Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/11/2017

Nồi thuốc súng mới ở Trung Đông sắp nổ ra ?

RFI tiếng Việt

Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Saudi Arabia (RFI, 15/11/2017)

Khu vực Trung Đông những ngày qua đang nóng lên với cuộc khủng hoảng được nhen nhóm từ vụ thủ tướng Lebanon, Saad Hariri, từ Saudi Arabia lên án Iran rồi bất ngờ thông báo từ chức. Lebanon chỉ là màn mới nhất trong cuộc tranh giành vị thế thống lĩnh giữa hai nước lớn trong vùng Vịnh : Iran và Saudi Arabia Sân đấu của cuộc đua tranh này không chỉ là Lebanon mà còn là Yémen, Iraq và Syria. Điểm lại 5 câu hỏi chủ chốt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đầy nguy hiểm này.

saudi1

Quốc vương Saudi Arabia tiếp thủ tướng Lebanon từ nhiệm Saad Hariri, ngày 06/11/2017, tại Riyad. Saudi Press Agency/Handout via Reuters

1. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Iran và Saudi Arabia vẫn âm ỉ từ nhiều thập kỷ nay, tại sao căng thẳng bùng phát trở lại ?

Saudi Arabia, Vương quốc của Hồi Giáo Wahhabi, một hệ phái hà khắc trong Hồi Giáo Sunni, còn Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo hệ phái Shia. Hai cường quốc vùng Vịnh này năm 2016 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhau cũng chỉ vì tranh giành ảnh hưởng. Cả hai cùng ủng hộ các phe đối địch nhau ở Lebanon, Iraq, Syria hay Yémen.

Bắt đầu từ hôm 4/11 vừa qua, căng thẳng giữa hai nước lại dấy lên với vụ thủ tướng Lebanon, Saad Hariri từ Riyad, thủ đô Saudi Arabia, đã lên tiếng tố cáo Iran can thiệp vào đất nước ông qua bàn tay của Hezbollah, phong trào theo hệ phái Hồi Giáo Shia được Tehran hậu thuẫn.

Căng thẳng được đẩy thêm một nấc mới khi hoàng tử kế vị Saudi Arabia, Mohammed ben Salmane tố cáo Iran đã tấn công Vương quốc ông, quy trách nhiệm cho Tehran trong vụ phe nổi loạn Houthis ở Yémen bắn một tên lửa và đã bị chặn ở gần Riyad. Téheran đã bác bỏ cáo buộc đồng thời đe dọa Riyad đừng đùa với lửa và hãy coi chừng "sức mạnh" của Iran.

2. Cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran bắt nguồn từ đâu ?

Ngoài sự thù nghịch ăn vào trong máu giữa người Ba Tư và người Ả Rập, cuộc đua tranh giữa Ryad và Tehran đã trở nên kịch phát bởi cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran năm 1979. Cuộc cách mạng này mang thông điệp giải phóng nhân dân nhưng đồng thời cả tâm lý chống Mỹ kịch liệt.

Vương quốc ả rập bảo thủ, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ nhìn nhận sự kiện trên như là một mối đe doa đối với họ. Cần phải nhắc lại trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq từ 1980 đến 1988, Riyad là một trong những nguồn cung cấp tài chính lớn cho chính phủ của Saddam Husein.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đã làm Iraq bị suy yếu nhiều. "Saudi Arabia và Iran trở thành hai cường quốc chủ chốt trong khu vực và thế là họ lao vào cuộc tranh đua, trước tiên là để giành ảnh hưởng địa chính trị", nhà nghiên cứu Clément Therme, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược (IISS) nhận định.

Ryad nhìn thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran trong cuộc chiến tranh tại Iraq và Syria cũng như việc Tehran theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo như là một mối đe dọa lớn đối với với an ninh của họ. Trong khi đó Iran luôn cảm thấy bị bao vây bởi các căn cứ quân sự Mỹ cùng kho vũ khí trên lãnh thổ của người láng giềng thù nghịch. Tehran luôn khẳng định chương trình phát triển tên lửa của họ chỉ mang tính phòng thủ.

3. Những yếu tố hoàn cảnh nào tạo điều kiện thuận lợi cho căng thẳng gia tăng ?

Chuyên gia Therme, dẫn lại cuộc chiến tại Iraq, Syria và Yémen nhận định : "Nguyên nhân gây căng thẳng đầu tiên hiện nay liên quan đến cuộc đối đầu có bàn tay trung gian của Iran và Saudi Arabia". 

Còn theo ông Max Abrahms, giáo sư tại đại học Mỹ, Northeastern Boston, đồng thời là một chuyên gia về vấn đề an ninh quốc tế thì, cuộc tranh đua giữa Saudi Arabia và Iran trở nên rõ nét hơn với việc nhóm thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo bị suy yếu tại Iraq và Syria.

Chuyên gia này cho rằng cuộc tranh giành ảnh hương như vậy nhằm tập hợp các đồng minh ở Trung Đông, chia nhau phe phái.

Trong khi đó chuyên gia Therme nhận định : "việc ông Donald Trump lên lãnh đạo Hoa Kỳ đã giải phóng năng lượng chống Iran trên bán đảo Ả rập, bởi Washington dốc lòng dốc sức vì đồng minh Saudi Arabia và chống Iran". Đó là một lập trường dứt khoát khắc hẳn với chủ trương của chính quyền Barack Obama đã được đánh dấu bằng việc ký thỏa thuận lịch sử về hạt nhân Iran.

Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được Tehran coi là một thắng lợi ngoại giao lớn giúp họ cải thiện quan hệ với phương Tây và Mỹ. Nhưng các vương quốc Ả Rập lại nhìn nhận nếu quan hệ Tehran và Washington ấm lên thì chắc hẳn mối quan hệ ưu ái của Mỹ giành cho họ sẽ có vấn đề.

4. Sự chia rẽ giữa hệ phái Hồi Giáo Shia và Sunni đóng vai trò như thế nào ?

Những căng thẳng tôn giáo trong vùng nổi lên là tham số chính của sự đối địch Iran - Saudi Arabia, nhất là kể từ sau cuộc xâm lăng của Mỹ vào Iraq năm 2003 dẫn đến việc người theo Shia nắm quyền ở Baghdad. Nhưng vấn đề chia rẽ tôn giáo này đặc biệt nổi cộm từ sau các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả rập năm 2011.

Nhà nghiên cứu Therme nhận xét : "Các quốc gia Ả Rập trở nên mong manh, suy yếu và Iran thì được xác định như là mối đe dọa chính đến sự ổn định trong vùng". Tehran đã tỏ sự ủng hộ các đòi hỏi của những người theo hệ phái Shia trong các vương quốc vùng Vịnh.

Saudi Arabia sẽ cố gắng dùng vụ bắn tên lửa từ Yémen vừa qua để huy động sự ủng hộ thêm các trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Tuy nhiên việc nổ ra xung đột khu vực ở quy mô rộng hơn giờ vẫn còn là điều ít có khả năng xảy, nhà phân tích chính trị Graham Griffith nhận định.

Theo chuyên gia Therme, nguy cơ leo thang có vẻ như đã bị giảm bớt hai nước vẫn còn sợ chiến tranh xảy ra. Iran đã từng có những kinh nghiệm đau đớn về cuộc chiến tranh với Iraq. Saudi Arabia thì đã bị sa lầy khi nhảy vào Yémen từ hồi tháng 3 năm 2015 dẫn đầu một liên minh quân sự để ngăn chặn quân nổi dậy Houthis.

Hơn nữa giới quan sát cũng nhận thấy khẩu khí của Saudi Arabia cho thấy họ không hẳn đã muốn chiến tranh. Thế nhưng tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể sẽ là một công cụ để hoàng tử kế vị củng cố thêm vị thế.

5. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu cuộc khủng hoảng có dẫn tới một cuộc xung đột mở giữa Iran và Saudi Arabia ?

Quả thực đây là một vùng bị chia rẽ sâu sắc và được vũ trang nhiều nhất. Trung Đông luôn được ví như thùng thuốc súng và tình hình ở đây đang trở nên nguy hại hơn bao giờ.

Tuy vậy, nhìn vào mối tương quan sức mạnh, Iran vẫn ỏ thế yếu hơn Saudi Arabia. Iran có quân đội hùng hậu hàng trăm nghìn quân, nhưng không có phương tiện khí tài quân sự công nghệ cao. 

Trái với Iran, Saudi Arabia có những thiết bị quân sự đời mới nhất, nhưng họ chỉ có khả năng triển khai được vài chục nghìn quân. Ý thức được tình trạng đó, Iran sẽ phải làm tất cả để cố gắng tránh né đối đầu trực diện với Saudi Arabia.

Một cuộc chiến tranh mở giữa nước Cộng Hòa Hồi Giáo Shia và Vương Quốc Hồi Giáo Wahhabi đến giai đoạn này vẫn có ít khả năng xảy ra.

(Tổng hợp từ AFP)

**********************

Lebanon, chiếc máy bay không người lái (RFI, 15/11/2017)

Nước Pháp, với quan hệ chặt chẽ với mọi tác nhân trong khu vực Trung Đông, tìm cách "đem" thủ tướng Lebanon Saad Hariri về nước. Tuy nhiên, khả năng của Paris có giới hạn trong lúc Lebanon như con tàu bay không người điều khiển.

saudi2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tiếp bộ trưởng ngoại giao Lebanon Gebran Bassil, tại Paris ngày 14/11/2017 nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Trung Đông. Reuters/Francois Mori

Sau Libya, khí hậu và hạt nhân Iran, nước Pháp một lần nữa lên tuyến đầu với một hồ sơ nóng bỏng Lebanon. Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi đích thân gặp thái tử nối ngôi Saudi Arabia, tiếp ngoại trưởng Lebanon tại điện Elysée chiều thứ Ba và qua hôm nay (15/11), ngoại trưởng Pháp bay sang Iran. Theo tuyên bố của ngoại trưởng Lebanon, Gebran Bassil, thủ tướng Saad Hariri đang ở trong hoàn cảnh "không rõ ràng, không bình thường".

Sự kiện thủ tướng Lebanon Saad Hariri tuyên bố từ chức gây ra nhiều bình luận, đồn đoán, nào là Hariri bị Ryad bắt cóc, Israel sắp tấn công… Tổ chức Hezbollah-Lebanon thì cho rằng Saudi Arabia đứng sau vụ khủng hoảng này.

Căng thẳng với Iran và Hezbollah

Theo AFP, điều chắc chắn là Saudi Arabia Sunni, ủng hộ Saad Hariri, và Iran Shia, bảo trợ cho Hezbollah-Lebanon, đang tranh giành ảnh hưởng qua những cuộc khủng hoảng trong vùng từ Syria cho đến Yemen.

Do vậy, Hezbollah tố cáo Saudi Arabia tìm cách can thiệp vào Lebanon không phải là thiếu cơ sở. Vấn đề là tổ chức võ trang Shia này nhận vũ khí của Iran và sát cánh với "tình nguyện quân" Iran tiếp tay với chế độ Damas.

Xem xét động cơ thúc đẩy thủ tướng Saad Hariri bỏ nhiệm sở có thể giúp hiểu được phần nào tình trạng bế tắc ở Lebanon.

Cách nay đúng một năm, khi nhận lời mời làm thủ tướng Lebanon, doanh nhân trẻ tuổi này, theo đạo Hồi hệ phái Sunni, chấp nhận bỏ Riyad về Beyrouth. Ông cũng chấp nhận trả giá "hòa giải" với Hezbollah, tổ chức bị tình nghi ám sát thân phụ của ông, Rafic Hariri, tháng 02/2005, lúc đó là thủ tướng Lebanon, bạn thân của tổng thống Pháp Jacques Chirac.

Tuy nhiên, sự hy sinh của Saad Hariri không đem lại kết quả mong muốn cho Lebanon. Chiến tranh Syria đã vô tình đặt "Thụy sĩ của Địa Trung Hải" ra ngoài ống kính truyền hình thế giới. Công cuộc tái thiết trì trệ, quốc tế chỉ ủng hộ yếu ớt, Riyad cũng phớt lờ đồng minh, trong khi kinh tế Lebanon biểu hiện nhiều dấu hiệu "khủng hoảng cấu trúc", hệ quả của tình trạng tham ô bất trị, theo nhận định của Peter Harling, một chuyên gia về Trung Đông.

Rất có thể thủ tướng Lebanon đánh lá bài báo động để thúc đẩy công luận chú ý hơn về tình hình Lebanon. Đối với Riyad, chiến thuật này có lợi theo nghĩa sẽ gây sức ép lên tổ chức Hezbollah càng ngày càng nguy hiểm : Tích trữ vũ khí và hỗ trợ cho các nhóm dân quân Shia khắp khu vực.

Mỹ và Israel cũng đang gia tăng áp lực lên Iran và Hezbollah Lebanon. Tình thế này, theo Peter Harling (Le Monde 15/11/2017) có thể đưa Lebanon vào một cuộc chiến tranh mới vì Iran không bao giờ hy sinh Hezbollah.

Giới hạn thiệt hại

Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này, nước Pháp của Emmanuel Macron lên tuyến đầu. Theo phân tích của chuyên gia Denis Bauchard, thuộc Viện quan hệ quốc tế IFRI, khác với Washington, Paris có thể đối thoại với tất cả mọi phe kể cả phe Shia.

Nước Pháp phải dấn thân một phần vì bổn phận lịch sử với Lebanon, một phần vì Lebanon biết trông cậy vào ai ? Chính sách của Donald Trump như thế nào ? Ở Châu Âu, Anh Quốc đang bối rối vì Brexit, Đức Quốc cũng phân tâm vì nội tình chính trị chưa giải quyết xong.

Giáo sư chính trị Ziad Majed, người Pháp gốc Lebanon, giảng dạy tại đại học Mỹ ở Paris tỏ ra lạc quan hơn cho rằng Paris có thể trợ giúp làm giảm bớt thiệt hại trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài. Giải pháp đó đến từ Washington.

Trong khi chờ đợi, người dân địa phương hy vọng chiếc tàu bay Lebanon, dù thiếu phi công, sẽ hạ cánh bình yên. Với điều kiện, không bị trúng tên lửa của Israel.

Tú Anh

***********************

Lebanon : Liên Hiệp Châu Âu phản đối mọi "can thiệp" từ bên ngoài (RFI, 14/11/2017)

Liên Hiệp Châu Âu ngày 13/11/2011, qua lời đại diện ngoại giao, Federica Mogherini, đã cảnh cáo mọi ý đồ "can thiệp của ngoại bang" vào Lebanon, đang trong tình trạng rối loạn, sau vụ từ chức đột ngột của thủ tướng Saad Hariri. Lebanon đang bị kẹt trong cuộc đọ sức giữa Iran và Saudi Arabia.

saudi3

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini tại Bruxelles, ngày 13/11/2017. Reuters/Yves Herman

Bà Mogherini nhấn mạnh rằng không nên du nhập vào Lebanon "các tranh chấp, động lực, căng thẳng" đang khuấy động khu vực. Theo bà, tất cả các yếu tố đó nên ở ngoài Lebanon.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã bất ngờ từ chức hôm thứ Bảy 04/11 vừa qua, và thông tin đó được loan báo từ Saudi Arabia. Giới quan sát xem đây là một giai đoạn mới của trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Saudi Arabia và Iran, đang tranh giành ảnh hưởng ỏ Lebanon.

Trước lúc bà Mogherini phát biểu, hai ngoại trưởng Pháp, Đức, cũng nhấn mạnh trên sự cần thiết của việc nước ngoài không can thiệp vào Lebanon, và bày tỏ quan ngại về nguy cơ cuộc đối đầu chính trị hiện nay dẫn đến đối đầu quân sự.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel còn kêu gọi thủ tướng Saad Hariri trở lại Beyrouth, kêu gọi Lebanon nên hòa giải, không để biến thành "món đồ chơi’ của... Syria, Saudi Arabia hay nước khác".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng cho biết là Pháp "rất lo ngại" cho sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon. Theo ông, muốn đạt một giải pháp chính trị ở Lebanon, thì lãnh đạo tại quốc gia phải được hoàn toàn tự do hành động và việc không can thiệp từ ngoài phải là một nguyên tắc cơ bản.

Riêng thủ tướng từ nhiệm Saad Hariri, trả lời đài truyền hình Lebanon Future TV, hôm Chủ nhật 12/11, cho biết là ông sẽ trở về Beyrouth, nhưng không nói rõ lúc nào.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)