Úc cáo buộc hacker Việt Nam đánh cắp dữ liệu sân bay (VOA, 11/12/2017)
Một tin tặc Việt Nam đã đột nhập vào hệ thống máy chủ và đánh cắp thông tin an ninh nhạy cảm của Sân bay Perth, Australia, theo trang The West Australian.
Lê Đức Hoàng Hải tại phiên tòa ngày 7/12/2017 - Ảnh : Báo Quân Khu 7
Trang này cho biết người đàn ông Việt Nam tên Lê Đức Hoàng Hải, 31 tuổi, đã sử dụng danh tính của một nhà thầu bên thứ ba để truy cập vào hệ thống máy tính của sân bay này vào tháng 3 năm ngoái.
Cố vấn an ninh mạng Alastair MacGibbon của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, cho biết hôm 10/12 rằng người đàn ông này đã lấy cắp "một lượng dữ liệu đáng kể" liên quan đến sân bay, bao gồm sơ đồ tòa nhà và các chi tiết về an ninh của các tòa nhà trong sân bay.
Ông MacGibbon nói rằng Hải chưa tiếp cận được hệ thống radar hay các hệ thống khác liên quan đến hoạt động của máy bay và hành khách chưa vấp phải nguy hiểm gì.
Sân bay Perth đã phát hiện ra việc đột nhập này và chuyển thông tin vụ việc cho trung tâm an ninh không gian mạng của Chính phủ Liên bang Australia ở thủ đô Canberra.
Vụ tấn công này được truy ra có nguồn gốc từ Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia đã cung cấp thông tin cho các đối tác ở Việt Nam. Phía Việt Nam đã điều tra và bắt giữ Hải.
Báo Quân Khu 7 cho biết vào ngày 7/12, Tòa án Quân sự Quân khu 7 xử Lê Đức Hoàng Hải 4 năm tù về tội "truy cập bất hợp pháp các mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác".
Tổng số dữ liệu mà Lê Đức Hoàng Hải đã đánh cắp là trên 320 Gigabyte, gây thiệt hại lớn cho các công ty, tập đoàn, đơn vị.
Truyền thông Việt Nam nói sân bay Perth đã phải chi gần 8 triệu đôla (tương đương 135 tỉ đồng) để khắc phục hậu quả, khôi phục dữ liệu và lỗ hổng an ninh mạng.
Trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 6/2016, với mục đích tò mò, muốn thể hiện khả năng làm hacker về việc đánh cắp dữ liệu mạng, Lê Đức Hoàng Hải, sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú Thành phố Hồ Chí Minh, đã sử dụng máy tính cá nhân có kết nối internet để đột nhập trái phép vào máy chủ, hệ thống máy chủ quản lý sân bay Perth.
Ngoài ra, Báo Quân khu 7 còn cho biết, Hải còn tấn công cơ sở hạ tầng và các trang web ở Việt Nam, bao gồm cả các ngân hàng, viễn thông và một tờ báo quân sự trực tuyến.
*******************
Úc : Hacker Việt Nam đã ăn cắp nhiều thông tin về an ninh sân bay (RFI, 11/12/2017)
Theo tin của báo chí Úc ngày 11/12/2017, một hacker Việt Nam vào năm 2016 đã xâm nhập hệ thống máy tính của sân bay Perth và ăn cắp nhiều thông tin về an ninh của sân bay này.
Theo báo chí Úc, một hacker Việt Nam đã xâm nhập hệ thống máy tính của sân bay Perth và ăn cắp nhiều thông tin về an ninh vào năm 2016. Reuters
Ông Alastair MacGibbon, cố vấn về an ninh mạng của thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho tờ The West Australian biết rằng tin tặc Lê Đức Hoàng Hải đã xâm nhập hệ thống máy tính của sân bay quốc tế Perth vào tháng 03/2013. Tuy nhiên, tin tặc này đã không xâm nhập được vào hệ thống radar cũng như các dữ liệu máy tính về không lưu, không đánh cắp được các chi tiết cá nhân của hành khách, tức là vẫn chưa gây nguy hại cho sự an toàn của hành khách sân bay Perth.
Khi thấy an ninh mạng bị chọc thủng, sân bay Perth đã thông báo cho cơ quan an ninh mạng của Úc ở Canberra. Lần theo dấu vết của vụ tấn công tin tặc, họ đã phát hiện ra tác giả chính là hacker Lê Đức Hoàng Hải, 31 tuổi, sống tại Sài Gòn.
Hacker này đã bị bắt ở Việt Nam sau khi nhà chức trách nhận được báo động từ cảnh sát liên bang Úc. Vào ngày 07/12/2017, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án tù 4 năm đối với Lê Đức Hoàng Hải.
Theo bản cáo trạng, từ năm 2010 đến tháng 06/2016, ngoài hệ thống máy tính của sân bay Perth, Úc, Lê Đức Hoàng Hải còn xâm nhập hệ thống máy tính của hãng Hàng Không Quốc Gia Việt Nam, tập đoàn Điện Lực Việt Nam, tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Quốc Gia Việt Nam, tập đoàn Viễn Thông Quân Đội Việt Nam, báo điện tử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, một ngân hàng Việt Nam và một số đơn vị khác.
Thanh Phương
*******************
Úc-Trung Quốc : Nhân Dân Nhật Báo tố báo chí Úc kỳ thị chủng tộc (RFI, 11/12/2017)
Từ lúc bị nêu tên là nhân tố mưu toan lũng đoạn chính trường Úc, Bắc Kinh càng lúc càng tỏ thái độ tức tối, gia tăng dọa nạt Canberra.
Một số sinh viên Trung Quốc chụp ảnh sau lễ tốt nghiệp khóa học thương mại tại đại học Sydney, ngày 12/10/2017.William WEST / AFP
Ngày hôm nay, 11/12/2017, đến lượt tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lên giọng cáo buộc các đồng nghiệp Úc là mang đậm tâm lý kỳ thị chủng tộc và có đầu óc hoang tưởng khi đưa tin về việc Trung Quốc xen vào nội tình chính trị Úc.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bài xã luận, tờ báo đã cho rằng truyền thông Úc đầy rẫy những thông tin hoang đường, đả kích chính quyền Trung Quốc một cách vô căn cứ và vu khống một cách đầy ác ý các du học sinh Trung Quốc và Hoa Kiều sống ở Úc.
Tờ báo đảng của Trung Quốc không ngần ngại cho rằng "những lập luận ồn ào hoang tưởng đó đều hàm chứa tính chất kỳ thị chủng tộc và là vết nhơ trên hình ảnh của nước Úc là một xã hội đa văn hóa".
Bài xã luận được ký tên "Trung Thanh", một bút danh thường được dùng khi tờ Nhân Dân Nhật Báo đề cập đến những vấn đề đối ngoại. "Tiếng nói Trung Quốc", còn khẳng định Trung Quốc không cố tình can thiệp vào chính trường Úc, không dùng sự đóng góp tài chính để gây ảnh hưởng.
Lời đả kích Úc trên tờ Nhân Dân Nhật Báo đã nối tiếp những lời phản đối của chính quyền Bắc Kinh sau khi Trung Quốc bị thủ tướng Úc Michael Turnbull nêu đích đanh là nước tìm cách ảnh hưởng đến đời sống chính trị Úc, buộc ông phải đề xuất một số luật hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài trên các đảng chính trị Úc.
Hãng Reuters nhắc lại rằng việc Bắc Kinh mưu toan dùng quyền lực mềm gây ảnh hưởng tại Úc đã nổi cộm trở lại vào tuần trước, khi nghị sĩ Sam Dastyari, một chính khách có thế lực thuộc Công Đảng Úc (đối lập) bị loại khỏi chính phủ vì đã gọi điện thoại cảnh báo một doanh nhân Trung Quốc, đồng thời là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc, rằng điện thoại của ông bị tình báo Úc nghe lén.
Tháng 06/2017, hai hãng truyền thông Úc là Fairfax Media và ABC đã báo động về việc Bắc Kinh tung chiến dịch "cài người" vào chính trường Úc để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa