơi chịu tác hại bởi biến đổi khí hậu tăng gần gấp đôi so với cách đây ba năm.

cop2

Xác động vật chết dưới trời nắng do hạn hán ở khu vực gần Lokitaung, Hạt Turkana, mạn Bắc Kenya. Hình chụp ngày 21/03/2017. AFP

Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) vừa công bố bản báo cáo với số liệu vừa nêu vào hôm thứ Hai, ngày 13 tháng 11, tại Hội thảo của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, ở thành phố Bonn, nước Đức.

Báo cáo còn cho biết có 29% các địa điểm Di sản Thiên nhiên Thế giới phải đối mặt với các mối đe doạ "đáng kể" và 7% bị ảnh hưởng "nghiêm trọng", bao gồm Vườn Quốc gia Everglades ở Hoa Kỳ và Hồ Turkana ở Kenya.

Báo cáo ghi rõ, trong số các hệ sinh thái bị đe doạ bởi sức nóng toàn cầu tăng lên khiến cho các rạn san hô bị chết và các sông băng bị tan chảy.

Tổng Giám đốc của IUCN, bà Inger Anderson phát biểu tại Hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Bonn rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa và làm tổn hại đến các di sản thiên nhiên nên đòi hỏi các quốc gia cần phải hành động khẩn cấp theo các cam kết trong Hiệp định Khí hậu đã ký kết ở Paris hồi năm 2015.

Xin được nhắc lại, gần 200 quốc gia đang tụ họp ở Bonn để tham dự Hội nghị từ ngày 6 đến ngày 17 tháng 11 để tìm kiếm cách thức nhằm cụ thể hóa Thỏa ước về Khí hậu đã được ký kết hai năm trước tại Paris.

Quay lại trang chủ
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)