Bản ghi chú này đang khơi lên tranh cãi kịch liệt. Đây là điều bạn cần biết (VOA, 04/02/2018)
Sau hơn một tuần tranh cãi đảng phái và sôi sục trên mạng xã hội, những người đòi công bố một bản ghi chú mật do phe Cộng hòa trong Quốc hội soạn thảo, cáo buộc giới lãnh đạo cao cấp ở FBI và Bộ Tư pháp thiên vị chống Tổng thống Donald Trump, cuối cùng đã toại nguyện.
Ông Trump hôm thứ Sáu giải mật bản ghi chú này. Ủy ban Tình báo Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số công bố nó ngay sau đó. Và công chúng bắt đầu lao vào mổ xẻ bốn trang thông tin xem nó nói gì.
Dưới đây là một vài điểm chính :
Đại ý là gì ?
Bản ghi nhớ này đưa ra một loạt các cáo buộc về hành vi sai trái của FBI và Bộ Tư pháp trong việc thủ đắc một trát của tòa án theo Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài, gọi tắt theo tên tiếng Anh là FISA, để theo dõi Carter Page, cựu cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Cụ thể, nó nhắm mục tiêu vào việc FBI sử dụng thông tin của cựu điệp viên người Anh, Christopher Steele, người đã thu thập một tập hồ sơ chứa một số cáo buộc về những mối liên hệ giữa ông Trump, các cộng sự của ông và Nga.
Bản ghi chú nói rằng FBI và Bộ Tư pháp đã không báo cáo đầy đủ với tòa án FISA về vai trò của ông Steele trong nỗ lực tìm kiếm thông tin bất lợi về đối thủ tranh cử. Nỗ lực tìm kiếm thông tin này do ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tài trợ thông qua một công ty luật ở Washington.
Tài liệu này cũng nhắm mục tiêu vào một số quan chức cao cấp của FBI và Bộ Tư pháp. Trong số này có cựu Phó Bộ trưởng Tư pháp thứ cấp Bruce Ohr, người mà bản ghi chú nói là đã biết về thiên kiến chống Trump của ông Steele và có vợ làm việc tại công ty đứng đằng sau nỗ lực tìm kiếm thông tin này.
Có gì mới ?
Bản ghi chú này cho thấy sự xác nhận chính thức đầu tiên của chính phủ về một trát FISA bí mật và rằng ông Page đã là đối tượng bị theo dõi.
Những thông tin như thế này thường được coi là thuộc loại thông tin an ninh quốc gia được giữ kín nhất và hầu như không bao giờ được tiết lộ ra công chúng.
Mặc dù bản ghi chú nêu lo ngại về các phương thức của FBI, song nó cũng xác nhận FBI và Bộ Tư pháp tin rằng có cơ sở xác đáng cho thấy ông Page khi đó đang hoạt động như một điệp viên của một cường quốc nước ngoài và thẩm phán đã tán đồng với lập luận này - bốn lần.
Bản ghi chú cũng làm sáng tỏ một phần thời biểu của cuộc điều tra Nga, cho thấy ông Page đã bị theo dõi suốt nhiều tháng.
Theo bản ghi chú, Bộ Tư pháp và FBI đã xin được trát FISA nhắm vào ông Page vào ngày 21 tháng 10 năm 2016, và sau đó xin tòa chấp thuận thêm ba lần nữa.
Vì các trát FISA phải được gia hạn mỗi 90 ngày, bản ghi chú cho thấy chính phủ đã theo dõi những liên lạc của ông Page suốt gần một năm.
Từ Papadopoulos mà ra
Toàn bộ cuộc điều tra Nga đều từ Papadopoulos mà ra.
Theo bản ghi chú, thông tin về cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump, George Papadopoulos, "đã kích hoạt việc mở một cuộc điều tra phản gián của FBI vào cuối tháng 7 năm 2016".
Đây là một chi tiết quan trọng bởi vì ông Trump và các đồng minh của ông trong Đảng Cộng hòa đã tìm cách làm suy yếu cuộc điều tra Nga bằng cách nói rằng tất cả đều khởi nguồn từ hồ sơ của ông Steele.
Bản ghi chú không cung cấp thêm chi tiết về thông tin mà FBI nhận được về Papadopoulos. Nhưng dường như nó xác nhận một phần thông tin được loan tải trong một bài báo của tờ The New York Times vào cuối năm ngoái rằng chính những lo ngại của FBI về Papadopoulos đã khơi ra cuộc điều tra.
Papadopoulos nhận tội đã khai man với FBI vào năm ngoái. Hồ sơ tòa án cho thấy anh ta đã có nhiều cuộc tiếp xúc với những người tự xưng là có liên hệ với chính phủ Nga bắt đầu vào mùa xuân năm 2016.
Hồ sơ tòa án cho thấy Papadopoulos đã biết là người Nga có thông tin gây tổn hại đối với bà Hillary Clinton dưới hình thức "hàng ngàn email" trước khi thông tin đó được công khai.
Nhưng FBI có dùng thông tin của Steele
Bản ghi chú nói rằng một tập hợp các báo cáo của ông Steele "tạo thành một phần thiết yếu" của hồ sơ xin trát FISA nhắm vào ông Page, nhưng bản ghi chú không xác định chính xác thông tin nào được sử dụng hoặc bao nhiêu thông tin được sử dụng.
Nó cũng nói rằng hồ sơ xin trát FISA dựa vào một bài báo của Yahoo News vào tháng 9 năm 2016, và tuyên bố rằng thông tin trong bài báo đó cũng từ ông Steele mà ra.
Bản ghi chú dẫn lời cựu phó giám đốc FBI Andrew McCabe nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện vào tháng 12 rằng "lẽ ra sẽ không có trát do thám nào được xin cấp" từ tòa án FISA "nếu không có thông tin từ hồ sơ Steele".
Theo bản ghi chú, hồ sơ xin cấp trát FISA cũng bao gồm "thành tích cung cấp thông tin khả tín của ông Steele trong quá khứ về các vấn đề không liên quan khác".
Thông tin nền tảng không được công bố
Khó mà thẩm định được tính chính xác của bản ghi chú bởi vì phần lớn những thông tin làm nền tảng cho những tuyên bố trong đó đều được liệt vào diện được bảo mật hoặc bí mật.
Bản ghi chú dẫn một hồ sơ xin trát FISA ban đầu - một tài liệu thường bao gồm hàng chục trang giấy - cũng như ba hồ sơn xin tòa gia hạn trát. Không có hồ sơ nào trong số này được phép công khai.
Tương tự, bản ghi cuộc phỏng vấn kín của Ủy ban Tình báo Hạ viện với ông McCabe và các quan chức cao cấp khác của FBI từng tiếp xúc với ông Steele đều không được công khai.
Hôm thứ Sáu, thành viên Đảng Dân chủ cao cấp của ủy ban, Dân biểu Adam Schiff từ bang California, phản bác cách thức mà bản ghi chú mô tả các phát biểu của ông McCabe, nói rằng vị cựu phó giám đốc FBI khi đó đang phát biểu một cách chung chung về việc các hồ sơ xin trát FISA phụ thuộc vào "mỗi một thành phần" được đưa vào trong đó ra sao.
Nhưng Chủ tịch Ủy ban, Dân biểu Cộng hòa Devin Nunes từ California, cuối ngày thứ Sáu nói trên đài Fox News rằng cách thức mà bản ghi chú mô tả những phát biểu của ông McCabe là "sự tổng kết một cuộc phỏng vấn dài và chắc chắn đó là điều mà ông ta đã nói". Ông lưu ý rằng những nhân chứng khác cũng nói "những điều tương tự".
'Được chứng thực rất ít ỏi'
Một câu hỏi dai dẳng kể từ khi tập hồ sơ Steele được Buzzfeed News đăng tải vào năm ngoái là : FBI đã chứng thực được bao nhiêu phần thông tin trong đó ?
Theo bản ghi chú, không nhiều vào thời điểm mà FBI có được trát FISA nhắm vào ông Page. Bản ghi chú dẫn lời Trợ lý Giám đốc FBI Bill Priestap nói rằng sự chứng thực của FBI đối với tập hồ sơ còn ở giai đoạn "sơ khai" khi tòa án cấp trát do thám FISA đầu tiên.
Nó cũng nói rằng một "đơn vị độc lập" bên trong FBI đã thực hiện một "báo cáo chứng thực nguồn tin" về thông tin mà ông Steele cung cấp và nhận thấy rằng nó "chỉ được chứng thực rất ít ỏi".
Nhưng không có những tài liệu nền tảng hoặc bản ghi lời khai chứng của ông Priestap, khó mà đánh giá được bản ghi chú này mô tả chính xác tới mức nào.
*********************
Mỹ : Trump cho công bố văn bản mật chỉ trích FBI lạm quyền (RFI, 03/02/2018)
Ngày 02/02/2018, Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho Hạ Viện Mỹ công bố bản báo cáo do Ủy Ban Tình Báo thực hiện. Tác giả báo cáo dài chưa tới 4 trang, dân biểu bang California, Devin Nunes, một người thân cận với tổng thống Donald Trump, chỉ trích Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI nghe trộm điện thoại nhiều thành viên trong êkíp của ông Trump trong thời gian vận động tranh cử tổng thống.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau buổi tường trình ở Thượng Viện về cuộc điều tra. Ảnh ngày 21/06/2017. Reuters
Cụ thể hơn, nội dung văn bản nói trên gồm những gì và tại sao tài liệu mật này lại có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ? Thông tín viên RFI từ Washington, Anne Corpet giải thích :
"Văn bản mật dài 3 trang rưỡi, do phe Cộng Hòa tại Hạ Viện Mỹ soạn thảo, chỉ liên quan đến một khía cạnh nhỏ của cuộc điều tra về nghi án Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều yếu tố khác của vụ việc đã bị bỏ qua. Đây là một bản ghi nhớ không đầy đủ về một hồ sơ vô cùng phức tạp với rất nhiều ngõ ngách. Đó chính là lý do khiến Cục Điều Tra Liên Bang FBI và nhân vật số 2 trong bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phản đối việc cho công bố tài liệu mật nói trên.
Thế nhưng, theo quan điểm của Donald Trump, văn bản này đủ để mọi người hoài nghi về tính trung thực trong cuộc điều tra mà công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến hành. Ngay sau khi cho phép giải mật bản ghi nhớ của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, tổng thống Donald Trump tuyên bố : "Đây là một vụ tai tiếng đang diễn ra trên đất nước của chúng ta. Nhiều người phải lấy làm xấu hổ và còn hơn thế nữa. Rồi chúng ta sẽ thấy chuyện gì xảy ra sau đó. Nhưng nhiều người phải lấy làm hổ thẹn".
Qua mạng Twitter, tổng thống Hoa Kỳ đã trực tiếp nghi ngờ về tính trung thực của FBI và nhiều quan chức cao cấp trong bộ Tư Pháp. Phe Dân Chủ cảnh cáo là trong trường hợp cách chức công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay cấp trên của ông này, đây sẽ là một hành vi cản trở tư pháp và điều đó có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về định chế".
Văn bản mật nói gì ?
Văn bản mật do các nghị sĩ Cộng Hòa soạn thảo và vừa được tổng thống Donald Trump giải mật bày tỏ những "mối quan ngại về tính chính đáng và tính hợp pháp" của một số hành động của FBI và bộ Tư Pháp Mỹ.
Chiếu theo một đạo luật được thông qua cách đây 40 năm, Foreign Intelligence Surveillance Act – FISA, các nhà điều tra của bộ Tư Pháp Mỹ phải trình cho một thẩm phán liên bang những yếu tố cho thấy một cá nhân nào đó bị nghi là đang bí mật làm việc cho một nước ngoài, để được quyền nghe lén điện thoại của người đó.
Theo nội dung văn bản mật vừa được công bố, để được ngành tư pháp cấp phép nghe lén điện thoại, bộ Tư Pháp và cơ quan FBI đã dựa trên những thông tin do một cựu điệp viên Anh Quốc, Christopher Steele thu thập được. Nhân vật này đã làm việc trong khuôn khổ một công tác do đảng Dân Chủ và êkíp tranh cử của bà Hillary Clinton tài trợ, cho nên bị xem là có lập trường chống Trump.
Văn bản mật cũng khẳng định là khi xin phép nghe lén điện thoại ông Carter Page, từng là một thành viên trong êkíp tranh cử của Donald Trump, bốn lãnh đạo cao cấp của FBI và của bộ Tư Pháp đã cố tình không nói đến động cơ chính trị của cựu điệp viên Steele. Hơn nữa bản thân Steele là một nhân vật bị xem là không đáng tin cậy, vì đã nói dối với FBI về những mối liên hệ của ông và đã tiết lộ các thông tin cho báo chí, vi phạm quy định về bảo mật của giới tình báo.
Văn bản mật "quên" nói những gì ?
Thế nhưng văn bản mật vừa được công bố lại không nói rõ là ông Carter Page đã bị FBI tình nghi từ năm 2013, tức là từ lâu trước khi cựu điệp viên Steele được giao điều tra về nhân vật này. Văn bản cũng không nói rõ là hồ sơ của Steele không phải là khởi điểm của cuộc điều tra của FBI về khả năng đã có sự thông đồng giữa Matxcơva với êkíp tranh cử của Donald Trump. Cuộc điều tra này chỉ được mở ra vào tháng 07/2016, sau khi cơ quan tình báo Mỹ ghi nhận đã có rất nhiều liên lạc giữa phía Nga với các nhân vật thân cận của ứng cử viên Cộng Hòa.
Ngoài ra, văn bản mật nói trên quên nói rằng việc sử dụng những thông tin từ những nhân vật có các thành kiến hoặc che giấu những ý đồ không phải là chuyện hiếm có. Tùy thẩm phán liên bang đánh giá những thông tin đó đáng tin cậy đến mức nào, rồi từ đó ra quyết định có cho phép nghe lén điện thoại hay không.
Thanh Hà, Thanh Phương
******************
Bản ghi nhớ Nunes ảnh hưởng ra sao đến chính trị Mỹ ? (CaliToday, 03/02/2018)
Tổng thống Donald Trump muốn công khai biên bản ghi nhớ của Đảng Cộng Hòa chấp bút, nhằm cáo buộc cuộc điều tra Nga đã thiên vị chống lại ông và một số người thân tín.
Tuy nhiên, nó không hề nhắc đến công tố viên đặc biệt Robert Mueller, dù chỉ một lần. Và nó cũng không đưa ra nhiều lý do để ông Trump có thể gây khó dễ cho thứ trưởng Tư Pháp Rod Rosenstein – người đã giám sát cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.
Dù vậy, Tổng thống đã tweet sáng thứ Bảy từ khu nghỉ dưỡng ở Florida của mình rằng "bản ghi nhớ đã chứng minh ông trong sạch trong cuộc điều tra Nga". Đây là bình luận công khai đầu tiên của ông Trump về vấn đề này từ khi biên bản được công bố vào sáng hôm qua.
Tổng thống cũng nói thêm rằng : "Cuộc Săn Phù thủy Nga vẫn tiếp tục dai dẳng. Không có sự Thông Đồng và không có sự Cản Trở (từ ngữ được sử dụng bây giờ, bởi vì sau một năm điều tra mà KHÔNG tìm ra được gì, thông đồng đã chết). Đây là sự ô nhục cho người dân Mỹ !"
Tòa án Mỹ - Ảnh minh họa (Photo Credit : Bloomberg)
Cố vấn cấp thấp
Ông Nunes công bố biên bản ghi nhớ do Cộng Hòa chấp bút vào hôm thứ Sáu sau khi được Tổng thống Trump phê chuẩn. Biên bản ghi nhớ này cáo buộc các viên chức FBI và Bộ Tư Pháp thiên vị chống lại ban vận động của ông Trump trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra Nga, vì họ không cho tòa FISA biết chính Đảng Dân Chủ là người trả tiền lập bộ hồ sơ mà họ dùng để xin lệnh nghe lén một cố vấn cấp thấp của ông Trump.
Đảng Dân Chủ cho rằng biên bản này là không chính xác và gây hiểu lầm. Nhưng một số quan chức Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi hủy cuộc điều tra chiến dịch của ông Trump và Nga.
Con trai cả của Tổng thống – Donald Trump Jr. cho biết : "Đáng lẽ đến đây là chấm hết rồi".
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Cộng Hòa đã lên tiếng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào sử dụng bản ghi nhớ để làm căn cứ hủy cuộc điều tra Mueller hay sa thải thứ trưởng Tư pháp Rosenstein.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người ủng hộ công khai hóa ghi nhớ Nunes, cho biết hôm thứ Sáu rằng việc này nên được xem xét một cách độc lập và không được dùng nó để "giảm sự toàn vẹn của hệ thống Tư pháp và FBI".
"Tự tin 100%"
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện – Dân biểu Trey Gowdy (Cộng Hòa – South Carolina), nhà lập pháp Cộng Hòa duy nhất trong Ủy ban Tình báo Hạ viện được xem thông tin tình báo mật, được sử dụng để viết biên bản ghi nhớ.
Ông Gowdy viết trên Twitter rằng : "Như tôi đã nói nhiều lần, tôi tự tin 100% với công tố viên đặc biệt Robert Muller. Nội dung của bản ghi nhớ này không làm mất uy tín của cuộc điều tra".
Cuộc điều tra của ông Mueller đã tóm được 4 cộng sự của Trump, với nhiều cáo buộc chống lại Cựu Trưởng ban Vận động Paul Manafort và trợ lý Rick Gates, lời nhận tội từ cố vấn chiến dịch George Papadopoulos và Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn.
Còn nhiều cộng sự của Trump bị nhòm ngó, chính vì vậy ông cần phải có những đòn quyết định để chấm dứt cuộc điều tra của ông Mueller. Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa – Arizona) nói rằng thứ trưởng Tư pháp Rosenstein và những người khác là "kẻ phản bội" khi ký lệnh cho phép nghe lén ông Carter Page – cựu cố vấn của Trump, và ông sẽ gửi thư đến Tổng trưởng Tư pháp Jeff Sessions để kêu gọi truy tố những người này.
Bộ hồ sơ gây tranh cãi
Bản ghi nhớ nhắc đến thứ trưởng Tư pháp Rosenstein hai lần, và cho biết ông này đã ký ít nhất một lệnh nghe lén. Nhưng bản ghi nhớ không đề cập đến ông Mueller và chỉ xoáy vào những giới hạn trong cuộc điều tra Nga của FBI.
Bản ghi nhớ cũng cho thấy Phó Giám đốc FBI – khi đó là ông Andrew McCabe – đã khai với Ủy ban Tình báo Hạ viện là FBI sẽ không thể có được lệnh nghe lén nếu không có thông tin từ bộ hồ sơ do cựu điệp viên Anh Christopher Steele lập nên, theo đơn đặt hàng của công ty nghiên cứu chính trị Fusion GPS.
Tuy nhiên, Dân biểu Adam Schiff cho biết lời khai của ông McCabe đã bị "cắt lọc", và bỏ qua phần lời khai về nguồn gốc cuộc điều tra là không liên quan đến bộ hồ sơ.
Ông Schiff đang nỗ lực để Đảng Dân Chủ công khai hóa biên bản ghi nhớ phản biện của mình.
"Nỗ lực chính trị"
Nhà lập pháp California – Dân biểu Adam Schiff nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng tòa FISA có biết về động cơ chính trị của bộ hồ sơ Steele. Ông Schiff cho biết trong đơn xin cấp lệnh nghe lén không có tên Clinton là vì các quan chức Mỹ cố hạn chế đưa danh tính công dân Mỹ vào đơn.
Bản ghi nhớ này làm rõ một vấn đề là FBI đã điều tra Nga và những liên quan với phụ tá Trump, trước khi FBI để mắt tới ông Page. Bản ghi nhớ cũng cho biết là FBI bắt đầu điều tra ông Papadopoulos vào 07/2016, ba tháng trước khi họ xin lệnh đầu tiên để nghe lén ông Page.
Phó tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Raj Shah nói với CNN vào tối thứ Sáu rằng : "Không có gì thay đổi ở Bộ Tư Pháp cả. Chúng tôi hoàn toàn mong đợi ông Rosenstein tiếp tục công việc của mình". Nhưng một số nhà lập pháp Dân Chủ và những người khác lo điều ngược lại có thể xảy ra.
"Đàm tiếu là thứ rẻ mạt"
Ronald Hosko, cựu Trợ lý Giám đốc của Phòng điều tra hình sự FBI, hiện nay là Chủ tịch của Quỹ Bảo vệ Pháp lý cho Lực lượng Thực thi Pháp luật, nói : "Đây là một nỗ lực chính trị để làm mất uy tín của FBI và cuối cùng là làm mất uy tín của bất cứ điều gì liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller".
Ông Hosko nói thêm : "Việc công khai bản ghi nhớ là để tạo những mối nghi ngờ về FBI và gặm nhấm cuộc điều tra Mueller để họ sớm đưa ra kết luận. Thế thôi".
Sau khi nói chuyện với một số quan chức FBI trước khi biên bản ghi nhớ được công khai, ông Hosko cho biết có vẻ như Giám đốc FBI Christopher Wray không muốn tham gia vào cuộc chiến về bản ghi nhớ. Thay vào đó, ông Wray muốn tiếp tục tập trung vào công việc.
Sau khi bản ghi nhớ được công bố, ông Wray đã gửi lời động viên đến các nhân viên của mình rằng : "Đàm tiếu là thứ rẻ mạt. Công việc mà các bạn đang làm mới thật sự có giá trị".
Hiện vẫn chưa rõ liệu bản ghi nhớ này có ảnh hưởng đến mối quan hệ của ông Trump với công tố viên đặc biệt Mueller và cuộc điều tra hay không.
Hợp tác điều tra
Cho đến thời điểm này, nhóm pháp lý của Trump vẫn hợp tác chặt chẽ với ông Mueller với hy vọng cuộc điều tra sẽ khép lại sớm nhất. Họ không chống lại việc bàn giao tài liệu hoặc thu xếp phỏng vấn với những nhân viên Tòa Bạch Ốc. Các luật sư hiện đang thảo luận về các điều khoản của cuộc phỏng vấn giữa Trump và Mueller, có thể diễn ra trong vài tuần tới, một nguồn tin cho hay.
Nhưng có vẻ cuộc điều tra sẽ không kết thúc nhanh như các luật sư của Trump mong đợi. Luật sư Tòa Bạch Ốc Ty Cobb đã nói vào tháng 8 rằng ông hy vọng cuộc điều tra sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào rõ ràng về việc khi nào cuộc điều tra này sẽ đi đến hồi kết. Các luật sư có thể bắt đầu thiếu kiên nhẫn với cuộc điều tra của Mueller nếu nó kéo dài sau khi họ phỏng vấn Tổng thống, một nguồn tin cho hay.
Ông Mueller đã có cuộc phỏng vấn bổ sung với cựu phát ngôn nhân của nhóm pháp lý Trump – Mark Corallo, một nguồn tin cho hay. Ông Mueller dự kiến sẽ hỏi ông Corallo về việc soạn thảo một tuyên bố cho con trai Tổng thống – Donald Trump Jr., về cuộc gặp mặt giữa ông Trump Jr. và một luật sư Nga, vì bà này có thông tin về sai phạm trong chiến dịch của Clinton. Ông Mueller cũng cho biết ông muốn phỏng vấn cựu chiến lược gia Steve Bannon, dù chưa xác định khi nào.
Nam Phố (Theo Bloomberg)
*****************
Donald Trump tuyến bố bản memo đã minh oan cho ông trong vụ điều tra Nga (CaliToday, 03/02/2018)
Hôm thứ bảy 3/2 Tổng thống Trump gửi ra Twitt trong đó ông nhận định là ‘bản memo khi được công bố đã hoàn toàn minh oan cho ông nhưng cho vụ điều tra Nga thật là một chuyện xấu xa’. Ông viết : "Vụ ‘truy tìm phù thủy’ chắc chắn sẽ tiếp tục, dù không có thông đồng cũng chả có cản trở công lý nào cả"
Hôm thứ sáu, Tổng thống Trump đã quyết định cho công bố bản ghi nhớ này, dù có nhiều phản đối trước đó của nhiều viên chức lãnh đạo của FBI và của Bộ Tư Pháp. Tuyên bố với các ký giả, Tổng thống Trump nói : "Tôi nghĩ đây là một chuyện xấu xa, nhiều ngưòi chắc chẳn phải lấy làm hổ thẹn về chính mình"
Trong bản ghi nhớ có tố cáo các viên chức cao cấp của Bộ Tư Pháp đã sử dụng một cách sai trái một taài liệu mang tên ‘tài liệu Steele’ nhằm có được trát tòa nhằm theo dõi ông Carter Page, cựu cố vấn cao cấp trong ban vận động tranh cử của ông Trump.
Bên Cộng Hòa dùng cơ hội khi bản memo được công bố, nhằm chứng minh là việc điều tra của Bộ Tư Pháp về chuyện Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016, dưới sự lãnh đạo hiện nay của ông Robert Mueller, là một ‘việc làm đầy thiên kiến’
Donald Trump viết : “Vụ ‘truy tìm phù thủy’ chắc chắn sẽ tiếp tục, dù không có thông đồng cũng chả có cản trở công lý nào cả” - Photo Credit : Jonathan Ernst
Các nhà lập pháp Dân Chủ thuộc Ủy ban Tình báo Hạ Viện thì công kích dữ dội quyết định của Cộng Hòa khi bỏ phiếu cho phép công bố bản memo rồi chuyển qua cho Tổng thống Trump, vì theo họ, tài liệu này trình bày sai các thông tin nhạy cảm và không cung cấp một toàn cảnh chính xác của mọi chuyện.
Trong tuyên bố, các nhà lập pháp Dân Chủ hôm qua có nói : "Bản memo không cung cấp toàn cảnh mọi chuyện, nhất là tại sao lại phải điều tra và khi bắt đầu điều tra, FBI đã làm gì và tại sao hiện nay ủy ban điều tra đặc biệt vẫn phải làm công việc của họ về chuyện Nga chen vào bầu cử Mỹ"
Trần Vũ