Thủ tướng Anh thăm Trung Quốc chuẩn bị giai đoạn hậu Brexit (RFI, 31/01/2018)
Sáng 31/01/2018, thủ tướng Anh Theresa May tới thành phố Vũ Hán (Wuhan), điểm khởi đầu cho chuyến công du ba ngày tại Trung Quốc. Lãnh đạo Anh tìm cách siết chặt quan hệ với đối tác thương mại quan trọng nhất của Anh ngoài Liên Hiệp Châu Âu, để chuẩn bị thời kỳ hậu Brexit. Về phần mình, Bắc Kinh trải thảm đỏ với hy vọng Luân Đôn ủng hộ các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là dự án Con Đường Tơ Lụa mới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đóng thủ tướng Anh Theresa may tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 31/01/2018. Reuters/Jason Lee
Thông tín viên Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
Tân Hoa Xã đặt khá nhiều hy vọng vào chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của bà Theresa May với tư cách thủ tướng, với khuyến nghị : "Thủ tướng Anh cần thúc đẩy một kỷ nguyên vàng trong quan hệ song phương".
Cụm từ "kỷ nguyên vàng" gợi lại chuyến thăm Anh Quốc năm 2015 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được Bắc Kinh ca ngợi là "mang tính lịch sử". Tuy nhiên, kể từ đó, tình hình đã thay đổi nhiều. Tại Trung Quốc, không ai quên được sự lưỡng lự của thủ tướng Anh trong việc phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point (với sự tham gia của một công ty Trung Quốc). Cuối cùng phải gian nan lắm dự án này mới được thông qua.
Sắp tới, việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu năm 2019 sẽ làm đảo lộn các quan hệ Anh-Trung. Năm 2017, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước lên tới 64 tỉ euro, tăng hơn 6%. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra sau Brexit ? Bắc Kinh muốn tin rằng : "Trung Quốc tiếp tục là một đối tác quan trọng" của nước Anh, như tờ Hoàn Cầu Thời Báo hoan hỉ nhận định.
Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc gợi ý Luân Đôn nên đóng góp thúc đẩy kế hoạch Con Đường Tơ Lụa mới. Dự án của Bắc Kinh cho đến nay không được tất cả các nước Châu Âu hưởng ứng.
Trọng Thành
****************
Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Đông Nam Á (RFI, 31/01/2018)
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, hôm nay 31/01/2018, đã lên tiếng báo động về tình trạng kháng sinh bị sử dụng quá đà, bừa bãi trong lương thực thực phẩm đang tăng vọt ở Đông Nam Á. Tình trạng này có nguy cơ tác hại nghiêm trọng đến con người và động vật, do việc vi rút sẽ có sức đề kháng cao hơn chống lại thuốc kháng sinh.
Ảnh minh họa : Các chủng loại thuốc chưa kháng sinh ngày càng nhiều. MYCHELE DANIAU / AFP
Một viên chức FAO, Juan Lubroth, đưa ra lời cảnh báo này bên lề hội nghị quốc tế về sức đề kháng của virus trước các loại kháng sinh, tổ chức tại Bangkok.
Theo ông Juan Lubroth, hiện có một số nơi mà sức đề kháng của virus rất mạnh, như tại các thành phố lớn Châu Á, tập trung dân cư cao, và sản xuất lương thực, thực phẩm cao. Vùng Đông Nam Á là một "điểm nóng" vì dân số tăng nhanh, theo đà đô thị hóa và sản xuất lương thực cũng tăng nhanh.
Theo một báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, khoảng 500.000 người trên thế giới (ở 22 quốc gia) bị nhiễm virus có sức chống lại kháng sinh.
FAO hiện chủ trương hướng dẫn nông dân về các mối nguy hiểm của việc dùng kháng sinh nuôi gia súc hay tôm cá, và yêu cầu tôn trọng nghiêm ngặt hơn những quy định trong việc sản xuất lương thực.
Năm 2016, một báo cáo của kinh tế gia Anh Jim O’Neill, theo yêu cầu của chính quyền Anh Quốc, đã kết luận rằng sẽ có 10 triệu người chết do việc virus lờn thuốc kháng sinh trong 35 năm tới đây nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng.
Theo ông Lubroth, 90% ca tử vong sẽ là ở các quốc gia đang phát triển.
Trọng Nghĩa