Khảo sát : Rủi ro chiến tranh tăng cao trong năm 2018 (VOA, 18/01/2018)
Nguy cơ đối đầu về chính trị và kinh tế giữa các cường quốc lớn của thế giới, bao gồm xung đột quân sự trực tiếp, đang tăng cao, theo một cuộc khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vài ngày trước hội nghị hàng năm tại Davos.
Báo cáo Rủ ro Toàn cầu 2018 đề cập tới quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận thương mại TPP và lời đe dọa của ông rút khỏi một thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu nêu bật một số rủi ro hàng đầu cho năm 2018, bao gồm những mối đe dọa môi trường từ thời tiết và nhiệt độ khắc nghiệt, những bất bình đẳng về kinh tế và các vụ tấn công trên không gian mạng.
Nhưng đáng chú ý nhất là lo ngại địa chính trị đã tăng mạnh sau một năm Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un ‘đốp chát’ qua lại mà nhiều người cho là đã đẩy thế giới tiến gần tới một cuộc xung đột hạt nhân hơn so với nhiều thập niên trước.
Ông Trump dự kiến sẽ có bài diễn văn vào ngày cuối cùng của WEF, một sự kiện hàng năm được tổ chức trên dãy núi Alps ở Thụy Sĩ diễn ra từ ngày 23 tới 26 tháng 4 và sẽ thu hút 70 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ cũng như những người nổi tiếng, các CEO và các nhà quản lý ngân hàng hàng đầu.
Cuộc khảo sát gần 1.000 chuyên gia từ chính phủ, doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ cho thấy 93 phần trăm những người được hỏi cho rằng những cuộc đối đầu về chính trị hoặc kinh tế sẽ trầm trọng hơn giữa các cường quốc trong năm 2018, trong đó 40 phần trăm tin rằng những rủi ro này đã tăng lên đáng kể.
Khoảng 79 phần trăm nhận thấy nguy cơ xung đột quân sự giữa nhà nước với nhà nước tăng lên. Ngoài mối đe dọa xung đột trên bán đảo Triều Tiên, báo cáo còn chỉ ra nguy cơ về những cuộc đối đầu quân sự mới ở Trung Đông.
Báo cáo đề cập tới quyết định của ông Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận thương mại TPP và lời đe dọa của ông rút khỏi một thỏa thuận giữa các cường quốc phương Tây với Iran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này.
Với tăng trưởng toàn cầu đang phục hồi, những lo ngại về kinh tế đã giảm mạnh. Tuy nhiên, báo cáo mô tả sự bất bình đẳng về thu nhập là "vấn đề gây xói mòn" ở nhiều quốc gia và cảnh báo về sự tự mãn về môi trường kinh tế trong khi mức nợ cao, tỉ lệ tiết kiệm thấp và các điều khoản lương hưu không đáp ứng đủ.
*********************
Mỹ ‘nghiêm túc’ huấn luyện cho trường hợp xung đột với Triều Tiên (VOA, 18/01/2018)
Quân đội Mỹ đang tiến hành huấn luyện "rất nghiêm túc" cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Triều Tiên, một nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa phát biểu hôm thứ Ba, dù ông nói ông hy vọng sự chuẩn bị như vậy sẽ không bao giờ được đem ra sử dụng.
Dân biểu Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu kỹ lưỡng các lựa chọn của mình - bao gồm xung đột vũ trang với Triều Tiên.
Dân biểu Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nghiên cứu kỹ lưỡng các lựa chọn của mình - bao gồm xung đột vũ trang.
"Chính quyền đang xem xét rất nghiêm túc sự lựa chọn quân sự sẽ bao gồm những gì khi nói tới Triều Tiên", ông Thornberry nói với một nhóm các phóng viên.
Những nỗ lực huấn luyện đang diễn ra "rất nghiêm túc", ông nói thêm.
"Quân đội đang chuẩn bị và hy vọng sẽ không cần tới những sự chuẩn bị này".
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên cần được dẫn đầu bằng ngoại giao, dù ông nói rằng Lầu Năm Góc luôn có kế hoạch cho bất kỳ tình huống nào.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và giữa Bình Nhưỡng và Washington đã trở nên trầm trọng trong những tháng qua, sau khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un liên tục bắn thử phi đạn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và vươn tới Mỹ.
Ông Kim năm ngoái cũng cho tiến hành vụ hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên tính tới thời điểm này.
Mặc dù quân đội Mỹ thường xuyên diễn tập trên bán đảo Triều Tiên với đồng minh Hàn Quốc, báo The New York Times hôm Chủ nhật đưa tin một loạt các cuộc tập trận ở Mỹ cho thấy một sự tập trung mới vào việc chuẩn bị quân đội cho một cuộc xung đột với Triều Tiên.
************************
Quốc tế đồng ý tăng mức cấm vận với Bắc Hàn (RFA, 17/01/2018)
Hai mươi quốc gia tham dự hội nghị quốc tế về Bắc Hàn tổ chức tại Vancouver đồng ý với đề nghị tăng mức độ cấm vận đối với chính phủ Bình Nhưỡng, đồng thời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson lên tiếng cảnh báo chiến tranh có thể xảy ra nếu Bắc Hàn không ngưng chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái) và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson trong cuộc họp báo ở Vancouver về Bắc Hàn hôm 16/1/2018 - AFP
Trong bản thông cáo chung phổ biến chiều ngày 16 tháng Một, các nước tham dự hội nghị quốc tế Vancouver nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải gây áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Thông cáo ghi rõ là áp lực với Bắc Hàn phải mạnh, cứng rắn hơn những quy định đã được Hội Đồng Bảo An thông qua hồi năm ngoái, sau khi Bắc Hàn nổ thử nghiệm hạt nhân và phóng một loạt hỏa tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Nữ Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-Wha nói rằng một mặt chính phủ Seoul hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận với Bắc Hàn để giảm bớt căng thẳng đang xảy ra giữa hai quốc gia, nhưng mặt khác Nam Hàn tán thành ý kiến phải tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Ý kiến của Nam Hàn được sự ủng hộ của Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói với đại ý rằng lý do khiến Bình Nhưỡng phải nói chuyện với Seoul là vì Bắc Hàn không thể chịu đựng áp lực của cộng đồng quốc tế. Vì thế, Ngoại trưởng Nhật Bản kêu gọi mọi quốc gia tiếp tục gây áp lực với Bắc Hàn về ngoại giao cũng như về kinh tế, bảo thêm rằng phải làm mạnh hơn nữa, để buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt những hành động mang tính gây hấn, tạo bất ổn cho hòa bình thế giới.
Về phía Hoa Kỳ, một viên chức hành pháp Mỹ tiết lộ ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis trình bày với các quốc gia tham dự hội nghị Vancouver rằng Washington mong muốn vấn đề Bắc Hàn sẽ được giải quyết bằng thương thuyết ngoại giao, nhưng người điều hành Lầu Năm Góc cũng nói thêm là ngay trong lúc này, giải pháp quân sự vẫn là một trong những giải pháp được Hoa Kỳ cân nhắc.
Điều này được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trình bày rõ hơn trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị, cho hay mức đe dọa do Bắc Hàn gây nên ngày một cao hơn, nhấn mạnh chiến tranh có thể xảy ra nếu Bình Nhưỡng không chịu ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại thương thuyết chính là giải pháp tốt nhất cho Bình Nhưỡng, trước khi đưa ra lời cảnh báo nếu giải pháp quân sự được áp dụng, lúc đó Bắc Hàn sẽ là quốc gia lãnh hậu quả.
Ngoại trưởng Tillerson cũng nhắc lại là trước khi bắt đầu thương thuyết, Bắc Hàn phải chứng tỏ thật tâm muốn giải quyết vấn đề, tức phải ngưng mọi kế hoạch chế tạo võ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, vào sáng ngày 17 tháng một, trong cuộc thảo luận ở Seoul, Bình Nhưỡng đã đề nghị gửi đoàn cổ vũ hơn 200 người sang miền Nam dự Thế Vận Hội Mùa Đông.
Đầu tuần này trong cuộc thảo luận cũng diễn ra ở Seoul, đoàn đàm phán Bắc Hàn đưa ý kiến muốn gửi dàn nhạc giao hưởng cả trăm người sang miền Nam trình diễn trong dịp Thế Vận Hội diễn ra tại thành phố Pyeongchang từ ngày mùng 9 đến ngày 25 tháng Hai 2018.
Về đoàn vận động viên đại diện cho Bắc Hàn, các viên chức thể thao 2 nước đang bàn thảo với Ủy Ban Olympic Quốc Tế, vì hầu hết lực sĩ Bắc Hàn không hội đủ điều kiện để tranh tài và đã quá thời hạn ghi tên tham dự.
Cho đến lúc này Bắc Hàn vẫn chưa trả lời hai đề nghị của miền Nam, là liệu đoàn vận động viên 2 nước sẽ diễn hành chung trong buổi lễ khai mạc, và hai quốc gia có thành lập chung đội tranh tài môn hockey nữ hay không.