Khủng hoảng Đức : Angela Merkel bất lực, Châu Âu lo ngại
"Khủng hoảng chính trị lớn tại Đức" lả tựa trang nhất nhật báo Le Monde đồng thời là chủ đề chính của các báo Pháp ra hôm nay 21/11/2017. Độc giả Pháp có thể thấy trên khắp các trang báo hình của bà Angela Merkel trong tâm trạng mệt mỏi, ánh mắt nhìn xa xăm, bất lực.
Thử tướng Merkel với gương mặt não nề sau thất bại đàm phán thành lập chính phủ, Berlin ngày 21/11/2017. Reuters/Axel Schmidt
Đó là chân dung của bà thủ tướng Đức vừa thất bại trong cuộc thương lượng thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 24/9 vừa qua. Thất bại của bà Angela Merkel đang đẩy đất nước đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu vào một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có.
Sự kiện được chú ý khi đêm Chủ Nhật (19/11), Đảng Dân Chủ Tự Do FDP quyết định ngừng đàm phán từ hơn một tháng qua với đảng Xanh và đảng CDU-CSU của bà Merkel để thành lập một chính phủ liên minh. Bế tắc chính trị này đang dẫn tới khả năng phải tổ chức một cuộc bầu cử Quốc hội mới, mà hậu quả rất có thể bà Merkel phải rời bỏ quyền lực nắm giữ từ 12 năm qua. Trong trường hợp như vậy, điều tệ hại hơn là rất có thể nước Đức sẽ lại thấy đảng cực hữu AfD trỗi dậy mạnh hơn sau lần đầu tiên có mặt tại Quốc hội.
"Trong quá khứ bà Merkel đã từng tỏ ra là người có tài thỏa hiệp, nhưng lần này bà đã thất bại, không thể tập hợp được một chính phủ đa số sau khi đảng của bà thắng cử", Le Monde ghi nhận. Cụm từ lặp lại nhiều ở các báo Pháp hôm nay là : "Nước Đức giữa cơn bão chính trị", một cơn bão chính trị có tác động mạnh đến cả Châu Âu.
Mối lo ngại này có thể thấy ở rất nhiều tựa bài báo khác. Trong bài mang tiêu đề "Châu Âu lo sợ khoảng trống quyền lực ở Berlin", nhật báo Pháp khẳng định không có được chính phủ mới ở Đức sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của cả Liên Âu. Với góc nhìn như vậy, xã luận Le Monde chạy tựa : "Đức : một tin rất xấu cho Châu Âu".
Bài viết ghi nhận : "Nước Đức vừa chìm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và cả Châu Âu sẽ bị đình đốn. Cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Berlin bị dừng lại, bà Angela Merkel bị mất ảnh hưởng và tình hình bất trắc đang vượt ra bên sông Rhin và sông Oder (hai đường biên giới đông và tây của Đức), đó là một tin rất xấu cho Liên Hiệp Châu Âu".
Xã luận Le Monde viết tiếp : "Cuộc khủng hoảng này quả thực xảy ra vào lúc Châu Âu đang khởi sắc trở lại, sau 10 năm trời không ngừng phải lo giải quyết các cuộc khủng hoảng. Hết khủng hoảng đồng euro đến nợ công, nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng tị nạn, trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên phải đối mặt với các vụ khủng bố lặp đi lặp lại, rồi lại đến Brexit".
Đúng lúc Châu Âu đang hồi phục thì cuộc khủng hoảng chính trị Đức hiện nay như một gáo nước lạnh đổ xuống Bruxelles. Đức không chỉ là nền kinh tế hàng đầu của EU, nước Đức còn trọng tâm ổn định của Liên Hiệp và là đối tác chiến lược của Pháp trong tổng thể dự án Châu Âu, Le Monde khẳng định.
Tương lai chính trị của Merkel bất định
Đồng thanh với Le Monde, Le Figaro nhận định trên trang nhất : "Trong trận cuồng phong, Merkel đánh cược cho sự sống còn chính trị". Xã luận của tờ báo đặt câu hỏi : "Buổi hoàng hôn của bà thủ tướng chăng" ?
Theo Le Figaro, "Từ 10 năm nay, người ta vẫn nhìn bà Merkel như là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới và giờ đây bỗng nhiên bà trở thành người bất lực nhất trong số các lãnh đạo Châu Âu". Nhưng điều đáng quan tâm nữa là việc bà Angela Merkel bất lực không thành lập được một liên minh trong chính phủ đang đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ nhiều thập kỷ qua.
Le Figaro khẳng định, vào thời điểm đang phải đàm phán về Brexit và "lập lại nền móng cho Liên Âu, nước Đức có thể còn bị tê liệt nhiều tháng, dự án lớn về Châu Âu của tổng thống Pháp Macron sẽ phải chờ. Với Châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Berlin làm một tin tai hại".
Những ngày tới, cả Châu Âu sẽ phải lo lắng theo dõi cuộc chạy đua với thời gian của bà Angela Merkel để cứu vãn thất bại và duy trì quyền lực.
Châu Âu và Nga vẫn cần đến nhau
Vẫn là chủ đề liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu nhưng trong mối quan hệ với Nga. Trang dư luận của Le Figaro có bài "Sự phi lý của cuộc ly dị Châu Âu- Nga".
Bài viết trở lại sự kiện hôm 15/11, Hạ Viện Nga Duma đã nhất trí hoàn toàn thông qua bộ luật cho phép xác định quản lý các cơ quan truyền thông quốc tế hiện diện trên lãnh thổ Nga như là những "nhân tố nước ngoài". Như vậy cơ quan truyền thông nước ngoài nằm trong diện điều chỉnh của luật trên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ về hoạt động cũng như tài chính. Khái niệm "nhân tố nước ngoài" với người Nga còn bao hàm nghĩa xấu là nhân viên gián điệp cài cắm hoạt động chống lại nước Nga.
Việc thông qua luật này là sự đáp trả của Kremlin đối với quyết định tương tự của chính quyền Mỹ nhằm vào kênh truyền hình vệ tinh RT, một cơ quan truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Putin. Tuy nhiên, luật mới tất nhiên cũng nhằm cả vào các hãng truyền thông Châu Âu. Vụ việc vừa rồi là thêm một màn mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và Phương Tây, trong đó các nước Châu Âu chiếm một phần không nhỏ.
Tác giả bài viết điểm lại những đổ vỡ trong quan hệ giữa Châu Âu và Nga và ghi nhận, "trong 9 năm đầu cầm quyền ở Nga, ông Putin thực thi chính sách bắt tay với Phương Tây, đồng thời duy trì chiến lược quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc. Ông Putin đã từng tỏ cho thấy cần đến Châu Âu, xích lại gần với Mỹ… Tuy nhiên những biến động địa chính trị ở Châu Âu với các sự kiện như các cuộc cách mạng màu sắc ở một số nước Đông Âu, khủng hoảng Ukraina, NATO mở rộng sang sát sườn tây của Nga… đã làm thay đổi mối quan hệ của Nga với phương Tây. Nước Nga rơi vào hội chứng hoang tưởng luôn cảm thấy bị phương Tây phong tỏa, chèn ép và khống chế và họ phải tìm cách đáp trả".
Tác giả bài viết nhận thấy cuộc ly dị giữa Nga và Châu Âu hiện nay là phi lý vì : "Liên Hiệp Châu Âu cần đến Nga để chống chọi lại tốt hơn với chính sách bá quyền về thương mại của Trung Quốc. Nga thì cần đến Châu Âu để xây dựng ở đất nước họ điều đang thiếu trầm trọng là : một Nhà nước pháp quyền".
Châu Âu sực tỉnh đối phó với nhà mạng khổng lồ Mỹ
Chuyển qua với La Croix, sự kiện chính của tờ báo công giáo là "Châu Âu đối mặt với những người khổng lồ web". Cụ thể là Châu Âu đang tìm cách đối phó với những người khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực mạng internet.
La Croix nhận định trong một bài viết dài rằng : "Quá lớn, quá mạnh, quá thiếu minh bạch… Google, Apple, Facebook và Amazon ngày càng gây thêm lo ngại, tới mức mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã phải ví các đại tập đoàn đó như những vị "hành khách lậu của thế giới hiện đại". Châu Âu đã cam kết sẽ mạnh tay với các tập đoàn lớn của Mỹ về công nghệ số".
Theo La Croix, những cái tên trên được viết tắt thành từ GAFA, giờ được coi như là một tổ hợp quản lý đầu não và thống trị toàn bộ thế giới mạng hiện nay. Trong vòng một thập kỷ GAFA đã trở thành những người khổng lồ thế giới làm đảo lộn toàn bộ các lĩnh vực kinh tế đồng thời viết lại những quy định cạnh tranh của họ. Trở nên giàu có với tiền tỷ trong tay, các hãng này lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt, đè bẹp những đối thủ làm ăn và cả các Nhà nước.
Châu Âu lâu nay vẫn không có phản ứng gì với đà bành trướng của các đại tập đoàn dịch vụ mạng của Mỹ, nhưng giờ đây dường như đã có biến chuyển. Ủy Ban Châu Âu đang cố gắng kiềm chế sức mạnh của các tập đoàn này, buộc họ phải tuân theo một số các quy định trong nhiều lĩnh vực như thuế khóa, chống độc quyền dữ liệu…
Ủy ban Châu Âu đã mở các cuộc thảo luận để có thể trong năm 2018 đưa ra những quy định mới đối với những người khổng lồ Mỹ đang thống trị dịch vụ mạng toàn cầu. Theo La Croix, tại hội nghị bộ trưởng kinh tế Châu Âu hồi cuối tháng 9 vừa qua tại Tallinn, Estonia, khoảng hai chục nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã thống nhất với nhau trên ý tưởng đánh thuế các tập đoàn mạng Mỹ dựa trên doanh thu của họ.
Tuy nhiên, khi được đưa ra thảo luận trong các doanh nghiệp về kỹ thuật số của Châu Âu thì lại nhận được ý kiến cho rằng những quy định thắt chặt quản lý như vậy có nguy cơ làm cô lập Châu Âu với thế giới trong lĩnh vực dịch vụ thông tin internet.
Anh : Xe bus chạy bằng bã cà phê
Phần cuối mục điểm báo hôm nay xin được dành cho một sáng kiến bảo vệ môi trường của người Anh đăng trên mục "Câu chuyện trong ngày" của Le Monde. Từ thứ Hai đầu tuần này (20/11), ở Luân Đôn xuất hiện những chiếc xe bus đỏ chạy bằng bã cà phê, vì lý do bảo vệ môi trường chứ không phải kinh tế. Cụ thể động cơ của các xe này sẽ được cung cấp nhiên liệu hỗn hợp gồm : 80% diesel và 20% nhiên liệu sinh học dầu chiết xuất từ bã cà phê.
Đây là kết quả nghiên cứu từ 4 năm qua của công ty khởi nghiệp Anh có tên Bio-Been. Công ty đã thu gom bã cà phê từ các quán ở Luân Đôn và nhiều thành phố khác của Anh để chế biến thành một loại dầu sinh học có thể dùng làm nhiên liệu cho động cơ xe.
Họ đã chiết xuất được 6 nghìn lít dầu như vậy từ bã cà phê, đủ để một xe bus chạy trong cả năm. Theo Bio-Been, dầu cà phê pha với dầu cho động cơ có thể cho phép giảm từ 10 đến 15% lượng phát thải CO2 mà không cần phải thay đổi động cơ hay tiêu tốn thêm nhiên liệu. Nếu việc chạy thử xe bus tại Luân Đôn thành công, Bio-Been sẽ tính tới mở rộng sử dụng nhiên liệu bã cà phê cho các loại xe taxi, xe ca hay xe tải.
Anh Vũ