Mỹ bắt giữ cựu điệp viên "chỉ điểm" các đồng nghiệp tại Trung Quốc (RFI, 18/01/2018)
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ trong đêm 16 rạng sáng 17/01/2018 thông báo bắt giữ một cựu nhân viên của CIA. Vụ bắt giữ xảy ra vào đầu tuần này. Từ nhiều năm qua, cơ quan tình báo Mỹ truy tìm kẻ nội gián "chỉ điểm" làm hàng chục cộng tác viên của Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc bị bắt giam và hành quyết.
Cơ quan tình báo Mỹ CIA, Langley HallAFP
Người bị bắt tên là Jerry Chun Shing Lee. Hoa Kỳ cáo buộc người này chiếm hữu trái phép các tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc gia. Theo tường thuật của báo chí Mỹ, kể từ đầu thập niên 1990, ông Jerry Chun Shing Lee được giao trọng trách tuyển dụng và quản lý nhân viên của CIA.
Nhưng đến năm 2007, người này đã từ nhiệm và đến định cư hẳn ở Hồng Kông với gia đình. Theo các cựu nhân viên, ông này cảm thấy bất mãn vì sự nghiệp không thăng tiến. Ba năm sau, mạng lưới gián điệp Mỹ tại Trung Quốc bị phá vỡ. Khoảng hai chục nhân viên đã bị bắt giữ hay bị hành quyết.
Hoa Kỳ từ nhiều năm qua tìm hiểu nguyên nhân : Họ là nạn nhân của tin tặc, hay có người "chỉ điểm" ? Và cái tên Jerry Chun Shing Lee bắt đầu xuất hiện. Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI bắt đầu chú ý đến người này bằng cách làm cho Lee lóa mắt với một hợp đồng mới với CIA.
Nhờ vậy FBI phát hiện tại hai trong số các phòng khách sạn của Jerry Chun Shing Lee những tập hồ sơ đầy các thông tin quốc phòng bảo mật. Đặc biệt là danh tính thật của các điệp viên Mỹ. Thế nhưng, Jerry Chun Shing Lee vẫn được tự do rời Mỹ vào năm 2013 sau khi bị thẩm vấn.
Trong một thông cáo công bố lệnh bắt giữ cựu nhân viên tình báo hôm thứ Hai, khi người này vừa đặt chân đến sân bay JFK tại New York, bộ Tư Pháp Mỹ không giải thích vì sao phải đợi đến 5 năm sau mới kết tội Jerry Chun Shing Lee. Về phía Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc hôm qua khẳng định "không hay biết về vụ việc này".
Minh Anh
************************
Viện Khổng tử tại đại học Mỹ bị phản đối (VOA, 18/01/2018)
Chính phủ Trung Quốc điều hành viện này, một trong số hơn 90 viện đặt tại các trường đại học khắp cả nước Mỹ và ở nước ngoài. Website của trung tâm cho biết nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện cho "giao lưu văn hóa phong phú giữa Mỹ và Trung Quốc trong sự hợp tác với các đối tác giáo dục ở Bắc Kinh".
Một nhóm bao gồm các sinh viên, giáo sư và cựu sinh viên Đại học Massachussetts đang chỉ trích Viện Khổng học của Trung Quốc đặt tại đây, cáo buộc viện này đẩy mạnh kiểm duyệt và làm suy yếu những chương trình về nhân quyền.
Những người phản đối hoạt động đang tiếp diễn của trung tâm tại trong khuôn viên của Đại học Massachussetts ở thành phố Boston lo ngại rằng một thực thể do chính phủ Trung Quốc kiểm soát đang hoạt động trong khuôn viên của trường và họ "sử dụng chỗ đứng của họ trong các cơ sở giáo dục có tiếng này để gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật", theo một bức thư gửi đến hiệu trưởng lâm thời của trường.
Bức thư gửi cho Đại học Massachussetts nói rằng viện Khổng tử định hướng dư luận về những vấn đề gây tranh cãi như sự độc lập của Tây Tạng, mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, và vụ thảm sát Thiên An Môn, theo The Boston Globe.
Tờ báo này đưa tin người tổ chức tập hợp những người chống đối nói rằng bà hy vọng sẽ thuyết phục được các trường đại học đóng cửa các viện Khổng Tử này.
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh các viện Khổng Tử, bao gồm cả một trường hợp đáng chú ý vào năm 2009 tại Đại học Bang North Carolina sau khi trường này hủy một buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama, được cho là để tránh làm mất lòng Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang điều hành hơn 513 viện khắp thế giới, cộng thêm 1.074 Lớp học Khổng Tử đặt trong các trường tiểu học và trung học.
***********************
Apple sắp xây thêm cơ sở mới (VOA, 18/01/2018)
Apple sẽ mở một khuôn viên mới như một phần trong kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 350 tỉ đôla ở Mỹ và sẽ thanh toán một lần khoản thuế trị giá 38 tỉ đôla đối với nguồn tiền ở nước ngoài của công ty này. Đây là một trong những kế hoạch chi tiêu lớn nhất của một công ty được công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cắt giảm thuế.
Apple vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Công ty công nghệ này vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích vào nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Mặc dù Apple chưa loan báo kế hoạch nào thay đổi hiện trạng này và các chuyên gia nói sẽ không khả thi về mặt kinh tế nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ, song công ty đã bắt đầu nhấn mạnh đến tác động kinh tế của họ ở Mỹ, từ những nhà phát triển bán phần mềm trên App Store đến hàng chục tỉ đôla mỗi năm Apple chi cho các nhà cung cấp ở Mỹ.
Giữa kế hoạch chi tiêu, việc thuê 20.000 nhân công, các khoản thanh toán thuế và kinh doanh với các nhà cung cấp ở Mỹ, Apple hôm thứ Tư ước tính họ sẽ chi 350 tỉ đôla ở Mỹ trong năm năm tới.
Tuy nhiên, công ty không nói bao nhiêu phần trong kế hoạch này là mới hoặc bao nhiêu trong khoản tiền 252,3 tỉ đôla của họ ở nước ngoài, khoản tiền lớn nhất của bất kỳ công ty nào của Mỹ, sẽ được đưa về lại Mỹ. Ngoài khoản 38 tỉ đôla tiền thuế phải trả, Apple đã mua tới 97 tỉ đôla công trái của chính phủ Mỹ để trả cho những khoản mua lại cổ phần và cổ tức trước đó.
Loan báo chi tiêu ở Mỹ sẽ là một phần đáng kể trong tổng chi phí đầu tư của Apple. Trên toàn cầu, Apple đã chi 14,9 tỉ đôla trong năm 2017 và dự trù sẽ chi 16 tỉ đôla vào năm 2018, những con số bao gồm cả đầu tư ở Mỹ vào các trung tâm dữ liệu và các dự án khác và các khoản đầu tư ở Châu Á cho các nhà sản xuất ký hợp đồng với Apple.
*************
Nghi án Nga can thiệp bầu cử : Steve Bannon ra điều trần trước bồi thẩm đoàn (RFI, 17/01/2018)
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tống thống Donald Trump hôm qua 16/01/2018 đã từ chối trả lời các câu hỏi của ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ, về công việc của ông tại Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Donald Trump, tại Washington ngày 16/01/2018. Reuters/Joshua Roberts
Song song đó, ông Bannon còn bị triệu tập ra trước một bồi thẩm đoàn, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử Mỹ. Thông tin này được tờ New York Times đưa ra, và nếu là sự thật, thì đây sẽ là lần đầu tiên một người thân cận của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải ra điều trần.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Theo tờ New York Times, trát tòa dành cho ông Steve Bannon có thể đơn thuần là chiến thuật của công tố viên. Ông Robert Mueller có thể hủy trát đòi đối với cựu cố vấn của ông Donald Trump, nếu ông này chấp nhận bị thẩm vấn riêng. Nói cách khác, nếu Bannon chịu hợp tác.
Trát tòa được gởi đi sau khi cuốn sách "Lửa và cuồng nộ" được phát hành, trong đó Steve Bannon tuyên bố cuộc họp giữa con trai tổng thống với những người Nga hồi tháng 6/2016 là hành động phản quốc. Cựu cố vấn Nhà Trắng còn nhận định rằng không có khả năng con trai Donald Trump không giới thiệu các khách mời Nga cho cha. Trong khi đó ông Donald Trump luôn chối rằng không biết đến cuộc gặp này.
Cho dù Steve Bannon sau đó nói rằng những phát ngôn của ông đã bị hiểu lầm, sự xuất hiện của cuốn "Lửa và cuồng nộ" đã làm ông bị xuống dốc. Đã bị loại khỏi Nhà Trắng, ông còn bị mất tất cả những người ủng hộ, kể cả chức vụ đứng đầu Breibart News, trang web thông tin cực hữu ở Mỹ.
Nhưng Steve Bannon là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch tranh cử cũng như thời kỳ chuyển tiếp, có thể nắm trong tay những thông tin quan trọng về quan hệ giữa ê-kíp ông Trump với phía Nga. Ông cũng đã bị ủy ban tình báo Hạ Viện thẩm vấn hôm qua".
Thụy My