Hoa Kỳ 'vẫn muốn là cường quốc Thái Bình Dương' (VOA, 31/01/2017)
Tại hội nghị về liên minh giữa Hoa Kỳ với Australia và Nhật Bản diễn ra hôm 30/1 ở Canberra, Australia, các giới chức Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết là một cường quốc Thái Bình Dương dù có thể có những thay đổi về chính sách dưới chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời.
Ông John Hennessey-Niland, cố vấn chính trị tại tòa đại sứ Mỹ ở Australia nói các đồng minh của Mỹ ở vùng châu Á Thái Bình Dương có thể an tâm là Thái Bình Dương vẫn là một trọng tâm trong các lợi ích của Mỹ dưới chính quyền mới. Ông cũng cho biết thêm rằng các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin sẽ gia tăng.
Đại sứ John Hennessey-Niland phát biểu tại hội nghị được tổ chức ở Trường đại học Quốc gia Australia rằng "Chúng ta đang trong thời kỳ thay đổi và chuyển tiếp. Lợi ích quốc gia Hoa Kỳ không thay đổi. Hoa Kỳ vẫn muốn là một cường quốc Thái Bình Dương và ủng hộ cũng như củng cố những mối quan hệ hai bên, ba bên, đa phương nối kết vùng này với nhau.
Trong khi vận động tranh cử, ông Trump kêu gọi các đồng minh của Mỹ đầu tư nhiều hơn vào công tác tự vệ và mô tả NATO là lỗi thời, dù Thủ tướng Anh Theresa May trong tuần rồi, sau cuộc họp với Tổng thống Trump, đã tuyên bố là ông Trump ủng hộ NATO "100%".
Bà Amy Searight, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho đến năm 2016, nói ông Trump "dường như rút lại những luận điệu thời tranh cử" liên hệ đến các đồng minh của Mỹ. Bà hoan nghênh chuyến viến thăm Washington D.C của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào đầu tháng 2 tới đây.
Bà Searight nói thêm các kế hoạch của ông Trump gia tăng các chiến hạm Mỹ từ 270 lên 350 chiếc có thể dẫn đến việc xuất hiện thêm nhiều tàu chiến Mỹ nữa tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác đồng minh.
Bà nói tiếp, nguyên nhân đằng sau chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama - sự cần thiết để Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đáp ứng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng - là vẫn còn.
Bà Searight hiện là giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhấn mạnh "logic về tái cân bằng tại châu Á vẫn hùng hồn, dựa trên lợi ích lâu dài của nước Mỹ và được sự ủng hộ mạnh mẽ của hai đảng, do đó tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng một sự cam kết và chú trọng vào vùng châu Á-Thái Bình Dương".
*********************
Người Philippines ‘muốn chính phủ cứng rắn về biển Đông’ (VOA, 29/01/2017)
Người Philippines biểu tình chống Trung Quốc.
Phần đông người Phiippines muốn chính phủ phải khẳng định chủ quyền của nước mình ở biển Đông.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến công bố hôm 27/1 cho thấy rằng 84% trong số 1.200 người trưởng thành ở Philippines cho rằng chính phủ phải giữ vững tuyên bố chủ quyền ở vùng lãnh hải tranh chấp.
Cuộc thăm dò do tổ chức độc lập Pulse Asia tiến hành từ ngày 6 tới 11/12 cho thấy rằng chỉ có 3% không đồng ý với việc trên, và 12% nói không đồng ý hoặc bất đồng.
Về việc 8 trên 10 người Philippines hậu thuẫn chính quyền chứng tỏ sự cứng rắn ở biển Đông, tờ Inquirer dẫn lời một phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng chính quyền "ủng hộ 100%" việc phải giữ vững tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Nhưng theo ông Ernesto Abella, "vấn đề là thời gian".
Theo AP, Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây đã nhanh chóng cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt với Trung Quốc, đồng thời từ chối không đề nghị Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ra năm ngoái, theo đó bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ vùng biển Đông.
Trong khi ông Duterte ngả về Trung Quốc, ông từng tuyên bố sẽ "ly khai" với đồng minh Mỹ, đồng thời chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu các quan ngại về nhân quyền đối với chiến dịch chống ma túy chết chóc của ông.
******************
Đại sứ Mỹ : Washington không xây kho vũ khí ở Philippines (RFI, 31/07/2017)
Quân đội Mỹ hiện diện ở phía bắc thủ đô Manila, Philippines (Ảnh chụp tháng 10/2016)TED ALJIBE / AFP
Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines ngày 31/01/2017 khẳng định Mỹ không xây dựng bất kỳ kho vũ khí nào ở Philippines, và phủ nhận cơ sở mà tổng thống Rodrigo Duterte dựa vào để đe dọa bãi bỏ một hiệp ước quốc phòng 2014 cho phép quân đội Mỹ tạm thời đóng căn cứ tại Philippines.
Phát biểu tại một diễn đàn của các nhà lãnh đạo kinh doanh, đại sứ Mỹ cho rằng tổng thống Philippines Duterte đã nhận được một số thông tin sai lệch nên tỏ ra lo ngại rằng có kho vũ khí của Washington tại Philipinnes. Đại sứ Sung Kim khẳng định Mỹ không hề có bất cứ kho cũ khí nào tại Philipinnes và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch xây một kho vũ khí tại Philippines.
Vẫn theo đại sứ Mỹ tại Manila các dự án trong khuôn khổ Hiệp Định Hợp Tác Tăng Cường Quốc Phòng năm 2014 là nhằm cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.
Đại sứ Kim cũng chỉ ra rằng các thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng cơ sở vật chất và cấu trúc tại 5 căn cứ của Philippines và khó tưởng tượng là Mỹ lại có thể làm bất cứ điều gì tại các căn cứ của Philippines nếu không được sự chấp thuận của người dân cũng như nhà chức trách Philippines.
Hôm Chủ Nhật 29/01/2017, tổng thống Philippines Duterte xác định ba khu vực mà lực lượng Hoa Kỳ được cho là mang vũ khí tới, trong đó có tỉnh Palawan ở miền tây, nằm sát vùng biển mà Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc. Ông tuyên bố sẽ không cho phép Washington tích trữ vũ khí trong các căn cứ ở địa phương theo hiệp ước quốc phòng giữa hai nước vì nếu nổ ra giao tranh giữa Trung Quốc và Mỹ thì Philippines sẽ bị ảnh hưởng.
Thùy Dương
**********************
Mỹ-Hàn tái khẳng định ủng hộ dự án lá chắn tên lửa THAAD (RFI, 31/01/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Hàn Quốc, ngày 31/01/2017, cam kết thúc đẩy triển khai dự án lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ.REUTERS/U.S. Department of Defense
Theo AFP, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và đồng nhiệm Han Min Koo đã điện đàm với nhau. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với dự án lá chắn chống tên lửa THAAD. Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, hai bộ trưởng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng của Bắc Triều Tiên và nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy việc lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa, như dự kiến.
Năm ngoái, Washington và Seoul đã thông báo ý định này, sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa và hai vụ thử hạt nhân.
Ngày 02/02/2017 trong khuôn khổ chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis sẽ tới Hàn Quốc và sau đó sang Nhật Bản.
Thái độ của tân chính quyền Mỹ đối với Châu Á làm cho các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ trong khu vực lo ngại. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, Donadl Trump đe dọa rút lính Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu hai nước này không đóng góp thêm tài chính.
Trong khi đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, hồi đầu tháng Giêng, tuyên bố là nước này đang ở trong "giai đoạn cuối cùng" trước khi tiến hành bắn thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM).
Chính quyền Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc vì lo ngại dự án này làm suy yếu khả năng tấn công, răn đe bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.
Ngay tại Hàn Quốc, người dân ở khu vực dự kiến triển khai hệ thống THAAD cũng phản đối dự án và nhiều ứng viên tổng thống Hàn Quốc cam kết, nếu đắc cử, sẽ xóa bỏ kế hoạch này.
RFI tiếng Việt
*******************
Trung Quốc sẽ tuần tra vùng biển phía Nam Philippines ? (RFA, 31/01/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hôm 30/1/2017. AFP photo
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua cho biết ông đã lên tiếng nhờ Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống các phiến quân Hồi Giáo bằng cách đưa tàu đến tuần tra ở khu vực phía Nam Philippines.
Nói với những tướng lĩnh mới được bổ nhiệm của Philippines vào hôm qua, ông Duterte cho biết ông đã yêu cầu Trung Quốc đưa tầu đến tuần tra ở vùng nước quốc tế mà không nhất thiết xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của các nước khác. Ông cũng nhấn mạnh các tàu tuần tra này không nhất thiết phải là tàu hải quân. Theo ông Duterte đây cũng là cách mà Trung Quốc đã từng làm hồi năm 2009 khi điều một tàu hải quân đến vịnh Aden để bảo vệ các tàu của Trung Quốc trước sự tấn công của hải tặc Somali.
Tổng thống Philippines không cho biết Trung Quốc đã có phản ứng với lời mời này hay chưa.
Chính phủ Philippines cho biết các nhóm phiến quân Hồi giáo tại nước này đang tìm cách thiết lập một nhà nước Hồi giáo ở Đông Nam Á, trong đó bao gồm khu vực đảo Mindanao ở miền Nam Philippines. Nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf gần đây đã tiến hành bắt cóc các thủy thủ và tấn công các tàu trở hàng trong vùng nước giữa Malaysia, Indonesia và Philippines.