Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/02/2017

Thời sự Hoa Kỳ : Nhật Bản, luật nhập cư

tổng hợp

Nhật bác bỏ cáo buộc trục lợi khi buôn bán với Mỹ (RFA, 01/12/2017)

thoisumy1

Giao dịch tiền tệ tại một văn phòng ngoại hối tại Tokyo vào ngày 28/5/2015. AFP photo

Chính phủ Nhật Bản bác bỏ cáo buộc mà Tổng thống  Hoa Kỳ Donald Trump mới đưa ra, cho rằng Nhật cố ý hạ gia đồng tiền để tạo lợi thế khi đưa hàng vào Mỹ.

Tổng thống  Trump nói điều này ngày hôm qua, trong cuộc gặp diễn ra tại Nhà Trắng giữa ông và các nhà lãnh đạo những công ty dược. Nguyên văn lời ông là "nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm, Nhật Bản đang làm, họ đang chơi với thị trường tiền tệ, hạ giá đồng bạc, và người Mỹ chúng ta ngồi đây như một lũ đần độn", ám chỉ việc Hoa Kỳ phải chịu đựng thâm thủng mậu dịch khi trao đổi thương mại với Trung Quốc và Nhật Bản.

Hôm nay, khi ra điều trần trước Quốc Hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bác bỏ luận điệu của Tổng thống Mỹ, nói rằng không chỉ Nhật Bản mà ngay chính Hoa Kỳ cũng phải điều chỉnh giá đồng bạc để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Shinzo Abe nói thêm rằng khi kinh tế Nhật phát triển thì điều đó có lợi cho cả Hoa Kỳ.

Ông Abe cũng cho hay thứ Sáu tuần sau khi gặp Tổng thống  Trump ở Nhà Trắng, ông sẽ trình bày điều này với vị tân lãnh đạo Mỹ.

Tin ghi nhận được từ Washington cho thấy trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật, có nhiều khả năng Tổng thống Trump cũng sẽ nói đến vấn đề tỷ giá đồng yen Nhật và đồng dollars Mỹ, với mục đích muốn Thủ tướng Abe giúp giải quyết tình trạng thâm thủng mậu dịch mà Hoa Kỳ thường xuyên phải gánh chịu khi buôn bán với Nhật Bản.

Ngoài ra, giới thạo tin ở Washington cũng nói là sau cuộc gặp ở Nhà Trắng, ngày hôm sau hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ ghé nhà riêng của Tổng thống  Mỹ ở Florida để tiếp tục bàn luận.

Bên cạnh phát biểu của Thủ tướng Abe trước Quốc Hội Nhật Bản, một số viên chức cao cấp của Nhật cũng lên tiếng phân trần, với ngụ ý cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ đã sai khi chỉ trích chính sách tiền tệ của Nhật.

Ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Thủ tướng Nhật Bản và cũng là người giúp hoạch định chính sách kinh tế quốc gia nói rằng chính sách tiền tệ mà Nhật đang áp dụng đi đúng với những quy định đã được thảo thuận giữa các quốc gia trong khối kinh tế G-7 và G-20, do đó, không hề có chuyện Nhật Bản cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi khi buôn bán với Mỹ.

Theo ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Nhật Bản, chính sách tiền tệ của Nhật không nhắm vào tỷ giá hồi đoái, mà nhằm ổn định giá cả và ổn định lạm phát.

Không chỉ chê trách Nhật Bản và Trung Quốc cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi kinh tế, ông Peter Navarro, Chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc tương tự đối với Đức.

*****************

Cấm nhập cư : Sắc lệnh của Trump có thể "làm gia tăng" khủng bố (RFI, 01/12/2017)

thoisumy2

Thành viên của Ủy ban giám sát chính quyền San Francisco biểu tình phản đối sắc lệnh của tổng thống Trump, 31/01/2017. REUTERS/Kate Munsch

Ngày thứ Sáu 26/01/2017, chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức, tân tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh mang tên "Bảo vệ đất nước trước sự xâm nhập của khủng bố nước ngoài" (Protect the nation from foreign terrorist entry), đột ngột không cho vào Mỹ công dân từ bảy quốc gia, đa số theo đạo Hồi, kể cả những người đã được cấp visa của Hoa Kỳ. Sắc lệnh mang tính chất kỳ thị, được áp dụng một cách hết sức võ đoán này, bị lên án dữ dội tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Các chuyên gia đặt câu hỏi : Liệu sắc lệnh sẽ có tác dụng ngược, khiến nguy cơ khủng bố gia tăng ?

AFP dẫn lại báo The Washington Post cho hay, ngay sau khi sắc lệnh được ban bố, trên các mạng xã hội, nhiều phần tử thánh chiến Hồi giáo đã ca ngợi "chiến thắng", và ca ngợi Donald Trump như là "người tuyển mộ tốt nhất" các lực lượng cho phe thánh chiến. Nhiều phần tử thánh chiến cũng đã ví sắc lệnh nói trên với cuộc can thiệp quân sự được đánh giá là "tốt lành" của Mỹ tại Iraq năm 2003, tạo cơ hội cho sự bùng phát của tình cảm chống phương Tây trong thế giới Hồi giáo.

Theo ông David Ibsen, giám đốc của tổ chức phi chính phủ Counter Extremism Project (CEP), có trụ sở tại Mỹ chuyên chống các tư tưởng cực đoan trên toàn cầu, CEP biết được là các nhóm khủng bố sẽ sử dụng cơ hội này trong các chiến thuật tuyển mộ. Ông giải thích : "đối tượng tuyên truyền của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (Islamic State-IS hay Daesh) và al-Qaeda là rất rộng, mà chúng ta biết là từ chỗ bị ảnh hưởng bởi các tuyên truyền, đến chỗ trực tiếp tham gia vào hoạt động khủng bố, khoảng cách là rất gần".

Một cựu lãnh đạo an ninh quốc gia dưới hai thời tổng thống Georg W. Bush và Barack Obama, bà Farah Pandith, công dân Mỹ gốc Kashmir, Ấn Độ, cũng cùng nhận xét : Sắc lệnh của ông Trump "không làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn", "điều này mang lại lợi thế cho Daesh". Cựu cố vấn an ninh Farah Pandith, năm 2009 được chính quyền Obama bổ nhiệm làm người đại diện đầu tiên của bộ Ngoại Giao Mỹ, để đối thoại với các cộng đồng Hồi giáo trên thế giới, và cũng là chuyên gia trong lĩnh vực "chống cực đoan hóa".

Hàng chục đồng nghiệp của cựu cố vấn an ninh Farah Pandith ký chung một bức thư ngỏ, khẳng định sắc lệnh của ông Trump đã gửi đi "một thông điệp tồi tệ đến cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ và trên khắp thế giới". Thông qua sắc lệnh này, nhiều người hiểu là chính phủ chống lại họ với lý do tôn giáo. Những người ký tên vào thư ngỏ tin rằng quyết định này sẽ có "một tác động tiêu cực về dài hạn" đến an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Về vấn đề này, hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nêu nhận xét rõ ràng : sắc lệnh của tổng thống Mỹ "đã thổi bùng một làn sóng lo hãi và giận dữ, có thể tạo điều kiện cho các tuyên truyền và các tổ chức khủng bố mà tất cả chúng ta muốn chống".

Về tác dụng ngược của lệnh đình chỉ nhập cư từ bảy nước Hồi giáo, có thể được các lực lượng thánh chiến sử dụng làm lý do kích động khủng bố, nhiều người ghi nhận điều đặc biệt đáng lo ngại là : Chính việc sắc lệnh này, cũng như các quyết định tương tự, tấn công vào các giá trị nhân quyền nền tảng của nền dân chủ mới chính là đe dọa đáng sợ nhất, làm suy yếu nghiêm trọng Hoa Kỳ cũng như các đồng minh, trước đe dọa khủng bố.

7 nước bị cấm không phải là nơi "xuất khẩu" khủng bố

Các phân tích cũng tập trung vào danh sách bảy quốc gia mà tân tổng thống Mỹ đưa vào danh sách cấm. Danh sách này được cho là không có ý nghĩa ngăn chặn các đe dọa khủng bố như chủ trương của Donald Trump.

Ông Trump nhiều lần khẳng định các liên hệ mà theo ông là "rõ ràng" giữa các vụ khủng bố mới đây tại Châu Âu và việc tiếp nhận người tị nạn theo đạo Hồi, đặc biệt là chính sách mở rộng cánh cửa với người tị nạn của thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn thủ phạm các vụ khủng bố tại Liên Âu và Hoa Kỳ không phải là công dân của bảy nước trong danh sách cấm : Syria, Iran, Iraq, Sudan, Yemen, Somalia và Libya.

Vẫn theo chuyên gia an ninh Mỹ David Ibsen, "tất cả các nước có nguy cơ cực đoan hóa cao đã không nằm trong danh sách này". Thủ phạm hai vụ tấn công mới đây ở Berlin, Đức và Nice, Pháp, là hai công dân Tunisia. Phần lớn các kẻ khủng bố nhắm vào các nước Châu Âu đều gốc Bắc Phi, như Algeria, Tunisia, Morocco.

Còn kẻ khủng bố nhắm vào cuộc chạy đua marathon Boston, Hoa Kỳ, năm 2013, là hai người gốc Tchetchenia, trong đó có một người đã nhập quốc tịch Mỹ. Vụ tấn công năm 2015 tại San Bernadino, là do một người Mỹ sinh trưởng tại Chicago, trong một gia đình gốc Pakistan, cùng với vợ người Pakistan, mang quốc tịch Ả Rập Xê Út.

Theo cựu cố vấn an ninh Farah Pandith, sắc lệnh của ông Trump cho thấy ông ta "không hề hiểu đâu thực sự là vấn đề".

Để giúp chính phủ Hoa Kỳ có một cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, chuyên gia về an ninh David Ibsen nhận xét, ưu tiên hiện tại không phải là tiến hành xiết chặt nhập cư trên quy mô rộng lớn, mà điều cần phải làm trước hết là ngăn chặn khả năng các nhóm cực đoan sử dụng mạng internet để tuyên truyền, nhằm tuyển mộ tân binh cho các hoạt động khủng bố.

Xiết chặt nhập cư, nhưng lại để ngỏ cửa cho các tuyên truyền thánh chiến, chẳng khác nào đóng cửa phụ, nhưng để ngỏ cửa chính cho các thế lực cực đoan mặc sức hoành hành.

Vì sao Trump nương nhẹ Ả Rập Xê Út ?

Công luận cũng như giới chuyên gia cũng đặt câu hỏi : vì sao chính quyền Trump, trong khi tỏ ra khắc nghiệt với bảy quốc gia Hồi giáo nói trên lại tỏ ra hết sức nương nhẹ với rất nhiều quốc gia Hồi giáo khác, trong đó có Ả Rập xê Út, nơi phát xuất của 15 trong số 19 thủ phạm các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, nhắm vào nước Mỹ.

Ả Rập Xê Út chính là cái nôi của trào lưu Wahhabi, một hệ phái Hồi giáo hết sức cứng rắn, vốn được nhiều nhóm thánh chiến sử dụng làm vũ khí ý thức hệ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thật khó mà hiểu được lý do của sự phân biệt này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về an ninh khác, chính quyền Trump cũng như các chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi Ả Rập Xê Út và nhiều quốc gia vùng Vịnh, như Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập là đồng minh. Ả Rập Xê Út và nhiều nước vùng Vịnh tham gia vào liên quân chống al-Qaeda từ hơn một thập niên nay, và chống Daesh tại Syria và Iraq từ nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, danh sách bảy quốc gia đầu tiên bị cấm bị coi là những người "không có khả năng tự bảo đảm an ninh và trao đổi với Hoa Kỳ thông tin về các công dân xuất cảnh".

Tuy nhiên, các giải thích nói trên không lý giải được vì sao Iran, vốn không phải là nước "xuất khẩu" khủng bố lại bị lọt vào danh sách cấm.

Theo giáo sư chính trị học Pháp Mathieu Guidère, Paris, điều này có thể giải thích bởi thế đối địch tại khu vực Trung Cận Đông, giữa quốc gia Hồi giáo Iran, theo hệ phái Shia, với Israel và Ả Rập Xê Út, mà trong đó, Hoa Kỳ chọn đứng về phía Israel và Ả Rập Xê Út, quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Sunni.

Chính quyền Mỹ dưới thời Obama chọn giải pháp hòa dịu với Iran, với kết quả là thỏa thuận hạt nhân. Nhưng hòa dịu với Iran lại chính là điều mà ông Trump muốn phá bỏ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 767 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)