Mỹ cắt 285 triệu đôla ngân sách cho Liên Hiệp Quốc (BBC, 26/12/2017)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm Chủ Nhật tuyên bố chính phủ Mỹ đang đàm phán để cắt giảm một khoản đáng kể khoảng 285 triệu đôla ngân sách cho Liên Hiệp Quốc trong năm 2018-2019.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley
Theo tờ Time, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng "sự kém hiệu quả và bội chi" của tổ chức này rất rõ rệt và Hoa Kỳ sẽ không để cho "sự hào phóng của người Mỹ bị lợi dụng".
Đại sứ Mỹ cũng nói thêm : "Dù chúng tôi hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán ngân sách năm nay, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách tăng hiệu quả của Liên Hiệp Quốc đồng thời bảo vệ lợi ích của chúng tôi".
Thông báo không nêu rõ toàn bộ số tiền ngân sách hay việc cắt giảm ngân sách có ảnh hưởng như thế nào đối với các đóng góp của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo việc cắt giảm ngân sách của ông Trump sẽ làm cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của tổ chức này trở thành "không thể".
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc hồi tháng Năm cho biết việc cắt giảm ngân sách 'đơn giản sẽ làm cho Liên Hiệp Quốc không thể tiếp tục tất cả các công việc thiết yếu để thúc đẩy hòa bình, phát triển, nhân quyền và nhân đạo".
Lực lượng mũ nồi xanh hiện đàng triển khai 16 sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới
Hoa Kỳ đóng góp hơn một phần tư trong tổng số tiền 7.9 tỷ đôla ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Phóng viên BBC Nick Bryant tại Liên Hiệp Quốc cho biết cảnh báo như vậy từ tổ chức này là 'bất thường'.
Theo tờ New York Times, việc cắt giảm ngân sách bao gồm cắt giảm chi phí đi lại, tư vấn và chi phí vận hành khác. Nó cũng bao gồm thắt chặt các quy định về bồi thường và cách thức mới để tối đa hóa việc sử dụng trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York nhằm giảm nhu cầu thuê không gian đắt đỏ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói một số bộ phận của tổ chức này phải trở nên hiệu quả hơn.
Trong khi đó các nhóm nhân quyền hôm thứ Hai 26/12 lên tiếng về dự thảo ngân sách mới, cho biết cần xem thêm chi tiết việc cắt giảm ảnh hưởng thế nào tới khả năng Liên Hiệp Quốc giám sát các hành vi lạm dụng hoặc đáp ứng các trường hợp khẩn cấp - những phần việc chủ yếu của tổ chức này.
*************
Châu Âu tỏ hoài nghi về cuộc bầu cử tổng thống Nga 2018 (RFI, 27/12/2017)
Sau khi Moskva quyết định loại nhà đối lập Alexei Navalny ra khỏi cuộc tranh cử tổng thống Nga 2018, hôm qua, 26/12/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã bày tỏ lo ngại là việc làm trên của Kremlin "gây hoài nghi nghiêm trọng về tính đa nguyên chính trị tại Nga".
Nhà đối lập Nga Alexei Navalny phát biểu trong một cuộc mít-tinh ở Moskva, ngày 24/12/2017 Reuters
Phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu, Maja Kocijancic, đã ra thông cáo khẳng định quyết định của Ủy ban Bầu cCử Nga loại hồ sơ ứng cử tổng thống của nhà đối lập Alexei Navalny có thể gây nghi ngờ về viễn ảnh về một cuộc bầu cử dân chủ ở Nga vào đầu năm tới.
Thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu cũng kêu gọi Nga nên mời Tổ Chức Vì An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE đến quan sát theo dõi cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 18/03/2018.
Thông báo của Ủy Ban Bầu Cử Nga hôm thứ Hai không có gì bất ngờ. Cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo trước là nhà đối lập Navalny không thể ra ứng cử trước năm 2028 vì ông đã bị kết án 5 năm tù treo từ năm 2009. Tuy nhiên, ông Navalny lại là người có thể tập hợp được khá đông người ủng hộ, những người đang bất mãn với tệ tham nhũng ở nước Nga.
Hiện có khoảng hai chục ứng cử viên ngỏ ý tham gia cuộc đua với ông Vladimir Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga đầu năm tới, trong đó có một số nhân vật của đảng Cộng Sản, đảng chủ trương dân tộc chủ nghĩ và một nữ nhà báo thân với một đảng đối lập nhỏ có xu hướng tự do.
Mặc dù theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin của dân Nga vẫn luôn ở mức cao. Mối quan tâm của chính quyền Nga trong cuộc bầu cử sắp tới không phải là ông Putin có tái đắc cử hay không mà là làm sao để tỷ lệ cử tri đi bầu cử không quá thấp và tránh làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Putin như kỳ bầu cử trước vào năm 2012.
Anh Vũ
*********************
Cam Bốt : Thủ tướng Hun Sen muốn nắm quyền thêm 10 năm (RFI, 27/12/2017)
Cầm quyền từ 30 năm nay, thủ tướng Cam Bốt vào hôm nay, 27/12/2017, cho biết ông muốn cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa, cụ thể là 10 năm. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Cam Bốt sẽ tổ chức bầu Quốc Hội mới vào tháng 7/2018 và đảng đối lập bị giải tán.
Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (áo xanh) trong cuộc gặp với công nhân một nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh, ngày 08/11/2017 Reuters
Trong bài phát biểu trước hàng ngàn công nhân viên ngành dệt may, ông Hun Sen, 65 tuổi, khẳng định ông muốn ngồi lại ở chiếc ghế thủ tướng thêm 2 nhiệm kỳ 5 năm nữa, và kêu gọi cử tri dồn phiếu cho đảng Đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông.
Ông nói : "Tôi muốn tiếp tục được bầu làm thủ tướng cho hai nhiệm kỳ nữa, kéo dài không dưới 10 năm… Tôi hy vọng là quý vị cũng như cha mẹ, ông bà trong gia đình, nếu còn sống, tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Nhân Dân Cam Bốt vào ngày 29/07/2018".
Đối với giới quan sát, đảng của ông Hun Sen hiện giờ đang độc chiếm sân khấu chính trị Cam Bốt. Đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc đã bị giải tán vào tháng 11 vừa qua, và hơn 100 thành viên đối lập bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.
Chính quyền Phnom Penh bị tố cáo là đã thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói bất đồng.
Mai Vân