Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 21/11 kêu gọi các lãnh đạo diễn đàn Á-Âu hợp tác để đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (giữa) đã dùng diễn đàn của Hội nghị Á-Âu tại Myanmar để kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên vùng Biển Đông có nhiều tranh chấp.
Phát biểu trong lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEM tại Nay Pyi Taw, thủ đô Myanmar, phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng "cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, nguy cơ xung đột do tranh chấp lãnh thổ và biển đảo ngày càng hiện hữu".
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao sau cuộc họp 2 ngày ở Myanmar được truyền thông trong nước đăng tải, "Việt Nam kêu gọi các nước cần kiên trì thúc đẩy nỗ lực chung, khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tông trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, kiềm chế vác hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình.
Cũng theo thông cáo này, ông Minh khẳng định Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với các thành viên ASEM đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, anh ninh và ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Cũng lên tiếng kêu gọi về an ninh trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh ASEM, 20/11, thúc giục có các nỗ lực chung để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Nghị được Tân Hoa Xã trích lời nói tại hội nghị rằng bảo vệ hòa bình và ổn địng trong khu vực và điều tiên quyết để đạt được tiến bộ và thịnh vượng cũng như việc chia sẻ trách nhiệm của tất cả các bên ở Châu Á và Châu Âu.
Vấn đề Biển Đông không được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh APEC của khối 21 nền kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương hồi đầu tháng này nhưng đã là chủ đề thảo luận trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội sau đó.
Việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên vùng Biển Đông có tranh chấp làm cộng đồng quốc tế lo ngại và Việt Nam là một trong những nước chịu áp lực nhiều nhất từ Trung Quốc.
Sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc tăng cao vào giữa năm nay khi Hà Nội được cho là phải quyết định ngừng khoan thăm dò dầu khí với đối tác Tây Ban Nha, công ty dầu khí Repsol, dưới sức ép của Bắc Kinh.
Tổng thống Trump trong chuyến thăm tới Hà Nội hôm 11/11 đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên Chủ tịch Trần Đại Quang, người tiếp Tổng thống Trump tại Phủ Chủ tịch đã không nói liệu Việt Nam sẽ chấp nhận lời đề xuất này của Tổng thống Mỹ hay không.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ rời Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc đã tới Hà Nội và trong chuyến thăm này, 2 quốc gia láng giềng đã nhất trí cùng hợp tác giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách ôn hòa.