Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/12/2017

Điểm báo Pháp - Venezuela : Mỹ lơ là, Iran âm thầm cắm rễ

RFI tiếng Việt

Venezuela : Mỹ lơ là, Iran âm thầm cắm rễ

Chiếc vòi của Iran không chỉ vươn rộng trong khu vực Trung Cận Đông, mà còn đang ngấm ngầm cắm rễ tại Nam Mỹ, điển hình nhất là tại Venezuela. Tuần san L’Express, trong bài viết đề tựa "Venezuela, chi nhánh của Trung Đông", nhận định rằng đối với tổng thống Nicolas Maduro, trục kết nối Caracas với thế giới Hồi giáo ả rập là thiết yếu cho sự sống còn chế độ của ông đang trên đà bị phá sản.

vene1

Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro (P) và đồng nhiệm Iran Hassan Rohani, tại Téhéran, ngày 10/01/2015. Reuters/Miraflores Palace/Handout via Reuters

Đầu tiên hết bài viết nhận định kể từ khi Hoa Kỳ không quan tâm đến "sân sau" của mình vì cho rằng khu vực này không còn là một ưu tiên, một thế tương quan lực lượng mới đã được hình thành tại Nam Mỹ.

Ban đầu là Liên Minh Bolivar vì Châu Mỹ (Alba) do Cuba và Venezuela đứng đầu thành lập năm 1999, quy tụ các nước chống Mỹ như Bolivia, Nicaragua và Ecuador. Tiếp đến là Trung Quốc. Vì cũng muốn gây dựng ảnh hưởng của mình tại đây, nên Bắc Kinh đã ồ ạt đầu tư và cấp các khoản cho vay tín dụng, mà Bắc Kinh vẫn hy vọng một ngày có thể thu hồi được vốn.

Nga cũng không muốn mất phần, nên sau nửa thế kỷ vắng bóng đã quay trở lại Venezuela. Moskva trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Caracas. Nhất là trong năm 2018, một xưởng sản xuất súng trường và đạn dược của Nga tại Venezuela sẽ đi vào hoạt động, trong khuôn khổ một thỏa thuận song phương.

Nhưng trong cuộc chơi lớn này, điều ngạc nhiên nhất chính là sự trỗi dậy của trục chiến lược Caracas và thế giới Hồi giáo ả rập. Trên góc nhìn lịch sử, cộng đồng người Hồi giáo tại Nam Mỹ đã có từ thế kỷ 19 với sự xuất hiện của những thương gia gốc Liban-Syria, chủ yếu theo Công giáo.

Trong quá khứ, vùng Nam Mỹ cũng đã từng có hai nhân vật gốc Trung Đông làm lãnh đạo. Ông Carlos Menem, tổng thống Argentina giai đoạn 1989 - 1999 ; và ông Abdala Bucaram lãnh đạo Equateur chỉ được 6 tháng trước khi bị phế truất vì bị thiểu năng tâm thần vào tháng 02/1997.

Nhìn lại trường hợp Venezuela, L’Express cho biết trong hàng ngũ lãnh đạo hiện tại của Caracas có nhiều nhân vật có nguồn gốc Trung Đông. Đặc biệt là phó tổng thống Tareck El Aissami là người gốc Liban-Syria. Nhân vật này là con trai của nhà sáng lập đảng Baas tại Venezuela và là cháu nội của một trong người sáng lập đảng chính trị cùng tên tại Syria.

Ông Tareck El Aissami hiện nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ, vì bị cáo buộc rửa tiền từ buôn ma túy và nhất là vì mối quan hệ của ông với phe Hezbollah, mà Hoa Kỳ xem là khủng bố. Trong trường hợp tổng thống Nicolas Maduro bị phế truất, phó tổng thống sẽ là người thay thế điều hành đất nước.

Nam Mỹ : Ổ khủng bố ?

Theo ghi nhận của các cơ quan tình báo Mỹ và Israel, sự hiện diện của Hezbollah tại thành phố Ciudad del Este của Paraguay đã có từ 30 năm qua. Đây là khu giao thương sầm uất của các băng đảng ở biên giới giữa Brazil với Argentina.

Mỹ và Israel nghi ngờ rằng, với các hoạt động buôn lậu tại đây, cộng đồng Liban-Syria có thể tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Trung Đông mỗi năm từ 300 - 500 ngàn đô la. Nhưng dường như dưới thời Hugo Chavez, Ciudad del Este của Paraguay đã bị thay thế bằng đảo Margarita của Venezuela để trở thành một thiên đường cho khủng bố và buôn thuốc phiện.

Tuy nhiên, L’Express nhìn nhận là quan hệ song phương gắn kết giữa Iran và Venezuela đã có từ những năm 1960, khi cả hai đều là những nước thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEP). Cùng với thời gian, mối quan hệ này chưa bao giờ suy giảm thông qua hàng trăm thỏa thuận đối tác kinh tế và thương mại.

Giờ đây, trong bối cảnh Venezuela đang chìm ngập trong nợ nần, khan hiếm lương thực nhu yếu phẩm và trong sự chuyên chế, Nicolas Maduro vẫn tiếp tục theo đuổi nhiệm vụ thiêng liêng : tăng cường kết nối với thế giới ả rập nhằm củng cố vị thế của Venezuela trên trường quốc tế.

Với ý đồ này, liệu rằng một ngày nào đó Hoa Kỳ có thể nhìn thấy chiến hạm của Iran lướt trên những làn sóng xanh biếc của vịnh Mexico ngay trước mũi mình hay không ?

Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ : Châu Âu nên chọn ai ?

Cũng liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, tuần báo L’Obs có bài bình luận khá thú vị đề tựa : "Phải chăng nên lựa chọn Trung Quốc thay vì Mỹ ?" của Nicolas Colin, giảng viên thuộc Học viện Nghiên cứu chính trị Paris.

Đầu tiên hết tác giả nhìn nhận rằng ý tưởng về một nước Trung Hoa lớn mạnh không phải là mới. Từ lâu phương Tây đã bị hớp hồn về mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và ngày nay, sức tăng trưởng đó đang chuyển hóa thành sức mạnh chiến lược. Trung Quốc giờ là tác nhân ngự trị trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, Châu Âu và Mỹ ngày càng có nhiều điểm bất đồng và khác biệt trên các lĩnh vực chính trị, nhân quyền, văn hóa và xã hội, kể từ thời George Bush và nhất là dưới thời Donald Trump. Vậy thì tại sao trong một thời gian dài, Châu Âu lại cảm thấy gần gũi với nước Mỹ ?

Theo tác giả, lý do của sự đồng thuận giữa Châu Âu và Mỹ là hai bên quyết định vượt qua những bất đồng để cùng bảo vệ các lợi ích chung trên sân khấu chính trị quốc tế. Với kế hoạch Marshall, Hoa Kỳ giúp Châu Âu tái thiết sau Đệ Nhị Thế Chiến. Với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, Hoa Kỳ bảo đảm an ninh và sự phồn thịnh cho Châu Âu.

Là quê hương của nền kinh tế vận hành theo phương pháp dây chuyền Ford, Hoa Kỳ quyết định cách thức Châu Âu sản xuất và tiêu dùng trong thế kỷ 20. Với hệ thống các trường đại học cũng như Hollywood, Hoa Kỳ tạo dựng hệ thống giá trị và cách sống của Châu Âu.

Trung Quốc soán ngôi Mỹ ?

Do vậy, câu hỏi liên quan đến Trung Quốc cần phải được đặt lại và thảo luận : Liệu Châu Âu có thể liên kết với Trung Quốc trong thế kỷ 21 như đã làm với Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 ? Theo tác giả, có nhiều luận điểm ủng hộ quan điểm này.

Sau nhiều thập niên phát triển về kinh tế, hiện nay Trung Quốc đã đạt tới biên giới của lĩnh vực sáng tạo. Alibaba, Đằng Tấn (Tencent), Bách Độ (Baidu) là những tập đoàn tin học lớn mạnh nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng.

Đặc biệt là Bắc Kinh định ra phương hướng trong chính sách kinh tế. Các nỗ lực sáng tạo, về tin học cũng như trong các lĩnh vực khác, là nhằm phục vụ các mục tiêu rõ ràng và hợp lý. Trên sân khấu chính trị quốc tế, Trung Quốc đã dấn thân và hành động sao cho các nước khác có thể đi theo phương hướng đó và chia sẻ các mối lợi do chính sách này tạo ra.

Vào thời điểm Hoa Kỳ đóng cửa biên giới, rút khỏi nhiều định chế quốc tế và giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia đối với bên ngoài, dường như Trung Quốc đóng vai trò thay thế Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc trong hàng ngũ các nước đi đầu đối phó với những thách thức toàn cầu (trong lĩnh vực biến đổi khí hậu), giải quyết các khủng hoảng (căng thẳng Bắc Triều Tiên), hỗ trợ phát triển kinh tế của các vùng chậm phát triển (Đông Nam Á, Châu Phi) và thúc đẩy sự xuất hiện tầng lớp trung lưu trong tương lai.

Có thể nói, Trung Quốc đã chọn đúng thời điểm để khẳng định vị trí của mình : đó là lúc kinh tế thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi. Thế giới rời bỏ nền kinh tế theo mô hình sản xuất dây chuyển Ford để bước vào nền kinh tế số. Và ở mỗi thời kỳ công nghệ-kinh tế mới trong lịch sử thì đều có một quốc gia cụ thể thống trị : đó là nước đã đi trước các quốc gia khác trong việc lập ra các định chế cần thiết để làm cho phương thức tăng trưởng mới bền vững hơn và tùy thuộc lẫn nhau hơn.

Nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ thống trị kỷ nguyên tin học và mạng. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính Trung Quốc có thể trở thành cái nôi chính của nền kinh tế số toàn cầu.

Hiện vẫn tồn tại nhiều khác biệt về chính trị và văn hóa giữa Trung Quốc và Châu Âu, nhất là về tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của công dân. Nếu như có thể thúc đẩy Trung Quốc thay đổi, dấn thân nhiều hơn, chấp nhận luật chơi quốc tế hơn thì lúc đó Châu Âu có thể quay sang với Trung Quốc thay vì Hoa Kỳ.

Hồ sơ di dân : Khi Liên Hiệp Châu Âu giở trò đạo đức giả

Courrier International trên trang nhất chạy tít lớn : "Di dân : Hãy chấm dứt thói đạo đức giả". Tuần san dành nhiều trang báo lược thuật lại nhận định của các báo nước ngoài về cách xử lý làn sóng di dân tị nạn đến Châu Âu của Liên Hiệp Châu Âu và một số quốc gia Châu Phi có liên quan.

Đầu tiên, tuần san đưa ra một quan sát chung : Số lượng thuyền nhân đến từ Châu Phi vào Châu Âu đã giảm hẳn đáng kể, nhất là kể từ khi có thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Libya, được ký vào tháng 02/2017.

Thế nhưng, một phóng sự gần đây của đài truyền hình Mỹ CNN lại cho thấy một thực tế khác hẳn. Di dân tị nạn tại Libya bị nhốt ở những trại tạm giam do dân quân tự vệ Lybia quản lý trong những điều kiện bất nhân và còn bị đem bán đấu giá như những nô lệ. Tiết lộ này đã khiến cộng đồng quốc tế bất bình. Vì sao như vậy ?

Theo giải thích của tờ Irish Times (Thời báo Ireland), sở dĩ Châu Âu và nhất là Roma có được kết quả này là nhờ vào việc mua chuộc các lãnh chúa và các dân quân tự vệ có liên kết với đường dây buôn người và vờ như không biết đến tình trạng bi thương của những người tị nạn đang bị giam giữ trong các trại tạm giam.

Một nhận định cũng được tờ Middle East Eye tại Luân Đôn đồng chia sẻ. Tờ báo lược lại lời thuật của một số nhân chứng cho biết các trại tạm giam đó chẳng khác gì các trại lao động cưỡng bức. Dân quân tự vệ dùng vũ lực cướp bóc tài sản của di dân. Phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp, đánh đập. Tình trạng đói khát và nạn lạm dụng là thường xuyên.

Trước thảm nạn này, lãnh đạo các nước Châu Phi có liên quan chỉ nhỏ "nước mắt cá sấu", là lời tố cáo trên tờ Le Pays của Burkina Faso. Không chỉ vô tâm, tham nhũng mà còn tính toán ích kỷ. Bất lực vì không thể giải quyết nạn thất nghiệp triền miên, lãnh đạo một số nước Châu Phi xem những đợt di tản đó như là một luồng dưỡng khí.

Đây cũng là cách giúp các vị lãnh đạo này xua tan được một mối nguy tiềm tàng : Những người thất nghiệp đó phần đông là giới trẻ, có thể sẽ là những người nổi dậy phản đối, nguy hiểm. Đổi lại, họ có thể yên tâm hy vọng đất nước nhận được ngoại tệ từ những ai liều lĩnh "bán mạng" để đến được thiên đường Châu Âu.

Pháp : "Gái gọi" ở tuổi 16

Trong lĩnh vực xã hội, L’Express có bài điều tra báo động một hiện tượng đáng lo ngại đang có xu hướng phát triển mạnh tại Pháp. Ước tính có khoảng từ 6.000-8.000 thiếu niên đã bán thân thể của mình để đổi lấy những món quà đắt giá hay tiền bạc. Bài viết đề tựa "Tại Pháp, gái gọi ở tuổi 16".

Điều đáng lo là các bậc phụ huynh, cảnh sát, thẩm phán và các nhà giáo dục cảm thấy bất lực trong việc ngăn chặn tệ nạn do việc các em từ chối sự trợ giúp. Điều tra của L’Express còn cho thấy vấn nạn này không chừa một tầng lớp xã hội nào, kể cả con cái các gia đình khá giả.

Bài viết trích giải thích của chuyên gia về tình dục học, bà Claude Giordanella, có nhiều động cơ thúc đẩy các em lao vào con đường bán thân : ham thích thời trang hàng hiệu, điện thoại thông minh iPhone, gia nhập một "nhóm xã hội" nào đó, khẳng định khả năng quyến rũ, trả thù cánh mày râu, thậm chí làm cho sợ để cảm thấy mình tồn tại.

Vẫn theo tuần báo, chính sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội đã tạo thuận lợi cho sự phát triển vấn nạn này. Thêm vào đó là văn hóa tiêu thụ, hình ảnh khiêu dâm lan tràn trên mạng, quảng cáo tình dục công khai hay các trang mạng mời gọi ngoại tình… Tất cả những điều đó đã đẩy biết bao nam thanh nữ tú "bị cháy túi" lao vào tìm kiếm những "bố già" hào phóng.

Sự tiếp tay giữa internet và các trang mạng xã hội đã giúp cho các em thoát dễ dàng tầm kiểm soát của bố mẹ. Theo nhận định của một nhà giáo dục, "Tất cả những em tham gia làm gái gọi hay mãi dâm đều có những điểm yếu chung : thiếu tự tin, thiếu tình thương gia đình, học hành khó khăn, thậm chí là bị bạo hành trong gia đình hay bị xâm hại tình dục".

Hollywood : Một đấu trường khác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ?

Trở lại với tuần báo Courrier International, nhưng trong lĩnh vực điện ảnh. Vào lúc Hollywood đang tìm cách vượt qua cơn sóng dữ "Harvey Weinstein", làm chao đảo kinh đô điện ảnh này vì những cáo buộc sách nhiễu tình dục, một mối đe dọa khác cũng đang lởn vởn tại kinh đô điện ảnh này.

Trong bài viết đề tựa "Mối đe dọa Trung Quốc không phải là bóng ma", Courrier International tổng hợp một số bài nhận định trên các báo Mỹ cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trên lĩnh vực này để tìm cách phân phối các sản phẩm điện ảnh cũng như là áp đặt tầm nhìn của mình về thế giới lên toàn cầu.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)