Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/12/2017

Donald Trump không ngừng gây sửng sốt trong năm 2017

RFI tiếng Việt

Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng (RFI, 26/12/2017)

Bất ngờ đắc cử tổng thống của cường quốc số một thế giới với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên", ông Donald Trump với tính khí khó lường đã có một năm 2017 gây náo động thế giới bởi những quyết định chưa từng có, khi thì tấn công vào cả hệ thống thế giới đa phương, lúc thì không ngần ngại châm ngòi làm bùng nổ rối loạn ở nơi này nơi kia.

donald1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh ngày 24/12/2017. Reuters/Carlos Barria

Năm 2017 sắp qua, cùng với các nhà quan sát chính trị thế giới, chúng ta nhìn lại một năm đầy biến động trên cương vị tổng thống của ông Donald Trump.

Chính thức bước chân vào Nhà Trắng tháng Giêng, ngay lập tức vị tổng thống tỷ phú Mỹ đã không để trống thời gian, liên tục đưa ra các quyết định không chỉ gây lo ngại cho các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, mà còn làm cả thế giới sững sờ. Đó là sắc lệnh chống nhập cư, thông báo rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu và hiệp ước tự do mậu dịch xuyên Đối tác Thái Bình Dương (Thành phố P)… Chưa hết, ông Trump còn dọa lật lại thỏa thuận hạt nhân đã được chính quyền Obama và các cường quốc khó khăn lắm mới ký được với với Iran. Cuối cùng, mới đây nhất là quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm cho "thùng thuốc súng Trung Đông" trở nên nóng rực và Hoa Kỳ thì bị đồng thanh lên án trước Liên Hiệp Quốc.

Có thể nói đó là những quyết định gây sốc nhất của tổng thống Donald Trump trên trường quốc tế. Chuyên gia Célia Belin, thuộc viện Brookings Instution, Washington, nhận thấy điều tồi tệ nhất mà người ta có thể lo ngại ở chính sách Trump, đó là việc cường quốc hàng đầu thế giới rút ra ngoài thế giới đa phương hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Belin, ba thông báo được cho là ồn ĩ nhất, "mạnh mẽ và gây hậu quả nặng" lại chỉ có tác dụng chiều lòng cử tri Mỹ nhiều hơn là hiệu quả thực thi.

Việc rút khỏi Thỏa thuận Paris chỉ có thể hoàn tất vào cuối nhiệm kỳ của ông ; Thỏa thuận Iran vẫn có hiệu lực ; Chuyện đặt sứ quán Mỹ ở Jerusalem cũng còn phải mất nhiều năm nữa, hết nhiệm kỳ này của ông Trump chưa chắc đã xong.

Vậy có gì gọi là "chiến lược hay phương pháp" trong các quyết định của tổng thống Trump ? Theo chuyên gia, Célia Belin, "phương pháp Trump chính là sự đoạn tuyệt tượng trưng gây phản ứng rất mạnh". Mục tiêu là để cả thế giới nghe được thông điệp : "Nước Mỹ đang trở lại hùng mạnh", như ông đã huênh hoang khoe trong diễn văn trình bày "chiến lược an ninh quốc gia" của Mỹ cách đây ít ngày.

Còn nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council, thì nhận thấy "có vẻ như ông Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn". Thế nhưng, theo chuyên gia này, "Hoa Kỳ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế".

Trên thực tế, các đồng minh của Mỹ đã nhiều lần không khỏi sững sờ với phong cách của vị tổng thống tỷ phú. Vừa tung lên tweet những dòng lên án mạnh mẽ với Trung Quốc chưa được bao lâu, ông đã lại quay sang ve vãn nịnh nọt Bắc Kinh trong một dòng tin nhắn khác. Hay việc ông Trump, tổng thống một cường quốc thế giới, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc đã dọa "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên….

"Tính khí bốc đồng của tổng thống Trump, cách thức lãnh đạo không lường trước được và những dòng tweet đã làm náo động nhiều chính phủ các nước", theo như nhận định của ông Paul Stare, người vừa thực hiện một điều tra hàng năm về nguy cơ xung đột trên thế giới qua tham khảo ý kiến của 400 chuyên gia và nhà ngoại giao quốc tế. Báo cáo điều tra trên đã xếp Washington lên tuyến đầu trước hai nguy cơ đối đầu quân sự lớn trong năm 2018 : Bắc Triều Tiên và Iran.

Theo chuyên gia Célia Belin, trên hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng như hồ Iran, "khẩu khí chống Iran của ông Trump rất mạnh, nhưng hiện tại không có hành động nào cụ thể và hiệu quả". Ban đầu có bị sửng sốt và hơi choáng với những tuyên bố của ông Donald Trump, nhưng rồi các nước, đặc biệt là đồng minh của Mỹ, cũng quen dần. Hơn nữa, trên nhiều hồ sơ, từ việc chỉ trích NATO cho đến đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng không thể bỏ qua được thực tế và tính liên tục của vấn đề.

Cách đây hơn một năm, tin ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã gây náo động cả thế giới, cũng với nhiều hoài nghi, lo ngại. Đến giờ ông Trump đã có không ít tuyên bố và cả những quyết định cụ thể đúng theo những gì ông đã hứa với cử tri của mình. Có lẽ, Donald Trump là vị tổng thống hiếm hoi của nước Mỹ chỉ chăm chắm mục tiêu vì một đất nước hùng mạnh cho người Mỹ, chứ không phải cho thế giới. Vì nhãn quan đó cộng với tính khí cá nhân bộc trực, cho nên tổng thống Mỹ có thể là một trong những nhân vật chính trị gây sốc nhất trong năm 2017. Nhưng cũng chưa thể đến mức làm đảo lộn cả thế giới.

Anh Vũ

**********************

Hoa Kỳ thông báo ngân sách Liên Hiệp Quốc sẽ bị cắt giảm mạnh (RFI, 26/12/2017)

Hôm 25/12/2017, Hoa Kỳ thông báo ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc sẽ bị cắt giảm. Số tiền cắt giảm là 285 triệu đôla trong vòng 2 năm tới, lớn hơn so với con số được dự trù trước đó. Như vậy là ngân sách năm nay của Liên Hiệp Quốc thấp hơn 5,3 % so với năm trước. Quyết định này là một chiến thắng của chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump, người chưa từng giấu giếm thái độ coi thường định chế quốc tế lớn nhất này.

donald2

Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New-York.Getty Images

Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ New York

Trong thông cáo của mình, Hoa Kỳ khẳng định "sự kém hiệu quả và những khoản chi tiêu quá mức của Liên Hiệp Quốc là rõ ràng", đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ "sẽ không để định chế này trong tình trạng không kiểm soát hoặc lợi dụng lòng hào phóng của người dân Mỹ nữa".

Những lời lẽ này càng trở nên nặng nề hơn, vài ngày sau một cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, chỉ có 7 nước ủng hộ Hoa Kỳ và Israel, trong khi 128 quốc gia còn lại bỏ phiếu chống.

Nếu việc giảm ngân sách của Liên Hiệp Quốc được thực hiện, khoản tiền 285 triệu đôla này sẽ là mức cắt giảm cao nhất trong phương án được dự trù.

Từ vài tuần nay, Liên Hiệp Châu Âu đã vận động cho một khoản cắt giảm 170 triệu đôla, trong khi Hoa Kỳ muốn cắt giảm 250 triệu đôla.

Nhưng cuối cùng mức cắt giảm lại cao hơn thế.

Ban thư ký Liên Hiệp Quốc sử dụng 40 000 nhân viên trên khắp thế giới, và những khoản cắt giảm này có thể sẽ khiến Liên Hiệp Quốc ngưng tuyển dụng và tăng lương. Một số hoạt động chính trị, khâu truyền thông, thậm chí cả trợ giúp phát triển cũng sẽ bị ngưng trệ.

Hoa Kỳ là nước có phần đóng góp nhiều nhất, chiếm đến 22 % khoản ngân sách này, đồng thời cũng là quốc gia chi trả nhiều nhất cho các chiến dich duy trì hòa bình.

Việc gìn giữ hòa bình sẽ càng trở nên tốn kém hơn, cho dù vào tháng 6, Liên Hiệp Quốc đă quyết định cắt giảm 600 triệu đôla. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều Washington muốn, vì họ đòi cắt giảm đến 1 tỷ đôla.

Duy Anh

Quay lại trang chủ
Read 937 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)