Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/12/2017

Pháp lên lưới bảo vệ khí hậu toàn cầu

RFI tiếng Việt

One Planet Summit : Để thỏa thuận COP 21 thành hiện thực (RFI, 12/12/2017)

Hai năm sau thỏa thuận Paris lịch sử ngăn chặn hiện tượng trái đất bị hâm nóng tại hội nghị COP 21, hôm nay 12/12/2017, thủ đô nước Pháp lại đón tiếp hàng chục lãnh đạo các quốc gia dự Thượng đỉnh về khí hậu mang tên One Planet Summit. Mục tiêu là thúc đẩy thế giới hành động mạnh hơn để có được những bước tiến cụ thể trong việc chống biến đổi khí hậu.

one1

Bộ trưởng Môi Trường Pháp, Nicolas Hulot, phát biểu tại Hội nghị khí hậu thế giới "One Planet Summit" ngày 12/12/2017. Eric FEFERBERG / AFP

Từ COP 21, thế giới đã qua đến COP23, vừa diễn ra tại Bonn giữa tháng 11 vừa rồi, nhưng dường như những tiến bộ vẫn chưa đủ để đáp ứng mong đợi. One Planet Summit, được tổ chức theo sáng kiến của Pháp sau khi ông Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris, sẽ tập trung bàn vào vấn đề cụ thể mang tính quyết định thành bại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đó là tài chính.

Thỏa thuận COP 21 Paris giờ đã đi đến đâu ?

Hội nghị quốc tế lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC), gọi tắt là COP 21, sau nhiều ngày thương thảo căng thẳng, hôm 12/12/2015 đã thông qua được một bản thỏa thuận lịch sử ấn định mục tiêu từ nay đến cuối thế kỷ kiềm chế mức tăng trung bình nhiệt độ trái đất dưới 2°C và tiến tới giới hạn 1,5°C.

Phần cốt lõi của thỏa thuận Paris là : Đặt cơ sở quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, căn nguyên gây xáo trộn bầu khí hậu, bằng cách ấn định khung cam kết chính trị kinh tế và tài chính. Đồng thời thỏa thuận Paris khuyến khích chuyển đổi nhanh chóng các nguồn năng lượng sang hướng sạch hơn như năng lượng gió hay mặt trời.

COP 21 đã đưa ra được con số thể : Các nước ký thỏa thuận cam kết đến năm 2020 sẽ đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm trợ giúp cho những nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một năm sau hội nghị Paris, khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ lại quy tụ tại Marrakech, Maroc trong COP 22. Hội nghị lần đó đã đạt thêm một bước tiến cụ thể : Đến 2018 sẽ phải xác định được các hình thức áp dụng Thỏa thuận về khí hậu. Thế nhưng tháng 6 vừa qua, tổng thống Donald Trump đã thông báo rút Mỹ ra khỏi những cam kết của thỏa thuận Paris. Một quyết định gây không ít hoang mang cho cộng đồng quốc tế và đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ trong cũng như ngoài Hoa Kỳ.

Cuộc đấu tranh bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất vẫn tiếp diễn mặc cho thái độ thờ ơ và những toan tính tủn mủn của chính quyền Trump. Trong hai ngày 16 và 17 tháng 11 vừa qua, tại Bonn, Đức, đại diện các quốc gia ký thỏa thuận Paris đã gặp nhau trong kỳ COP 23 để tìm cách cụ thể hóa những cam kết.

Trong khi nước Mỹ giàu có và cũng là một trong hai quốc gia phát thải khi gây hiệu ứng nhiều nhất thế giới rút ra khỏi các cam kết bảo vệ bầu khí hậu chung của Trái đất, thì những nước nhỏ, chậm phát triển như Nicaragua và Syria đã chính thức tham gia COP23 tại Bonn. Ngoài ra, khoảng hai chục nước và hai bang của Hoa Kỳ đã gia nhập liên minh quốc tế cam kết từ bỏ sử dụng than đá sản xuất điện từ nay đến năm 2030.

Theo đại diện Pháp, bà Laurence Tubiana, đặc trách đàm phán về thay đổi khí hậu, COP23 đã đạt được hai điểm đáng chú ý : "Trước hết đó là các cam kết của các tác nhân ngoài chính chính phủ, như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ hay các vùng. Trọng tâm của cam kết xoay quanh vấn đề sử dụng than đá".

Tuy nhiên, kết quả của COP 23 vẫn còn chưa được như mong đợi hay "nửa vời", như đánh giá của ông Nicolas Hulot, bộ trưởng Môi Trường Pháp. Ông Hulot nhận định, việc Hoa Kỳ rút khỏi tiến trình chống hâm nóng trái đất có tác động tiêu cực rõ rệt, nhưng thế giới vẫn quyết tâm và lạc quan vào tương lai của các thỏa thuận bảo vệ bầu khí hậu chung.

Hội nghị COP 24 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2018 tại Katowice, Ba Lan. Khi đó các nước tham gia ký thỏa thuận sẽ phải đúc kết được những đường hướng chỉ đạo và các khả năng của mình về vấn đề phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chi phí tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trong một văn bản chỉ đạo thực hiện theo khuôn khổ của Thỏa thuận Paris.

Mong đợi gì ở One Planet Summit 2017 ?

Trước khi đạt được điều đó, các quốc gia và những tác nhân không thuộc chính phủ họp tại Paris hôm nay trong một hội nghị thượng đỉnh mang tên gọi One Planet Summit, được tổ chức theo sáng kiến của tổng thống Pháp. Nhiệm vụ của Thượng đỉnh Paris lần này là đưa các tác nhân tài chính của Nhà nước cũng như tư nhân hòa nhập vào cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/11 vừa qua đã tuyên bố : " Cái thiếu hiện nay đó là những dự án cụ thể, với nguồn tài chính thực sự cho các dự án đó". Ông nói thêm : " Mục tiêu của cuộc họp thượng đỉnh ngày 12/12 này không phải là đi đến một tuyên bố, mà là đạt được một danh sách các hành động và cam kết tài chính cụ thể của các nước và của các tổ chức tư nhân" để đối phó với sự biến đổi khí hậu.

One Planet Summit Paris tập trung huy động các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, cũng như các tác nhân kinh tế khác như ngân hàng hay các chính phủ bắt tay vào những chương trình cụ thể vì môi trường khí hậu. Hội nghị cũng muốn các quốc gia một lần nữa cụ thể hóa các chỉ tiêu con số về năng lượng tái tạo cho từng giai đoạn.

Trong khuôn khổ One Planet Summit, có khoảng năm chục công ty sẽ tham gia ký cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Như vậy đến nay đã có hơn 90 doanh nghiệp, trong đó đa số là các tập đoàn lớn chia sẻ quyết tâm cho cuộc đấu tranh chống hâm nóng khí hậu.

Trong khoảng từ 2016 đến 2020, các công ty tham gia ký cam kết dự trù sẽ đầu tư khoảng 60 tỷ euro trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng, công nghệ các-bon thấp hay làm nông nghiệp bền vững. Đã có hơn 1000 dự án nhằm hỗ trợ các nước thích nghi hoặc giảm thiểu tác động với các biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp nói trên cũng dự tính sẽ thu thập nguồn vốn 220 tỷ euro cho các dự án góp phần đấu tranh chống hâm nóng khí hậu. Bên cạnh vấn đề tài chính, trong tổng số các doanh nghiệp ký thỏa thuận, đã có 60 công ty cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng những chỉ tiêu con số cụ thể.

Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Jim Yong Kim, trước hội nghị thượng đỉnh Paris về khí hậu, đã nhấn mạnh : " Cơ quan năng lượng Quốc tế thẩm định cần phải có 3500 tỷ đô la mỗi năm trong suốt 30 năm để duy tri mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng tối thiểu 2°C".

Vì thế, không có tiền thì các chỉ tiêu sẽ vẫn chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị và thế giới sẽ không có gì thay đổi. Ngân hàng thế giới cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ tăng 28% nguồn tài chính để đáp ứng như cầu về vốn cho các dự án chống biến đổi khí hậu.

Hơn bao giờ hết để có những bước tiến cụ thể và hiệu quả, vấn đề nguồn tài chính đóng vai trò tiên quyết, nhưng đây cũng là vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán.

RFI tiếng Việt

**********************

Thượng đỉnh khí hậu Paris để "hâm nóng" COP21 (RFI, 12/12/2017)

"One Planet Summit" hay "Thượng đỉnh vì Một hành tinh" do Pháp, Liên Hiệp Quốc và Ngân Hàng Thế Giới đồng tổ chức tại Paris. Mục tiêu là để duy trì ngọn lửa đấu tranh chống biến đổi khí hậu và tìm nguồn tài chính thực hiện hiệp định COP 21, tránh cho một phần trái đất bị diệt vong, nếu không ngăn được nhiệt độ tăng hơn 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.

one2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một diễn đàn bên lề Thượng đỉnh One Planet Summit, ngày 11/12/2017 tại Paris. Reuters/Philippe Wojazer

Hai năm sau ngày ký hiệp định khí hậu COP 21, một lần nữa, nước Pháp lên tuyến đầu. Thượng đỉnh vì Một hành tinh ngày 12/12/2017 là một trong những "chặng đường" với bản tuyên bố chung, duyệt qua 12 điều cam kết mà các bên tham dự hứa hẹn để bảo vệ địa cầu.

Hội nghị quy tụ nguyên thủ và thủ tướng đại diện 60 nước trên thế giới cùng với các nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng…

Theo tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cần phải "hành động khẩn cấp để làm thay đổi tình huống vì tương lai thế hệ mai sau thừa kế trái đất này nhưng có thể đã trễ".

Khẩn cấp bởi vì trong hai năm qua, tinh thần phấn khởi phát sinh từ hiệp định COP 21, được long trọng ký kết vào năm 2015, đã giảm dần. Một trong những nguyên nhân chính là nước Mỹ của ông Donald Trump đã tuyên bố rút lui.

Nhưng theo nhiều chuyên gia, cho dù tất cả các nước ký kết có tôn trọng lộ trình ghi trong COP 21, thì nhiệt độ khí quyển vào cuối thế kỷ vẫn tăng thêm 3°C chứ khó dừng lại ở 2°C như dự kiến lạc quan nhất.

Lý do là thiếu tài chính thực hiện cam kết. Do vậy, Thượng đỉnh vì Một hành tinh lần này kỳ vọng vào xã hội công dân, vào giới tài chính, tập đoàn công nghiệp tư nhân đóng góp. Một viên chức của Ngân Hàng Thế Giới tuần trước cho biết là "phải huy động những nguồn tiền lớn, điều phối vào các kế hoạch có hiệu quả thấy được".

Cụ thể có hai hình thức đầu tư. Thứ nhất là chính phủ phải khuyến khích các công ty tập trung vào năng lượng sạch, thay thế nhiên liệu gây ô nhiễm hiện dùng. Thứ hai là các nước giàu phải giúp các nước nghèo tiến hành các chương trình cải cách sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, thích nghi với biển đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ bờ biển chống xâm thực.

Hai năm sau COP 21, các mục tiêu này vẫn còn xa xôi. Nhóm G20, tức 20 nước phát triển nhất địa cầu, vẫn còn sử dụng xăng, dầu, than đá đến 78 tỷ đô la hàng năm, trong khi phần nhiên liệu sạch chỉ có 18 tỷ.

Nhiều nước đang phát triển, nhất là ở Châu Phi, rất thất vọng sau hội nghị khí hậu COP 22 ở Maroc, năm 2016 và COP 23 ở Đức, tháng 11 vừa rồi. Lời hứa đoàn kết của các nước giàu với 100 tỷ đô la viện trợ không được thực hiện cụ thể. Nick Nuttall, phát ngôn viên ban thư ký của Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu trấn an là "có triển vọng từ nay đến 2020".

Trong số các tác nhân kinh tế tư nhân của Pháp năng nỗ chịu lên tuyến đầu có nhiều ngân hàng và tập đoàn bảo hiểm. BNP-Parisbas và Crédit Agricole cam kết đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng.

Các ngân hàng Pháp này nằm trong nhóm hành động mang tên "Climat-Action 100+" gồm 200 nhà đầu tư công nghiệp. Với trọng lượng 26.000 tỷ đôla, "Climat-Action 100+" cam kết gây sức ép lên trên 100 công ty thải khí gây hiệu ứng nhà kính, như tập đoàn than đá Ấn Độ Coal India, Exxon Mobil của Mỹ và tập đoàn dầu khí quốc doanh của Trung Quốc để buộc các "ống khói" gây ô nhiễm này cải tiến.

Ngành tài chính nhập cuộc

Ngày 11/12/2017, trước thềm thượng đỉnh One Planet Summit, giới ngân hàng và các quỹ đầu tư thông báo dành ưu tiên cho các ngành công nghệ sạch.

Cách nay hai năm, nhân thượng đỉnh COP 21 tại Pháp, tổ chức bảo vệ môi trường mang tên New Climate Economy thẩm định từ nay tới năm 2030, nhu cầu tài trợ cho các dự án phát triển bền vững trên thế giới lên tới 90.000 tỷ đô la. Nếu quản lý một cách hiệu quả, thì con số này chỉ cao hơn so với tiến trình phát triển bình thường có 5 %.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào thuyết phục các tâp đoàn tài chính chuyển hướng đầu tư vào các dự án "xanh" ít thải khí carbon ?

Ngân Hàng Thế Giới đề ra mục tiêu, đến ngưỡng 2020, ít nhất, 28 % các khoản đầu tư của định chế tài chính đa quốc gia này phải dành cho các dự án sạch, thay vì 22 % như hiện tại

Năm ngoái Câu Lạc Bộ Tài Chính Quốc Tế vì Phát Triển, tập hợp 23 ngân hàng phát triển trên thế giới, dành 173 tỷ đô la để đầu tư vào các "công trình xanh" Khối tiền này tăng 20 % so với hồi 2015.

Trong mắt giám đốc đặc trách khí hậu của Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế, OCDE, Simon Buckle, ngành tài chính đang "bước lên tuyến đầu" để đối phó với hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Đơn giản là vì các ngân hàng mong kiếm lãi cao, trong lúc, như ghi nhận của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh Mark Carney cách nay hai năm, "ổn định của ngành tài chính tùy thuộc một phần vào yếu tố khí hậu". Nếu như một mỏ than hay khu dự trữ dầu hỏa bị thiên tai, ngân hàng sẽ khó thu về nhiều lãi.

Các quỹ bảo hiểm và quản lý tiền hưu của người lao động Mỹ cũng đang từng bước thuyết phục các cổ đông tránh để tất cả trứng cùng một giỏ, mà nên hướng tới các dự án "bền vững"

Tuy nhiên theo một thăm dò thực hiện cho ngân hàng Anh, HSBC, nếu như tại Châu Âu có tới 97 % nhà đầu tư muốn dùng đồng tiền để góp phần giữ cho trái đất được mãi xanh, thì tỷ lệ đó rơi xuống còn 85 % ở Bắc Mỹ, 64 % tại Á Châu và 19 % trong vùng Trung Đông !

Điều đó cho thấy, khí hậu, môi trường chưa hẳn là quan tâm hàng đầu của tất cả các nhà triệu phú, tỷ phú trên thế giới. 

Tú Anh - Thanh Hà

********************

Nghị định thư Kyoto, 20 năm bảo vệ khí hậu toàn cầu (RFI, 12/12/2017)

Cách đây 20 năm, ngày 11/12/1997, lần đầu tiên trong lịch sử, tại thành phố Kyoto, Nhật Bản, các nước phát triển cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong một văn kiện mang tên Nghị định thư Kyoto. Các chuyên gia nhìn lại hai thập kỷ đóng góp của Nghị định thư trong công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất.

one3

Áp phích quảng bá Nghị định thư Kyoto tại Hội nghị Khí hậu Quốc tế COP23, Bonn, Đức. Ảnh chụp ngày 8/11/2017. PATRIK STOLLARZ / AFP

Từ Kyoto, thông tín viên RFI Alexandre Barbe tường trình :

Tại Trung tâm Hội thảo quốc tế Kyoto, 20 năm sau, Hikaru Kobayashi nhớ lại, khi đó ông là một trong các điều phối viên của Nghị định thư. Đối với ông, Nghị định thư Kyoto là một bước ngoặt trong lịch sử.

Ông nói : "Với Nghị định thư Kyoto, các nước phát triển giữ vai trò lãnh đạo và mở đường cho các nước đang phát triển, các nước này sau đó đã tham gia thỏa thuận Paris. Chính Nghị định thư Kyoto là tiền đề cho thỏa thuận khí hậu Paris".

Tại Kyoto, có hơn 50 nước đã cam kết giảm phát thải 5% lượng khí CO2 so với năm 1990. Và tới năm 2012, họ đã giảm tới hơn 20%.

Nhà nghiên cứu năng lượng Nebojsa Nakixenovic, thuộc đại học Vienna, phát biểu : "Sự thành công đó là một di sản quan trọng của Nghị định thư Kyoto.Nhưng thất bại nằm ở chỗ Mỹ và một số nước khác đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Nếu tất cả đều tham gia, tầm ảnh hưởng của thỏa thuận Paris còn mạnh hơn nữa. Vì thế, có thể nói rằng chúng ta đã mất hai thập kỷ quý báu và chúng ta không còn nhiều thời gian nữa".

Sau này, lịch sử sẽ nhìn nhận Nghị định thư Kyoto là chưa đủ, nhưng chính Nghị định thư Kyoto đã đề ra mục tiêu hạn chế sự biến đổi khí hậu.

Thùy Dương

******************

Khí hậu : Chống ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe (RFI, 12/12/2017)

Bảo vệ trái đất chống hiệu ứng nhà kính cũng là cuộc chiến của hơn 90 thành phố lớn trên thế giới đứng chung trong tổ chức mang tên C40, mà chủ tịch là đô trưởng Paris, Anne Hidalgo. Tác động nhân quả của ô nhiễm, khí hậu biến đổi và tử vong được khẳng định trong nhiều báo cáo gần đây.

one4

Không khí ô nhiễm tại New Delhi. Ấn Độ đứng đầu thế giới về số ca tử vong do ô nhiễm. Ảnh ngày 20/10/2017. Reuters/Saumya Khandelwal

Theo phúc trình của tổ chức C40, chỉ cần các thành phố lớn cấm xe động cơ xăng dầu lưu thông để làm giảm lượng hạt bụi nhỏ trong không khí, là có thể cứu mạng cho khoảng 50.000 người mỗi năm trên khắp thế giới.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là bốn nước bị tác hại nhiều nhất. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) dự báo từ nay đến năm 2050, mỗi năm sẽ có thêm 52.000 người già chết vì nhiệt độ nóng bất thường ở bốn nước Châu Á này. Không khí trong lành còn làm giảm các bệnh về tim mạch, vì cư dân có thể đi bộ, đi xe đạp, tập thể thao ngoài trời.

Tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo công bố tuần qua đặc biệt bi quan về sức khỏe của trẻ em Châu Á, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi có hiện tượng khói mù thường xuyên bao phủ bầu trời.

Chỉ riêng hai thành phố New Delhi và Bắc Kinh, tổng cộng từ 16 đến 17 triệu trẻ sơ sinh dưới một tuổi đang chịu đựng mức độ ô nhiễm gấp 6 lần mức giới hạn cao nhất được giới khoa học chấp nhận. Theo các kết quả khảo sát, ô nhiễm làm não bộ phát triển không bình thường tác động đến trí thông minh. Kết quả học hành, thi cử của các học sinh bị ảnh hưởng.

"Đài thiên văn không gian về khí hậu"

Thượng đỉnh Khí hậu Paris ngày hôm nay cũng là cơ hội để các nhà khoa học trình bày sáng kiến chống ô nhiễm.

Cơ quan không gian của khoảng 20 quốc gia đã đề xuất thành lập "Đài thiên văn không gian về khí hậu", nhằm khai thác chung các dữ liệu khí hậu thu thập được từ không gian.

"Bản tuyên bố Paris" đã được 15 nước thông qua tại Paris tối 11/12/2017 dưới sự bảo trợ của Pháp (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Châu Âu, Anh Quốc, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Rumani, Israel, Ukraina và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất). Cơ quan không gian của Mỹ và Nga vắng mặt.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 726 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)