Mugabe từ chức, kết thúc bốn thập kỷ nắm quyền (VOA, 21/11/2017)
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từ chức hôm thứ Ba 21/11, một tuần sau khi quân đội và các đồng minh chính trị của ông hành động chống lại ông, kết thúc chế độ cai trị kéo dài bốn thập kỷ của người từng được xem như một anh hùng độc lập trở thành một lãnh tụ đầy quyền lực tiêu biểu ở Châu Phi.
Harare khi biết tin thời đại của ông Mugabe đã kết thúc.
Theo Reuters, một tuần sau khi quân đội tiếp quản chính quyền và trục xuất ông Mugabe ra khỏi đảng cầm quyền ZANU-PF, ông Mugabe từ chức sau khi quốc hội bắt đầu thủ tục luận tội ông, một hình thức để hợp thức hóa quyết định phế truất ông.
Dân chúng nhảy múa và bấm còi xe reo mừng trên các đường phố của thủ đô Harare khi biết tin thời đại của ông Mugabe đã kết thúc. Ông là người đã lãnh đạo Zimbabwe từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1980.
******************
Bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe (RFI, 20/11/2017)
Thứ Tư ngày 15/11/2017 quân đội Zimbabwe đã thực hiện một hành động mà hầu hết giới quan sát xem đấy như là một cuộc đảo chính chống lại tổng thống Robert Mugabe. Bất chấp tối hậu thư của đảng cầm quyền gia hạn cho đến đúng 12 giờ trưa hôm nay, nhưng Robert Mugabe không cho thấy ý định từ nhiệm trong bài diễn văn ngày hôm qua. Trong khi đó, chuyến thăm Trung Quốc của tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe một tuần trước khi xảy ra đảo chính đang đặt ra những nghi vấn về vai trò của Trung Quốc trong vụ này.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phát biểu trên đài truyền hình, ngày 19/11/2017. Reuters/Philimon Bulawayo
Theo báo mạng Les Yeux du Monde (Nhãn quan Thế giới), trên thực tế, Bắc Kinh có rất nhiều lợi ích về kinh tế và tài chính tại Zimbabwe. Quan hệ song phương giữa hai nước đã có từ những năm 1980 và được thắt chặt hơn nữa trong những năm 1990. Nếu như với phương Tây, tổng thống Robert Mugabe là nhân vật không được hoan nghênh (persona non grata) vì những lý do nhân quyền, thì Trung Quốc lại không ngần ngại giang tay ủng hộ chế độ chuyên chế của tổng thống Zimbabwe.
Cùng với năm tháng Zimbabwe trở thành đối tác chính và có một vị thế địa chính trị quan trọng trong quá trình Trung Quốc chinh phục châu Phi. Trung Quốc đầu tư như thác đổ vào Zimbabwe trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền chính thức của Zimbabwe.
Có thể nói cho đến lúc này Trung Quốc là nhà đầu tư và cung cấp ngoại tệ hàng đầu cho Zimbabwe. Do vậy, theo nhận định của thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ rơi Zimbabwe :
"Việc dùng vũ lực gây sức ép xẩy ra chỉ vài ngày sau khi tướng Constantino Chiwenga, lãnh đạo quân đội Zimbabwe, công du Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi được hỏi phải chăng viên tướng này báo trước cho Bắc Kinh về sự thay đổi chính trị sắp tới ở Zimbabwe, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã trả lời ngắn gọn trước báo chí : Điều duy nhất mà tôi có thể nói với quý vị là chuyến viếng thăm đã diễn ra trong khuôn khổ bình thường của các trao đổi giữa hai nước về những vấn đề quân sự.
Bắc Kinh rất quan tâm đến sự ổn định của Zimbabwe, bởi vì không một nước nào đầu tư vào đây nhiều như Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc vào năm 2015 đã ký một hợp đồng trị giá hơn một tỷ euro để phát triển mở rộng nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở Zimbabwe – được miêu tả là dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất trong ba thập niên qua. Tiền của Trung Quốc đổ như nước vào quốc gia này, như xây một học viện quân sự mới, lắp đặt một siêu máy tính cho trường đại học, xây trụ sở Quốc Hội mới hay một trung tâm y tế hiện đại nhất.
Theo nhật báo chính thức Hoàn Cầu Thời Báo, thì sẽ không có gì thay đổi cả : Tình hữu nghị lâu đời giữa Trung Quốc và Zimbabwe sẽ vượt qua được những chao đảo nội bộ Zimbabwe".
Trên thực tế, Zimbabwe chẳng khác nào như là một phòng thí nghiệm cho chính sách can thiệp kinh tế của Trung Quốc. Nếu như Zimbabwe có thể đạt những tiến bộ trong lĩnh vực này, điều đó có thể khuyến khích các quốc gia châu Phi khác chuyển sang Trung Quốc và như vậy sẽ càng củng cố thêm uy lực địa chính trị của Trung Quốc vốn dĩ đã hiện diện ngày càng rõ tại châu Phi.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc dường như lo ngại một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và mong muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định. Trung Quốc có lẽ ủng hộ vị phó tổng thống vừa bị cách chức, Emmerson Mnangagwa, theo học về quân sự tại Trung Quốc, được quân đội Zimbabwe hậu thuẫn, vốn được coi là có nhiều khả năng thay thế tổng thống Mugabe hơn là bà Grace Mugabe, muốn kế vị chồng và khó bảo đảm cho các lợi ích của Bắc Kinh ở nước này.
*******************
Là 'vựa lúa Châu Phi' với nền nông nghiệp khá hiện đại, Zimbabwe còn thừa hưởng ngôn ngữ và hệ thống pháp luật Anh, lại giành độc lập muộn (năm 1980) nên đã tránh được nhiều sai lầm của phe xã hội chủ nghĩa thời Chiến tranh Lạnh.
Nhưng sang Thế kỷ 21, đảng cầm quyền đã quay lại với những chính sách đáng ra cần phải tránh, và đẩy quốc gia này vào con đường tụt lùi.
Độc lập và chủ nghĩa xã hội
Đảng ZANU-PF là tên viết tắt của "Zimbabwe African National Union - Patriotic Front (Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Ái quốc), thuộc phe tả, và chính thức theo đuổi các mục tiêu :
- Chủ nghĩa xã hội Marxist
- Nền độc lập dân tộc Châu Phi
- Chống chủ nghĩa đế quốc
- Lấy nông thôn bao vây thành thị
Ra đời năm 1963, đảng này ngay từ ban đầu đã nhận sự ủng hộ từ Trung Quốc thời Mao Trạch Đông.
Theo Elizabeth Schmidt trong cuốn "Foreign Intervention in Africa : From the Cold War to the War on Terror" thì cánh vũ trang của ZANU là Patriotic Front (PF), được Trung Quốc huấn luyện chiến tranh du kích, vận động quần chúng nông dân, tổ chức các cuộc tập kích xuyên biên giới, vùng giáp Zambia và Mozambique.
Học thuyết chiến tranh nhân dân của Mao cũng được ZANU áp dụng và họ được người sắc tộc nói tiếng Shona "đùm bọc" thời kháng chiến.
Về tổ chức, ZANU cũng có cơ cấu giống một đảng Marxist kiểu Mao : trên cùng là Bộ Chính trị, dưới là Ban Chấp hành Trung ương, và bên cạnh có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh...
Cải cách ruộng đất
Sau khi chính phủ phân biệt chủng tộc cuối cùng của người da trắng do Ian Smith (gốc Anh từ Nam Phi) tan rã năm 1979, ông Robert Mugabe lên làm thủ tướng.
Quốc gia Rhodesia đổi tên thành Zimbabwe trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa, "Châu Phi hóa".
Nhưng về kinh tế, ông Mugabe đã mời 200 nghìn điền chủ da trắng ở lại, và trì hoãn chính sách Cải cách ruộng đất để đảm bảo ổn định cho nền nông nghiệp.
Ian Smith, cựu thủ tướng da trắng cũng ở lại Zimbabwe và tiếp tục sống trong trang trại của mình.
Sang đầu thập niên 2000 vì nguy cơ thất cử, Mugabe xoay sang chính sách bài xích người gốc Âu.
Luật Cải cách ruộng đất được chính phủ ZANU-PF thông qua, mà trên thực tế sẽ là tước đoạt các nông trang hiện đại, phì nhiêu của người gốc Âu.
Những người không chịu bán rẻ lại ruộng đất, gia sản cho chính phủ thì bị các nhóm dân quân hoặc côn đồ đến cướp phá. Một số người gốc Âu bị giết chết.
Các nông trang được trao lại cho nông dân Zimbabwe mà đa số không nắm được nghề canh tác.
Chỉ trong vài năm, từ nước xuất khẩu lúa, thuốc lá, trái cây, Zimbabwe bị nạn đói đe dọa.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy GDP của Zimbabwe sụt từ 6,75 tỷ USD năm 2001 xuống 4,4 tỷ năm 2008.
Chiến tranh Congo
Nhưng cách điều hành của chính quyền ZANU-PF không chỉ tác động xấu đến nông nghiệp.
Cùng lúc, cuộc chiến với Congo khiến ngân sách quốc gia kiệt quệ.
Zimbabwe không hề có biên giới chung với Congo, và hoàn toàn có thể đứng ngoài cuộc chiến giữa Congo, Rwanda, Uganda và Angola.
Nhưng ông Mugabe đã gửi quân sang Congo để "thỏa mãn tham vọng là lãnh tụ Châu Phi", và với quân đội Zimbabwe, chiến tranh là cơ hội kiếm chác.
Quả vậy, theo một điều tra của The Economist, quân đội Zimbabwe vào chiếm vào khai thác vùng có kim cương ở Nam Congo, trong khi Angola thì chiếm các mỏ dầu, còn Rwanda và Uganda thì đào coltan.
Các tướng tá và lãnh đạo Zimbabwe đã bỏ túi nhiều nhưng chi phí chiến tranh thì để ngân sách quốc gia gánh chịu.
Dư luận Zimbabwe bị che mắt vì chiến sự mà hàng nghìn quân nước này tham gia tại Congo trong 5 năm liền.
Sự việc chỉ vỡ lở khi tư lệnh quân đội, tướng Constantine Chiwenga bị các bà vợ của nhiều tướng tá yêu cầu điều tra tình trạng chồng của họ đi đánh nhau bên Congo đã mang về nhà vợ thứ nhì hoặc vợ thứ ba.
Cùng lúc, một ước tính nói ngân sách Zimbabwe chi ra chừng hàng tỷ USD cho chiến phí.
Có ý kiến như của nhà kinh tế John Robertson nói rằng rất có nhiều khả năng ngoài việc khai thác gỗ và kim cương, các khoản tiền đã "lưu lạc sang tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ" mà giới cầm quyền Zimbabwe làm chủ.
Nhưng điều chắc chắn là các chỉ số tài chính Zimbabwe trở nên thê thảm : lạm phát phi mã, từ 59% năm 2000 lên 80 tỷ phần trăm vào cuối năm 2008.
Chính quyền Mugabe dùng các biện pháp hành chính phản kinh tế để cứu vãn : cấm tăng giá, bắt nhốt các nhà buôn tăng giá hàng hóa, và đặt việc dùng tiền đô la Mỹ, và đồng euro ra ngoài vòng pháp luật.
Điều này chỉ khiến hơn 30% trao đổi kinh tế Zimbabwe diễn ra "ngoài luồng", và buôn lậu tăng mạnh.
Zimbabwe đạt vị trí 175 trên 180 nước trong bảng tự do kinh doanh của Heritage Foundation.
Vào năm 2006, Zimbabwe đạt thêm một kỷ lục nữa : tuổi thọ thấp nhất thế giới.
Cùng lúc phần trăm người nhiễm HIV cao vào loại nhất thế giới : 14% dân số tuổi 15-49.
Đầu tư Trung Quốc và tương lai kinh tế
Sau Khủng hoảng tài chính 2008, chính quyền Mugabe đã nới lỏng nhiều chính sách kinh tế độc đoán.
Ngoại tệ được sử dụng trở lại.
Chính sách quốc hữu hóa và trao đất cho nông dân bản địa không có kiến thức canh tác được ngưng.
Trong 2500 nông trang lớn của người gốc Âu làm chủ, sau này chỉ còn lại vài trăm không bị mua rẻ hoặc tàn phá.
Nhưng vào năm 2013, Hiệp hội Nhà nông Zimbabwe của người gốc Âu đã đưa ra một kế hoạch tái thiết nông nghiệp trong hoàn cảnh chừng 1,6 triệu người tiếp tục bị đói.
Một số công ty, tập đoàn Nam Phi được quay trở lại đầu tư vào nông nghiệp.
Ngành xuất khẩu thuốc lá tìm thấy thị trường lớn là Trung Quốc.
Năm 2016, Zimbabwe bán được gần 600 triệu USD thuốc lá.
Trung Quốc cũng bỏ tiền vào ngành khai khoáng, bán lẻ và giao thông công chính.
Nước này hiện là nhà đầu tư số một ở Zimbabwe và cũng cung cấp phần lớn vũ khí cho quân đội Zimbabwe.
Một số khu nông trại từng có chủ da trắng bị trục xuất đi, rơi vào cảnh hoang tàn, nay do công ty Trung Quốc quản lý.
Ngoài vàng và platinum, Zimbabwe tiếp tục xuất khẩu kim cương : 961 nghìn carats năm 2016.
Nhưng Zimbabwe tiếp tục là quốc gia nghèo và tham nhũng cao.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) nói mỗi năm, quốc gia 16 triệu dân này mất đi 1 tỷ USD vì tham nhũng.
Cảnh sát, chính quyền địa phương và ngành giao thông là ba "khu vực tham nhũng" nặng nhất.
Nhưng tham nhũng quyền lực và các thương vụ làm ăn của quan chức cao cấp cũng là vấn đề nghiêm trọng.
Hiện Zimbabwe chưa rõ sẽ đi về hướng nào.
Nhưng bất cứ chính phủ nào lên cầm quyền thì việc phục hồi kinh tế quốc gia còn cần rất nhiều chính sách tốt.