Năm đầu của Trump thế nào ? Các cử tri gốc Việt này có lời muốn nói (VOA, 20/01/2018)
Tròn một năm sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, những người ủng hộ ông, trong đó có ông Phạm Ngọc Cửu, một cử tri từ thành phố Orlando bang Florida, nhìn thấy nhiều lý do để ăn mừng.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đều đặn, tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp, niềm tin của người tiêu dùng tăng cao trong khi chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones liên tục phá kỷ lục mới sau khi luật cải tổ thuế sâu rộng nhất trong nhiều năm qua được Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua.
Nhìn xuống phía nam, số di dân bất hợp pháp bị bắt vì tìm cách lẻn qua biên giới từ Mexico vào Mỹ đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 46 năm qua, theo một báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Bên kia bờ Đại Tây Dương và xa hơn nữa, các nước đồng minh cũng như kẻ thù của Mỹ đang phải điều chỉnh những tính toán và chiến thuật đối mặt với một tổng thống Mỹ không thể đoán định được.
Đối với ông Cửu, đó là những thành tựu to lớn khẳng định rằng khẩu hiệu tranh cử "Make America Great Again" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông Trump không phải là lời hứa suông để kiếm phiếu.
Ông Cửu hài lòng rằng bản thân đã có một quyết định đúng đắn khi bỏ phiếu cho ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Hơn một năm sau, niềm tin và sự ủng hộ của ông dành cho vị Tổng thống Cộng hòa không hề suy suyển.
"Nói về chuyện ổng làm cho nước Mỹ thì tôi thấy trong thời gian một năm ổng làm được hơn nhiệm kỳ của nhiều ông trước lắm", ông Cửu nói. "Nó giống như một cuộc cách mạng. Người ta nói cách mạng là một sự thay đổi. Quả thật là nước Mỹ đang trong cuộc cách mạng đó".
Chính quyền Trump một năm qua đã từng bước bãi bỏ hoặc đảo ngược hàng loạt những quy định và chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Những thay đổi diễn ra trong mọi mặt đời sống, đa phần thầm lặng nhưng đôi khi cũng rùm beng : từ việc bãi bỏ những quy định an toàn bổ sung để hạn chế mức phơi nhiễm berili (một chất độc hóa học cho mô phổi) ở những công nhân trong ngành xây dựng và đóng tàu, cho tới việc ông Trump đảo ngược lập trường của Mỹ suốt 70 năm qua với loan báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khơi lên sự phẫn nộ và các cuộc biểu tình khắp thế giới.
Nhưng Tòa Bạch Ốc dưới quyền ông Trump chứng kiến một sự hỗn loạn chưa từng thấy và là trung tâm của hầu hết những biến động làm rung chuyển Washington. Văn phòng Tổng thống của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trở thành tâm điểm khiến người ta chú ý với sự ra đi của hàng loạt phụ tá cao cấp trong suốt năm 2017.
Tướng John Kelly, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa và là một người được ông Trump nể trọng, đã phần nào giúp chỉnh đốn trật tự trong Cánh Tây Tòa Bạch Ốc khi ông được đưa vào chức Chánh Văn phòng, nhưng ông đã tuyên bố không thể kiểm soát được những phát ngôn của ông chủ Donald Trump, vốn thường khơi lên những cơn bão lửa chính trị.
"Nếu mục tiêu của Tổng thống Trump là làm cho trật tự toàn thế giới xáo trộn thì có lẽ đó là cái mà Tổng thống Trump đã đạt được thành quả rồi", anh Vũ Bảo Kỳ, tư vấn tài chính quốc tế ở thành phố Atlanta, Georgia, nói.
Từng là cố vấn cho Tổng thống George W. Bush về người Mỹ gốc Á, anh Bảo Kỳ hồi năm 2016 tuyên bố từ chức đại cử tri của bang Georgia với lý do lương tâm anh không chấp nhận Donald Trump là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Ông Trump chiến thắng ở bang Georgia trong cuộc tổng tuyển cử, giành trọn 16 phiếu đại cử tri.
Trò chuyện với VOA hơn một năm trước trong giai đoạn chuyển tiếp chính quyền, anh Bảo Kỳ không giấu nỗi lo ngại về thành phần nội các cũng như đường hướng sắp tới của tổng thống đắc cử, người đã vận động tranh cử với những chủ trương trái ngược với các lý tưởng truyền thống của Đảng Cộng hòa mà anh theo đuổi.
Một năm đầy biến động và tranh cãi dưới chính quyền Trump đã không làm những lo ngại của anh tan biến, nếu không phải làm trầm trọng hơn. Anh nói những hy vọng ban đầu của anh rằng ông Trump sẽ thay đổi tính khí bốc đồng đã không thành hiện thực. Anh nhìn thấy nhiều vấn đề trong những chính sách được ban hành, và việc ông Trump tiếp tục những luận điệu lúc tranh cử trên cương vị tổng thống hiện thời khiến anh cảm thấy bất an.
"Tôi không có sự tôn trọng dành cho Tổng thống này bởi vì tôi tin chắc rằng ông ta vẫn chưa hành xử như một tổng thống", anh Bảo Kỳ thừa nhận.
Chưa có Tổng thống Mỹ nào mà cung cách hành xử khi tại nhiệm lại thu hút nhiều sự chú ý như ông Trump. Xuất thân là một tỉ phú bất động sản và cựu ngôi sao truyền hình thực tế, ông Trump trên cương vị tổng thống đã phá vỡ những tiền lệ và chuẩn mực vốn được trông đợi ở nhà lãnh đạo quyền lực bậc nhất thế giới với những phát biểu khơi ra nhiều tranh cãi, chủ yếu phát đi trên nền tảng truyền thông yêu thích của ông – Twitter.
Ông hăng say sử dụng 140 (và rồi 280) ký tự của một dòng tweet để loan báo những chính sách, đả kích truyền thông chính thống (nhưng ca ngợi Fox News), phản pháo những người chỉ trích, hay để đốp chát nảy lửa với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un khiến căng thẳng tăng cao tại một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh lớn nhất thế giới.
Những lời lẽ thẳng thừng đôi lúc hung hăng này có sức thu hút lớn đối với những ủng hộ viên nòng cốt của ông và cũng góp phần gia tăng áp lực lên nỗ lực chế tài Triều Tiên, song những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông đôi khi cũng không mấy hài lòng về thói quen này.
"Tôi nghĩ ổng cũng phải ‘tu tâm dưỡng tính’ lại chút", ông Cửu cười nói. "Đừng có tuyên bố cương lên rồi làm cho nó trở thành hỗn loạn trên chính trường".
Trong khi những người ủng hộ thích những phát ngôn bộc trực của ông Trump, những người khác nói rằng chúng tiếp tục đào sâu thêm hố ngăn cách giữa những người ủng hộ và những người chống đối ông, và ông đã không hề nỗ lực để hàn gắn những vết thương trong xã hội Mỹ vốn đã bị chia rẽ trầm trọng sau cuộc bầu cử năm 2016.
"Chưa bao giờ trong thời hiện đại mà một người chiếm giữ Phòng Bầu dục dường như lại khước từ một cách triệt để quan niệm rằng nghĩa vụ của một Tổng thống là đoàn kết đất nước", nhà báo kỳ cựu Peter Baker của tờ The New York Times chuyên tường trình về Tòa Bạch Ốc viết trong một bài phân tích. "Luôn muốn gây hấn, rạo rực bởi tranh cãi, quyết đáp trả bất cứ lời xỉa xói nào, Ông Trump đã tự biến mình thành tông đồ của sự giận dữ, phó tế của sự chia rẽ".
Nhiều trong số những phát biểu của ông nhắm thẳng vào một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong đời sống Mỹ, chủng tộc, dù đó là tuyên bố đánh đồng cả hai phía đều có "những người rất tốt" sau khi những kẻ chủ trương thượng đẳng da trắng gây bạo loạn ở thành phố Charlottesville bang Virginia, hay phát biểu gọi Haiti và các nước Châu Phi là "những quốc gia hố phân" (tiếng Anh : shithole countries) khi ông nói về người nhập cư từ các nước này.
Bà Lý Kim Hà, cư dân thành phố Woodbridge bang Virginia, người bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton, đã sớm chấp nhận ông Trump sau khi ông đắc cử và bày tỏ mong muốn ông sẽ đoàn kết nước Mỹ tiến về phía trước. Nhưng sau một năm cầm quyền, ông đã không thể làm vơi bớt những "ưu tư, vướng mắc nan giải" của bà mà ngược lại càng củng cố những ấn tượng tiêu cực của bà về ông thời còn vận động tranh cử.
"Ông đã tăng cường điều kiện để những thành phần thiểu số kì thị chủng tộc lên tiếng nói rất là mạnh mẽ, và đã gây ra một thảm trạng của một sự phân chia trầm trọng", cựu nhân viên Sở Xã hội đã về hưu này nói.
Khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", lời hiệu triệu một liên minh đưa ông Trump tới chiến thắng ít ai ngờ tới, giờ khơi lên trong bà hình ảnh một nước Mỹ của người da trắng thuần chủng nơi mà những di dân như bà không được chào đón. Nó cho thấy chính quyền này "muốn bôi xóa đi tính nhân đạo của một đất nước đóng vai trò lãnh đạo thế giới", bà nói.
"Người ta cứ nói là ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ trước hết mình phải định nghĩa thế nào là một ‘nước vĩ đại,’" ông Dương Đức Vĩnh, cư dân ở Macomb bang Michigan, nói. "Một ‘nước vĩ đại’ là con người cũng phải có tình người, đối xử với nhau bằng tình người, đối xử với các nước bằng tình người".
Vị cựu Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Michigan nói ông tán đồng chủ trương của ông Trump là đặt nhu cầu của người dân Mỹ và công việc nội bộ của nước Mỹ lên hàng đầu, so sánh với việc một cá nhân có nghĩa vụ chăm lo gia đình của chính mình trước tiên. Nhưng ông nói điều đó không có nghĩa là mình dè bỉu hàng xóm.
Vào lúc ông Trump khép lại năm đầu tiên trên cương vị tổng thống, các cuộc khảo sát ý kiến công chúng cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông hiện đang ở mức thấp nhất so với bất cứ Tổng thống Mỹ nào trong lịch sử hiện đại khi họ kết thúc năm đầu tiên. 57 phần trăm người được khảo sát không bằng lòng với cách điều hành đất nước của ông so với 39 phần trăm bằng lòng, theo một cuộc khảo sát của đài NBC và báo The Wall Street Journal công bố hôm thứ Sáu.
Dưới quyền của ông Trump, sự ủng hộ của thế giới đối với sự lãnh đạo của Mỹ đã giảm mạnh, theo một cuộc khảo sát 137 quốc gia của Gallup công bố hôm thứ Năm. Chỉ có 30 phần trăm thế giới bằng lòng về sự lãnh đạo của Mỹ trong năm đầu Tổng thống Trump tại nhiệm, tụt xuống từ mức 48 phần trăm vào năm cuối của chính quyền Tổng thống Barack Obama vào năm 2016, theo cuộc khảo sát.
"Tôi hy vọng Tổng thống sẽ thay đổi thay vì dồn quá nhiều thì giờ để chỉ trích người này người kia", ông Đỗ Quang Tỏa, một cư dân thành phố Fairfax bang Virginia, nói. Ông mô tả những phát ngôn bốc đồng và gây tranh cãi của ông Trump như một "đám mây đen" che phủ những thành tích mà chính quyền ông đang đạt được.
"Nếu mà Tổng thống không thay đổi…thì tôi nghĩ là đám mây đen này sẽ không tan biến mà tôi chỉ sợ là nó càng ngày càng đen lại", ông nói thêm.
Dù thách thức lớn nhất vẫn là chính mình, ông Trump trong năm 2018 sẽ đối mặt với những thách thức khác ngoài tầm kiểm soát của ông mà có thể làm chính quyền của ông chao đảo. Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga hồi năm 2016 đang gia tăng cường độ và đang nhắm mục tiêu vào những nhân vật thân tín nhất của ông Trump, trong khi quyền kiểm soát Quốc hội của phe Cộng hòa đang lâm nguy trước một đợt sóng thần đang manh nha hình thành ở phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ toàn quốc vào tháng 11 tới đây.
Hoàng Long
********************
Tổng thống Trump : Một năm sau (VOA, 19/01/2018)
Tổng thống Donald Trump đánh dấu năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào ngày thứ Bảy 20/1. Năm đầu tiên đầy sóng gió trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump không giống với bất kỳ nhiệm kỳ Tổng thống nào khác trong lịch sử cận đại của Hoa Kỳ, và năm 2018 có lẽ cũng không có gì khác.
Tổng thống Trump, một năm sau khi lên nhậm chức (VOA)
Đối với vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ Tổng thống của ông khởi sự với một tuyên bố mạnh mẽ :
"Từ ngày này trở đi nước Mỹ sẽ được đặt lên trên hết, nước Mỹ trên hết !"
Tổng thống Trump nhanh chóng cắt bỏ các luật lệ của thời Tổng thống Obama và chọn người điền vào một chỗ trống tại Toà án Tối cao.
Một phụ nữ xếp hàng chờ vào hội trường nơi Tổng thống Trump sẽ phát biểu trong một cuộc tập họp tương tự như lúc còn vận động tranh cử. Ảnh chụp ngày 22/8/2017.
Chiến thắng lớn nhất của ông - một dự luật cắt giảm thuế có ảnh hưởng sâu rộng- đến vào tháng 12, 11 tháng từ khi nhiệm kỳ tổng thống của ông bắt đầu.
Tổng thống Trump nói :
"Đây là dự luật (cắt giảm thuế), ngay tại đây, chúng tôi rất tự hào về nó. Dự luật này sẽ là một điều tuyệt vời cho nhân dân Mỹ. Và cũng sẽ rất tốt cho nền kinh tế".
Nhà phân tích John Fortier thuộc Trung tâm nghiên cứu Chính sách Lưỡng đảng, nói thông qua dự luật thuế có thể giúp Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội năm nay.
"Các đảng viên Cộng hòa đã thông qua luật thuế thành công, một dự luật quan trọng về thuế hồi tháng Mười Hai, đó là một thành quả lớn đối với họ, và vì vậy là điều đã đặt họ theo một hướng đi tốt hơn".
Nhưng năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump cũng đã vấp phải nhiều thất bại.
Một người biểu tình giương biểu ngữ trong một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Trump và các chính sách của ông tại Quảng trường Quốc gia ở thủ đô Washington, ngày 3/6/2017.
Nỗ lực bãi bỏ luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng của Tổng Thống Obama, còn gọi là Obamacare, đã thất bại. Những lời lẽ giận dữ tung lên trang mạng Twitter, và đôi khi những luận điệu gây bất bình của ông Trump, kể cả những từ ngữ thô tục mà ông Trump đã thốt ra về Haiti và các nước ở Châu Phi đã khiến các đảng viên Đảng Dân chủ, kể cả Thượng nghị sĩ Cory phẫn nộ.
Ông Booker nói :
"Những từ ngữ đó sẽ không tan biến như sương khói, chúng ung mủ, rồi thành chất độc, tạo điều kiện cho tinh thần bất khoan dung và lòng hận thù nổi lên ở trong nước".
Nhà phân tích John Hudak nhận định rằng phong cách lãnh đạo gây chia rẽ và tranh cãi của ông Trump tiếp tục tác động tới mức độ ủng hộ của người dân trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng, bất chấp nền kinh tế phát triển mạnh.
Ông Hudak thuộc Viện nghiên cứu Brookings :
"Tôi nghĩ mọi người đang đánh giá ông dựa trên nhiều yếu tố khác hơn là kinh tế, điều đó giải thích vì sao mức ủng hộ dành cho ông khá thấp".
Theo nhà phân tích Larry Sabato, mức ủng hộ thấp kỷ lục trong lịch sử của ông Trump có thể có lợi cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 năm nay.
Nhà phân tích Sabato thuộc Đại học Virginia nói với VOA qua Skype :
"Khi một làn sóng tràn tới thì nước sẽ không phân biệt giữa những người đi theo quan điểm của một ông tổng thống không được ưa thích, với những người cố gắng đặt ra một khoảng cách giữa họ với vị tổng thống đó".
Năm 2018, ông Trump hy vọng nền kinh tế hùng mạnh sẽ cải thiện mức ủng hộ dành cho ông trong các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, viễn ảnh thất bại trong các cuộc bầu cử tháng 11, và một cuộc thăm dò vẫn đang tiếp diễn về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ, có thể khiến cho năm thứ nhì trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump còn nhiều thử thách hơn cả năm đầu tiên.
Jim Malone
*******************
Donald Trump : Một năm cầm quyền đầy sóng gió 'RFI, 20/01/2018)
Ngày 20/01/2018 là đúng một năm ông Donald Trump nhậm chức tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, sau khi đã bất ngờ vượt qua các đối thủ trong đảng Cộng Hòa và đắc cử với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 19/01/2018. Reuters/Carlos Barria
Trong một năm cầm quyền, ông Trump đã thi hành chính sách cứng rắn hơn về nhập cư và đã đề ra dự án xây bức tường giữa Hoa Kỳ và Mexico để ngăn chận nhập cư bất hợp pháp từ láng giềng Trung Mỹ.
Về xã hội, tổng thống Trump đã tìm cách xóa bỏ nhưng không thành công hệ thống bảo hiểm y tế mà người tiền nhiệm Barack Obama đã thiết lập để bảo đảm người nghèo ở Mỹ được chăm sóc y tế đàng hoàng. Nhưng về thuế khóa, ông đã thành công trong việc giảm thuế tổng cộng 1.500 tỷ đôla.
Về chính trị nội bộ, chính quyền Trump trong một năm qua đã phải vất vả đối đầu với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Do nghi án này mà tổng thống Trump đã cách chức giám đốc FBI James Comey, nhưng nhiều nhân vật thân cận của ông đã bị điều tra hoặc truy tố.
Cũng theo tinh thần của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết", tổng thống Trump, một người vẫn hoài nghi về biến đổi khí hậu, đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Paris, vì cho rằng hiệp định này bất lợi cho Mỹ.
Về kinh tế, ông Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, vì hiệp định cũng bị ông xem là bất lợi cho nước Mỹ.
Về địa chính trị quốc tế, chính quyền Trump trong một năm qua đã phải đối phó với khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên và ngày càng quan ngại về khả năng của Bình Nhưỡng tấn công bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Bản thân ông Trump cũng đã gây ra một khủng hoảng khác. Đầu tháng 12/2017, trái với ý kiến của toàn thế giới, ngoại trừ của Israel, tổng thống Trump thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, trong khi đây là thánh địa của toàn bộ các tôn giáo trong khu vực. Quyết định này đã khiến dân Palestine phẫn nộ, dẫn đến nhiều vụ biểu tình bạo động và khiến cho vùng Trung Đông nóng trở lại.
Nói chung, trong năm cầm quyền đầu tiên, tính khí bốc đồng của ông Trump, thể hiện chủ yếu qua những tin nhắn trên mạng Twitter, đã liên tục gây sóng gió trên chính trường quốc tế.
Thanh Phương