Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/12/2017

Điểm báo Pháp - Ván bài Nga trong thế giới Ả Rập

RFI tiếng Việt

Ván bài Nga trong thế giới Ả Rập

Trong bối cảnh lò lửa chiến sự Trung Đông đang nóng rực từ khi tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và các hiềm khích tranh giành ảnh hưởng trong các nước Ả Rập tiếp tục căng thẳng cao độ, trang quốc tế nhật báo Le Figaro có bài nhận định của thông tín viên Pierre Avril tại Moskva về vai trò của nước Nga giờ đây trong khu vực Trung Đông.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin, bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu (trái, hàng trên) và tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ hai bên phải, hàng trên) tại cơ sở không quân Hmeymim tại tỉnh Latakia, Syria, ngày 11/12/2017. Sputnik/Mikhail Klimentyev/Sputnik via Reuters

Bài viết mang tựa đề : "Liệu Nga có là ông chủ mới của thế giới Ả Rập ?" ghi nhận : "Phong trào Mùa Xuân Ả rập khởi phát năm 2011, các cuộc biểu tình chống Putin ở Nga lên cao, rồi đến cuộc cách mạng màu ở Ukraine, những sự kiện đó càng làm cho Kremlin có cảm giác bị vây hãm. Bằng việc can thiệp vào Syria, nước Nga đã tìm được cơ hội lật ngược thế cờ".

Bài viết của tác giả đặt ra các câu hỏi để lý giải cho vai trò của Nga ngày nay trên bàn cờ Trung Đông. Trước hết là câu hỏi :

Moskva có thể dựa vào quá khứ Xô Viết ?

Tác giả nhắc lại lịch sử từ những năm 1960, Liên Xô, nhân danh sự nghiệp chống chủ nghĩa đế quốc đã ủng hộ đắc lực cho các phong trào dân tộc và cách mạng Ả Rập. Trong đó, đặc biệt có Mặt Trận Giải Phóng Dhofar (FLD). Tổ chức vũ trang theo chủ nghĩa mác-xít này, trước khi bị rơi vào quên lãng, đã tồn tại hàng chục năm dưới sự nâng đỡ của Liên Xô, cùng những ý đồ lật đổ các vương triều vùng Vịnh, nhưng không thành. Liên Xô cũng hậu thuẫn Nasser lật đổ chế độ quân chủ do Anh hậu thuẫn, lên cầm quyền ở Ai Cập đầu những năm 1950. Liên Xô cũng từng cung cấp vũ khí cho cuộc chiến giành độc lập của người Algeria. Thậm chí, từ năm 1967 đến năm 1990, Moskva còn thành công trong việc dựng lên ở Nam Yemen một chế độ 100% mác-xít trong thế giới Ả Rập.

Từ thập niên 1990, chế độ Xô Viết sụp đổ đã kéo theo dấu ấn Xô Viết ở Trung Đông. Le Figaro trích dẫn ông Kirill Semionov, cố vấn đối ngoại của Nga : "Ảnh hưởng của chúng ta trở về con số không. Nga không còn nguồn tài chính để dẫn dắt chính sách riêng của mình trong một vùng đã bị mất toàn bộ lợi ích".

Cuộc chiến tại Syria đánh dấu sự trở lại hùng mạnh của nước Nga ?

Theo tác giả bài viết, "Trên thực tế, một chuỗi sự kiện phức tạp bùng phát khi có phong trào Mùa xuân Ả Rập đã đẩy Moskva vào đấu trường này. Năm 2011, sau khi Moubarak bị lật đổ ở Cairo, Nga cảm thấy bị phản bội khi Luân Đôn và Paris mở chiến dịch tấn công Lybia lật đổ Kadhafi, từ lâu vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Moskva. Vài tháng sau, đến lượt Assad bị đe dọa. Theo Kremlin, mối đe dọa đó không phải từ đường phố ở Syria mà là từ nhưng nhà bảo trợ phương Tây".

Một yếu tố làm tình hình thêm nghiêm trọng là những sự kiện ở các nước ả rập xảy ra trùng vào thời điểm phong trào đường phố chống Putin lên cao ở Nga hồi cuối năm 2011, đầu năm 2012. Sau đó 2 năm lại nổ ra cuộc Cách Mạng Màu thân Châu Âu ở Ukraine lật đổ tổng thống thân Nga. Từ đó Nga bắt đầu cảm thấy bị đe dọa.

Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria bắt đầu từ tháng 09/2015 là câu trả lời cụ thể cho các thách thức an ninh của họ. Moskva ban đầu nghĩ rằng họ sử dụng đòn bẩy quân sự ở Syria là để buộc các nước phương Tây gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga vì vụ can thiệp vào Ukraine.

Theo bài báo, trong cuộc khủng hoảng Trung Cận Đông vùng Vịnh hiện nay, Nga là cường quốc duy nhất có liên hệ với mọi bên để có thể đóng vai trò trung gian điều khiển cuộc chơi. Moskva hợp tác chặt chẽ với Iran trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria, trong khi đa số các nước từ Saudi Arabia đến Hoa Kỳ không nói chuyện được với Tehran. Không can dự trực tiếp nhưng Moskva xích lại với Qatar để thúc đẩy vương quốc này đối thoại với Saudi Arabia.

Le Figaro nhận định : "Giờ đây, từ thắng lợi quân sự, Moskva trở thành người đối thoại bắt buộc mà các nước bảo trợ cho phe nổi dậy ở Syria phải thích nghi. Thổ Nhĩ Kỳ chống kịch liệt Damascus cũng đang hợp tác chặt chẽ với Nga".

Như vậy, có thể thấy vai trò của Nga là không thể phủ nhận ở Trung Đông lúc này. Với vị thế đó, Nga đang tìm cách gia cố các mối quan hệ thương mại với mọi tác nhân trong vùng, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự.

Liệu Nga đã cắm chân vững chãi trong vùng ?

Theo tác giả bài báo, "thừa cơ khủng hoảng Syria để nhảy vào Trung Đông một cách gần như là đột nhập, Moskva có thể sẽ mất ảnh hưởng trong vùng, một khi hòa bình được vãn hồi". Đây là giả thuyết đang được giới nghiên cứu ả rập của Nga bàn luận.

Một mặt, sự bành trướng của nước Iran Hồi giáo dòng Shia có thể khiến quan hệ Nga với Saudi Arabia trở về con số 0 bất cứ lúc nào. Mặt khác, các nước như Ai cập vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của Mỹ. Còn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ hữu hảo với Nga trong lúc quan hệ của họ với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu gặp rắc rối. Với việc tổng thống Donald Trump vừa công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quan hệ giữa Moskva và nhà nước Do Thái vốn vẫn được chú trọng và đã được cải thiện đáng kể thời gian qua, nay sẽ trở nên tế nhị hơn nhiều.

Tác giả kết luận : "Trong một vùng thường trực các xáo trộn này, Vladimir Putin không thể tự phụ với nhãn quan chiến lược. Vai trò của nhà chiến thuật, hay có thể gọi là cơ hội, cũng đủ để ông thực hiện tham vọng".

Bắc Triều Tiên ngó sang Nga

Cũng liên quan đến Nga, nhưng trong quan hệ với một khu vực nóng khác của thế giới, bán đảo Triều Tiên, báo Le Monde có bài viết : "Bình Nhưỡng đánh mắt về Moskva".

Le Monde cho biết, do theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bắc Triều Tiên đang bị quốc tế thắt chặt trừng phạt. Trung Quốc - đồng minh truyền thống của chế độ Bình Nhưỡng - cũng bắt đầu chuyển biến, áp dụng triệt để hơn các trừng phạt quốc tế. Trong khi đó, nhiều số liệu cho thấy xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Nga dường như gia tăng vào lúc quốc tế mở rộng trừng phạt. Trong năm 2016, thương mại hai nước đạt hơn 76 triệu đô la, nhưng chỉ riêng quý đầu 2017, con số này đã đạt 31,4 triệu đô la.

Nga vẫn đang tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Bắc Triều Tiên như là một trong những ưu tiên của họ để phát triển vùng Viễn Đông. Trong khi đó, Le Monde trích dẫn chuyên gia Liudmila Zakharova, thuộc Viện Kinh Tế Triều Tiên có đóng trụ sở tại Mỹ, theo đó chế độ Bình Nhưỡng đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc lớn vào Trung Quốc bằng cách tăng các tiếp xúc với nước Nga.

Vẫn theo Le Monde, Nga và Bắc Triều Tiên đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt và đường thủy trong đặc khu kinh tế Rajin ở Bắc Triều Tiên nối với vùng Viễn Đông Nga. Trong nghị quyết được Hội Đồng Bảo An thông qua hồi tháng 09/2017, sau vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bắc Triều Tiên, Moskva đã đạt được đòi hỏi để các liên doanh trong đặc khu kinh tế chung Rajin và Khassan (Viễn Đông Nga) được nằm ngoài lệnh trừng phạt.

Brexit : Khó khăn thực sự ở phía trước

Tiếp tục với trang báo Le Monde, trở lại với thời sự được chú ý nhất ở Châu Âu với thỏa thuận ly dị vừa được ký giữa Anh và Châu Âu hôm thứ Sáu 08/12/2017, khép lại vòng thương lượng đầu tiên về Brexit. Xã luận Le Monde ghi nhận bằng hàng tựa "Brexit : Lợi thế thuộc Bruxelles".

Thỏa thuận được thủ tướng Anh Theresa May và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Junker thông báo tại Bruxelles ngày 08/12 là văn bản ấn định hình thức ly dị và mở ra giai đoạn đàm phán thứ 2 về các mối quan hệ trong tương lai giữa Luân Đôn và 27 thành viên của Liên Âu. Cái giá mà Luân Đôn phải chi trả cho vụ ly dị này đã được ấn định khoảng 50 tỷ euro.

Le Monde nhận định, "thỏa thuận này rất có lợi cho Liên Hiệp Châu Âu. Liên Hiệp đã đưa Luân Đôn đến chính xác nơi mình muốn. Châu Âu áp đặt các ưu tiên, lịch trình, số tiền đền bù. Liên Hiệp cũng áp đặt được ý tưởng cho thời kỳ chuyển tiếp, có thể hiểu là phác thảo cho mối quan hệ trong tương lai với nước Anh".

Về phần Luân Đôn, Le Monde nhận xét : "Người Anh đã đánh giá thấp Liên Hiệp và đánh giá quá cao thế mạnh của họ, cuối cùng họ đã phải xuống nước".

Le Monde cũng nhận thấy "khó khăn nhất vẫn là phần việc phải làm sắp tới. Giai đoạn 2 đàm phán sẽ khiến hai bên phải nhìn thẳng vào Brexit và thừa nhận cái giá phải trả cho vụ ly dị này".

Ukraine : Manh nha một cuộc cách mạng chưa tên gọi

Một vấn đề thời sự khác diễn ra ở Ukraine được Le Figaro chú ý là cuộc biểu tình của dân chúng đòi thả ông Sakachvili diễn ra ngày 10/12/2017, tại Kiev. Cựu tổng thống Gruzia nhưng đang nổi lên là một gương mặt đối lập chủ chốt ở Ukraine, sau khi ông bị cảnh sát bắt hôm 08/12.

Theo Le Figaro, cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ở Kiev đòi thả ông Sakachvili đã biến thành một cuộc huy động chống tổng thống Poroshenko và chế độ tham nhũng của ông.

Tờ báo ghi nhận : "Bốn năm sau cuộc cách mạng đã đánh đổ Vicktor Yanukovych, giờ đây Poroshenko đang phải đối mặt với sự phản kháng ngày càng quyết liệt". Vụ bắt giữ Mikhail Sakachvili chỉ là giọt nước làm tràn ly, vì nó diễn ra đúng vào lúc người dân Ukraine đang bất mãn cao độ với chế độ tham nhũng của Poroshenko, người đã được bầu lên sau khi cuộc cách mạng đường phố lật đổ chế độ chuyền quyền, tham nhũng Yanukovych hồi mùa xuân 2014.

Ông Sakachvili, công dân Gruzia đã đến Ukraine 2015 theo lời kêu gọi của tổng thống Poroshenko và được ông này phong cho chức thống đốc vùng Odessa, với trách nhiệm chống tham nhũng trong thành phố bên bờ biển Đen này. Trở thành công dân Ukraine, ông Sakachvili buộc phải từ bỏ quốc tịch Gruzia.

Bỗng nhiên, năm 2016, Sakachvili từ chức, quay sang chống lại Poroshenko và trở thành kẻ thù không đội trời chung với tổng thống Ukraine. Mùa hè 2017, ông bị tước quốc tịch Ukraine khi đang ở nước ngoài. Nhưng ông vẫn cố tìm cách trở về Ukraine qua biên giới Ba Lan. Từ khi trở về Kiev, Sakachvili trở thành một trong những nhà đối lập kiên quyết nhất chống lại chính quyền Poroshenko.

Ông Sakachvili sẽ được đưa ra tòa hôm nay 11/12, nhưng vụ bắt giữ này sẽ càng làm tăng thêm sự phẫn nộ của dân chúng Ukraine, những người lật đổ đã thành công cả một chế độ chỉ từ sự phẫn nộ trước một chế độ tham nhũng bất công.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)