Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/12/2017

Năm 2017 : Donald Trump đối diện với biến đổi khí hậu tác hại đến Mỹ

RFI tiếng Việt

Mỹ, Canada lạnh kỷ lục : Donald Trump mỉa mai "Trái Đất đang nóng lên" (RFI, 29/12/2017)

Trong khi Mỹ và Canada đang đối mặt với đợt lạnh giá kỷ lục, ngày hôm qua 28/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã mỉa mai về "sự nóng dần lên của Trái Đất". Nhiều người phê phán ông Trump đã không phân biệt được sự khác nhau giữa "thời tiết" và "khí hậu".

lanh1

Mưa tuyết bất thường tại tiểu bang miền đông Pennsylvania, Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại thành phố Erie ngày 27/12/2017. Reuters/Robert Frank

xNhiệt độ tại nhiều nơi ở Canada và Hoa Kỳ đã xuống dưới -40°C, thậm chí có nơi xuống tới -50°C, chẳng hạn phía bắc Ontario, miền trung Canada. Kèm theo đó là những cơn gió mạnh và tuyết rơi dày đặc. Tại Erié, không xa thác Niagara, gần biên giới hai nước, chỉ trong vòng 48 giờ, tuyết đã rơi dày tới 1,5m.

Alexandre Parent, nhà khí tượng thuộc Cơ quan liên bang về môi trường của Canada, cho biết hiện tại nhiệt độ đang thấp hơn từ 10 đến 20°C so với nhiệt độ thông thường vào mùa này. Theo dự báo của cơ quan khí tượng hai nước, tình trạng giá rét có thể kéo dài tới những ngày đầu năm 2018.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter : "Ở miền đông, có thể đây là những ngày cuối năm lạnh chưa từng có. Chúng ta có thể sử dụng một chút sự ấm dần lên của khí hậu mà đất nước chúng ta, chứ không phải bất cứ quốc gia nào khác, đang sẵn sàng chi ra hàng tỉ tỉ đô la để đối phó. Quý vị hãy mặc ấm vào nhé !"

Tin nhắn Twitter của tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây nhiều phản ứng từ cư dân mạng và giới khoa học. Họ đang cố gắng giải thích để tổng thống hiểu về sự biến đổi khí hậu. Giám đốc Viện Hàn Lâm Khoa Học California, Jon Foley, đối đáp trên Twitter : "Sự biến đổi khí hậu là có thật ngay cả khi vào lúc này, bên ngoài tòa tháp Trump, trời đang lạnh. Cũng tương tự như việc nạn đói trên thế giới vẫn dai dẳng, ngay cả khi ông vừa ăn xong một chiếc bánh Big Mac".

Còn dân biểu thuộc đảng Dân Chủ bang Washington, bà Pramila Jayapal, phát biểu : "Năm 2017, tại Hoa Kỳ, cứ mỗi đợt trời lạnh thì lại có ba đợt nắng nóng kỷ lục (…) Thời tiết không phải là khí hậu. Tổng thống lẽ ra cần hiểu điều đó chứ. Điều đó đâu có khó hiểu lắm !".

Theo tổ chức Khí tượng thế giới, 2017 là năm nóng chưa từng có trên toàn hành tinh. Nhưng nhà tài phiệt 70 tuổi luôn tỏ ra không tin rằng có sự biến đổi khí hậu. Thậm chí, trước khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump còn coi đó là "sự bịa đặt của Trung Quốc". Sau khi vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

Thùy Dương

**********************

Năm 2017 : Biến đổi khí hậu tác hại đến Mỹ, nhưng Donald Trump vẫn thờ ơ (RFI, 28/12/2017)

Trong năm 2017 sắp kết thúc, cả thế giới và đặc biệt là nước Mỹ đã phải gánh chịu các trận bão khủng khiếp, các vụ lũ lụt và cháy rừng với sức tàn phá ghê gớm. Theo giới khoa học, các sự kiện càng lúc càng dữ dội và thường xuyên hơn đó, là hệ quả rõ rệt của sự biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.

khihau1

Donald Trump thông báo rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris, Washington, ngày 01/06/2017©  Reuters/Kevin Lamarque

Thế nhưng, tại Hoa Kỳ, một trong những nước góp phần lớn nhất vào sư biến đổi khí hậu của hành tinh, tổng thống Trump trong năm 2017 lại quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, được cho là một phương tiện tốt để chống lại sự biến đổi khí hậu.

Phải nói là trong năm 2017, thiên tại đã không ngừng ập xuống nước Mỹ. Vào cuối tháng Tám, Houston, thành phố lớn thứ tư ở Mỹ đã bất ngờ bị chìm trong biển nước sau cơn bão Harvey, khiến cho hàng chục người chết, hàng trăm ngàn người phải sơ tán, gây nên hàng tỷ đô la thiệt hại vật chất.

Một tuần sau đó, đến lượt cơn bão Irma với sức gió gần 300 km/giờ quét qua một số hòn đảo vùng Caribê và đe dọa bang Florida ở Mỹ, buộc hàng triệu cư dân phải tản cư… Tiếp theo đó là trận bão Maria đã gieo rắc tàn phá trên đảo Dominica và Puerto Rico, một vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ.

Gần đây hơn, tại California, các vụ hỏa hoạn nghiệm trọng chưa từng thấy đã thiêu hủy những vườn nho ở khu vực San Francisco và một số khu phố ở Los Angeles.

Đối với ông Jerry Brown, thống đốc bang California, những đám cháy đó – thuộc diện lớn nhất trong hơn 80 năm nay - là một ví dụ về những gì sắp xảy ra do việc trái đất bị hâm nóng kéo theo nạn hạn hán. Jerry Brown nằm trong số thống đốc tiểu bang và thị trưởng của các thành phố lớn tại Mỹ, muốn tiếp tục đấu tranh chống lại đà nóng lên của Trái Đất, bất chấp quyết định của tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris.

Là một người thuộc diện không tin là hoạt động sản xuất của con người làm cho khí hậu biến đổi, trong suốt thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đòi rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris để khỏi bị ràng buộc bằng những cam kết chống ô nhiễm, và sau khi nhậm chức tổng thống, ngày 01/06 vừa qua, ông chính thức làm việc này, nhân danh quyền lợi nước Mỹ. Đối với ông, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại lớn khi tham gia vào hiệp định này, một văn kiện chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Và đến cuối năm, trong báo cáo đầu tiên của mình về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, tổng thống Trump đã xóa bỏ sự kiện khí hậu trái đất bị hâm nóng ra khỏi danh sách các "mối đe dọa" đối với nước Mỹ.

Trung thành với đường lối trên, trong hành động của mình, ông Donald Trump đã xóa bỏ dần dần các quy định hiện hành tại Mỹ liên quan đến việc hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, từ việc cử một người không tin vào biến đổi khí hậu lên nắm cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, cho đến việc khuyến khích tăng gia sản xuất các nguồn nhiên liệu hóa thạch, từ than đá đến dầu khí.

Những sắc lệnh nhằm đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu vào năm 2026, bằng cách khôi phục việc khai thác than đá cũng như đẩy mạnh việc khai thác dầu khí và khí đá phiến đã được dồn dập ban hành.

Theo Michael Mann, một nhà khí hậu học thuộc Đại Học Bang Pennsylvania, thì trong không đầy một năm, số quy định chống lại sự ấm lên toàn cầu mà chính quyền của ông Trump đã xóa bỏ còn cao hơn cả con số mà các chính quyền tiền nhiệm đã xóa trong hai nhiệm kỳ, ám chỉ đến công việc làm của tổng thống George W. Bush.

Tổng thống Trump như vậy đã thể hiện rõ đường lối "America First" trong lãnh vực khí hậu, không cần chú ý đến trách nhiệm của Mỹ trong hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Quốc hội Mỹ, vào tháng 11 vừa qua, trong bản Đánh Giá Khí Hậu Quốc Gia lần thứ tư, đã ghi nhận : "Khí hậu của Hoa Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu trên toàn trái đất".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 760 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)